Ra mắt dịch vụ trợ giúp pháp lý trả lương bình đẳng cho phụ nữ nghèo tại Anh

23/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày càng nhiều phụ nữ làm việc tại các vị trí và lĩnh vực mà từ trước đến nay chỉ dành cho nam giới. Khi phụ nữ không được trả lương bình đẳng, họ và cả gia đình của họ đều phải chịu thiệt hại. Trả lương bình đẳng không phải là trả lương cào bằng, mà là trả lương như nhau giữa nam và nữ, cho những công việc giống nhau, tương tự giống nhau hoặc công việc có giá trị như nhau.

Nhiều phụ nữ vẫn phải chịu sự khác biệt về lương và sự khác biệt này càng rõ rệt hơn đối với phụ nữ thiểu số và phụ nữ bị khuyết tật. Sự khác biệt về lương đã khiến cho người phụ nữ và gia đình của họ mất đi một phần tiền lương, lương hưu bị giảm đi và các khoản trợ cấp an sinh xã hội bị cắt giảm. Không ai có thể biện hộ được cho chế độ thu nhập bất bình đẳng, trừ khi công ty chứng minh rằng sự khác biệt về lương được tính toán dựa trên số năm làm việc, giá trị của công việc hoặc sự khuyến khích mang tính công bằng, hoặc một yếu tố khác không phụ thuộc vào giới tính nam nữ. Fawcett Society (tổ chức các chiến dịch thiện nguyện vì bình đẳng giới và quyền phụ nữ) và tổ chức pháp lý miễn phí YESS Law cho biết họ đã bắt đầu dịch vụ tư vấn về trả lương công bằng cho phụ nữ. Phụ nữ có quyền theo quy định của pháp luật đối với các cơ hội việc làm bình đẳng, bao gồm quyền được trả lương không có những thiên vị trái với luật pháp, và trong nhiều trường hợp, quyền được nói chuyện về lương với đồng nghiệp. Với việc ra mắt dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, phụ nữ Anh có thu nhập thấp sẽ nhận được hỗ trợ để yêu cầu tăng lương hoặc chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc dễ dàng hơn. “Tiếp cận với chuyên gia tư vấn pháp lý là rất quan trọng để phụ nữ hiểu vị trí của họ và được trao quyền để đưa ra vấn đề trả lương bình đẳng”, Emma Webster, luật sư cao cấp và giám đốc điều hành của YESS Law cho biết. Đã có nhiều cuộc tranh luận trên toàn thế giới về vấn đề phân biệt giới tính tại nơi làm việc, đặc biệt là sau khi đài truyền hình BBC của Anh tiết lộ rằng hai phần ba những người có thu nhập hàng đầu của họ là nam giới. Vấn đề đã trở thành một cuộc tranh luận rộng rãi về trả lương cho phụ nữ Anh với sự kiện cựu nữ Tổng biên tập chi nhánh Trung Quốc của đài BBC, bà Carrie Gracie từ chức để phản đối việc được trả lương ít hơn so với các đồng nghiệp nam. Bà Carrie Gracie đã quyên góp tất cả 361.000 bảng Anh (tương đương 474.281 đô la) mà bà nhận được từ bồi thường để giúp khởi động dịch vụ pháp lý này. “Cuộc đấu tranh đòi bình đẳng giới trong thu nhập thường khiến người phụ nữ trở nên đơn độc khi chống lại những ông chủ rất quyền lực” bà Gracie nói. “Tôi cảm thấy đặc biệt lo lắng cho những phụ nữ được trả lương thấp, những người có thể không đủ khả năng kinh phí để được tư vấn pháp lý và tôi hy vọng sự hỗ trợ từ dịch vụ tư vấn về trả lương tình đẳng mới của chúng tôi sẽ giúp họ tự tin theo đuổi các quyền của mình”, bà nói. Một phần ba phụ nữ ở nước này không nhận ra rằng việc trả tiền cho phụ nữ khác với nam giới cho cùng một công việc là bất hợp pháp, theo một cuộc khảo sát vào thứ Sáu của Fawcett Society và YESS Law. “Ở nhiều nơi làm việc trên cả nước, việc sự phân biệt đối xử có thể phát triển mạnh và phổ biến hơn là mọi người biết vì văn hóa giữ bí mật vẫn tồn tại”, Sam Smethers, người đứng đầu Hiệp hội Fawcett cho biết. “Người dân không biết các quyền cơ bản của họ”. Dịch vụ trợ giúp pháp lý ra mắt trước Ngày trả lương bình đẳng (Equal Pay Day) vào Thứ Bảy. Equal Pay Day (Ngày trả lương bình đẳng) là khái niệm nói về những ngày mà người lao động nam giới và nữ giới được trả thù lao tương đương nhau khi làm cùng một công việc. Sau ngày này, các nhân viên nam giới vẫn sẽ được hưởng lương, còn các đồng nghiệp nữ của họ sẽ phải làm "không công", do chênh lệch thu nhập giữa hai giới. Ngày này tượng trưng cho sự chênh lệch trung bình giữa phụ nữ và thu nhập theo giờ của nam giới trên toàn bộ nền kinh tế, ngày chính xác khác nhau theo năm và theo quốc gia. Chẳng hạn: nếu trong năm, trung bình phụ nữ của một quốc gia kiếm được ít hơn 13,7% so với nam giới thì nghĩa là họ bắt đầu làm việc miễn phí vào ngày 10 tháng 11. Ngày này nhắc nhở chúng ta về những điều kiện không bình đẳng mà phụ nữ vẫn phải đối mặt trong thị trường lao động. Nam giới ở Anh kiếm được trung bình nhiều hơn 18,4% so với phụ nữ, theo dữ liệu của chính phủ được công bố năm ngoái. Cũng như ở nhiều quốc gia, bất bình đẳng trong chi lương là một vấn đề dai dẳng mặc dù chống sự phân biệt giới tính đã được pháp luật quy định vào những năm 1970. Chính phủ của Anh năm ngoái đã đưa ra một đạo luật buộc tất cả các công ty có từ 250 công nhân trở lên phải công bố chi tiết về khoảng cách trả lương trung bình giữa đàn ông và phụ nữ. - Thanh Hà -

Xem thêm »