Một số giải pháp tăng cường kiến nghị trong hoạt động trợ giúp pháp lý

31/10/2014
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Lần đầu tiên, Luật quy định việc kiến nghị những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật là quyền đồng thời là nghĩa vụ của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL). Cụ thể hóa các quy định của Luật về vấn đề kiến nghị liên quan đến thi hành pháp luật, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ đã xác định hoạt động kiến nghị thi hành pháp luật thông qua TGPL bao gồm ba hình thức: kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết lại vụ việc của người được TGPL; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết về việc thi hành pháp luật của cán bộ, công chức khi phát hiện cán bộ, công chức cố tình làm sai, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của người được TGPL và kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.

 Như vậy, hoạt động kiến nghị các vấn đề về thi hành pháp luật trong TGPL đã được quy định tương đối đầy đủ, khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trong các văn bản pháp luật về TGPL trước đó, tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức thực hiện TGPL triển khai hoạt động này trên thực tế. Sau gần 08 năm thực hiện Luật TGPL, với sự cố gắng, nỗ lực của các Trung tâm TGPL nhà nước (sau đây gọi là Trung tâm), các tổ chức tham gia TGPL, hoạt động kiến nghị thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kiến nghị trong TGPL còn có những tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất, quy định của pháp luật về kiến nghị thi hành pháp luật chưa đầy đủ, thiếu sự chặt chẽ. Luật TGPL và văn bản hướng dẫn thi hành mới chỉ quy định việc cơ quan nhận được kiến nghị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Chưa quy định chế tài đối với việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận kiến nghị của các tổ chức TGPL mà không trả lời hoặc trả lời không đúng thời hạn quy định.
Thứ hai, một bộ phận các cơ quan, tổ chức tại địa phương chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của kiến nghị thi hành pháp luật thông qua hoạt động TGPL, chưa thấy được mục đích của kiến nghị là bảo đảm cho việc thực thi pháp luật hiệu quả và đúng đắn hơn nên chưa sẵn sàng phối hợp với các tổ chức TGPL gửi tới. Thậm chí, có trường hợp, khi tiếp nhận các kiến nghị của tổ chức TGPL có biểu hiện xem nhẹ, thờ ơ, chưa xem xét giải quyết kịp thời hoặc có xem xét giải quyết nhưng không đúng thời hạn quy định và không thông báo cho tổ chức thực hiện TGPL về kết quả giải quyết. Mặt khác, kiến nghị là chỉ ra những điểm có căn cứ cho rằng chưa phù hợp hoặc chưa đúng hoặc sai phạm của chủ thể kiến nghị, dễ gây tâm lý tự ái, không muốn thừa nhận những điểm chưa đúng, do đó, không nhận được sự ủng hộ của các cơ quan kiến nghị và khó tạo được mối quan hệ tốt với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc trong việc nhận và trả lời kiến nghị theo quy định.
Thứ ba, Luật TGPL quy định kiến nghị được thực hiện bằng văn bản nhưng thực tế hoạt động TGPL tại địa phương phần nhiều cũng do sự phối hợp, trao đổi thông tin trực tiếp bằng miệng, nhiều vụ việc TGPL qua trao đổi với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã bảo vệ được quyền và lợi ích của người được TGPL. Mặt khác, phần lớn vụ việc của người dân yêu cầu kiến nghị có liên quan trực tiếp đến chính quyền cơ sở, nếu kiến nghị bằng văn bản sẽ gây áp lực cho chính quyền cơ sở, khó khăn trong việc phối hợp tổ chức TGPL lưu động. Do đó, số lượng vụ việc kiến nghị bằng văn bản ít, số lượng vụ việc đã thực hiện bằng miệng lại không được theo dõi, tổng hợp, thống kê nên chưa đánh giá được thực trạng kiến nghị tại địa bàn, không rút ra được hạn chế, bấp cập và chưa đề ra được giải pháp đẩy mạnh kiến nghị thi hành pháp luật.
Thứ tư, kiến nghị là việc làm đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn sâu, hiểu biết xã hội rộng, khả năng diễn đạt bằng văn bản hoặc bằng lời nói có sức thuyết phục trong khi đội ngũ cán bộ, công chức của Trung tâm và các cộng tác viên còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ năng xây dựng kiến nghị, chưa có đủ khả năng đánh giá và nhìn nhận vấn đề cần kiến nghị một cách đúng đắn, chính xác. Do đó, chưa tự tin khi thực hiện kiến nghị TGPL.
Thứ năm, đội ngũ người thực hiện TGPL còn ít về số lượng, các tổ chức TGPL chưa thể bố trí cán bộ theo dõi kết quả của các vụ việc đã kiến nghị cũng như đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời kiến nghị theo thời hạn quy định. Chưa có cán bộ tổng hợp, thống kê, báo cáo về tình hình kiến nghị thi hành pháp luật với các cơ quan quản lý về TGPL tại địa phương để phục vụ công tác quản lý, điều hành và xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Thứ sáu, chất lượng vụ việc kiến nghị chưa cao, thiếu cơ sở pháp lý, nội dung kiến nghị và phương án đề xuất giải quyết chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ việc làm ảnh hưởng uy tín của tổ chức TGPL, giảm lòng tin của người dân và chưa có đủ sức thuyết phục để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chấp nhận và thay đổi cách giải quyết vụ việc trước đó. Bên cạnh đó, phần lớn các vụ việc kiến nghị đã thực hiện tập trung vào việc giải quyết lại các vụ việc, kiến nghị về hành vi của cán bộ, công chức và kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật chưa được chú trọng thực hiện.
Một số nguyên nhân:
Thứ nhất, văn bản về TGPL đã quy định, trong trường hợp quá thời hạn phải trả lời kiến nghị mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc không trả lời thì tổ chức TGPL được kiến nghị với lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó để có biện pháp chỉ đạo, xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức TGPL chưa thực hiện hết quyền và nghĩa vụ của mình. Phần lớn các vụ việc kiến nghị đã gửi đi nếu không nhận được trả lời của các cơ quan nhận kiến nghị, các tổ chức TGPL chưa chủ động đề nghị, đôn đốc hoặc kiến nghị với lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó.
Thứ hai, công tác truyền thông pháp luật về TGPL tại địa phương đã được chú trọng nhưng chưa sâu, rộng, hiệu quả chưa cao, dẫn đến nhận thức của một bộ phận không nhỏ cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước về hoạt động kiến nghị thi hành pháp luật thông qua TGPL còn dừng lại ở mức độ nhất định.
Thứ ba, trình độ của người thực hiện TGPL còn hạn chế, chưa chủ động nghiên cứu, tích cực trong việc tham mưu, đề xuất với Trung tâm ra văn bản kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền. Trong nhiều trường hợp chưa tìm ra được những căn cứ xác đáng, có sức thuyết phục làm thay đổi cách giải quyết vấn đề của các cơ quan có thẩm quyền. Trong nhiều trường hợp chưa tìm ra được những căn cứ xác đáng, có sức thuyết phục làm thay đổi cách giải quyết vấn đề của các cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, do tâm lý ngại va chạm với các cơ quan hữu quan ở địa phương, không muốn dùng hình thức kiến nghị bằng văn bản mà giải quyết công việc trên cơ sở mối quan hệ quen biết cá nhân nên thường thông qua các hình thức như: trao đổi bằng miệng, thông tin qua các cuộc họp giao ban, gặp tại hội nghị… do đó, không rèn luyện được kỹ năng viết kiến nghị cũng như không tạo thói quen nghiên cứu sâu, tìm hiểu căn cứ pháp lý về vấn đề cần kiến nghị cho người thực hiện TGPL, đồng thời làm giảm niềm tin của người dân vào tổ chức TGPL.
Thứ tư, các tổ chức TGPL chưa tạo được mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL cũng như giải quyết các kiến nghị do các tổ chức TGPL gửi đến. Một bộ phận cán bộ, công chức tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương trình độ năng lực còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm không cao, nhận thức về mục đích, vai trò, giá trị pháp lý của văn bản kiến nghị trong hoạt động TGPL còn chưa đầy đủ, thiếu tính thống nhất nên nhiều trường hợp nhận được kiến nghị nhưng không trả lời.
Thứ năm, công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ và phân công công tác cho cán bộ, công chức ở một số tổ chức TGPL chưa thật hợp lý. Chưa bố trí cán bộ thực hiện đan xen các công việc để bảo đảm các mảng công việc đều có cán bộ theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện nghiêm túc, do đó, thời gian qua mảng công việc liên quan đến kiến nghị thi hành pháp luật chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bỏ trống, không đề cập đến trong công tác báo cáo, thống kê của các tổ chức trợ giúp pháp lý.
Đề xuất một số giải pháp tăng cường kiến nghị trong hoạt động TGPL:
Đề kiến nghị thi hành pháp luật thông qua hoạt động TGPL thực sự là một hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, góp phần chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong cách giải quyết vụ việc của các cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền, nâng cao uy tín của các tổ chức TGPL, trong thời gian tới cần áp dụng một số giải pháp, cụ thể:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về TGPL, trong đó quy định rõ chế tài đối với việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhận kiến nghị của tổ chức TGPL mà không trả lời hoặc trả lời không đúng thời hạn quy định. Xây dựng Quy chế phối hợp giải quyết kiến nghị giữa tổ chức thực hiện TGPL và các cơ quan, ban ngành có liên quan tại địa phương nhằm thiết lập quan hệ chặt chẽ, thường xuyên và tạo thuận lợi trong quá trình tác nghiệp giữa tổ chức thực hiện TGPL các cơ quan, ban ngành có liên quan.
Thứ hai, trực tiếp quán triệt sâu sắc nội dung, tinh thần của Luật TGPL trong hệ thống chính trị, đặc biệt là nghĩa vụ, trách nhiệm của người thực hiện kiến nghị TGPL và tổ chức thực hiện kiến nghị TGPL cũng như người tiếp nhận kiến nghị TGPL, cơ quan, tổ chức tiếp nhận kiến nghị TGPL. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quan hệ với công dân và giải quyết các công việc của công dân. Nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về tầm quan trọng của kiến nghị thi hành pháp luật thông qua hoạt động TGPL bằng việc thực hiện các kiến nghị có chất lượng và có đủ sức thuyết phục để thay đổi cách nhìn nhận vấn đề của các cơ quan, tổ chức đã giải quyết vụ việc bị kiến nghị. Xoá bỏ quan niệm bảo thủ, không dám, không muốn thừa nhận những sai sót do bản thân, tổ chức mình đã thực hiện.
Thứ ba, các tổ chức TGPL cần xây dựng mối quan hệ sâu, rộng với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương nhất là các cơ quan truyền thông, báo chí để đăng tải những văn bản kiến nghị đối với những vụ việc kiến nghị đã được các cơ quan chức năng trả lời, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; tham mưu với Lãnh đạo Sở Tư pháp báo cáo các cấp chính quyền, các tổ chức Đảng, cấp uỷ ở địa phương về thực trạng công tác trả lời kiến nghị TGPL tại địa phương để có chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời đối với các cơ quan, tổ chức chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong việc trả lời kiến nghị TGPL cũng như chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác kiến nghị thông qua hoạt động TGPL của các tổ chức TGPL.
Thứ tư, nghiên cứu, xây dựng và mở các lớp tập huấn nghiệp vụ TGPL theo chuyên đề trong đó chuyên đề về kỹ năng kiến nghị trong hoạt động TGPL; tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động kiến nghị trong toàn quốc đồng thời tổ chức các đợt học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng xây dựng kiến nghị giữa các Trung tâm TGPL để người thực hiện TGPL có cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng thực hiện kiến nghị, làm cơ sở để thực hiện có chất lượng vụ việc kiến nghị tại địa phương.
Thứ năm, các tổ chức thực hiện TGPL cần bố trí cán bộ thực hiện các mảng công việc phù hợp với nguồn lực hiện có, trong đó chú trọng việc cử cán bộ thực hiện việc theo dõi, rà soát và tổng hợp kết quả của các vụ việc đã kiến nghị cũng như đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời kiến nghị theo thời hạn quy định. Trong trường hợp quá thời hạn phải trả lời kiến nghị mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc không trả lời thì tổ chức TGPL phải kiến nghị với lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời. Đồng thời, hàng tháng, hàng quý phải tổng hợp, thống kê theo biểu mẫu, báo cáo về tình hình thực hiện kiến nghị tại địa phương gửi các cơ quan quản lý nhà nước về TGPL.
Thứ sáu, tăng cường thực hiện kiến nghị bằng văn bản để rèn luyện thói quen nghiên cứu chuyên sâu, kỹ năng viết kiến nghị cũng như khả năng luận giải vấn đề logic, khoa học, khả năng đánh giá và nhìn nhận vấn đề cần kiến nghị một cách đúng đắn, chính xác và có căn cứ pháp lý của đội ngũ người thực hiện TGPL. Nâng cao chấ lượng vụ việc kiến nghị, đẩy mạnh việc thực hiện kiến nghị về thi hành pháp luật của cán bộ, công chức khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức gây thiệt hại cho người được trợ giúp pháp lý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ bảy, trước mắt, cần coi các vụ việc kiến nghị bằng miệng là một hình thức kiến nghị vì mục đích cuối cùng của việc thực hiện là vụ việc được các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm xem xét, giải quyết, quyền là lợi ích của người được TGPL được bảo đảm. Đồng thời, kiến nghị bằng miệng không làm cứng nhắc hoá hoạt động hành chính giữa các cơ quan thi hàng pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phối hợp về sau. Tuy nhiên, kiến nghị bằng miệng phải được ghi vào sổ để theo dõi, tổng hợp và có báo cáo cụ thể về số lượng vụ việc đã kiến nghị, số lượng người được TGPL và kết quả của vụ việc kiến nghị.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vụ việc TGPL để kịp thời phát hiện những sai sót, yếu kém trong hoạt động TGPL nói chung và hoạt động kiến nghị nói riêng. Định kỳ, tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc giải quyết kiến nghị tại địa phương; chỉ ra nguyên nhân, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động thực hiện kiến nghị thi hành pháp luật thông qua TGPL.
Đề xuất một số yêu cầu đối với vụ việc kiến nghị:
Thứ nhất, nội dung kiến nghị của tổ chức TGPL (bằng văn bản hoặc bằng miệng) là nội dung đã có sự phân tích cụ thể, xem xẽt kỹ lưỡng, bàn bạc thống nhất, đánh giá khách quan của tổ chức TGPL dựa trên hồ sơ vụ việc TGPL và những chứng cứ thu được trong quá trình xác minh (nếu có).
Thứ hai, phương án giải quyết vụ việc do tổ chức TGPL đề xuất phải phù hợp pháp luật, thể hiện tính đúng đắn, có căn cứ pháp luật chính xác, viện dẫn cơ sở pháp lý sát với nội dung cần kiến nghị; chỉ rõ điều, khoản trong từng văn bản áp dụng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, bảo đảm được tính lợi ích chính đáng của người được TGPL.
Thứ ba, kiến nghị phải được gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan đến các nội dung cần kiến nghị.
Thứ tư, kiến nghị đối với lãnh đạo cấp trên trực tiếp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp quá thời hạn phải trả lời kiến nghị mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc không trả lời.
Thứ năm, theo dõi, tổng hợp và báo cáo về việc nhận và trả lời kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Phòng Quản lý chất lượng

Xem thêm »