Hà Nam- Nhìn lại kết quả phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2015

17/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thời gian qua công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có những bước chuyển khá toàn diện, Trung tâm TGPL đã có nhiều giải pháp tích cực, tập trung thực hiện vụ việc trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính; cung cấp dịch vụ đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng, tạo điều kiện tốt nhất để người dân được tiếp cận pháp luật.

Căn cứ Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC, các ngành thành viên trong Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Hà Nam đã tổ chức triển khai việc quán triệt, phổ biến nội dung của Thông tư đến các cán bộ, công chức do ngành mình quản lý dưới nhiều hình thức phù hợp. Sở Tư pháp và Toà án nhân dân tỉnh đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng, Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư đã ký kết Kế hoạch phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Đồng thời, Trung tâm trợ giúp pháp lý- đơn vị đầu mối giúp việc cho Hội đồng thường xuyên phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng rà soát các bảng thông báo thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng niêm yết công khai, chủ động cung cấp mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý, các tờ gấp pháp luật liên quan; lập danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên của Trung tâm để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo … biết để liên hệ.

Cùng với đó, để đưa công tác trợ giúp pháp lý đi vào nề nếp, ngày 02/11/2015 Hội đồng liên ngành gồm đại diện các ngành thành viên: Sở Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Trung tâm trợ giúp pháp lý đã tiến hành kiểm tra một số đơn vị (Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Lục, Tòa án nhân dân huyện Bình Lục, Tòa án nhân dân huyện Thanh Liêm). Qua quá trình kiểm tra cho thấy các đơn vị được kiểm tra đã chấp hành đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT.

Từ những kết quả đạt được trước hết phải khẳng định việc hướng dẫn, triển khai công tác TGPL trong hoạt động tố tụng được ngành chức năng phối hợp thực hiện tương đối kịp thời, đồng bộ, toàn diện theo từng nội dung, yêu cầu cả về mặt tổ chức và hoạt động. Công tác phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng chặt chẽ, thuận lợi hơn, đặc biệt là thông tin về đối tượng (Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân các huyện Duy Tiên, Kim Bảng,  Lý Nhân, Thanh Liêm…), hàng tháng cơ quan Tòa án hai cấp đều gửi lịch xét xử về Sơ Tư pháp để phối hợp như Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm. Các bảng thông tin trợ giúp pháp lý cũng được khai thác tốt. Chất lượng tham gia bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền lợi qua các vụ việc đã từng bước được bảo đảm. Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên đã có trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị bài bào chữa, bài bảo vệ để thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên toà. Các thủ tục hành chính cũng được giải quyết thuận lợi, kịp thời trên tinh thần cải cách hành chính (cấp Quyết định cử Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên; cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng, thông báo lịch thẩm vấn, lấy lời khai, xét xử).Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tạo điều kiện thuận lợi cho Trợ giúp viên, Luật sư cộng tác viên nghiên cứu hồ sơ, sao chụp tài liệu…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Các vụ việc có Trợ giúp viên, Luật sư công tác viên được thực hiện chỉ tập trung vào giai đoạn xét xử và ở các vụ án hình sự (79/91 vụ việc), các vụ việc chủ yếu là Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm thực hiện (90/91vụ việc), Luật sư cộng tác viên tham gia còn ít (01/91 vụ việc). Nguyên nhân của tồn tại hạn chế là do nhận thức của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo, các đương sự khác về quyền  được hỗ trợ về mặt pháp luật nói chung, quyền trợ giúp pháp lý  nói riêng còn hạn chế; phần lớn các đối tượng chưa có nhu cầu được trợ giúp trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Kinh phí UBND tỉnh dành cho hoạt động TGPL nói chung, hoạt động TGPL trong tố tụng nói riêng còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tế.

Phát huy những kết quả đạt được của năm 2015, hoạt động TGPL trong tố tụngnăm 2016 của Hà Nam tiếp tục triển khai  thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025; Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 2138/KH-UBND của UBND tỉnh triển khai Đề án. Tập trung thực hiện vụ việc TGPL trong lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính. Triển khai có hiệu quả Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam (2015) mới được Quốc hội thông qua. Theo nội dung các Bộ luật, luật nêu trên thì quyền được trợ giúp pháp lý (miễn phí) trong tố tụng đã được bảo đảm. Các ngành thành viên của Hội đồng tiếp tục quán triệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người tiến hành tố tụng của ngành mình, đồng thời tuyên truyền đến các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan và nhân dân về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Tăng cường vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam, bị can, bị cáo và các đương sự khác biết và khi họ thuộc đối tượng nếu có yêu cầu thì hướng dẫn viết đơn, chuyển đơn về Trung tâm trợ giúp pháp lý để Trung tâm cử Trợ giúp viên pháp lý hoặc Luật sư cộng tác viên tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho họ. Đảm bảo 100% đối tượng thuộc diện TGPL đều có Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên tham gia nếu có yêu cầu của đối tượng.Tăng cường tập huấn cho đội ngũ người tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và các cán bộ liên quan đến công tác tiếp công dân của các cơ quan tiến hành tố tụng) về Luật tTợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn trong hoạt động trợ giúp pháp lý để hiểu thống nhất trong việc thực hiện hoạt động TGPL trong tố tụng./.

Tú Lệ - STP Hà Nam

Xem thêm »