Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Tập huấn kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hành chính và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình dành cho người làm công tác trợ giúp pháp lý Ngày 04/8/2023 tại tỉnh Bình Thuận, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hành chính và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình dành cho người làm công tác trợ giúp pháp lý.Hội nghị do bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý chủ trì với sự tham gia của giảng viên là Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư - Học viện Tư pháp cùng với các đại biểu là Lãnh đạo Trung tâm TGPLNN, các trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) của 10 tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho biết, việc giải quyết các vụ án hành chính đặt ra yêu cầu đặc thù so với các vụ án dân sự, hình sự bởi vì các chủ thể tham gia trong vụ án hành chính khá là đặc biệt: một bên là cá nhân, trong trường hợp TGPL thì đó là những người thuộc diện được TGPL (ví dụ, người nghèo, người dân tộc thiểu sổ, người có công với cách mạng, người khuyết tật có khó khăn về tài chính…), được gọi là người “dễ bị tổn thương” và bên kia là cơ quan/người có thẩm quyền. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người được TGPL trong các vụ án hành chính thì đòi hỏi người thực hiện TGPL phải có chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tác nghiệp phù hợp.
Bên cạnh đó, vấn đề bạo lực, trong đó có bạo lực gia đình được coi là vấn nạn xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nạn nhân thường là những người yếu thế, đa số là phụ nữ và trẻ em. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong nước cũng như một số Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về việc bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế trong đó có nạn nhân bị bạo lực gia đình. Chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí cho nạn nhân bạo lực gia đình thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với các đối tượng yếu thế này. Để kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật và các chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền[1] trong thời gian qua, Cục Trợ giúp pháp lý đã chủ động tham mưu Bộ Tư pháp ban hành văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong toàn quốc tập trung thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định của Luật TGPL 2017 và các văn bản có liên quan. Những biện pháp và chỉ đạo này đã thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của Bộ, ngành Tư pháp đối với người được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế này.
Với mong muốn tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng trợ giúp pháp lý trong vụ việc hành chính và vụ việc TGPL cho nạn nhân bạo lực gia đình, Cục Trợ giúp pháp tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hành chính và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình dành cho người làm công tác trợ giúp pháp lý.
Tập huấn được tổ chức theo phương pháp “lấy người học làm trung tâm”, tập trung trao đổi, làm rõ các vấn đề, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia giải quyết vụ án hành chính và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình. Để Hội nghị có chất lượng, bà Vũ Thị Hường đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động của lớp, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của mình trong quá trình tham gia giải quyết vụ án hành chính và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình để chia sẻ, học tập, tích luỹ thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn bổ ích trong đợt tập huấn này.
Về phía giảng viên, bà Vũ Thị Hường đề nghị giảng viên áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực, lấy học viên làm trung tâm; giảng viên đóng vai trò điều phối, khuyến khích học viên chia sẻ ý kiến, những vấn đề thực tế phát sinh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia giải quyết vụ án hành chính và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư - Học viện Tư pháp trình bày nội dung bài giảng
Trong buổi sáng, theo chương trình, các học viên được nghe Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương - Nguyên Phó Trưởng khoa, Khoa Đào tạo chung nguồn Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư - Học viện Tư pháp chia sẻ các nội dung liên quan đến quá trình tham gia giải quyết vụ án hành chính như: kỹ năng xác định đối tượng khởi kiện, yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính, kỹ năng tham gia phiên họp kiểm tra chứng cứ và đối thoại, kỹ năng tham gia phiên tòa sơ thẩm hành chính đồng thời đưa ra các tình huống và những vụ án hành chính trên thực tế để các học viên nghiên cứu, thảo luận. Vụ án hành chính và kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hành chính là nội dung khá phức tạp, được các học viên rất quan tâm, nhất là yêu cầu cầu thực tiễn hiện nay. Vì thế, trong phần trao đổi, thảo luận các học viên tham gia hội nghị trao đổi rất tích cực. Một số học viên là các trợ giúp viên pháp lý đã có kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình trợ giúp pháp lý vụ án hành chính nên đã đưa ra những vấn đề, những tình huống phát sinh từ thực tế trong quá trình thực hiện hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để giảng viên và các học viên khác cùng trao đổi.
Bà Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp trình bày nội dung bài giảng
Buổi chiều, các học viên được nghe bà Vũ Thị Hường – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý trình bày về nội dung bạo lực gia đình, cách nhận diện các loại bạo lực gia đình; các quy định của pháp luật trong nước và quốc tế về bảo vệ nạn nhân; các nguyên tắc trợ giúp pháp lý và hỗ trợ chuyển tuyến dịch vụ cho người bị bạo lực gia đình, và một số lưu lý trong quá trình trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình thuộc diện trợ giúp pháp lý.
Đa số các đại biểu đều chia sẻ về những khó khăn trong việc nhận biết các hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là hành vi bạo lực về tinh thần và bạo lực kinh tế; việc xác minh thông tin, giấy tờ đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình; các hoạt động hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị bạo lực gia đình… Ngoài ra, để giúp các học viên có thêm thông tin, nắm bắt tình hình thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc và phương pháp khắc phục mà người thực hiện trợ giúp pháp lý thường gặp phải trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình, giảng viên đã đưa ra những bài tập tình huống để các học viên nghiên cứu và cùng trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.
Hình ảnh các đại biểu tham dự và phát biểu tại buổi tập huấn
Kết thúc tập huấn, bà Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã đánh giá cao tinh thần, thái độ học tập tích cực của các học viên. Các ý kiến nêu tại hội nghị rất cụ thể, tập trung vào các nội dung tập huấn; một số vấn đề nêu ra tại Hội nghị tập huấn cần được tiếp tục nghiên cứu để nâng cao kỹ năng và chất lượng trong việc tham gia giải quyết vụ án hành chính và trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý trong thời gian tới.
Hình ảnh tại Hội nghị tập huấn
Phòng Tài chính và quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý
Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp.
[1] Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Quyết định số 2232/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; Quyết định số 2156/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.