Quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (Kỳ 1)

12/03/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được hiểu là những giá trị của việc thực hiện các công việc liên quan đến pháp luật trong vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể thông qua hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý hoặc để bảo đảm công lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

1. Quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

1.1. Quan niệm chung về chất lượng

Chất lượng là mối quan tâm của rất nhiều chủ thể tham gia vào quá trình tạo thành, luân chuyển, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như nhà sản xuất, vận chuyển, phân phối, cung cấp dịch vụ, người sử dụng... Chất lượng cũng là mối quan tâm của các cơ quan quản lý, điều hành như: chính phủ, cơ quan của chính phủ, chính quyền địa phương, các hiệp hội ... Mỗi chủ thể sẽ có những ưu tiên khác nhau khi đưa ra yêu cầu về chất lượng. Thông thường, một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... đạt chất lượng khi đáp ứng yêu cầu của các bên có liên quan.

Theo tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), chất lượng được định nghĩa như sau:“Chất lượng là mức độ của tập hợp các đặc tính vốn có của một đối tượng đáp ứng các yêu cầu” (ISO/DIS 9000 phiên bản 2015).Từ điển Tiếng Việt định nghĩachất lượng là giá trị về mặt lợi ích; là cái làm nên phẩm chất, giá trị của con người, sự vật; cái tạo nên bản chất sự vật, làm cho sự vật này khác với sự vật kia, phân biệt với số lượng. Chất lượng sản phẩm là toàn bộ những đặc tính của sản phẩm thoả mãn những đòi hỏi nhất định tương ứng với công dụng của nó.

1.2. Dịch vụ pháp lý và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Ở Việt Nam, thuật ngữ “dịch vụ pháp lý” ra đời khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và được ghi nhận trong Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987, Thông tư số 1199-QLTPK ngày 24/12/1987 của Bộ Tư pháp về công tác dịch vụ pháp lý và Công văn số 870/CV/DVPL ngày 26/10/1989 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác dịch vụ pháp lý. Theo các văn bản này, dịch vụ pháp lý được hiểu là hoạt động của luật sư tham gia tố tụng (đại diện, bào chữa) hình sự, dân sự, hôn nhân, gia đình, lao động; tư vấn pháp lý và một số dịch vụ pháp lý khác (soạn thảo đơn từ, đánh máy...) cho các tổ chức và cá nhân.

Theo quy định tại Điều 4 Luật Luật sư năm 2006 thì “Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác”. Theo Điều 22 Luật Luật sư, phạm vi hành nghề luật sư bao gồm: “Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bào vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật; Thực hiện tư vấn pháp luật; Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này”. Như vậy có thể hiểu rằng, dịch vụ pháp lý bao gồm các hoạt động tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật;

Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật”. Theo quy định này, trợ giúp pháp lý làdịch vụ pháp lý như tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luậttrong những vụ việc cụ thể liên quan đến pháp luật do người thực hiện trợ giúp pháp lýcung cấp cho đối tượng nhất định theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.Do đó,tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thực hiện trợ giúp pháp lý theo các quy định của pháp luật và quy tắc nghề nghiệp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.

Như vậy, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được hiểu là những giá trị của việc thực hiện các công việc liên quan đến pháp luật trong vụ việc trợ giúp pháp lý cụ thể thông qua hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý hoặc để bảo đảm công lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thể hiện ở các đặc trưng cơ bản sau đây:

+ Cơ sở pháp lý: Việc thực hiện trợ giúp pháp lý phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và các quy định pháp luật khác có liên quan.

+ Chủ thể cung cấp dịch vụ: người thực hiện trợ giúp pháp lý phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn nhất định; phải là người có kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức mà pháp luật đã quy định và phải ý thức rõ trách nhiệm nghề nghiệp của mình khi thực hiện trợ giúp pháp lý.

+ Việc cung cấp dịch vụ pháp lý đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý hoặc do công lý đòi hỏitheo quy định của pháp luật; phù hợp với đặc điểm về tâm lý giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp của người được trợ giúp pháp lý (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em. v.v…). Đây chính là những mong muốn được hình thành từ quyền, lợi ích chính đáng của người được trợ giúp pháp lý được pháp luật bảo hộ và góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật;

+ Việc thực hiện trợ giúp pháp lý phải đáp ứng được mục tiêu của hoạt động trợ giúp pháp lý, giúp cho người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Bên cạnh đó, lợi ích cá nhân, lợi ích cộng đồng và lợi ích xã hội có sự thống nhất, hài hoà nên qua việc sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí sẽ góp phần tích cực vào việc phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật trong nhân dân.

1.3.Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Có nhiều yêu tố ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý như: Yếu tố khách quan: Các quy định của pháp luật nói chung và quy định của pháp luật về TGPL, phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lý giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp của người được trợ giúp pháp lý; Thời hạn cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý,…Yếu tố chủ quan: năng lực, trình độ của người tiếp nhận vụ việc trợ giúp pháp lý, năng lực, trình độ của người thực hiện trợ giúp pháp lý,…Tuy nhiên, trong phạm vi bài này này chỉ tập trung để cập đến 2 nhóm yếu tố  sau có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng vụ vệc trợ giúp pháp lý:

- Đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý: Trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng TGPL của người thực hiện TGPL quyết định trực tiếp đến chất lượng vụ việc TGPL. Bởi lẽ, TGPL là một hoạt động mang tính chuyên môn nghiệp vụ sâu sắc, việc cung cấp dịch vụ pháp lý miến phí do người thực hiện TGPL tiến hành nên trình độ, năng lực của người thực hiện TGPL đáp ứng yêu cầu thì chất lượng dịch vụ mới được bảo đảm. Trình độ, năng lực của người thực hiện TGPL bao gồm trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp ...

Trình độ chuyên môn của người thực hiện TGPL được thể hiện ở bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận trình độ đã được đào tạo, mức độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn cá nhân thu nhận được từ các khoá đào tạo, bồi dưỡng. Vì vậy, Luật TGPL đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn của người thực hiện TGPL và các trường hợp không được thực hiện TGPL. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là yêu cầu tối thiểu và là điều kiện cần để một người có thể có đủ khả năng thực hiện các hoạt động TGPL. Do tính chất của các vụ việc TGPL khác nhau, vì vậy, để thực hiện TGPL thật sự có chất lượng đòi hỏi người thực hiện TGPL phải thường xuyên nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật, kiến thức xã hội và kinh nghiệm sống cũng như các kỹ năng chuyên sâu mà công tác TGPL đòi hỏi.

Năng lực làm việc chính là khả năng triển khai thực hiện các hoạt động TGPL; cụ thể, là quá trình hiện thực hoá các kiến thức hiểu biết, khả năng và trình độ hiểu biết của mình vào hoạt động TGPL và được thể hiện thông qua việc vận dụng kiến thức đã được đào tạo, bồi dưỡng và kinh nghiệm sống cũng như các kỹ năng thực hành nghề nghiệp vào việc triển khai thực hiện các hoạt động TGPL cụ thể. Năng lực làm việc phụ thuộc vào kỹ năng, thói quen, kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện công việc. Đó chính là khả năng phân tích các vấn đề pháp lý dựa trên một quan điểm khách quan, phản ánh kinh nghiệm, kiến thức pháp luật của người thực hiện TGPL.

-  Trình độ nhận thức, tâm lý, truyền thống của người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý:  Dịch vụ pháp lý miễn phí có nội dung là cung cấp kiến thức pháp luật và sử dụng các biện pháp luật định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL. Vì vậy, việc lĩnh hội, thu nạp được kiến thức pháp lý tốt hay không, có phối hợp tốt, hỗ trợ được người thực hiện TGPL để họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình hay không phụ thuộc rất nhiều vào trình độ nhận thức, tâm lý, truyền thống của người dân thuộc diện được TGPL. Nếu người được TGPL có khả năng nhận thức tốt, có thể hiểu ngay nội dung tư vấn của người thực hiện TGPL thì kết quả tư vấn sẽ cao, người được TGPL vận dụng tốt những lời tư vấn và chất lượng TGPL sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu người được TGPL có nếp sống, quan niệm đúng đắn, tích cực về pháp luật, luôn lấy pháp luật làm chuẩn mực, thước đo hành vi xử sự của mình thì việc thực hiện tư vấn pháp luật cho họ hay các hình thức TGPL khác sẽ thuận lợi, kết quả đạt được sẽ cao hơn. Ngược lại nếu đối tượng được TGPL là người dân tộc thiểu số, họ quen với việc tuân theo tục lệ của làng bản, không quan tâm hay thiếu coi trọng pháp luật thì việc hướng dẫn, giải thích pháp luật cho họ rất khó khăn, đôi khi không có tác dụng.

Xuất phát từ những đặc thù trên, đòi hỏi người thực hiện TGPL ngoài kiến thức, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp còn phải nắm bắt được mức độ nhận thức, tâm lý, thói quen, truyền thống, đặc điểm của đối tượng được TGPL để có phương pháp, cách thức TGPL phù hợp.

1.4. Quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Theo Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28/08/2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Theo điều 14 Thông tư số 12/2018/TT-BTP thì việc quản lý chất lượng được thông qua 02 giai đoạn:

Thứ nhất, thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Theo đó, Tổ chứcthực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm tổ chức thẩm định chất lượng vụ việctrợ giúp pháp lý do người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức mình thực hiện để có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Khi thực hiện thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có thể dựa vào điều kiện thực tế địa phương để đưa ra các tiêu chí hoặc áp dụng các Tiêu chí đánh giá chất lượng để tiến hành thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do mình cung cấp. Những vụ việc trợ giúp pháp lý được thẩm định chất lượng có thể áp dụng đối với cả vụ việc tư vấn pháp luật (nếu cần thiết).Kết quả thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thể hiện bằng văn bản và lưu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.

Thứ hai, đánh giá chất lượng của cơ quan, quản lý nhà nước.Cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý (Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp,Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng và vụ việc đại diện ngoài tố tụng. Việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước phải dựa trên các tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý:

- Tiêu chí về trách nhiệm nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý (Tuân thủ pháp luật, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; Giải thích, hướng dẫn, cung cấp thông tin kịp thời về vụ việc cho người được trợ giúp pháp lý; Bảo đảm thời gian, tiến độ thực hiện vụ việc);

- Tiêu chí về thực hiện trợ giúp pháp lý (Thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với yêu cầu trợ giúp pháp lý và phạm vi được phân công; Thu thập các thông tin, tài liệu, chứng cứcó liên quan đến vụ việc; Nghiên cứu và áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm nội dung trợ giúp pháp lý đúng và phù hợp với pháp luật; Tham gia các hoạt động tố tụng hoặc tham gia các hoạt động đại diện ngoài tố tụng để kịp thời có giải pháp bảo vệ bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý(05 điểm).

- Tiêu chí về sự hài lòng của người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích;

(Còn tiếp,…..)

Trần Nguyên Tú

Phó trưởng phòng – Phòng Tài chính và quản lý chất lượng TGPL

 

 

 

 

Xem thêm »