Đánh giá, kiến nghị và một số giải pháp thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC

14/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 29/6/2018, liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết ban hành Thông tư liên tịch số 10/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 10), qua 5 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 xin có một số đánh giá chung về những kết quả đã đạt được, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị, giải pháp thực hiện trong thời gian tới như sau:

1. Đánh giá chung
1.1. Những kết quả đạt được
- Việc ban hành Thông tư liên tịch số 10 tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tổ chức và người thực hiện TGPL; hệ thống các biểu mẫu, biên bản, thông tin được quy định cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích, thông báo, thông tin và thống kê vụ việc. Đặc biệt, việc quy định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thông tin về người thuộc diện TGPL cho Trung tâm TGPL, Chi nhánh trong trường hợp người bị buộc tội, người bị hại, đương sự tự nhận mình là người được TGPL và chưa có yêu cầu TGPL đã  góp phần hạn chế tối đa việc bỏ sót nhu cầu TGPL.
- Bộ Tư pháp đã phát huy vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành (HĐPHLN) Trung ương trong việc chủ động xây dựng các văn bản triển khai Thông tư liên tịch số 10 (Kế hoạch triển khai Thông tư, Chương trình phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện Chương trình, xây dựng Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực trong điều tra hình sự, hàng năm xây dựng Kế hoạch hoạt động, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, giải đáp khó khăn, vướng mắc của HĐPHLN địa phương…), đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao. Các ngành thành viên Trung ương thường xuyên quan tâm, tham gia tích cực trong việc ban hành văn bản triển khai trong ngành mình, góp ý các Kế hoạch công tác hàng năm, tham gia ý kiến vào các văn bản hướng dẫn của địa phương khi có yêu cầu, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương… Sau mỗi đợt kiểm tra, HĐPH có báo cáo gửi các đơn vị được kiểm tra để giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị và đề nghị rút kinh nghiệm đối với những vấn đề còn chưa thực hiện được hoặc thực hiện nhưng chưa tốt… Từ đó, nhận thức của các ngành thành viên, các đơn vị được kiểm tra về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng cũng tốt hơn.
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các ngành là thành viên của HĐPHLN địa phương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành mình triển khai, thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10, Kế hoạch hoạt động của HĐPHLN và các văn bản hướng dẫn về thực hiện các quy định của pháp luật về TGPL. HĐPHLN địa phương đã quan tâm xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai đến các ngành thành viên về nội dung Thông tư liên tịch số 10; các thành viên HĐPHLN đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo ngành mình thực hiện các nhiệm vụ tại Thông tư liên tịch số 10; hàng năm thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra tại các cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương; qua đó có điều kiện để trao đổi, nghe phản hồi việc phối hợp thực hiện hoạt động TGPL. Sau mỗi đợt kiểm tra có thông báo kết luận những việc đơn vị kiểm tra đã làm tốt cần tiếp tục phát huy, những việc chưa được và rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục để các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thống nhất và hiệu quả hơn. Một số ngành khi kiểm tra các mặt công tác của ngành mình đã chủ động lồng ghép kiểm tra công tác phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng nhằm thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động TGPL đảm bảo quyền con người, quyền công dân, từ đó giúp nâng cao số lượng vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng.
- Việc thực hiện Thông tư  liên tịch số 10/2018/TTLT và các văn bản có liên quan đã giúp công tác TGPL nói chung, đặc biệt là việc thực hiện TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng trong toàn quốc đã có những bước tiến đáng kể, người bị buộc tội, đương sự, bị hại được tiếp cận sớm với TGPL. Các trợ giúp viên pháp lý được tham gia vụ việc ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án, khởi tố bị can, một số nơi thực hiện từ giai đoạn tố giác tội phạm. Trong quá trình thực hiện vụ việc từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, về cơ bản người thực hiện TGPL được tạo điều kiện tốt nhất để bảo đảm việc bào chữa cũng như bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL. Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng luôn tạo điều kiện thuận lợi để trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL trong quá trình tham gia tố tụng, bảo đảm cho họ thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về TGPL. Quá trình tham gia của người thực hiện TGPL đã được các cơ quan tiến hành tố tụng bảo đảm thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định.
- Năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình và được các cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận và đánh giá tốt[1]. Hầu hết các vụ việc TGPL được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên, trong đó nhiều vụ việc có kết quả thành công, hiệu quả rõ rệt. Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021, có 19.933 vụ việc tham gia tố tụng thành công, hiệu quả, trong đó trợ giúp viên pháp lý thực hiện 16.812 vụ việc (chiếm 84,3%). Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như được tăng mức bồi thường thiệt hại hay được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát, một số trường hợp được tuyên không có tội... đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, củng cố niềm tin vào công lý. Trong quá trình tham gia tố tụng, người thực hiện TGPL đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc khi bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện đúng các quy định về tố tụng và các quy tắc đạo đức nghề nghiệp TGPL.
- Thông qua hoạt động phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, công tác TGPL bảo đảm thực hiện quyền được TGPL của người dân, góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xét xử, giải quyết vụ việc một cách khách quan, trung thực, đúng pháp luật.
1.2. Một số hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân
a) Bất cập quy định tại Thông tư liên tịch số 10
- Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công anquy định “…bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố", Thông tư liên tịch số 10 chỉ quy định phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng đối với người bị buộc tội, bị hại, đương sự, chưa quy định việc bảo vệ cho người được TGPL là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác.
- Còn một số trường hợp người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng ở một số địa phương[2] chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10 như: chưa bàn giao đầy đủ các văn bản tố tụng; bỏ sót đối tượng TGPL trong giai đoạn điều tra, truy tố, đến giai đoạn xét xử Tòa án mới thực hiện thông tin, thông báo, yêu cầu phân công bào chữa, bảo vệ cho đối tượng được TGPL đến Trung tâm TGPL…
- Cơ sở giam giữ lúng túng khi sử dụng Biểu mẫu số 02, 03, 04 của Thông tư liên tịch số 10  vì tại phần cuối các mẫu này người lập văn bản là người/cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng[3].
b) Hạn chế trong tổ chức thực hiện
- Các cơ quan tiến hành tố tụng thường chú trọng giải thích, thông báo thông tin về TGPL liên quan đến đối tượng là bị can, bị cáo hoặc bị hại mà chưa quan tâm đến việc giải thích, thông báo, thông tin về TGPL cho các đối tượng là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn trong các vụ việc dân sự. Do đó, số vụ việc được TGPL cho những đối tượng nêu trên còn thấp, số vụ việc trợ giúp trong các vụ việc dân sự hàng năm còn hạn chế[4].
- Một số địa phương việc lập Biên bản giải thích về quyền được TGPL miễn phí cho người thuộc diện được TGPL chưa đầy đủ, chủ yếu thực hiện đối với người bị buộc tội, còn các đối tượng khác thuộc diện được TGPL trong các vụ án hình sự và các vụ án thụ lý để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm chưa được quan tâm thực hiện theo quy định; việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc TGPL tại một số cơ quan chưa đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10; một số cơ quan chưa gửi đầy đủ thông tin TGPL bằng văn bản cho Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; một số địa phương chưa tổ chức tập huấn Thông tư liên tịch số 10 cho các ngành thành viên.
-  Việc gửi lịch xét xử, kết luận điều tra và bản sao bản án cho Trung tâm TGPL vẫn còn một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện kịp thời[5] gây khó khăn trong quá trình tham gia giải quyết vụ án cũng như việc thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Một số vụ việc tham gia tố tụng tại TAND cấp cao, người thực hiện TGPL chưa được thông báo lịch xét xử đúng thời hạn và không được cung cấp bản sao bản án[6]. Một số bản án, quyết định tố tụng chưa ghi nhận về ý kiến của người thực hiện TGPL[7].
- Có tình trạng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng định hướng để người được TGPL lựa chọn luật sư ký hợp đồng từ danh sách người thực hiện TGPL dẫn đến việc người được TGPL chủ yếu lựa chọn luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, do đó, luật sư không bố trí được thời gian tham gia tố tụng nên một số ít trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải hoãn việc hỏi cung hoặc xét xử. 
- Kinh phí cấp cho hoạt động của HĐPHLN tại địa phương còn hạn chế[8], chủ yếu chi trả phụ cấp cho thành viên Hội đồng, Tổ giúp việc, tổ chức kiểm tra. Các nội dung chi khác quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư liên tịch số 10 (chi tập huấn, tổ chức sơ kết, tổng kết, chi khen thưởng...) hầu như chưa được bảo đảm. Các ngành thành viên chưa được cấp kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ phối hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10.
c) Nguyên nhân
- Các cơ quan tiến hành tố tụng mới tập trung giới thiệu người thuộc diện TGPL trong vụ án hình sự đến Trung tâm TGPL mà chưa chú trọng trong vụ án dân sự, hành chính.
- Kinh phí tập huấn cấp cho hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng, đặc biệt là hoạt động tập huấn cho người thẩm quyền tiến hành tố tụng còn hạn chế, do đó, hoạt động tập huấn không được tập huấn thường xuyên, thậm chí có địa phương chưa tổ chức tập huấn, nhiều cán bộ tiến hành tố tụng mới được tuyển dụng chưa biết thông tin về TGPL; kinh phí truyền thông còn hạn chế.
- Vẫn còn một số trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chưa thực sự trách nhiệm trong công tác phối hợp đối với vụ việc có đối tượng được TGPL trong việc giải thích quyền được TGPL theo Luật TGPL năm 2017 và Thông tư liên tịch số 10.
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 20 Thông tư liên tịch số 10, hàng năm các ngành là thành viên HĐPHLN có trách nhiệm báo cáo nội dung kết quả triển khai Thông tư liên tịch này và số liệu được tổng hợp từ Sổ theo dõi vụ việc TGPL gửi cơ quan thường trực Hội đồng; tuy nhiên thời gian lấy số liệu báo cáo tại Thông tư liên tịch này chưa trùng khớp với thời gian báo cáo của các ngành nên các ngành gặp khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo.

2. Đề xuất, kiến nghị 
2.1. Hoàn thiện thể chế
- Nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 10 cho thống nhất, cụ thể hơn theo Thông tư số 46/2019/TT-BCA để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL; sửa đổi khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 phù hợp với quy định tại Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự để thống nhất sử dụng 01 biểu mẫu trong hoạt động tố tụng; sửa đổi một số quy định về biểu mẫu tại Thông tư liên tịch số 10[9].
- Nghiên cứu nâng cao vị thế, vai trò cơ chế phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và địa phương[10].
- Nghiên cứu quy định về lập dự toán kinh phí bảo đảm khả thi để các ngành thành viên có thể có kinh phí triển khai hoạt động thuộc nhiệm vụ của ngành mình[11].
2.2. Kiến nghị đối với các ngành thành viên HĐPHLN
Các Bộ, ngành là thành viên của HĐPHLN ở Trung ương cần tăng cường chỉ đạo thường xuyên hơn đối với ngành mình ở địa phương theo hệ thống dọc để tạo sự thống nhất thực hiện theo đúng tinh thần Thông tư liên tịch số 10 vì thực tế có một số lãnh đạo ngành ở cấp tỉnh thay đổi, lãnh đạo mới chưa tiếp cận với Thông tư này[12].
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới
3.1. Nhiệm vụ
- Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng của các ngành thành viên, nghiêm túc thực hiện các quy định của Thông tư liên tịch số 10. Định kỳ hàng năm, tổ chức đánh giá về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng, làm rõ những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ khắc phục.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành thực hiện công tác phối hợp, thông tin trao đổi đa chiều giữa Trung tâm TGPL và các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa HĐPHLN Trung ương/địa phương với các ngành thành viên trong HĐPHLN. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả, qua đó nhân rộng các mô hình, cách làm hay, đồng thời rút kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa chất lượng trong công tác phối hợp nói riêng và hoạt động TGPL nói chung.
- Tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thành viên HĐPHLN quán triệt, theo dõi, kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai thực hiện, đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10.
- HĐPH liên ngành tổ chức các lớp tập huấn về TGPL cho thành viên Tổ giúp việc Hội đồng, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cán bộ Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, trợ giúp viên pháp lý và Luật sư thực hiện TGPL.
3.2. Giải pháp
- Nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 10, bổ sung quy định về việc giải thích, thông tin về TGPL người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và một số biểu mẫu.
- Đề nghị HĐPHLN ở địa phương có văn bản gửi ngành thành viên ở địa phương tăng cường công tác thông tin, giải thích quyền được TGPL nhất là những vụ việc dân sự, hành chính, công tác tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ ngành mình…
- Đề nghị các ngành thành viên HĐPHLN ở địa phương dự trù kinh phí hoạt động phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư liên tịch số 10 để bảo đảm có khoản kinh phí hoạt động.
- Nghiên cứu thay đổi nâng cao vai trò, cơ chế phối hợp hiện hành, tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và địa phương.
Trên đây là một số đánh giá, kiến nghị, giải pháp thực hiện Thông tư liên tịch số 10 quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng trong thời gian tới./.
Vũ Hồng Tuyến - Cục TGPL

[1] Qua các đợt kiểm tra của HĐPHLN Trung ương, đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương nhận định.
[2] Bình Dương, Phú Yên, Quảng Nam, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Long An. 
[3] Cơ sở giam giữ không có người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
[4] Ví dụ năm 2021: số vụ việc tham gia tố tụng trong lĩnh vực dân sự/tổng số vụ việc tham gia tố tụng của Hà Nội 105/1.609 (6,5%), Sơn La 45/650 (6,9%), Tuyên Quang 23/316 (7,3%), Yên Bái 38/429 (8,9%), Hoà Bình 46/321 (14,3%), Bình Định 68/449 (15,1%).
[5] An Giang, Bắc Giang, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Sóc Trăng.
[6] Hà Giang, Sóc Trăng.
[7] Gia Lai, Tuyên Quang, Vĩnh Long.
[8] Tuyên Quang, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Kon Tum…
[9] Bạc Liêu, Bình Thuận, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tiền Giang, Đắk Lắk.
[10] Khánh Hoà, Hậu Giang, Bình Thuận đề xuất nâng cấp HĐPHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng thành Ban chỉ đạo phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng.
[11] Thừa Thiên Huế, An Giang, Bến Tre, Bắc Giang, Bình Định, Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La.
[12] An Giang, Gia Lai, Kon Tum.

Xem thêm »