Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia tố tụng của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý mới được bổ nhiệm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

14/01/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Quảng Ngãi là một tỉnh có tỷ lệ đối tượng và nhu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL) khá cao (có 06 huyện nghèo, 21 xã bãi ngang ven biển và hải đảo; người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng chiếm tỷ lệ cao); song đội ngũ người thực hiện TGPL còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng, chưa đáp ứng kịp thời các yêu cầu TGPL của các đối tượng (theo pháp luật về TGPL, người thực hiện TGPL phải là Trợ giúp viên pháp lý – TGVPL hoặc luật sư cộng tác viên - LSCTV). Bên cạnh đó, đội ngũ luật sư tham gia TGPL rất ít và đa phần là lớn tuổi (11/30 luật sư tham gia TGPL), hoạt động nghề nghiệp sau khi nghỉ hưu,..; do vậy, người thực hiện TGPL thời gian qua chủ yếu là đội ngũ TGVPL.

Nhận thức được vai trò, vị trí của đội ngũ TGVPL trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL  theo đề nghị của các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân), những năm qua, lãnh đạo Sở Tư pháp luôn quan tâm, tạo điều kiện phát triển đội ngũ TGVPL và tính đến 4/2015, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh có 09 TGVPL (trong đó có 07 TGVPL có tuổi đời rất trẻ).

Đội ngũ TGVPL trên địa bàn tỉnh tuy được đào tạo bài bản, có năng lực, trình độ và sự hiểu biết chuyên sâu về pháp luật, đòi hỏi mỗi TGVPL cần trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và sự hiểu biết tốt về pháp luật, kiến thức xã hội, nhất là kỹ năng khi tham gia tố tụng ở tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử, đặc biệt, trong các vụ án phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều đối tượng, nhiều cơ quan … vì thế, trước năm 2015, đội ngũ TGVPL khi được bổ nhiệm phải mất gần 01 năm (khoảng thời gian tập sự hành nghề) học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng mới tham gia tố tụng như các TGVPL khác.

Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL bằng hình thức tố tụng tăng cao của các đối tượng trong thời gian đến, Hội đồng phối hợp liên ngành Quảng Ngãi đưa ra một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, rà soát đội ngũ viên chức có đủ điều kiện tạo nguồn bổ nhiệm TGVPL đề nghị Lãnh đạo Sở Tư pháp cử tham gia các khóa đào tạo nghề luật sư, nghiệp vụ TGPL. Đội ngũ viên chức chưa đủ điều kiện tham gia các khóa đào tạo trên thì tiếp tục tìm hiểu pháp luật, tham gia các hoạt động tư vấn, tham gia tố tụng cùng các Trợ giúp viên pháp lý.

Thứ hai, chỉ định TGVPL có kinh nghiệm hướng dẫn viên chức đã tham gia các khóa đào tạo nghề luật sư, nghiệp vụ TGPL cách thức liên hệ, làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, tham gia lấy lời khai đối tượng, nghiên cứu hồ sơ vụ án, viết luận cứ bào chữa, bảo vệ và cách thức tham gia phiên tòa,…..

Những hoạt động trên đều được TGVPL hướng dẫn đánh giá và báo cáo kết quả với lãnh đạo Trung tâm làm căn cứ quyết định trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm TGVPL.

Thứ ba, ngoài việc chỉ định TGVPL có kinh nghiệm hướng dẫn, viên chức TGPL đã học qua lớp bồi dưỡng luật sư còn được giới thiệu tham gia các phiên tòa của luật sư cộng tác viên tham gia bảo vệ, bào chữa thuộc đối tượng được TGPL nhằm học hỏi kinh nghiệm tham gia phiên tòa, tranh luận, đối đáp tại tòa,….

Thứ tư, khi các vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng có nhiều đối tượng, TGVPL mới bổ nhiệm được cử tham gia tố tụng cùng với 01 TGVPL hoặc luật sư cộng tác viên nhằm bổ sung, hỗ trợ và trao đổi thông tin vụ việc cũng như giúp TGVPL mới được bổ nhiệm thực hành với việc của mình trong quá trình tham gia tố tụng.

Thứ năm, các vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng có tính chất phức tạp nên lấy ý kiến đóng góp và tranh luận (phiên tòa giả định) của đội ngũ viên chức và nhất là đội ngũ nguồn bổ nhiệm TGVPL, đội ngũ TGVPL mới bổ nhiệm nhằm giúp cho TGVPL có nhiều thông tin và phương án giải quyết vụ việc khách quan, đúng pháp luật./.

PTQ

Xem thêm »