Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác phối hợp giữa trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh

10/11/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có 09 đơn vị hành chính cấp huyện,137 xã, phường, thị trấnvới 07 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn tỉnh gồm: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Người dân tộc thiểu số cư trú tập trung tại các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô và thị xã Phúc Yên. Người dân tộc thiểu số chủ yếu cư trú tại các vùng kinh tế - xã hội còn khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, do vậy trình độ pháp luật cũng rất hạn chế. Điều đó, đòi hỏi các cấp, các ngành phải coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cơ quan, đơn vị mình.

     Thực hiện chương trình công tác năm 2015, Trung tâm trợ giúp pháp lýnhà nước phối hợp với Ban dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện 09 cuộc trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho 09 xã thuộc vùng dân tộc, miền núi trên địa bàn tỉnh với 900 người tham dự. Tại đây, Trợ giúp viên pháp lýđã truyền đạt những nội những dung cơ bản của pháp luật về trợ giúp pháp lý, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai năm 2013;quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai…;chính sách dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh và những điểm mới cơ bản của Luật Hôn nhân - gia đình năm 2014, Luật Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình…

Trên thực tế do đặc điểm địa lý và xã hội nên đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng núi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Một số cấp ủy đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công táctrợ giúp pháp lý và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, coi nhiệm vụ này là của ngành tư pháp. Mặt khác, tình trạng vi phạm về: tảo hôn, sinh con thứ ba, chặt phá rừng,... vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân của những hạn chế này là do phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, nhất là trình độ nhận thức về pháp luật còn hạn chế, nhiều người không biết tiếng, chữ viết phổ thông nên chưa đọc, học và chưa hiểu luật... dẫn đến ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một số bộ phận nhân dân chưa cao.

Chính vì vậy, tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại các xã của huyện miền núi trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ cấp thiết. Trước hết, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của cơ quan Tư pháp trong tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Bên cạnh đó, cần tổ chức khảo sát cụ thể, kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân tại các xã miền núi trước khi tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, bố trí người thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với lĩnh vực pháp luật mà đối tượng có yêu cầu trợ giúp pháp lý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả;mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý, kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý nhằm đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Qua đợt trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật đã trang bị cho đồng bào dân tộc  và người dân ở các xã miền núi của tỉnh những kiến thức cơ bản của pháp luật để từ đó nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật đồng thời góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương và giảm thiểu những vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật gây ra./.

Châu Anh (Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Vinh Phúc)

Xem thêm »