Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức Hội nghị “Đánh giá, giám sát nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025”

18/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2023, ngày 25/9/2023, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị “Đánh giá, giám sát nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” tại Thừa Thiên Huế.

Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế, Lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước cùng các trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên pháp lý các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Thọ, Sơn La và các đồng chí đại diện Phòng Tư pháp các huyện, đại diện UBND xã, công chức Tư pháp hộ tịch và đại diện các tổ chức đoàn thể các xã, cán bộ thôn, bản, cán bộ hội đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng của các xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí Vũ Thị Hoàng Hà –  Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Cù Thu Anh cho biết, năm 2021 và năm 2022, trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được ghi nhận trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Tại nội dung 05 - nội dung thành phần số 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 (phê duyệt theo Quyết định số 263/QĐ-TTg này 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ) có nội dung“Nâng cao nhận thức, thông tin về trợ giúp pháp lý; tăng cường khả năng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý,”; nội dung“nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình” được quy định nội dung 01 - nội dung thành phần số 11.  

 

Bộ Tư pháp đã ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã ban hành công văn số 1345/BTP-TGPL ngày 10/4/2023 thực hiện công văn số 1234/BTP-TGPL hướng dẫn triển khai nội dung trợ giúp pháp lý tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ. Theo đó, đã đề nghị Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động phối hợp với đơn vị chức năng của Ban Dân tộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các Sở, ngành có liên quan lập dự toán kinh phí, tham mưu cơ quan chủ quản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định và tổ chức triển khai có hiệu quả nội dung TGPL trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, đề án khác về TGPL hoặc có nội dung về TGPL.
Tại Hội nghị, các tham luận của Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, một số Trung tâm TGPL nhà nước và ý kiến phát biểu của các đại biểu đã đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả nội dung TGPL trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng như Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở Công văn số 1918/BTP-TGPL của Bộ Tư pháp về việc thực hiện một số nội dung của Chương trình, đã có 52 ở địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nội dung TGPL trong Chương trình.
Việc triển khai nội dung TGPL trong Chương trình đã được thực hiện đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương. Cục Trợ giúp pháp lý đã xây dựng và phát sóng các chương trình, phóng sự về vụ việc TGPL thành công trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng tài liệu truyền thông về TGPL, tổ chức các đợt truyền thông nâng cao nhận thức TGPL điểm theo địa bàn quy định thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ cấp xã, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ chi hội đoàn thể, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, bản…và người dân vùng nông thôn. Năm 2022 -2023, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức các Hội nghị giám sát, đánh giá nội dung về TGPL trong Chương trình tại Gia Lai, Bình Định và lồng ghép kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nội dung TGPL của Chương trình trong các đợt kiểm tra về công tác TGPL tại thành phố Hà Nội, các tỉnh Quảng Bình, Bình Định.

 

Tại địa phương, công tác truyền thông về TGPL đối với người dân vùng nông thôn tiếp tục được chú trọng và phát huy hiệu quả, tập trung vào những vấn đề thiết thực trong cuộc sống, tác động trực tiếp đến cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt ở nông thôn. Một số Trung tâm TGPL Nhà nước đã đổi mới hình thức truyền thông TGPL cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn như lồng ghép cuộc thi tìm hiểu pháp luật nhằm động viên, khuyến khích đối tượng tìm đọc, nâng cao hiểu biết pháp luật TGPL. Một số Trung tâm đã xây dựng tài liệu, tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về TGPL cho đội ngũ làm công tác TGPL và cán bộ cấp cơ sở, đại diện các tổ chức đoàn thể,... và người dân; biên soạn, in ấn cấp phát tờ rơi, tờ gấp về TGPL, tài liệu pháp luật phát miễn phí cho người dân nhằm giúp cho người dân, đặc biệt là những đối tượng đặc thù tại các vùng nông thôn thực hiện quyền được thụ hưởng chính sách TGPL miễn phí.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai nội dung TGPL trong Chương trình còn cố một số hạn chế như: cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong quá trình thực hiện chính sách về TGPL trong Chương trình chưa đồng bộ, dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện chính sách TGPL ở một số địa phương chưa cao; một số Sở Tư pháp chưa có điều kiện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên sâu và rộng rãi cho cơ sở dẫn đến một số nơi còn lúng túng về cách tiếp cận, triển khai chỉ tiêu về TGPL; một số phương chưa được cấp kinh phí hoặc kinh phí được cấp quá ít chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao nên khi triển khai CTMTQGNTM phải lồng ghép với nguồn kinh phí chung của Trung tâm; một số cuộc truyền thông về TGPL ở địa phương chưa thu hút được nhiều người dân tham gia.
Để tiếp tục triển khai nội dung TGPL trong Chương trình có hiệu quả, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp như: tăng cường các hoạt động truyền thông về TGPL đa dạng phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh; tiếp tục quan tâm, bố trí tăng định mức kinh phí phân bổ của Chương trình để Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp thực hiện nhiệm vụ được giao; nghiên cứu để có thể thực hiện phối hợp các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nhưng bảo đảm không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Vũ Thị Hoàng Hà – Phó Cục trưởng Cục TGPL đã ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, đề xuất trong thời gian tới Cục TGPL tiếp tục có giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn để triển khai có hiệu quả nội dung về TGPL trong Chương trình./.

 
                                                                                              Lê Thuý
 

Xem thêm »