Bộ Tư pháp tổ chức Đoàn công tác về trợ giúp pháp lý tại Italy và Thụy Sỹ

10/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Thực hiện Quyết định số 1766/QĐ-BTP ngày 06/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn đi công tác nước ngoài (sau đây gọi là Đoàn công tác), từ ngày 16/9/2019 đến ngày 20/9/2019, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý làm Trưởng đoàn đã kết thúc thành công chuyến công tác về trợ giúp pháp lý tại Italy và Thụy Sỹ. Tham gia Đoàn còn có các thành viên đại diện cho các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Theo Chương trình làm việc, Đoàn đã đến thăm và làm việc với các Văn phòng luật sư, Tòa án, Đoàn luật sư về công tác trợ giúp pháp lý. 

Tại Italy, Đoàn đã thăm và làm việc với Văn phòng luật sư Clifford Chance, Văn phòng luật sư Curtis, Tòa án tối cao và Đoàn luật sư. Đoàn đã được ông Aristide Police và cộng sự của Công ty luật Clifford Chance và các ông Mattia Morani, Sergio Esposito Farber, Francesco Dell’Atti, Giuseppe Calamo Công ty luật Curtis đón tiếp, giới thiệu về trợ giúp pháp lý và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý tại Italy.

Italy là một nước cộng hòa nghị viện nhất thể được chia thành 20 vùng, trong đó 5 vùng có vị thế tự trị đặc biệt. Qua các buổi làm việc, Đoàn được nghe đại diện Văn phòng luật sư Clifford Chance, Văn phòng luật sư Curtis, Tòa án tối cao và Đoàn luật sư ở Italy chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống trợ giúp pháp lý, việc đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý. Trợ giúp pháp lý được quy định tại Điều 24 Hiến pháp Italy. Italy không có hệ thống trợ giúp pháp lý riêng mà bên cạnh Tòa án có bộ phận thực hiện trợ giúp pháp lý trong đó có các luật sư đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý. Thẩm phán là người quyết định luật sư trong danh sách các luật sư đã đăng ký để thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý là thành viên của Đoàn luật sư. Đoàn luật sư giám sát việc thực hiện trợ giúp pháp lý của luật sư trong toàn quốc. Tất cả các luật sư có 05 năm kinh nghiệm và đáp ứng các quy định khác về nghề nghiệp đều được đăng ký danh sách tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý. Đến nay, Italy chưa có hệ thống đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý. Việc đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý do Thẩm phán hoặc cơ quan quản lý luật sư thực hiện.

Đối tượng trợ giúp pháp lý ở Italy là người nghèo với mức thu nhập dưới 11.493 UER/năm (khoảng 296.519.400 VNĐ), bao gồm công dân Ý, người không quốc tịch và các tổ chức phi lợi nhuận. Để được nhận trợ giúp pháp lý người yêu cầu cần phải chứng minh tài chính, nếu thu nhập ở mức nghèo không có đủ tiền trả phí cho luật sư thì được hưởng trợ giúp pháp lý. Người được trợ giúp pháp lý có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý bằng việc trực tiếp đến cơ quan trợ giúp pháp lý hoặc thông qua luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý.

Tại Thụy Sỹ, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Tòa sơ thẩm, Đoàn luật sư Geneve. Đoàn đã được ông Stéphane Ascher, bà Rita Oberson Tòa sơ thẩm và ông Lionel Halperin cùng cộng sự của Đoàn luật sưđón tiếp, giới thiệu về hệ thống trợ giúp pháp lý và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động trợ giúp pháp lý tại Thụy Sỹ. Thụy Sỹ là một nước cộng hòa liên bang gồm 26 bang. Ở Thụy Sỹ, không có cơ quan quản lý về trợ giúp pháp lý. Trợ giúp pháp lý là bắt buộc đối với tất cả các luật sư theo quy định của Điều lệ Luật sư. Mỗi bang có quy định khác nhau về trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của bangvà quy định khác nhau về mức chi trả thù lao cho luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý.

Tại Geneve, trợ giúp pháp lý không có hệ thống đánh giá chất lượng. Đoàn luật sư thực hiện đánh giá chất lượng của các luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý. Người được trợ giúp pháp lý chiếm khoảng 1/3 dân số của Geneve là người không có đủ khả năng chi trả cho luật sư thực hiện vụ việc đó sau khi xác định nguồn thu trừ đi các nguồn chi cho nhu cầu tối thiểu của bản thân và gia đình. Việc xin được trợ giúp pháp lý ở Geneve thông qua luật sư; Thẩm phán là người có quyền quyết định người đó có được trợ giúp pháp lý hay không. Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý do Đoàn luật sư lựa chọnký hợp đồng với Trung tâm thông tin. Khi một người bị bắt, cảnh sát gọi điện thông báo cho Trung tâm thông tin. Trung tâm thông tin lại gọi điện cho luật sư trong ca trực do Đoàn luật sư gửi tới để giúp lựa chọn luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý một cách nhanh nhất.

Ở Geneve, có 200 luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý, có 04 luật sư trực/ca. Kinh phí cấp cho hoạt động trợ giúp pháp lý trong năm 2018 là 16 triệu CHF (379.200.000.000 VNĐ). Trung bình, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý được chi trả thù lao là 200 CHF/giờ (4.740.000 VNĐ). Một số luật sư có thể được trả cao hơn nếu họ phải làm ngoài giờ.

Qua thời gian công tác, Đoàn được nghe đại diện các cơ quan, tổ chức về trợ giúp pháp lý của Italy và Thụy Sỹ trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm như cơ chế đánh giá chất lượng, quản lý luật sư tham gia trợ giúp pháp lý, thanh toán thù lao cho luật sư và đặc biệt là luật sư trực, cách thức điều hành luật sư trực… Những thông tin đa dạng về trợ giúp pháp lý ở Italy và Thụy sỹ góp phần trong việc nghiên cứu xây dựng cơ chế luật sư trực hạn chế việc bỏ lọt đối tượng được trợ giúp pháp lý bảo đảm quyền của người được trợ giúp pháp lý trong bối cảnh hiện nay./.

Cục Trợ giúp pháp lý

 

 

 

 

 

 

Xem thêm »