Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2020

14/01/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 31/12/2019, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương đã ban hành Kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2020 (kèm theo Quyết định số 3224/QĐ-HĐPH ngày 31/12/2019).

Mục đích của Kế hoạch phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2020 (sau đây viết tắt là Kế hoạch) nhằm xác định rõ nội dung công việc nhằm tăng cường triển khai có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 10). Từ đó, nâng cao chất lượng, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, bảo đảm các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được kịp thời cung cấp thông tin và dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng tốt. Đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Thông tư liên tịch số 10 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, năm 2020 sẽ đẩy mạnh vai trò của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (sau đây viết tắt là Hội đồng) ở Trung ương, địa phương và Tổ giúp việc cho Hội đồng và nâng cao trách nhiệm các thành viên trong Hội đồng ở Trung ương và ở địa phương.

Các hoạt động của Kế hoạch năm 2020 tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục đôn đốc việc ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai Thông tư liên tịch số 10

Hiện nay một số ngành thành viên Hội đồng ở Trung ương và địa phương đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Thông tư liên tịch số 10. Trong năm 2020, các ngành thành viên Hội đồng ở Trung ương và Sở Tư pháp tiếp tục đôn đốc các ngành ở địa phương (Công an, Quốc phòng, Tòa án, Kiểm sát) ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Thông tư liên tịch số 10 (theo hướng dẫn tại Công văn số 2962/BTP-TGPL ngày 06/8/2019 của Hội đồng ở Trung ương về việc đề nghị ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai Thông tư liên tịch số 10).

 Họp Hội đồng Trung ương và Tổ giúp việc cho Hội đồng để đánh giá việc triển khai Thông tư liên tịch số 10

Trong năm 2020 Hội đồng Trung ương sẽ tổ chức họp Hội đồng Trung ương và Tổ giúp việc cho Hội đồng để đánh giá việc triển khai Thông tư liên tịch số 10 để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác phối hợp liên ngành trợ giúp pháp lý trong tố tụng.

Triển khai các hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

 Các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức của cán bộ trung ương, địa phương, người dân và người được trợ giúp pháp lý trong năm 2020 như: (1) Tiếp tục cung cấp, đặt, kiểm tra, thay thế Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật tại trụ sở các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam (đặt tại nơi người dân có thể dễ dàng đọc được thông tin về trợ giúp pháp lý, bảo đảm hiệu quả truyền thông); (2) Cung cấp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; Bảng thông tin về người được trợ giúp pháp lý, Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tôi, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Thông báo về trợ giúp pháp lý, Thông tin về trợ giúp pháp lý và Sổ theo dõi vụ việc trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam; (3) Cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác cho các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam được cung cấp; (4) Cung cấp băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý dạng âm thanh để truyền thông về trợ giúp pháp lý qua các phương tiện truyền thanh của cơ sở giam giữ (người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; địa chỉ, số điện thoại liên hệ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh…).

Kế hoạch cũng đề ra việc thực hiện đầy đủ hoạt động giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 (chú trọng bảo đảm việc thông báo về trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự được thực hiện theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10, ghi vào biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án) và thực hiện các hoạt động phối hợp khác để nâng số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được chuyển gửi tới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Tổ chức hội nghị, tập huấn để nâng cao năng lực, nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý

Năm 2020, Hội đồng ở Trung ương sẽ tổ chức soạn tài liệu tập huấn về Thông tư liên tịch số 10, Luật Trợ giúp pháp lý và các Bộ luật, luật tố tụng để cấp cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở giam giữ và trại giam.

Tiếp tục tập huấn chuyên sâu về Thông tư liên tịch số 10, Luật Trợ giúp pháp lý và các Bộ luật, luật tố tụng cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý, chú trọng tại các cấp cơ sở (có thể lồng ghép nội dung tập huấn về các văn bản trên cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông qua các hoạt động tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm). Tăng cường tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý (có nội dung tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý lĩnh vực hình sự cho người dưới 18 tuổi). Theo đó, Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý) tại Trung ương, Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) tại địa phương chủ trì tổ chức tập huấn cho thành viên Hội đồng và Tổ giúp việc cho Hội đồng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý. Các ngành thành viên của Hội đồng chủ trì tổ chức tập huấn cho người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc ngành mình.

Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức tọa đàm, hội nghị, giao ban trao đổi, rút kinh nghiệm giữa người thực hiện TGPL và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức (một số loại án khó tại địa phương, những kỹ năng của người thực hiện TGPL và việc thực hiện phối hợp của người tiến hành tố tụng tại địa bàn còn hạn chế, những nội dung phối hợp liên ngành còn vướng mắc…).

Xây dựng và triển khai Chương trình phối hợp về việc người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại một số cơ quan tiến hành tố tụng

Ở Trung ương, Thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương (Bộ Tư pháp) và các ngành thành viên khác của Hội đồng ở Trung ương chủ trì thực hiện. Sở Tư pháp và các ngành thành viên khác của Hội đồng ở địa phương tại một số tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình phối hợp. Ở địa phương,  Sở Tư pháp (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) và các ngành thành viên khác của Hội đồng ở địa phương tại một số tỉnh, thành phố nơi thực hiện Chương trình thực hiện.

Ngoài ra, Hội đồng tiếp tục thực hiện các hoạt động khác như: Hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10; tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10; củng cố, kiện toàn Hội đồng và Tổ giúp việc cho Hội đồng./.

(xem file cụ thể đính kèm)

Thanh Hà, Cục Trợ giúp pháp lý

 

 

 

Xem thêm »