Việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012

12/12/2013
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý là chính sách của Đảng và Nhà nước thể hiện truyền thống đạo lý của dân tộc, trách nhiệm của nhà nước và xã hội đối với người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi về trợ giúp pháp lý, góp phần xóa đói giảm nghèo về pháp luật, giúp người dân an tâm lao động, công tác, ổn định kinh tế.

Trong giai đoạn 2005 – 2012, song song với việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong chính sách giảm nghèo chung, Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý) và các địa phương trên cả nước còn thực hiện trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo đặc thù: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 theo Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010 theo Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020 theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ và chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 – 2020 theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ (chính sách này mới triển khai thực hiện từ tháng 9/2013).
Triển khai thực hiện các chính sách trên, Bộ Tư pháp đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất, tham mưu trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về giảm nghèo nhằm thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về giảm nghèo, đồng thời, cùng với các địa phương tiến hành triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý trên toàn quốc và đạt được một số kết quả cụ thể như sau:
- Về xây dựng thể chế: Trong giai đoạn 2005 – 2012, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành 01 Luật, 03 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 Quyết định và 01 Chỉ thị; phối hợp với các Bộ, ngành khác ban hành 09 Thông tư liên tịch; ban hành 06 Thông tư và 13 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp để hướng dẫn triển khai thi hành chính sách trợ giúp pháp lý trên toàn quốc. Các văn bản trên đã tạo thành hệ thống văn bản, chính sách đồng bộ, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người nghèo và đối tượng chính sách.
- Về kết quả thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo
+ Về thực hiện trợ giúp pháp lý: Trong giai đoạn 2005 – 2012, các địa phương trên cả nước đã thực hiện được 813.108 vụ việc (trong đó có 609.599 vụ việc thuộc chính sách trợ giúp pháp lý chung, 203.509 vụ việc được trợ giúp pháp lý theo các Chương trình giảm nghèo đặc thù) cho hàng triệu người.
+ Về thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động: Tính từ năm 2005 đến hết năm 2012, các địa phương trên cả nước đã thực hiện được 40.880 đợt trợ giúp pháp lý lưu động (30.000 đợt thuộc chính sách trợ giúp pháp lý chung, còn lại là thực hiện theo các chương trình giảm nghèo đặc thù), trong đó thực hiện được 628.708 vụ việc cho người dân.
+ Về thành lập và sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý: tính đến hết năm 2012, trên cả nước đã có 8.389 Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thành lập, trong đó có 4.586 Câu lạc bộ thành lập theo chính sách trợ giúp pháp lý chung, còn lại là các Câu lạc bộ thành lập trong các chương trình giảm nghèo đặc thù. Tuy nhiên, do 02 Chương trình (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010) đã kết thúc, không còn kinh phí duy trì hoạt động nên hiện nay chỉ còn những Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí tiếp tục hoạt động. Các Câu lạc bộ này đã tổ chức được gần 140.000 buổi sinh hoạt, qua đó giải quyết được 280.000 vụ việc và cung cấp thông tin pháp luật cho hơn 3.000.000 người tham dự.
+ Về tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ: Bộ Tư pháp và các Trung tâm đã tổ chức gần 500 lớp tập huấn cho các đối tượng là Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, cộng tác viên và thành viên Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với hơn 40.000 người tham dự.
+ Công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý: Sau khi các văn bản, chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo được ban hành, Bộ Tư pháp và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong cả nước đã tổ chức biên soạn, cung cấp, phát hành hơn 31.000.000 tờ gấp pháp luật và 61.994 băng cát-xét, đĩa CD pháp luật bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số,...; tiến hành đặt gần 30.000 Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại Ủy ban nhân dân xã và các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ để tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý nắm bắt các thông tin về quyền trợ giúp pháp lý, về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý đã có những tác động tích cực đến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Về cơ bản, nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được đáp ứng kịp thời, chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí từng bước được nâng lên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật. Công tác truyền thông, phổ biến pháp luật cho người nghèo cũng như phổ biến về chính sách giảm nghèo đã có hiệu quả tích cực do đổi mới, đa dạng hình thức truyền thông. Vì vậy, sau 08 năm thực hiện chính sách giảm nghèo, đến nay, nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của người nghèo được nâng lên, từng bước hình thành nếp sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân; góp phần thực thi quyền con người, quyền công dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động trợ giúp pháp lý còn tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân.
Qua công tác trợ giúp pháp lý đã khẳng định việc ban hành chính sách này là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chính sách này đã trực tiếp hỗ trợ cho các địa phương, nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tại cơ sở; góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo và nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân.Chính sách này đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện cũng như sự đồng tình, ủng hộ của người dân.    
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý, các địa phương trên cả nước đã gặp phải một số khó khăn, hạn chế như:
- Tại một số địa phương, nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân còn chưa được đáp ứng đầy đủ và kịp thời; một số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa biết về quyền được trợ giúp pháp lý của bản thân.
- Công tác truyền thông, phổ biến về trợ giúp pháp lý hiệu quả chưa cao; dịch vụ pháp lý miễn phí ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý chưa cao hoặc chưa đến được với người được trợ giúp pháp lý.
- Nguồn kinh phí bố trí cho công tác trợ giúp pháp lý, truyền thông, phổ biến pháp luật về giảm nghèo còn hạn hẹp và việc cấp phát chậm nên việc triển khai thực hiện các chính sách chưa được kịp thời, đặc biệt là ngân sách nhà nước chưa bảo đảm được kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ trong các chương trình.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do:
- Đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở xa trung tâm, tỉnh lỵ, giao thông đi lại gặp khó khăn, các địa phương khó triển khai toàn diện các hoạt động tại địa bàn này, hoặc có khi tổ chức nhưng chính bản thân người dân lại không tham gia do phải đi bộ vài giờ mới đến được Ủy ban nhân dân xã để tìm hiểu về pháp luật trợ giúp pháp lý hoặc nơi tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để giải đáp những vướng mắc pháp luật mà họ gặp phải.
- Do đồng bào dân tộc thiểu số sống phân bổ, không tập trung nên các địa phương gặp khó khăn trong việc truyền thông, phổ biến về trợ giúp pháp lý; số lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý biết tiếng dân tộc còn hạn chế nên một số trường hợp thông tin pháp luật đến với đồng bào dân tộc thiểu số phải thông qua lực lượng cán bộ tại chỗ, hiệu quả truyền thông chưa cao.
Các huyện nghèo, xã nghèo thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo phần lớn ở xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, các địa phương được tiếp nhận kinh phí đều thuộc diện ngân sách Trung ương phải hỗ trợ, không có nguồn kinh phí chi quản lý hoạt động này nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện tốt chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo, kiếnnghị:
- Chính phủ ban hành các chính sách ổn định và lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm, yêu cầu các Bộ, ngành thường xuyên tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm khả thi, tránh lãng phí ngân sách và nguồn nhân lực, các chính sách không nên tập trung hỗ trợ, mà nên tập trung khuyến khích các đối tượng vươn lên thoát nghèo, tránh tình trạng ỷ lại vào nhà nước làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
- Các ngành, các cấp quan tâm tới việc phát triển cơ sở hạ tầng tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo xa xôi, vùng nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức triển khai chính sách và tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật để người dân được biết các chính sách ưu đãi được hưởng, tránh bỏ sót đối tượng, bảo đảm công bằng xã hội và giúp giảm nghèo bền vững.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo tại địa phương, bảo đảm việc sử dụng các nguồn kinh phí thực sự tiết kiệm và hiệu quả.
- Nên có cơ chế bảo đảm sự tham gia của người dân trong công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách cũng như thu hút sự đóng góp của xã hội, người dân trong công tác xóa đói, giảm nghèo góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phòng Quản lý nghiệp vụ, Cục TGPL

Xem thêm »