Khánh Hòa: Duy trì thường xuyên việc quán triệt Thông tư liên tịch số 11.

28/09/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra hoạt động công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của tỉnh Khánh Hòa năm 2015, vừa qua (từ ngày 08/9 đến ngày 11/9/2015), Đoàn liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng cấp tỉnh gồm đại diện Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh do lãnh đạo Sở Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra các cơ quan tiến hành tố tụng (Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) tại 04 huyện, thị xã: Khánh Vĩnh, Vạn Ninh, Cam Lâm và Ninh Hòa.

Qua làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn 04 huyện, thị xã cho thấy, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các địa phương cơ bản thực hiện đúng các quy định của Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 11) và Kế hoạch hoạt động liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2015 của tỉnh. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại Phòng tiếp công dân, Phòng xét xử, Nhà tạm giữ và nơi sinh hoạt chung của người bị tạm giam, tạm giữ của cơ quan Công an; phân công cán bộ tiếp công dân hướng dẫn, giải thích cho người đang bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác biết về quyền được trợ giúp pháp lý và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý. Việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho Luật sư được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự…  

Đoàn kiểm tra đề nghị, thời gian tới, lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng của đơn vị được kiểm tra cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, thường xuyên tổ chức quán triệt các quy định của Thông tư liên tịch số 11 và các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý đến cán bộ, công chức trong đơn vị, chú trọng mở rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã (đặc biệt là cán bộ công an xã, thị trấn) để giúp họ nắm vững các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, qua đó có điều kiện thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng dẫn người dân khi có nhu cầu giúp đỡ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; bố trí kinh phí hợp lý phục vụ công tác phối hợp liên ngành ở đơn vị mình, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động phối hợp đạt được kết quả cao hơn; tích cực, chủ động phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và Chi nhánh trợ giúp pháp lý trên địa bàn trong công tác truyền thông, cung cấp kịp thời mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được hưởng quyền trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định pháp luật và Thông tư liên tịch số 11...

             Hải Dương

Xem thêm »