Giải pháp nâng cao hiệu quả của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia bào chữa, bảo vệ cho người đồng bào dân tộc thiểu số trong vụ án hình sự

28/12/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, có tới 6 huyện nghèo ở miền núi với ba dân tộc đồng bào thiểu số sinh sống (Hre, Cadong và Cor). Từ đầu năm 2015 đến nay, số vụ việc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận và cử Trợ giúp pháp lý tham gia bào chữa, bảo vệ cho đối tượng được trợ giúp pháp lý là người đồng bào dân tộc thiểu số trong vụ án hình sự chiếm tỷ lệ cao cụ thể: Tổng số vụ việc tham gia tố tụng hình sự do Trung tâm thụ lý tính đến đầu tháng 12 năm 2015 là 120 vụ, với 147 người yêu cầu trợ giúp pháp lý. Trong đó đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số yêu cầu TGPL là 55 người, chiếm tỷ lệ 37%, số vụ việc hình sự người đồng bào dân tộc thiểu số yêu cầu TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng là 42 vụ, chiếm tỷ lệ 35% tổng số vụ việc. Qua đó cho thấy nhu cầu được trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là khá cao.

Trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có vai trò hết sức quan trọng, góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác, giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian qua, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phía bị hại và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự, qua đó giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý còn gặp phải những khó khăn, hạn chế làm ảnh hưởng đến kết quả của vụ việc khi tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại cũng như những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự, cụ thể: nhận thức và sự hiểu biết pháp luật của bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan là đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số trong vụ án hình sự còn nhiều hạn chế, họ chưa nắm bắt hết những nội dung mà Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa hay bảo vệ truyền đạt; sự phối hợp, tạo điều kiện của một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thật sự nhịp nhàng; kinh nghiệm của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý trẻ còn một số hạn chế nhất định; sự phối hợp từ phía chính quyền địa phương một số nơi chưa thật sự tốt… Những yếu tố đó ảnh hưởng đến hiệu quả của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại và những người có quyền nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia bào chữa hay bảo vệ cho đối tượng được trợ giúp pháp lý là người đồng bào dân tộc thiểu số trong vụ án hình sự trong thời gian đến cần có những giải pháp như sau:

Thứ nhất: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ, Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ hai: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý đến tận cơ sở, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương, đặc biệt là 6 huyện nghèo miền núi của tỉnh Quảng Ngãi. Chính quyền địa phương và cán bộ Tư pháp hộ tịch ở những nơi này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách TGPL để đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ hơn về chính sách TGPL của Đảng và Nhà nước dành cho họ, để khi bản thân họ hoặc người thân của họ có những vướng mắc pháp luật thì biết cách liên hệ đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi hoặc các Chi nhánh của Trung tâm để được giúp đỡ về mặt pháp luật, nhằm bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba: Các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan Cảnh Sát điều tra Công an các huyện, Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh cần chủ động yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi và các Chi nhánh của Trung tâm phối hợp thực hiện các hoạt động về truyền thông, thông tin và hướng dẫn về trợ giúp pháp lý; cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền lợi của đương sự khi có đề nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong quá trình thụ lý và giải quyết các vụ án nếu phát hiện bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý; Điều 2 Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ, Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 14/2013/ NĐ-CP ngày 05/02/2013 thì các cơ quan tiến hành tố tụng ngoài việc giải thích cho họ biết về quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, cần phải giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí; hướng dẫn cho họ hoặc người thân thích, người đại diện hợp pháp của họ về các thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; cung cấp cho họ mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và địa chỉ liên lạc của Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm.

Thứ tư: Bản thân những Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án hình sự cần nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường việc tiếp xúc với người được trợ giúp pháp lý khi tham gia bào chữa hay bảo vệ cho họ, giúp họ hiểu hơn bản chất vụ việc để họ có những cách ứng xử phù hợp khi tham gia tố tụng nhằm giúp họ bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ năm: Các cơ quan tiến hành tố tụng cần cấp Giấy chứng nhận người bào chữa; Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự cho Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi cử tham gia tố tụng ở các giai đoạn tố tụng của vụ án hình sự đúng thời hạn quy định; cấp các quyết định tố tụng theo quy định của pháp luật và thông báo về thời gian, địa điểm xét xử cho Trợ giúp viên pháp lý nhằm đảm bảo cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật trợ giúp pháp lý.

Thứ sáu: Bản thân bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan là người đồng bào dân tộc thiểu số trong vụ án hình sự cần có sự hợp tác tốt với Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa hay bảo vệ cho mình trong vụ án hình sự, cần trung thực trình bày rõ diễn biến vụ việc do mình gây ra hoặc xảy ra với bản thân mình, cố gắng nắm bắt những ý kiến mà Trợ giúp viên pháp lý hướng dẫn cho mình trình bày khi tham gia các giai đoạn tố tụng, qua đó nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình bào chữa hay bảo vệ nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi ích hợp pháp cho mình.

                                                          Hồng Tràng – TGPL Quảng Ngãi

Xem thêm »