KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH NĂM 2017

05/03/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11), trong năm 2017, công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Về công tác quán triệt pháp luật về trợ giúp pháp lý, các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp đã tổ chức quán triệt đến các đơn vị trong toàn ngành về các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý hiện hành cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người tiến hành tố tụng và cán bộ, nhân viên trong toàn đơn vị. Qua đó, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng nên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được các cơ quan tiến hành tố tụng giải thích các quyền và nghĩa vụ theo pháp luật tố tụng và quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và đương sự biết, do vậy, tỷ lệ người dân biết về trợ giúp pháp lý ngày càng tăng lên, góp phần đảm bảo tính khách quan, công khai dân chủ khi giải quyết các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã nhận thức nghiêm túc việc niêm yết công khai bảng thông tin về trợ giúp pháp lý do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cung cấp tại phòng tiếp công dân theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 11, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận khi cần thiết. Đồng thời, đã thực hiện việc giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và những người có liên quan khác hiểu rõ về quyền được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định; cấp phát mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý  để nhân dân tiếp cận khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng đã liên hệ trực tiếp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý hoặc có công văn yêu cầu cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý; Cơ quan Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã phối hợp với ngành Tòa án tổ chức xét xử lưu động tại cơ sở nhằm phục vụ nhu cầu chính trị tại địa phương và phối hợp tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý trong các phiên tòa xét xử lưu động có những bị cáo thuộc diện được trợ giúp pháp lý để họ biết được quyền được trợ giúp pháp lý của mình và liên hệ với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước khi có nhu cầu; Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thành phố phối hợp với các ban, ngành địa phương thực hiện tốt công tác truyền thông và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý, qua đó các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã nhận thức rõ hơn vai trò của công tác trợ giúp pháp lý nói chung, trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm Trọ giúp pháp lý nhà nước in ấn tờ gấp pháp luật với nội dung thông tin về đối tượng được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý và danh sách các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên gửi các cơ quan tiến hành tố tụng phát miễn phí cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự…

Với tư cách là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Trong năm 2017, Sở Tư pháp (mà trực tiếp là Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước) đã ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp miễn phí cho 32 trường hợp với 32 vụ việc trong đó chủ yếu là người chưa thành niên phạm tội trong các vụ án hình sự.

Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh đã cấp tổng số 42 Giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Trợ giúp viên pháp lý tham gia trong các vụ án Hình sự, vụ việc dân sự, hành chính, Hôn nhân gia đình; Gửi lịch xét xử, bản sao bản án, quyết định cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên của Trung tâm một cách nhanh chóng, kịp thời, tạo điều kiện cho người thực hiện trợ giúp pháp lý nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ, tiếp xúc với đối tượng; các quan điểm bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và những đề xuất của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên cũng đã được ghi nhận trọng các bản án, phán quyết của tòa án.

Có thể nói, trong năm 2017, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Bình vẫn còn tồn tại một số hạn chế: công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý và triển khai Thông tư liên tịch số 11 chưa được thường xuyên, sâu rộng, nhất là trong việc cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý tại các địa điểm tiếp công dân của các cơ quan tiến hành tố tụng; Một số cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng chưa hiểu đầy đủ về hoạt động trợ giúp pháp lý, dẫn đến việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về trợ giúp pháp lý còn chưa đồng bộ, thống nhất; Công tác phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý với một số cơ quan tiến hành tố tụng có lúc chưa chặt chẽ nên có Điều tra viên vẫn chưa hiểu hết vai trò của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng, có trường hợp thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nhưng chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời gửi văn bản đề nghị yêu cầu trợ giúp pháp lý hoặc phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý nên đã phần nào ảnh hưởng đến sự tham gia của người bào chữa, bảo vệ sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can hay thông báo thụ lý vụ việc dân sự, hành chính để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, trong năm 2018 và những năm tiếp theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Ninh Bình sẽ tiến hành đẩy mạnh triển khai Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH11 và các Nghị định, Thông tư mới về trợ giúp pháp lý đến người dân tại cơ sở, nâng cao nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đảm bảo 100% đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý đều có Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia nếu có yêu cầu của đối tượng; tăng cường số vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên thực hiện; chú trọng việc kiểm tra, giám sát, tạo lập cơ chế thông tin hai chiều để cùng giám sát, đánh giá chất lượng thực hiện công việc được giao của người thực hiện trợ giúp pháp lý và những người tiến hành tố tụng; tiếp tục cử cán bộ, viên chức tham dự lớp đào tạo nghiệp vụ Luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức làm cơ sở bổ sung nguồn Trợ giúp viên pháp lý trong thời gian tới.

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và với tinh thần chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động trợ giúp pháp lý của các thành viên trong Hội đồng đã giúp cho hiệu quả hoạt động cũng như nhận thức về vị trí, vai trò của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng nói riêng được nâng lên đáng kể. Đồng thời, củng cố hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi tham gia tố tụng; bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, góp phần bảo vệ công lý, đảm bảo công bằng xã hội trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải

Xem thêm »