Giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội

18/08/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 17/8/2020, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức cuộc họp giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến vững đến năm 2020 và các Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 và Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 22/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Cuộc họp do bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì, có sự tham gia của các thành viên Ủy ban và các Bộ, ngành: Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo,….
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đại diện Bộ Tư pháp tham dự và trình bày báo cáo kết quả chính sách trợ giúp pháp lý theo Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 2324/QĐ-TTg của Chính phủ. Theo đó, Bộ Tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, cụ thể: tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật TGPL năm 2017 với 100% đại biểu có mặt tán thành. Luật TGPL đã mở rộng diện người được TGPL, trong đó có người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình trên cơ sở tích hợp Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong giai đoạn từ năm 2015 - tháng 6/2020, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện được 413.143 vụ việc trợ giúp pháp lý với 336.761 vụ việc tư vấn pháp luật, 64.741 vụ việc tham gia tố tụng, 1.786 vụ việc đại diện ngoài tố tụng và 9.855 vụ việc khác cho 413.143 đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó có 93.582 người nghèo, 104.160 người dân tộc thiểu số, 50.891 người có công với cách mạng,… Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân, đặc biệt có những vụ việc được tuyên trắng án, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã trao đổi, làm rõ nội dung báo cáo của Bộ Tư pháp và các nhiệm vụ được giao cũng như có những đề xuất cụ thể các hoạt động trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo thời gian tới: nâng cao chất lượng, hiệu quả trợ giúp pháp lý; 100% người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đều được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu; tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý để người dân biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước,…
 

Xem thêm »