Từ ngày 26/10/2017- 27/10/2017, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do ông Cù Thu Anh - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý là Trưởng Đoàn đã làm việc với một số cơ quan, tổ chức tại Indonesia để khảo sát, trao đổi kinh nghiệm trợ giúp pháp lý tại quốc gia này, đặc biệt là những vấn đề mới mà Việt Nam đang chuẩn bị triển khai như việc ký hợp đồng trợ giúp pháp lý với các tổ chức hành nghề luật sư, phương pháp đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong trợ giúp pháp lý,…Tham gia đoàn công tác có bà Đỗ Thị Lan, Hàm Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ; ông Âu Danh Lâm, Vụ Pháp chế Bộ Tài chính và các cán bộ của Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp.
Đoàn đã làm việc với đại diện của Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, đại diện Văn phòng Ủy ban bảo vệ trẻ em Indonesia, trường đại học Luật Jentera và Cục phát triển luật pháp quốc gia Indonesia thuộc Bộ Pháp luật và Nhân quyền. Đoàn đã được bà Yuyum Fhahni Paryani- đại diện Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em, bà Ibu Rita Pratnawati - Phó giám đốc Ủy ban bảo vệ trẻ em Indonesia; bà Bivitri Susanti, Phó giám đốc Trường đại học luật Jentera, bà Enny Nurbaningsih Cục trưởng của Cục phát triển luật pháp quốc gia Indonesia (là cơ quan quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý) đón tiếp, giới thiệu về hệ thống trợ giúp pháp lý và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý tại Indonesia.
Cũng tương tự như ở Việt Nam, trợ giúp pháp lý ở Indonesia là dịch vụ pháp lý được cung cấp bởi người thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người được được trợ giúp pháp lý. Đối tượng được TGPL của Indonesia là người nghèo.
Cục xây dựng pháp luật quốc gia thuộc Bộ Pháp luật và Nhân quyền là cơ quan có nhiệm vụ xây dựng chính sách và các hướng dẫn trợ giúp pháp lý, các tiêu chuẩn trợ giúp pháp lý và cơ chế trợ giúp pháp lý; báo cáo hoạt động trợ giúp pháp lý gửi Quốc hội, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, theo dõi, giám sát hoạt động của các nhà cung cấp này.
Bộ là cơ quan tổ chức đánh giá và cấp phép cho các tổ chức cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo thời hạn 3 năm một lần và do Cục xây dựng pháp luật quốc gia tham mưu. Bộ thành lập một ủy ban để tiến hành đánh giá và cấp phép cho các tổ chức tham gia cung cấp trợ giúp pháp lý. Ủy ban này có các thành viên là đại diện của Bộ, các viện sỹ hàn lâm, các nhân vật quan trọng trong xã hội và những tổ chức/cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý.
Hiện có 405 tổ chức xã hội được lựa chọn từ 593 tổ chức phi Chính phủ để trực tiếp thực hiện TGPL. Các tổ chức này được xếp hạng A/B/C tùy thuộc số vụ việc mỗi tổ chức thực hiện, số luật sư, số cán bộ pháp lý bán chuyên.
Buổi làm việc và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý tại Cục phát triển luật pháp quốc gia Indonesia thuộc Bộ Pháp luật và Nhân quyền
Buổi làm việc và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý tại trường đại học Luật Jentera
Tổ chức cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có quyền tuyển luật sư, người hành nghề luật, giảng viên, sinh viên luật trong các khoa đào tạo luật, tổ chức trợ giúp pháp lý, tuyên truyền thông tin về pháp luật, tư vấn pháp lý và các hoạt động khác liên quan đến trợ giúp pháp lý, nhận kinh phí của nhà nước để thực hiện trợ giúp pháp luật, trình bày quan điểm hay kết luận để biện hộ cho vụ việc trong phạm vi trách nhiệm của mình trước tòa án phù hợp với quy định của pháp luật, thu thập thông tin hay các số liệu từ Chính phủ và các tổ chức khác để giúp giải quyết vụ việc và được nhận sự bảo vệ của pháp luật, an ninh, an toàn trong suốt quá trình hoạt động trợ giúp pháp lý.
Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng về các chương trình trợ giúp pháp lý, về việc chi ngân sách do chính phủ cấp để thực hiện trợ giúp pháp lý, về các chương trình đào tạo, giáo dục cho luật sư, người hành nghề luật, giảng viên và sinh viên luật khi đã được tuyển chọn, về cách họ đã thực hiện, cung cấp, bảo vệ tính độc lập của các số liệu, thông tin hay chứng cứ mà họ có được từ người được trợ giúp pháp lý để giải quyết vụ việc, về việc cung cấp hoạt động trợ giúp pháp lý có tuân thủ các hướng dẫn và điều kiện được quy định trong Luật hay không cho đến khi các vụ việc được giải quyết xong hoặc cho đến khi có quyết định khác theo quy định của pháp luật.
Buổi làm việc và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý tại Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em
Ngày càng có nhiều tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý ở Indonesia. Đó có thể là những tổ chức phi chính phủ, các phòng pháp lý ở các trường đại học thực hiện trợ giúp pháp lý cho những người nghèo và hoạt động này được coi như một mô hình cho sinh viên luật thực hành nghề nghiệp. Đoàn cũng đã thăm và làm việc tại trường đại học Luật Jentera để trao đổi thêm về việc thực hiện trợ giúp pháp lý tại trường. Các sinh viên của trường tham gia TGPL chủ yếu cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý bằng hình thức tư vấn cho các vụ việc đơn giản.
Đoàn công tác cũng trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan của Indonesia về vấn đề trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Theo đó, tại Indonesia người khuyết tật là người nghèo được trợ giúp pháp lý. Hình thức, lĩnh vực, quy trình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật không phân biệt với các đối tượng khác. Tuy nhiên, người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật cũng phải có những kỹ năng nhất định để tiếp cận và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật. Khi có khó khăn trong giao tiếp giữa người thực hiện TGPL với người khuyết tật sẽ có các trợ lý làm việc tại các tổ chức này để hỗ trợ thông dịch.
Ngoài ra, các cơ quan của Indonesia cũng chia sẻ những kinh nghiệm hay trong quá tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý như: quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý; hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng trong hoạt động trợ giúp pháp lý,… Những thông tin đa dạng về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý của Indonesia sẽ là kinh nghiệm hữu ích để Việt Nam tham khảo trong quá trình triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017./.
Thanh Hà