Hội nghị “Đánh giá, đề xuất giải pháp triển khai nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi"

14/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 12/6/2023, tại thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức Hội nghị “Đánh giá, đề xuất giải pháp triển khai nội dung về trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Đến dự Hội nghị có Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình, Lãnh đạo Trung tâm TGPL nhà nước cùng các Trợ giúp viên pháp lý các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên và thành phố Hà Nội. Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện Phòng Tư pháp  huyện Lệ Thuỷ, Bố Trạch, đại diện UBND xã, công chức Tư pháp hộ tịch, đại diện các tổ chức đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng của một số xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục TGPL đã điểm lại một số kết quả đáng khích lệ của hoạt động TGPL trong thời gian qua. Theo đó, từ năm 2017 đến hết tháng 12/2022, đã có 259.361 lượt người được TGPL trong 241.823 vụ việc TGPL, trong đó 71.314 người dân tộc thiểu số, số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm sau cao hơn năm trước, năm 2021: 31.349 vụ việc, năm 2022: 37.419 vụ việc, tăng thêm 19,36%. Các vụ việc TGPL đều được thẩm định chất lượng, các vụ việc tham gia tố tụng đều được đánh giá hiệu quả, từ năm 2018 đến hết tháng 12/2022, có 23.858 vụ việc thành công hiệu quả. Trong năm 2021 và năm 2022, TGPL đã được ghi nhận trong 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia[1] trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình).
 
Ảnh: Toàn khung cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe 05 bài tham luận đến từ Cục TGPL, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa, Quảng Trị và một số ý kiến trao đổi, thảo luận. Các tham luận và ý kiến phát biểu cho thấy, hiện nay công tác TGPL có vị trí quan trọng, đã được quy định tại Chương trình. Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1420/BTP-TGPL ngày 05/5/2022 về việc hướng dẫn thực hiện nội dung về TGPL trong Chương trình. Trên cơ sở công văn hướng dẫn của Bộ Tư pháp, đã có 32 Sở Tư pháp ở địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình.
Các hoạt động TGPL trong Chương trình đã triển khai đồng bộ ở trung ương và địa phương nhằm nâng cao năng lực tiếp cận và thụ hưởng TGPL cho người dân tộc thiểu số khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật như: xây dựng, phát sóng các chương trình, phóng sự, ký sự về các vụ việc TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, cung cấp tài liệu truyền thông về chính sách TGPL cho người DTTS; tổ chức các đợt truyền thông điểm nhằm tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân tộc thiểu số..... Một số địa phương đã được bố trí kinh phí thực hiện, một số địa phương lồng ghép thực hiện các nội dung TGPL bằng nguồn kinh phí thường xuyên.
 
Ảnh: Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị

 Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nội dung về TGPL trong Chương trình còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: một số địa phương chưa được cấp kinh phí hoặc cấp kinh phí còn hạn chế; hiểu biết về chính sách TGPL của một bộ phận người dân tộc thiểu số còn hạn chế; một số cơ quan còn chưa quan tâm đến công tác phối hợp; công tác truyền thông còn chưa được đa dạng, phong phú.... Các tham luận và ý kiến của các đại biểu đã đề xuất những giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả nội dung về TGPL trong Chương trình như: tăng cường sự chỉ đạo của Cục TGPL để tổ chức triển khai có hiệu quả nội dung TGPL trong Chương trình; thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ người thực hiện TGPL; tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, bố trí kinh phí sớm và hợp lý cho nội dung TGPL trong Chương trình. Tại Hội nghị, đã có một số ý kiến chia sẻ về các hình thức triển khai hiệu quả trong quá trình triển khai Chương trình này tại các địa phương.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, bà Vũ Thị Hoàng Hà – Phó Cục trưởng Cục TGPL – chủ trì Hội nghị đã ghi nhận những ý kiến của các đại biểu, đề xuất trong thời gian tới Cục TGPL tiếp tục kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc của địa phương, từ đó có giải pháp đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai thực hiện nội dung về TGPL trong Chương trình.
Nguyễn Hiền - Phòng Chính sách và Quản lý nghiệp vụ, Cục Trợ giúp pháp lý
 

Xem thêm »