Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình - 18 năm hình thành và phát triển

29/09/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình được thành lập từ năm 1997 trên cơ sở Quyết định số 1159/QĐ-UB ngày 06/10/1997 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình. Ngày đầu thành lập, Trung tâm chỉ có 03 biên chế. Đến nay Bộ máy tổ chức của Trung tâm đã được củng cố và kiện toàn với 17 cán bộ, viên chức (trong đó có 07 Trợ giúp viên pháp lý); 02 Phòng chuyên môn (Phòng Hành chính – tổng hợp và Phòng Quản lý nghiệp vụ); 01 Chi nhánh trợ giúp pháp lý có trụ sở đặt tại thành phố Tam Điệp; 44 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và 87 Cộng tác viên pháp lý. Qua 18 năm hoạt động, Trung tâm đã khẳng định được vị trí, vai trò trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật cho người dân địa phương nói chung và các đối tượng được thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí nói riêng.

 

Tập trung bám sát nội dung các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, hàng năm Trung tâm đã chủ động xây dựng chương trình công tác năm trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt để triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý một cách kịp thời, hiệu quả  (xây dựng kế hoạch hoạt động trợ giúp pháp lý; kế hoạch hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động theo định kỳ 06 tháng và dự kiến cụ thể số cuộc trợ giúp pháp lý tại cơ sở trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong tỉnh; xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý theo nguồn Qũy trợ giúp pháp lý Việt Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình bình đẳng giới, Chương trình trẻ em, Chương trình hỗ trợ người khuyết tật…); Triển khai thực hiện Quyết định số 511/QĐ-UBND ngày 25/07/2013 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg  ngày 24/12/2-1012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 – 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình…

Qua 18 năm kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã thực hiện tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 8902 trường hợp với 8902 vụ việc, chủ yếu thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, chính sách, hành chính và lĩnh vực pháp luật khác; cử Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư là cộng tác viên tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 629 đối tượng chủ yếu thuộc lĩnh vực pháp luật hình sự.

Hoạt động trợ giúp pháp lý hướng về cơ sở luôn được Trung tâm chú trọng đẩy mạnh, Trung tâm đã phối hợp với Hội Luật gia tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh và Phòng Tư pháp, Hội Nông dân, Hội phụ nữ các huyện, thành phố, thị xã tổ chức được 627 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã, phường, thị trấn, thực hiện tư vấn pháp luật cho 9.214 trường hợp, đồng thời cấp phát miễn phí hơn 20.000 tờ gấp pháp luật cho nhân dân tham dự các buổi trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, thị trấn đôn đốc, hướng dẫn các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý duy trì sinh hoạt hàng tháng, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ, thường xuyên cử cán bộ xuống tham dự sinh hoạt của các Câu lạc bộ, đồng thời đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động hàng tháng cho 44 Câu lạc bộ từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn quỹ TGPL Việt Nam. Trong 18 năm qua, các Câu lạc bộ TGPL đã tổ chức hơn 9000 buổi sinh hoạt, phần lớn nội dung sinh hoạt theo chuyên đề pháp luật, tuyên truyền pháp luật và thực hiện tư vấn pháp luật, giải đáp vướng mắc pháp luật cho 1.200 trường hợp chủ yếu về lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình và một số chính sách xã hội mới của Nhà nước.

Thực hiện thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (nay là Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 thay thế Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT), Trung tâm đã tham mưu với Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh tổ chức 12 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh; chỉ đạo các ngành thành viên và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh  cử cán bộ tham gia để kiện toàn, bổ sung thành viên Hội đồng  phối hợp liên ngành và Tổ giúp việc theo Thông tư liên tịch số 11/2013.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã chủ trì và phối hợp tổ chức 20 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về trợ giúp pháp lý (Luật TGPL năm 2006, Nghị định số 14/2013/ NĐ-CP…), các văn bản pháp luật mới, các chính sách giảm nghèo, bình đẳng giới, trẻ em và kỹ năng tư vấn pháp luật nhằm nâng cao năng lực TGPL các Cộng tác viên TGPL, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh, Lãnh đạo UBND và công chức Tư pháp – hộ tịch, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL, Trưởng thôn, phố, xóm trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực trợ giúp pháp lý cho người nghèo tới thành viên Ban Chủ nhiệm 44 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và tuyên truyền chính sách giảm nghèo tại 8 huyện, thành phố, thị xã và 10 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các Cộng tác viên trợ giúp pháp lý, 146 công chức tư pháp hộ tịch cấp xã và thành viên Ban Chủ nhiệm 44 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý về kiến thức pháp luật và kỹ năng tư vấn cho trẻ em, người bị bạo lực gia đình; Thành lập điểm 02 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, tổ chức in ấn và cấp phát miễn phí 22.000 tờ gấp pháp luật cho các gia đình nuôi dưỡng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh…

Để đạt được những thành tích nêu trên, trong suốt 18 năm hình thành và phát triển, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Lãnh đạo Sở Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp trong việc chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ; sự đoàn kết đồng lòng của đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm; sự đồng tình ủng hộ của của các cấp chính quyền địa phương; sự phối kết hợp nhịp nhàng của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh./.

    Đoàn Thị Ngọc Hải

                                                                                                         Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

Xem thêm »