Thực hiện Quyết định số 1355/QĐ-TTg ngày 12/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, sáng ngày 26/9/2017, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 cho các đại biểu tại khu vực phía Bắc. Tham dự hội nghị có đại diện các cơ quan, tổ chức: Vụ pháp luật – Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương; đại diện lãnh đạo các Sở Tư pháp, lãnh đạo các Trung tâm TGPL khu vực phía Bắc; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và một số tổ chức hành nghề luật sư, luật sư thành phố Hà Nội.
Ảnh: Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội nghị
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã trình bày những nội dung cơ bản và các hoạt động triển khai thi hành Luật. Bài trình bày đã nêu và phân tích 08 điểm mới nổi bật (1) Luật đã khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác TGPL và có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội; (2) Mở rộng diện người được TGPL theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất của TGPL và điều kiện đặc thù của đất nước; (3) Nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn tham gia thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGPL; (4) Tập trung thực hiện vụ việc TGPL theo đúng bản chất của hoạt động TGPL; (5) Bổ sung các quy định về trình tự thực hiện TGPL tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL, nhất là việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp lý trong hoạt động tố tụng; (6) Nâng cao vai trò của Sở Tư pháp thông qua việc ký hợp đồng với các tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; (7) Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động TGPL, đặc biệt quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng; (8) Sắp xếp, tinh gọn các Chi nhánh của Trung tâm TGPL của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quy định chặt chẽ điều kiện thành lâp Chi nhánh.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Minh- Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý phát biểu tại Hội nghị
Đồng thời, bài trình bày cũng đã nêu lên các hoạt động triển khai thi hành Luật trên cơ sở Quyết định số 1355/QĐ-TTg ngày 12/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL: (1) Tổ chức quán triệt, truyền thông về nội dung của Luật TGPL và hoạt động TGPL; (2) Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động TGPL; (3) Xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TGPL; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để bảo đảm phù hợp với Luật TGPL; (4) Nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử TGPL, phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động TGPL; (5) Nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện TGPL; (6) Rà soát người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL và người thuộc diện được TGPL trên địa bàn; (7) Cập nhật, công bố danh sách tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL trên địa bàn và các thủ tục hành chính theo quy định của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại Hội nghị còn có các tham luận từ đại diện Bộ Công an, Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL về những nội dung triển khai thực hiện Luật TGPL. Sau khi nghe các tham luận, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc cần phải có hướng dẫn để triển khai hiệu quả Luật này, ví dụ như vấn đề nguồn lực con người, nguồn lực tài chính; vấn đề phối hợp với các cơ quan, tổ chức đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải thích, giới thiệu người được TGPL; hướng dẫn để luật sư biết và chủ động trong việc tham gia triển khai Luật TGPL...
Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu chỉ đạo: Luật TGPL 2017 là một đạo luật rất quan trọng về quyền con người, thể hiện bản chất của nhà nước và cần có sự vào cuộc, đồng lòng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật này có nhiều điểm mới làm thay đổi cách thức thực hiện so với Luật hiện hành, đây là cơ hội rất lớn để các cơ quan tư pháp khẳng định vị trí của mình trong hệ thống nhà nước. Thứ trưởng khẳng định có rất nhiều việc phải triển khai trong thời gian tới, nhất là các địa phương, do đó đề nghị sớm ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL năm 2017 phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; tăng cường truyền thông về Luật TGPL; hoàn thiện thể chế; tăng cường đào tạo, tăng cường năng lực cho người thực hiện TGPL.../.