Không có trợ giúp pháp lý, mẹ con tôi sẽ không có cái tết trọn vẹn!

21/02/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đó là cảm nhận của bà D.T.T.Thùy xã D.X, huyện D.K, tỉnh Khánh Hòa sau khi kết thúc phiên tòa xét xử con trai bà là N.T.Nhàn phạm tội “cướp giật tài sản”

Một buổi sáng tháng 10 năm 2013, khi Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Khánh Hòa đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý của một vụ việc vừa hoàn thành, thì một người phụ nữ có dáng vẻ lam lũ, khắc khổ, tay cầm tờ đơn xin trợ giúp pháp lý bước vào. Tiếp chuyện với Trợ giúp viên pháp lý, Bà D.T.T.Thùy  (61 tuổi) vẫn chưa hết thất thần trước việc phạm tội của con trai. Bà cho biết, do gia đình khó khăn, một thân một mình kiếm sống nuôi con nhưng dù sống trong nghèo khổ nhưng gia đình rất hạnh phúc.
 
Bà kể, N.T.Nhàn (con trai bà) sinh ra đã là một đứa trẻ bất hạnh không biết bố là ai, một mình bà tần tảo nuôi con khôn lớn trong sự nghèo túng, cơ hàn. Nhà bà thuộc hộ nghèo của xã từ 2008 đến nay, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng với thu nhập từ việc bán kem, sữa chua ở vỉa hè thì mẹ con bà vẫn cứ mãi “bữa đói bữa no” chứ không thể thoát nghèo. Nhà nghèo, trong nhà lại không có đàn ông nên con cái không ai kèm cặp, giáo dục chu đáo như bao gia đình khác, do vậy, học xong lớp 9 là Nhàn xin nghỉ học để đi làm phụ giúp mẹ. “Thấy nó trước giờ ngoan hiền, biết vâng lời mẹ mà mình không có khả năng để lo cho con nên đành chấp nhận để cháu nghỉ học. Tui cũng động viên cháu, thôi thì ngày con đi làm, buổi tối đi học bổ túc lớp 10 cũng được” . Nhàn nghỉ học, đi làm phụ quán ăn được hơn tháng, mới mang tháng lương đầu được 2 triệu về đưa mẹ, chưa kịp mừng thì hay tin con phạm tội.
 
Gạt nước mắt, bà tiếp tục kể: Chuyện xảy ra vào sáng sớm ngày 15/9/2013, N.T.Nhàn và T.N.Hùng (sinh 1997, cùng xã D.X), đang đứng chơi trước nhà Nhàn thì thấy người bán vé số dạo đi xe đạp ngang qua. Do chuẩn bị đi chơi game mà trong túi chỉ có 15.000đ, không đủ để thỏa mãn thú vui, “nếu dò trúng thì sẽ có nhiều tiền, được chơi thỏa thích mà không cần xin mẹ tiền” nghĩ vậy nên Nhàn nảy sinh ý định chiếm đoạt vé số. Nhàn rủ Hùng cùng thực hiện, lúc đầu Hùng không đồng ý, nhưng khi nghe Nhàn nói để Nhàn làm thì Hùng đồng ý. Cả hai dùng xe đạp của Nhàn đi vượt lên trước, đến khu vực bãi mía gần nghĩa trang xã D.X, nơi vắng người, nấp chờ người bán vé số. Khi người bán vé số đến, Nhàn gọi lại giả vờ mua vé số, tưởng thật người bán vé số bèn đưa sấp vé số cho Nhàn chọn. Nhàn liền giật toàn bộ 283 tờ vé số với giá trị 2.830.000đ bỏ chạy. 
“Tui hoang mang hết sức, cha mẹ Hùng thì cũng không khỏi bàng hoàng khi nghe tin con mình phạm tội, giờ tôi chỉ trông cậy vào sự giúp đỡ của mấy chú và sự khoan hồng của pháp luật”


Cảm thông và chia sẻ với tình cảnh của bà Thùy, các Trợ giúp viên một mặt động viên, trấn an tinh thần 2 mẹ con, giải thích rõ quy định của pháp luật cũng như hậu quả do hành vi mà Nhàn đã gây ra, mặt khác, tìm hiểu kỹ các vấn đề có liên quan đến vụ án.
Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào những ngày cuối năm Quý Tỵ, cũng giống như ở cơ quan điều tra trước đó, Nhàn thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận về hành vi bồng bột của mình, mong Hội đồng xét xử chiếu cố, giảm nhẹ hình phạt. Với nhiều tình tiết giảm nhẹ do các Trợ giúp viên chứng minh, nên mặc dù Nhàn là người đầu trò, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nhưng Hội đồng xét xử đã tuyên phạt mức án 12 tháng tù treo, còn Hùng bị 9 tháng tù treo. Vậy là cả 2 gia đình chưa hoàn toàn mất vui trong dịp đón Tết Giáp Ngọ.
Thiết nghĩ, lứa tuổi vị thành niên rất hay có những suy nghĩ nông cạn, hành động bột phát nhất thời mang lại hậu quả khó lường, do đó, rất cần sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là của những bậc cha mẹ để tránh xảy ra những hình ảnh tương tự.
Bảo Bảo.
 
*Tên nhân vật trong bài đã thay đổi
 
 

Xem thêm »