Ninh Bình : Đẩy mạnh công tác Trợ giúp pháp lý tới các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn

29/09/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Với chức năng trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, trong những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật, đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài cũng như các vụ khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tỉnh Ninh Bình có 11 xã nghèo, 6 xã bãi ngang ven biển và 34 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2014, công tác trợ giúp pháp lý cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc “giảm nghèo” về kiến thức pháp luật cho những đối tượng cư trú tại vùng khó khăn này, cụ thể:

Thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 – 2020 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 59), Trung tâm đã chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý như: biên soạn, in ấn, phát hành miễn phí tờ gấp pháp luật, cẩm nang pháp luật và các tài liệu pháp luật khác; đặt bảng thông tin về hoạt động trợ giúp pháp lý tại trụ sở UBND xã và nhà văn hóa các thôn, bản đặc biệt khó khăn; niêm yết danh sách, địa chỉ, số địa thoại của các tổ chức trợ giúp pháp lý, người thược hiện trợ giúp pháp lý tại trụ sở Trung tâm và Chính nhánh của Trung tâm.

          Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý để có kế hoạch truyền thông và trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật kịp thời cho các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý nói riêng và người dân có nhu cầu được trợ giúp pháp lý nói chung. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Trung tâm đã triển khai được 51 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại 11 xã nghèo, 6 xã bãi ngang ven biển và 34 thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần của Quyết định số 59, thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho 420 người (172 nam, 248 nữ), tróng đó: 112 người có công với cách mạng, 174 người nghèo, 38 người dân tộc thiểu số, 8 người khuyết tật, 16 người chưa thành niên, 01 người già, 04 người thuộc đối tượng khác và 65 người không thuộc diện với 420 vụ việc (hình sự 19, dân sự 60, Hôn nhân gia đình 54, hành chính 9, đất đai 160, lao động 01, chính sách xã hội 78 và lĩnh vực khác 39).

Hoạt động của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cũng được duy trì thường xuyên, hiện các xã nghèo, các xã bãi ngang ven biển và các xã có thôn, bản đặc biệt khó khăn đã thành lập được Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý sinh hoạt đều đặn theo đình kỳ 1 buổi/tháng tại hội trường nhà văn hóa xã hoặc tại nhà văn hóa của các thôn, bản. Thông qua các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và hạn chế những tranh chấp nhỏ tại địa phương.

Đặc biệt với những hoạt động, giải pháp thiết thực của Trung tâm trong thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý đã đến được với người dân, đã có nhiều đối tượng tìm đến Trung tâm khi họ có vướng mắc về pháp luật cần được giúp đỡ. Qua đó, hoạt động trợ giúp pháp lý của Trung tâm đã góp phần giải toả những vướng mắc về pháp luật, hạn chế những phát sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, giúp người dân nâng cao ý thức và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư vì mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

        Đoàn Thị Ngọc Hải

    Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

Xem thêm »