Huy động Luật sư tham gia cộng tác viên trên địa bàn tỉnh Điện Biên

08/01/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Điện Biên là một tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Tây bắc của Tổ quốc, có tổng diện tích tự nhiên 9.562,9 km2, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Toàn tỉnh có 10 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố, 01 thị xã, 08 huyện, với 130 xã, phường, thị trấn (gồm 9 phường, 5 thị trấn và 116 xã); dân số hơn 52 vạn người, gồm 21 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 38%; dân tộc Mông chiếm 30%, dân tộc Kinh chiếm gần 20%, còn lại các dân tộc thiểu số khác. Mật độ dân số trung bình là 52 người /km2,  phân bố không đồng đều, kinh tế chậm phát triển, đời sống các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn.

  Với đặc thù như vậy số đối tượng được trợ giúp pháp lý chiếm khoảng 85% tổng dân số của cả tỉnh; nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân rất lớn, nhưng chỉ có một số ít người ở các thành phố có điều kiện về tài chính để mời luật sư hoặc chuyên gia tư vấn pháp luật. Hầu hết  người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn... một phần không có điều kiện trả phí tư vấn, một phần không có đủ trình độ nhận thức để nhờ luật sư hoặc chuyên gia tư vấn, tạo nên sự không công bằng của những người dân trong việc tiếp cận với chính sách, pháp luật của nhà nước.

Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí thông qua các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý giúp người dân nắm được kiến thức pháp luật để họ có thể tự mình lựa chọn cách xử sự phù hợp với pháp luật, góp phần phòng chống vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật; đồng thời giảm bớt khiếu nại, tiết kiệm thời gian và chi phí của Nhà nước cũng như nhân dân.

Với ý nghĩa như vậy, bên cạnh việc không ngừng nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên còn chú trọng việc phát triển mạng lưới Cộng tác viên trợ giúp pháp nhằm huy động sự tham gia của xã hội vào việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý – chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Đội ngũ Luật sư trên địa bàn tỉnh được Trung tâm chú trọng phát triển, Trung tâm đã gửi thư mời đội ngũ Luật sư trên đại bàn tỉnh tham gia làm Cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Qua thư mời cũng để đội ngũ Luật sư thấy việc thực hiện trợ giúp pháp lý không chỉ là trách nhiệm của Luật sư đã được quy định trong Luật Luật sư mà cũng để thấy được tính nhân văn của chính sách trợ giúp pháp lý là nên  đứng trong hàng ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý . Mặt khác, Trung tâm cũng đã tổ chức các đợt tập huấn kiến thức pháp luật, và kỹ năng trợ giúp pháp lý; thực hiện thanh quyết toán các chế độ theo vụ việc do Cộng tác viên là luật sư thực hiện...Với những hoạt động đó, năm 2015, Trung tâm đã có 8/12 Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnhtham gia làm Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Việc phát triển mạng lưới Cộng tác viên, chú trọng đội ngũ Luật sư nhằm tăng số lượng, chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc trợ giúp bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Điều này là hoàn toàn phù hợp Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025 là nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác TGPL, xây dựng cơ chế thiết thực để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện TGPL, nhất là đội ngũ luật sư.

Đồng thời thông qua việc tham gia của đông đảo Luật sư là Cộng tác viên trợ giúp pháp lý để thực hiện được việc điều phối nguồn nhân lực giữa huyện; thị xã, khắc phục được tình trạng thiếu nguồn nhân lực thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

               Mai Thị Thanh Liêm

Trung tâm TGPL tỉnh Điện Biên

Xem thêm »