Kết quả 05 năm công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán

04/08/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Hiện nay, tội phạm mua bán người đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, có xu hướng hoạt động xuyên quốc gia thành đường dây và gần đây các vụ có yếu tố nước ngoài gia tăng ở cả các địa phương không gần biên giới. Nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn là đàn ông và đặc biệt còn là trẻ sơ sinh. Nạn nhân là những người đi ra nước ngoài theo con đường hợp pháp như du lịch, kết hôn, tìm kiếm việc làm, học tập,... Thủ đoạn phổ biến của tội phạm mua bán người là thường lợi dụng những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh hoặc đang bế tắc về gia đình, trình độ hiểu biết kém, văn hóa thấp,...để dụ dỗ, lôi kéo bằng những lời đường mật, hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp, một công việc có thu nhập khá. Gần đây chúng thường lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống công nghệ thông tin để thiết lập đường dây hoạt động xuyên quốc gia, khiến cho công tác tìm kiếm, hỗ trợ hay giải cứu nạn nhân của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian qua, từ năm 2012 đến năm 2016, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai và các Chi nhánh trên địa bàn triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động TGPL dành cho các đối tượng là nạn nhân bị mua bán theo chương trình Kế hoạch đã đặt ra, tiếp nhận và giải quyết kịp thời 564 yêu cầu TGPL của các nạn nhân, trong đó có 241 vụ việc thực hiện tại trụ sở Trung tâm và Chi nhánh, 323 vụ việc thực hiện qua tư vấn pháp luật lưu động. Bao gồm các lĩnh vực: hình sự - TTHS 115 vụ; dấn sự-TTDS: 376 vụ; hôn nhân gia đình 41 vụ; chế độ chính sách 14 vụ và dân sự khác là 18 vụ. Số vụ việc do trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 207 vụ, số vụ việc do Cộng tác viên là luật sư thực hiện là 76 vụ và 281 vụ việc do cộng tác viên khác thực hiện. Qua theo dõi, đánh giá các vụ việc tư vấn đã thực hiện đều đảm bảo chất lượng, không có vụ nào phát sinh trách nhiệm bồi thường, tỉ lệ giải quyết đạt 100% so với yêu cầu tiếp nhận.
Hoạt động TGPL lưu động về cơ sở được Trung tâm và các Chi nhánh TGPL trên địa bàn chủ động phối hợp với phòng Tư pháp, Phòng dân tộc, Hội phụ nữ và đội ngũ Cộng tác viên tổ chức được 54 đợt về địa bàn 55 thôn, bản đặc biệt khó khăn, các xã nghèo trên địa bàn tỉnh nơi có chị em là nạn nhân bị mua bán. Qua các đợt TGPL lưu động, thu hút hơn 1.870 người tham dự, tiếp nhận tư vấn 323 yêu cầu của chị em là nạn nhân và những người thân của nạn nhân bị mua bán, các yêu cầu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực pháp luật về hình sự, về hành vi, phương thức của tội phạm mua bán người; Các vấn đề về bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, những thu nhập thực tế của gia đình bị mất khi đi tìm kiếm người thân và một số vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hôn nhân gia đình, chế độ, chính sách hỗ trợ đối với nạn nhân, trình tự thủ tục đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết...
Ngoài ra, các Trợ giúp viên, cộng tác viên của Trung tâm còn tuyên truyền, phổ biến về các thủ đoạn tinh vi của loại tội phạm mua bán người, một số hình thức xử lý đối với hành vi mua bán người, mua bán trẻ em cho chị em là những nạn nhân và thân nhân nạn nhân bị mua bán ngay tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, qua đó đã nâng cao được ý thức, hiểu biết pháp luật của chị em, phần nào xóa bớt đi sự mặc cảm, tự ti, giúp cho chị em là nạn nhân sớm hòa nhập cộng đồng. Công tác tư vấn hỗ trợ về mặt pháp lý của các trợ giúp viên, cộng tác viên pháp lý góp phần không nhỏ vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương, giúp họ nâng cao nhận thức pháp luật và biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của của mình, giảm số vụ việc mua bán người phát sinh trên địa bàn.
Một trong số những vụ việc điển hình mà Cộng tác viên pháp lý của Trung tâm thực hiện đã để lại nhiều ấn tượng trong công tác đó là trường hợp của nạn nhân Sùng Thị Mo (sinh năm 1990), Sùng Thị Sanh và Sùng Thị Đa Ư cùng trú tại bản Nà Un, xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, là các bị hại trong vụ án “Giàng A Tình và đồng bọn phạm tội mua bán người” xảy ra vào ngày 13/8/2016 trên địa bàn thành phố Lào Cai.
Sau khi biết thông tin và xin được số điện thoại, Giàng A Tình thường xuyên gọi điện, trao đổi thông tin và chia sẻ công việc gia đình với Sùng Thị Mo, khoảng sáu tháng sau, Tình đã ngỏ lời muốn lấy Sùng Thị Mo về làm vợ và muốn đưa Sùng Thị Mo về ra mắt gia đình ở Điện Biên. Trước khi đi, Tình còn hỏi Sùng Thị Mo xem có ai muốn đi về nhà Tình chơi và lấy chồng ở đó nữa không. Sùng Thị Mo đã liên lạc với người chị em họ của mình là Sùng Thị Sanh và Sùng Thị Đa Ư rồi cả ba theo Giàng A Tình đi Lào Cai chứ không đi Điện Biên như lời Tình nói. Tại bến xe Phố Mới thành phố Lào Cai, Sùng Thị Mo thấy có một người đàn ông lạ mặt đến trả tiền xe và đưa mọi người đi ăn, sau đó trao đổi với Giàng A Tình để đưa ba chị em đi. Thấy mọi người qua lại tấp nập nơi bến xe, Sùng Thị Mo cảm thấy bất an nên không đồng ý về nhà Tình ở, cũng không đi đâu, thấy vậy Tình đã bảo mọi người nghỉ lại, sáng mai bắt xe cho mọi người tự về Sơn La.
Do nghi ngờ, nên tổ công tác Công an phường Phố Mới và Công an tỉnh Lào Cai đến kiểm tra và yêu cầu tất cả về cơ quan Công an làm việc. Quá trình đấu tranh Giàng A Tình và đồng phạm đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình là có ý định lừa Sùng Thị Mo, Sùng Thị Sanh và Sùng Thị Đa Ư sang Trung Quốc bán.
Được sự phối hợp của cơ quan Công an, Cộng tác viên trung tâm đã được tiếp xúc với các nạn nhân, giải thích cho ba chị em Sùng Thị Mo hiểu về quyền và nghĩa vụ của bị hại trong vụ án mua bán người, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nguyện vọng của bản thân, sau đó liên hệ chỗ với trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh bố trí chỗ ăn, nghỉ, hướng dẫn các nạn nhân viết đơn yêu cầu bồi thường danh dự nhân phẩm tại phiên tòa hình sự sơ thẩm.
          Hầu hết nạn nhân bị mua bán đều là chị em phụ nữ, tuổi đời còn rất trẻ, đa số sinh sống ở những khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ hiểu biết hạn chế, một số vì nhu cầu muốn tìm kiếm việc làm hay nhẹ dạ cả tin mà vô tình rơi vào vòng xoáy của nạn mua bán người. Hơn nữa, nhiều chị em còn chưa biết đến yêu cầu TGPL trong quá trình tố tụng, vì thế số vụ việc tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích cho các nạn nhân bị mua bán trong thời gian qua còn hạn chế./.
Nguyễn Hương
(Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Lào Cai)

Xem thêm »