Kết quả hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở tỉnh Quảng Ngãi năm 2015

07/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2013/TTL-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Liên Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 11), năm 2015, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở tỉnh Quảng Ngãi (sau đây gọi tắt là Hội đồng) đã chủ động tham mưu và trình cấp có thẩm quyền kiện toàn Hội đồng và Tổ giúp việc; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hội đồng; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 11,… và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Hội đồng, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) là bị can, bị cáo, người bị tạm giam,…

Kết quả đạt được

Về xây dựng kế hoạch: thực hiện Quyết định số 418/QĐ-HĐPH ngày 04/03/2015 của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương ban hành Kế hoạch hoạt động liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2015, Chủ tịch Hội đồng phối hợp tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-HĐPH ngày 09/3/2015 về Kế hoạch hoạt động năm 2015 của Hội đồng , đồng thời yêu cầu các cơ quan thành viên Hội đồng triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình có hiệu quả, đồng bộ và thống nhất theo quy định Thông tư liên tịch số 11.

Về công tác kiện toàn tổ chức Hội đồng và Tổ giúp việc: trong năm 2015, cơ quan thường trực Hội đồng đã chủ động tham mưu giúp Hội đồng xây dựng, kiện toàn Hội đồng và Tổ giúp việc. Nhờ đó, công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, những vướng mắc trong hoạt động cấp giấy chứng nhận cho trợ giúp viên pháp lý (TGVPL), luật sư cộng tác viên (LSCTV) được tháo gỡ; công tác truyền thông, thông tin về TGPL luôn được các cơ quan tố tụng quan tâm, phối hợp và tạo điều kiện; số đối tượng được TGPL (bị cáo, người bị tạm giữ, tạm giam, bị hại,…) do các cơ quan tiến hành tố tụng giới thiệu đến Trung tâm tăng nhanh…

Về công tác truyền thông, thông tin về trợ giúp pháp lý: căn cứ nội dung Kế hoạch hoạt động năm 2015 của Hội đồng, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh (đề nghị phối hợp của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tại Công văn số 95/CSĐT ngày 03/3/2015; đề nghị cung cấp tài liệu phục vụ trợ giúp pháp lý cho người bị tạm giữ, tạm giam của Trại tạm giam Công an tỉnh theo Công văn số 176/CV-PC81B ngày 27/5/2015) lắp đặt 25 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý; niêm yết công khai các thông tin về danh sách các TGVPL, LSCTV, địa chỉ Trung tâm và Chi nhánh; cấp phát miễn phí hàng nghìn đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các tờ gấp, tài liệu hỏi đáp pháp luật về trợ giúp pháp lý.

           Về công tác hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 11: trên cơ sở Kế hoạch hoạt động năm 2015 đã được Chủ tịch Hội đồng ban hành, căn cứ vào nhiệm vụ được phân công, các cơ quan thành viên của Hội đồng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành thực hiện nhiệm vụ có liên quan theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11, đồng thời căn cứ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, các thành viên Hội đồng đã thống nhất được hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc gặp phải trong công tác phối hợp hoạt động tố tụng năm 2014 (nhất là vụ việc từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho Trợ giúp viên pháp lý), từ đó nâng cao hiệu quả phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

Bên cạnh đó, trong năm 2015, Hội đồng cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý tại các cơ quan tiến hành tố tụng thuộc 02 huyện: Tư Nghĩa và Minh Long, qua đó  hướng kiểm tra, chỉ đạo công tác phối hợp đối với các cơ quan tiến hành tố tụng tại 02 huyện này.

Về công tác phối hợp trong hoạt động tố tụng: trong năm 2015 (từ 01/10/2014 - 30/9/2015), Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã tiếp nhận tổng số 119 vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng do các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn chuyển đến và do người được trợ giúp pháp lý yêu cầu (TGVPL thực hiện 68 vụ, LSCTV thực hiện 51 vụ), trong đó: có 35 vụ việc do các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn giới thiệu (tăng so với năm 2014 là 20 vụ). Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng phối hợp cấp 96 giấy chứng nhận tham gia tố tụng cho các TGVPL, LSCTV và tạo điều kiện cho các TGVPL, LSCTV tham gia nghiên cứu hồ sơ tại cơ quan (giao các kết luận điều tra, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định tạm đình chỉ hoặc quyết định đình chỉ vụ án, bản sao bản án…), xác nhận thời gian làm việc, thông báo lịch xét xử cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý…

Khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 11 và Kế hoạch hoạt động năm 2015 của Hội đồng vẫn còn những khó khăn, tồn tại sau:

Thứ nhất, các cơ quan thành viên Hội đồng chưa chú trọng thực hiện công tác báo cáo thống kê định kỳ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 11, gây khó khăn cho cơ quan thường trực Hội đồng (Sở Tư pháp) trong việc thống kê, báo cáo cho Hội đồng phối hợp liên ngành ở Trung ương theo quy định.

Thứ hai, bên cạnh các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, tạo điều kiện  cho TGVPL, LSCTV tham gia tố tụng theo đúng tinh thần Thông tư liên tịch số 11 thì vẫn còn một số cơ quan gây khó khăn cho TGVPL, LSCTV trong việc tiếp cận các thông tin, hồ sơ vụ án theo quy định về pháp luật tố tụng, có nơi TGVPL, LSCTV không nhận được quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, kết luận điều tra, cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử, lịch xét xử,… làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và thời gian thanh quyết toán các chế độ đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Đề xuất, kiến nghị và giải pháp

Đối với Trung ương: đề nghị Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội bổ sung TGVPL là một chủ thể tham gia tố tụng như luật sư; thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với Hội đồng ở địa phương (thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 11 nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện cho TGVPL, LSCTV tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích cho các đối tượng đươc TGPL); kịp thời quy định vị trí, vai trò của TGVPL trong hoạt động tố tụng, trước hết cần quy định TGVPL là luật sư để thuận tiện trong hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng. Đồng thời, xem xét, đề nghị các Bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung Mẫu TT-TGPL (ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 11) cho phù hợp với từng ngành, đơn vị.

Đối với địa phương: Thủ trưởng các cơ quan Thành viên của Hội đồng cần đẩy mạnh việc quán triệt nội dung Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 11 đến toàn cơ quan, nhất là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán,… nhằm giúp họ nhận thức và nâng cao trách nhiệm của mình khi thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 11; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm) trong việc niêm yết Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý; giới thiệu các bị can, bị cáo, bị hại, đương sự… là đối tượng được trợ giúp pháp lý trong các vụ án để được trợ giúp pháp lý miễn phí; tạo điều kiện để các TGVPL, LSCTV tham gia tố tụng theo quy định (cấp giấy chứng nhận, cung cấp ,các quyết định tố tụng, tài liệu vụ án,…)./.

PTQ

Xem thêm »