Công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2015 trên địa bàn tỉnh Điện Biên

16/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện kế hoạch kiểm tra của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Điện Biên năm 2015, từ ngày 23/11 đến ngày 27/11 và ngày 08/12/2015, đồng chí Lê Đình Thu – Giám đốc Sở Tư pháp – Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành kiêm Trưởng đoàn kiểm tra cùng các thành viên trong Đoàn (có sự tham gia của đại diện Công an tỉnh – Tòa án nhân dân tỉnh – Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh – Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ) đã thực hiện kiểm tra tại các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng và Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên (Trại tạm giam Noong Bua). Trên cơ sở đó, Đoàn đã đánh giá hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Điện Biên.

        Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý và công tác quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 11  

           Kết quả kiểm tra cùng với số liệu thống kê cho thấy hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các đơn vị được đánh giá cao so với kết quả năm 2014. Nhìn chung, các đơn vị đã có sự chủ động phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên và các Chi nhánh của Trung tâm (đối với những địa bàn có Chi nhánh như: Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 01 tại huyện Tuần Giáo, Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 03 tại huyện Mường Ảng).Việc cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng, thông báo lịch xét hỏi, xét xử, giao các văn bản tố tụng, tạo điều kiện cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tiếp xúc bị can, bị cáo, giao hồ sơ vụ việc… đều được các đơn vị nghiêm túc thực hiện, Quyết định và bản án của Tòa án có sự ghi nhận ý kiến của người thực hiện trợ giúp pháp lý đối với những vụ việc có người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia.

           Về hoạt động truyền thông: các đơn vị đã niêm yết các Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý; treo các Hộp tin có chứa tờ gấp có nội dung về trợ giúp pháp lý và Mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý tại những nơi mà người dân cũng như các đối tượng có thể dễ dàng tiếp cận nhất của đơn vị mình; Cơ quan Công an các huyện phối hợp với Trung tâm để in trực tiếp nội dung thông tin cơ bản về bào chữa miễn phí trên tường các buồng tạm giữ, tạm giam. Các đơn vị đã quán triệt nội dung Luật Trợ giúp pháp lý, Thông tư liên tịch số 11 thông qua các hội nghị hoặc lồng ghép trong các buổi họp bàn giao cho cán bộ, công chức trong đơn vị mình.

          Việc xác định đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và giải thích quyền Trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được thực hiện tốt

          Qua kiểm tra một số Hồ sơ tại đơn vị  03 huyện và phỏng vấn một số đối tượng trong buồng tạm giữ, tạm giam của Trại tạm giam Noong Bua cho thấy các đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý đã được giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý. Đặc biệt là công tác giải thích pháp luật của cán bộ quản giáo tại Trại tạm giam Noong Bua được thực hiện tốt, các đối tượng tuy là người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn và hiểu biết pháp luật thấp nhưng đều nhận thức được quyền trợ giúp pháp lý.

          Trong năm qua có một số các đối tượng đã yêu cầu các đơn vị hướng dẫn viết đơn và chuyển đơn đến Trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc Chi nhánh của Trung tâm, Trung tâm trợ giúp pháp lý đẩy mạnh hoạt động tham gia tranh tụng. Các vụ việc có Trợ giúp viên pháp lý tham gia tập trung chủ yếu trong lĩnh vực hình sự, đất đai; tiêu biểu là vụ án tranh chấp góp vốn quyền sử dụng đất giữa 24 hộ dân với Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng (Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đại diện bảo vệ quyền lợi cho 24 hộ dân) được chính quyền và nhân dân đánh giá cao.

            Tuy nhiên hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn do cả yếu tố chủ quan và khách quan mang lại:

           Điện Biên là tỉnh thuộc địa bàn miền núi, người dân chủ yếu là dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp nên việc truyền thông và giải thích pháp luật về trợ giúp pháp lý gặp nhiều khó khăn, một số huyện còn chưa có Chi nhánh trợ giúp pháp lý. Tuy có đến 90% người dân thuộc diện được Trợ giúp pháp lý nhưng số vụ việc có yêu cầu Trợ giúp viên pháp lý tham gia còn ít.

           Kết quả công tác phối hợp trong năm 2015

            Trong năm vừa qua, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong toàn tỉnh thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý; Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư cộng tác viên của Trung tâm đã thực hiện việc bào chữa, bảo vệ 105 vụ việc cho 110 đối tượng (trong đó: bào chữa hình sự 97 vụ cho 101 đối tượng, bảo vệ hình sự 01 vụ cho 01 đối tượng; bảo vệ dân sự 07 vụ cho 08 đối tượng). Tuy tổng số vụ việc, số đối tượng có Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia bào chữa, bảo vệ thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng thực hiện việc bào chữa , bảo vệ lại tăng cao ở giai đoạn điều tra, có 77/105 vụ (chiếm 73,33%), 80/110 đối tượng (chiếm 72,73%) so với tổng số vụ việc và số đối tượng được trợ giúp pháp lý. Các đối tượng yêu cầu trợ giúp pháp lý chủ yếu thuộc diện người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (99/110 đối tượng, chiếm 90%).

          Từ kết quả trên cho thấy, hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại Điện Biên ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, chất lượng vụ việc ngày càng được nâng lên./.

                                                                    Nguyễn Thị Thu Huyền

                                                                 Trung tâm TGPL tỉnh Điện Biên

Xem thêm »