Trà Vinh: Kết quả kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2015

30/09/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch số 1047/KH-HĐPHLN ngày 16/7/2015 của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng về việc kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2015 và Quyết định số 69/QĐ-HĐPHLN ngày 29/7/2015 của Hội đồng phối hợp liên ngành về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2015. Trong 04 ngày từ ngày 18/8 đến ngày 21/8/2015, Đoàn kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2015 đã tiến hành kiểm tra tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Trà Vinh, 02 Chi nhánh của Trung tâm vàcác cơ quan tiến hành tố tụng các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Tham gia Đoàn kiểm tra bao gồm: Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành làm trưởng đoàn và thành viên Tổ giúp việc của Hội đồng phối hợp liên ngành. Qua kiểm tra cho thấy kết quả như sau:

Đối với Trung tâm trợ giúp pháp lý và 02 Chi nhánh:

Về công tác truyền thông trợ giúp pháp lý: Trong năm 2015, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành trong việc phối hợp với các ngành thành viên cấp phát 100 quyển Cẩm nang phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, 18 bảng “Trợ giúp viên pháp lý” và các tài liệu có liên quan về trợ giúp pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã cung cấp các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có sửa đổi bổ sung, thay thế cho các thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ.

Về công tác tập huấn: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Trà Vinh đã tham mưu cho Sở Tư pháp tổ chức 03 cuộc Hội nghị tập huấn về trách nhiệm phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2015 cho đối tượng là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán,Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Đại diện lãnh đạo Nhà tạm giữ Công an các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua 03 cuộc tập huấn có 94 đại biểu tham dự.

          Về công tác tham gia tố tụng: từ ngày 01/10/2014 đến ngày 30/7/2015, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Trà Vinh và Chi nhánh thuộc Trung tâm đã tiếp nhận được 157 vụ việc cử Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý là luật sư tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến và do người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân của họ đến yêu cầu.

Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng: Nhìn chung các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đầy đủ việc niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại địa điểm tiếp dân ở trụ sở cơ quan , đồng thời niêm yết Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý trong buồng giam để các đối tượng được trợ giúp pháp lý có thể tiếp cận đến thông tin trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có giải thích cho bị can, bị cáo và các đương sự khác về quyền được được giúp pháp lý và giới thiệu họ đến Trung tâm trợ giúp pháp lý và Chi nhánh trực thuộc Trung tâm khi đối tượng có yêu cầu. Việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của  đương sự trong các vụ án dân sự được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đảm bảo tính kịp thời. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi bảo đảm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh còn một số hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới như:

Đối với Trung tâm trợ giúp pháp lý:một số Trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa phần nào đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Đối với Công an cấp huyện: nhìn chung đối với việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đương sự khác thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý và việc mở sổ theo dõi thống kê vụ việc trợ giúp pháp lý của cơ quan điều tra được thực hiện đầy đủ đúng theo yêu cầu của Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC về việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng(Thông tư liên tịch số11), tuy nhiên cũng còn một số đơn vị chưa thực hiện. Việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý phần lớn tập trung ở bị can, bị cáo chưa chú trọng giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho bị hại và các đương sự khác trong vụ án hình sự. Một số trường hợp việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý không được thực hiện ở giai đoạn ngay sau khi thụ lý vụ án mà chỉ giải thích quyền được trợ giúp pháp lý khi gần kết thúc điều tra.

          Đối với Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện: Viện kiểm sát có giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho người dân nhưng chưa cụ thể, rõ ràng, việc giải thích quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí chưa được ghi vào biên bản tố tụng để lưu trong hồ sơ vụ án theo quy định; chưa mở sổ theo dõi, thống kê đối tượng được trợ giúp pháp lý và vụ việc được trợ giúp pháp lý theo mẫu thống kê của Thông tư liên tịch số 11, dẫn đến số liệu báo cáo phục vụ cho Đoàn kiểm tra liên ngành không cụ thể. 

Đối với Tòa án nhân dân cấp huyện: một số Tòa án không ghi biên bản giải thích quyền được trợ giúp pháp lý để lưu trong hồ sơ vụ án; không mở sổ theo dõi, thống kê đối tượng được trợ giúp pháp lý và vụ việc được trợ giúp pháp lý theo mẫu thống kê của Thông tư liên tịch số 11; chưa quán triệt sâu rộng đến thẩm phán nắm vững nội dung  Thông tư liên tịch số 11 và chưa nắm vững diện người được trợ giúp pháp lý miễn phí, từ đó đã bỏ sót rất nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí.Vì vậy, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý thông qua hình thức tham gia tố tụng do Tòa án hướng dẫn đến Trung tâm chưa nhiều, chưa đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí đối với người nghèo, người thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số…Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, tuy nhiên, Toà án chưa thông báo lịch xét xử bằng văn bản cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Ngoài những tồn tại hạn chế nêu trên của các cơ quan tiến hành tố tụng trong  năm 2015 vẫn còn một số đơn vị chưa chủ động cấp các văn bản tố tụng như: Kết luậnđiều tra, cáo trạng, bản án…cho người thực hiện trợ giúp pháp lý mà chỉ khi được yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng mới cấp, từ đó làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và thời gian thanh quyết toán các chế độ  chính sách đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Qua đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra đánh giá cao và ghi nhận những kết quả mà các cơ quan tiến hành tố tụng của địa phương đã làm được trong triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 11, đồng thời cũng đề nghị các cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phối hợp giữa các cơ quan để thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Phạm Thị Thiên Phương

Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Trà Vinh

Xem thêm »