Chất lượng vụ việc Trợ giúp pháp lý và định hướng đổi mới hoạt động quản lý chất lượng vụ việc Trợ giúp pháp lý

22/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

1. Khái quát về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý sau 06 năm triển khai thực hiện Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng

Luật trợ giúp pháp lý ra đời đánh dấu một bước phát triển quan trọng của hoạt động trợ giúp pháp lý, khẳng định sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với người nghèo, người có công với cách mạng và nhóm những người yếu thế trong xã hội. Với nguyên tắc: “sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý” (K3 Điều 4 Luật TGPL), do đó, cùng với việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về trợ giúp pháp lý (TGPL), củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy tổ chức thực hiện TGPL và xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL, bảo đảm kinh phí cho hoạt động TGPL đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để hệ thống TGPL cung cấp cho người được TGPL dịch vụ TGPL với chất lượng tốt. Để nâng cao hiệu quả quản lý và xác định rõ mức độ chất lượng vụ việc TGPL do các tổ chức TGPL thực hiện, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 hướng dẫn thi hành Luật TGPL, Nghị định số 14/2013/ND-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trợ giúp pháp lý đã xác định rõ: “Đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý là việc áp dụng các tiêu chí chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý để đánh giá quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý, việc tuân thủ quy tắc nghề nghiệp và áp dụng pháp luật của người thực hiện trợ giúp pháp lý; tạo cơ sở để xác định trách nhiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc trợ giúp pháp lý. Tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Tạo điều kiện thuận lợi cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận, trình bày và cung cấp thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý; vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện bảo đảm tính toàn diện và kịp thời; nội dung trợ giúp pháp lý phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội; trình tự, thủ tục thực hiện trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của pháp luật; người được trợ giúp pháp lý hài lòng về tinh thần, thái độ phục vụ, cách thức thực hiện, nội dung trợ giúp pháp lý; hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý được lập phù hợp với quy định của pháp luật.”                                                                                     
Chất lượng vụ việc TGPL phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có điều kiện về mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật, trước khi ban hành Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, chất lượng vụ việc TGPL được thực hiện dựa vào các căn cứ quy định của Luật TGPL, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 hướng dẫn thi hành Luật TGPL. Căn cứ vào các quy định của pháp luật về TGPL, Giám đốc các Sở Tư pháp, Giám đốc các Trung tâm TGPL của 63 tỉnh/thành phố trong cả nước đã có sự quan tâm, chỉ đạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng TGPL cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên TGPL; bố trí kinh phí và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động TGPL; phân công Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên có trình độ, kinh nghiệm thực tế để trực tiếp thực hiện TGPL trong các vụ việc TGPL cụ thể. Vì vậy chất lượng vụ việc TGPL đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được TGPL, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, góp phần ổn định tình hình trật tự xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, do chưa có Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL nên chưa có công cụ để “đo”, xác định mức độ chất lượng vụ việc TGPL của các tổ chức thực hiện TGPL. Để khắc phục tình trạng trên, việc ban hành các quy định về việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL sau khi hoàn thành cũng như hoạt động quản lý, giám sát chất lượng vụ việc TGPL là một đòi hỏi mang tính cấp thiết. Đứng trước yêu cầu đó, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 hướng dẫn thi hành Luật TGPL của Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp quy định về Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL sau khi hoàn thành.
Với câu hỏi làm thế nào để xác định được vụ việc TGPL đã được thực hiện đạt chất lượng và công cụ thể “đo” mức độ chất lượng của vụ việc TGPL sau khi đã hoàn thành là gì? Trước yêu cầu đó Ngày 29/12/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; trong đó quy định về các tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc, nội dung, phương pháp, chủ thể đánh giá…, bước đầu tạo cơ sở pháp lý cho người thực hiện TGPL, tổ chức thực hiện TGPL và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động TGPL kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL sau khi hoàn thành. Sau hơn 04 năm thực hiện, Bộ Tiêu chuẩn đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đứng trước yêu cầu của việc sửa đổi, bổ sung các quy định này cho phù hợp với tình hình thực tiễn, ngày 05/01/2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BTP ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, thay thế cho Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP. Các văn bản này đã thực sự trở thành công cụ hữu ích cho các tổ chức thực hiện TGPL, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL nắm bắt thực trạng chất lượng vụ việc để có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động TGPL. Theo đánh giá tổng kết của Cục TGPL, sau 06 năm triển khai thực hiện 02 Bộ Tiêu chuẩn trong phạm vi cả nước, công tác quản lý và đánh giá chất lượng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ sau:
Thứ nhất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác đánh giá chất lượng vụ việc TGPL và quản lý nhà nước về chất lượng vụ việc TGPL từng bước được nâng lên, về cơ bản đáp ứng yêu cầu của việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chuẩn. Đến nay, hầu hết lãnh đạo, viên chức của Trung tâm đều nhận thức đầy đủ và biết vận dụng các tiêu chuẩn chất lượng vụ việc TGPL trong quá trình thực hiện vụ việc TGPL, cũng như trong đánh giá và quản lý chất lượng vụ việc TGPL.
Thứ hai, công tác đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của người thực hiện TGPL và tổ chức thực hiện TGPL đã được quan tâm, chú trọng hơn, được tiến hành thường xuyên hơn. Hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc đã từng bước đi vào nề nếp, công tác quản lý chất lượng vụ việc chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót, không để xảy ra vi phạm pháp luật hoặc khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do TGPL sai gây thiệt hại cho người được TGPL, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Thứ ba, qua đánh giá chất lượng và công tác quản lý chất lượng vụ việc, các tổ chức thực hiện TGPL cũng kịp thời khắc phục những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng TGPL của một số Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL để từ đó có chương trình, kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ này.
Thứ tư, công tác quản lý nhà nước về chất lượng vụ việc TGPL được quan tâm và được chú trọng hơn trước. Hàng năm Cục TGPL, các Trung tâm đều tổ chức việc kiểm tra, đánh giá đối với các hồ sơ, sổ sách thụ lý vụ việc TGPL để kịp thời ghi nhận, nhân rộng những điển hình; phát hiện và khắc phục đối với những sai sót, vướng mắc, bất cập liên quan đến chất lượng vụ việc TGPL để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TGPL, đặc biệt là chất lượng vụ việc TGPL và công tác đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
Thứ năm, về kết quả đánh giá chất lượng vụ việc TGPL: Theo số liệu thống kê của Cục TGPL, sau 06 năm triển khai thực hiện Bộ tiêu chuẩn, các Trung tâm TGPL đã tổ chức đánh giá hàng trăm nghìn vụ việc trong đó tỷ lệ vụ việc đạt chất lượng tốt chiếm tới gần 70% tổng số vụ việc, số vụ việc đạt chất lượng chiếm tỷ lệ xấp xỉ 30% và một phần nhỏ số vụ việc không đạt chất lượng. Qua theo dõi, năm bắt, các vụ việc không đạt chất lượng chủ yếu tập trung vào các nguyên nhân: (i) Người thực hiện TGPL nêu căn cứ pháp lý không đúng với nội dung vụ việc, diễn giải nội dung không đúng pháp luật; giải thích không phù hợp với yêu cầu của người được TGPL; hồ sơ vụ việc thiếu chữ ký của người được trợ giúp pháp lý: (ii) Một số vụ việc nội dung tư vấn còn chung chung, sơ sài, chưa đưa ra được các giải pháp để người được TGPL tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình; (iii) Một bộ phận người thực hiện TGPL chưa đề cao ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện TGPL, thiếu nhiệt tình nên người được TGPL chưa hài lòng về tinh thần, thái độ của người thực hiện TGPL.
 Với kết quả trên cho thấy, phần lớn các vụ việc TGPL đã đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng vụ việc theo quy định. Người thực hiện TGPL đã vận dụng tương đối tốt các kỹ năng trong quá trình tư vấn cũng như trong quá trình tham gia tố tụng, đảm bảo cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí tốt nhất cho người được TGPL.
2. Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc, các cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, các tổ chức thực hiện TGPL cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc:
2.1.Về thể chế
- Thể chế, chính sách liên quan đến quản lý nhà nước về chất lượng vụ việc TGPL, chất lượng vụ việc cũng như tiêu chuẩn chất lượng vụ việc TGPL vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, nội dung quản lý nhà nước về chất lượng vụ việc TGPL chưa được Luật TGPL quy định đầy đủ, các tiêu chuẩn chất lượng vụ việc vẫn mang nhiều định tính, tính khả thi chưa cao, chưa lượng hóa được hết các trường hợp phát sinh trên thực tế nên khó áp dụng; Các quy định của Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa gắn kết được vấn đề chất lượng vụ việc TGPL với việc đánh giá năng lực chuyên môn của đội ngũ người thực hiện TGPL nhất là Trợ giúp viên pháp lý.
- Việc không quy định tỉ lệ số vụ việc đánh giá chất lượng so với vụ việc hoàn thành đã tạo cho các Tổ chức thực hiện TGPL có sự chủ động trong việc quản lý và đánh giá chất lượng theo định hướng chất lượng hằng năm của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, tuy nhiên quy định này cũng dẫn đến việc áp dụng không thống nhất giữa các tổ chức thực hiện TGPL, chưa bảo đảm được tính đại diện dẫn đến chưa phản ánh được chất lượng các vụ việc của tổ chức thực hiện TGPL.
- Cơ chế phân cấp trong đánh giá và quản lý chất lượng, mối quan hệ giữa các tổ chức thực hiện TGPL với nhau, với cơ quan quản lý nhà nước và với người thực hiện TGPL trong đánh giá chất lượng vụ việc TGPL chưa được xác định rõ.
-Thiếu các chế tài hữu hiệu trong việc xử lý đối với các vụ việc TGPL không bảo đảm chất lượng hoặc xử lý đối với các cơ quan, tổ chức không thực hiện việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; Các yêu cầu, kiến nghị được đưa ra trong đánh giá chất lượng chưa được quan tâm thực thi; Người thực hiện vụ việc TGPL ít được tham gia vào quá trình đánh giá chất lượng, nhất là trong việc phản hồi những khuyến nghị của người đánh giá chất lượng.
2.2. Về nguồn lực
          Bộ Tiêu chuẩn chất lượng quy định “người được phân công đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý phải là Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật, Cộng tác viên hoặc người làm công tác pháp luật chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan đến vụ việc được đánh giá; có ít nhất 03 năm làm việc trong lĩnh vực pháp luật có liên quan đến vụ việc được phân công đánh giá” (khoản 3 Điều 24 Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL). Song hiện nay, người được phân công đánh giá chất lượng chủ yếu là các Trợ giúp viên pháp lý, cũng có một số ít Trung tâm TGPL phân công người đánh giá chất lượng vụ việc TGPL là các Luật sư cộng tác viên TGPL nhưng con số này chưa cao.
Hiện nay, trên cả nước có 483 Trợ giúp viên pháp lý, 8.980 cộng tác viên TGPL (trung bình mỗi Trung tâm có khoảng 7 Trợ giúp viên pháp lý và 143 cộng tác viên TGPL). Như vậy, với số lượng Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên TGPL như hiện nay thì các Trung tâm chưa thể phân công Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách cho từng lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi TGPL. Nhiều Trợ giúp viên pháp lý mới được bổ nhiệm, mặc dù họ đã qua lớp đào tạo Luật sư nhưng chưa đủ thời gian để tích lũy những kinh nghiệm thực tế; đồng thời, trình độ chuyên môn của đội ngũ cộng tác viên TGPL ở cơ sở còn thấp, kỹ năng TGPL còn hạn chế. Do đó, bộ phận người thực hiện TGPL này chưa đủ khả năng để bảo đảm chất lượng vụ việc, nhất là những vụ việc phức tạp và vì vậy, chưa đủ khả năng chỉ ra những thiếu sót của người thực hiện TGPL trong quá trình thực hiện TGPL.
Mặt khác, do chưa có đội ngũ đánh giá chất lượng chuyên trách đồng thời chưa có cơ chế để thu hút đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp luật tham gia công tác đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, việc thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc, quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về chất lượng vụ việc TGPL còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, thậm chí còn hình thức, đại khái, chất lượng không bảo đảm, chủ yếu tập trung vào các vụ việc có khiếu nại, tố cáo, phản ánh về chất lượng vụ việc hoặc phải chi trả thù lao nên hiệu quả công tác đánh giá chất lượng còn chưa cao.
Về cơ chế tài chính cho hoạt động đánh giá chất lượng: việc chi trả, thanh toán các chế độ bồi dưỡng cho người được phân công đánh giá, người kết luận đánh giá,... còn chưa rõ ràng, hoàn toàn phụ thuộc vào sự năng động của người đứng đầu tổ chức TGPL, thậm chí là không có cơ chế chi trả. Hiện Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 giữa Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn chi cho việc soạn thảo, viết báo cáo đánh giá kết luận chất lượng vụ việc từ 200.000đ – 400.000đ trong khi để đánh giá chất lượng được 01 vụ việc thì người đánh giá phải bỏ nhiều công sức, trí tuệ cho việc đánh giá. Vì vậy, với cơ chế kinh phí hiện nay sẽ không khuyến khích được các tổ chức thực hiện TGPL thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL sau khi hoàn thành.
2.3. Về chủ thể đánh giá
Theo quy định của Thông tư 02/2013/TT-BTP, chủ thể đánh giá chất lượng vụ việc TGPL bao gồm: tổ chức thực hiện TGPL, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL (Sở Tư pháp, Cục TGPL). Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý chủ yếu do các tổ chức thực hiện TGPL thực hiện. Do chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đánh giá chất lượng vụ việc TGPL nên các vụ việc TGPL do các tổ chức đăng ký tham gia TGPL vẫn chưa được thực hiện việc đánh giá cũng như được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá.
Cơ quan quản lý nhà nước về TGPL ở địa phương chưa tập trung chú trọng nhiều đến hoạt động này nhất là đối với các tổ chức đăng ký tham gia TGPL. Việc đánh giá chất lượng của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương chưa được bố trí độc lập mà thường được lồng ghép cùng hoạt động kiểm tra công tác thực hiện TGPL nên thời gian dành cho hoạt động này trong các đợt kiểm tra chưa nhiều. Tại các đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra chủ yếu xem xét, đánh giá chất lượng vụ việc qua việc xem xét báo cáo kết quả hoạt động TGPL, báo cáo đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của tổ chức thực hiện TGPL và trực tiếp kiểm tra hồ sơ vụ việc TGPL mà chưa có điều kiện, thời gian để làm việc trực tiếp với người được TGPL, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… để đánh giá về mức độ hài lòng của họ đối với vụ việc TGPL; do đó, kết quả đánh giá chất lượng vụ việc đôi lúc còn mang tính chủ quan, thiếu toàn diện.
2.4. Về đối tượng đánh giá
Việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL hiện nay được tiến hành sau khi vụ việc đã hoàn thành mà chưa có cơ chế giám sát ngay từ khi thụ lý vụ việc cũng như trong suốt quá trình người thực hiện TGPL thực hiện vụ việc.
2.5. Bồi dưỡng kỹ năng quản lý, đánh giá chất lượng chưa thường xuyên
Công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL chưa được quan tâm chú trọng; các tài liệu tập huấn, bồi dưỡng hay tài liệu phục vụ cho việc bồi dưỡng nghiệp vụ còn thiếu hoặc còn chắp vá, thiếu tính hệ thống và đồng bộ; Nội dung về đánh giá chất lượng vụ việc TGPL trong bồi dưỡng cấp chứng chỉ trợ giúp viên pháp lý, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ còn hạn chế, vì vậy, trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện cũng còn một số lúng túng nhất định.
*  Nguyên nhân
Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL có nhiều nguyên nhân, song tựu trung lại có một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Tiêu chuẩn chất lượng vụ việc TGPL và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL là một vấn đề còn rất mới ở Việt Nam trong điều kiện các vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ nói chung chưa được nghiên cứu, làm rõ từ góc độ hệ thống.
- Công tác quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL chưa được quan tâm chú trọng đúng mức, chưa tương xứng với quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách về TGPL cũng như sự phát triển về tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác TGPL và các điều kiện bảo đảm cho công tác TGPL.
          - Các tổ chức thực hiện TGPL chưa chủ động phối hợp thường xuyên với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan có liên quan và đặc biệt là liên hệ với những người đã được TGPL để lấy ý kiến về chất lượng vụ việc sau khi hoàn thành nên các cơ quan này chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động đánh giá chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư là cộng tác viên.
- Do chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, chưa có cơ chế công bố chất lượng dịch vụ của tổ chức thực hiện TGPL nên sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với quản lý địa phương còn lỏng lẻo, chủ yếu thông qua các hoạt động hướng dẫn nghiệp vụ.
- Kinh phí cho việc đánh giá chất lượng vụ việc chưa được bảo đảm.     
Với mục đích nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nói riêng và chất lượng dịch vụ TGPL nói chung, hiện nay, Cục Trợ giúp pháp lý đang tham mưu giúp Bộ Tư pháp xây dựng Đề án đổi mới công tác TGPL trong đó có nội dung đổi mới phương thức đánh giá chất lượng vụ việc TGPL và dự kiến đưa việc sửa đổi Luật TGPL vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong năm 2015. Sau khi Đề án đổi mới công tác TGPL và Luật sửa đổi, bổ sung Luật TGPL được ban hành sẽ dẫn đến có một số thay đổi liên quan đến định hướng chất lượng trong các văn bản pháp luật về TGPL, vì vậy, để đảm bảo chất lượng vụ việc TGPL cần thực hiện một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài.
3. Giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt:
3.1. Giải pháp từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương (Cục Trợ giúp pháp lý)
+ Rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về TGPL phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và hoàn thiện các quy định pháp luật về TGPL. Đưa nội dung đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2013/NĐ-CP.
+ Rà soát các quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL và các quy định có liên quan đến hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. 
          + Nghiên cứu xây dựng và ban hành quy trình đánh giá chất lượng vụ việc TGPL đối với từng loại vụ việc TGPL cụ thể để áp dụng thống nhất trong hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL;
+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL nói chung và hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nói riêng; xây dựng cơ chế khen thưởng, tôn vinh, công bố chất lượng đối với các tổ chức thực hiện TGPL; quy định kết quả đánh giá chất lượng vụ việc là căn cứ để chi tiền thù lao cho người thực hiện TGPL, trong đó xác định rõ mức chi đối với vụ việc đạt chất lượng tốt, vụ việc đạt chất lượng và không chi trả thù lao đối với vụ việc không đạt chất lượng.
+ Tập trung cao độ trong việc hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; hướng dẫn bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên đối với đội ngũ người thực hiện TGPL, đảm bảo người thực hiện TGPL có đủ trình độ thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc theo đúng quy định của Bộ Tiêu chuẩn.
3.2. Giải pháp từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương (Sở Tư pháp) và tổ chức thực hiện TGPL
+ Đề cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trong quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của các tổ chức thực hiện TGPL trên địa bàn. Đồng thời, đề cao vai trò của Giám đốc các Trung tâm TGPL, người đứng đầu các tổ chức tham gia TGPL, xác định rõ quản lý chất lượng vụ việc, đánh giá chất lượng vụ việc là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức này. 
+ Gắn vấn đề chất lượng vụ việc TGPL với việc đánh giá xếp hạng viên chức hàng năm.
+ Tăng cường giám sát của các cơ quan, tổ chức để kịp thời biểu dương các gương điển hình tích cực, xử lý đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
+ Huy động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật và cá nhân có đủ tiêu chuẩn tham gia thực hiện, hỗ trợ hoặc đóng góp cho hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
+ Tại mỗi Trung tâm TGPL, thành lập bộ phận hoặc phân công ít nhất 01 cán bộ chuyên trách phụ trách công tác đánh giá chất lượng vụ việc TGPL với lực lượng nòng cốt là các Trợ giúp viên pháp lý; thu hút sự tham gia của các cộng tác viên là Luật sư vào hoạt động này.
+ Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá chất lượng vụ việc TGPL cho người thực hiện TGPL trên địa bàn đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia đánh giá chất lượng vụ việc.
4. Định hướng đổi mới hoạt động quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý
4.1. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vấn đề chất lượng vụ việc TGPL trong nội dung quản lý nhà nước về TGPL, làm cơ sở để quy định rõ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật TGPL.
4.2. Xây dựng quy trình giám sát chất lượng vụ việc TGPL từ thời điểm thụ lý vụ việc cho đến khi vụ việc được hoàn thành.
4.3. Ban hành mới văn bản pháp luật mới quy định về tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn chất lượng vụ việc, cơ chế đánh giá thay thế Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL hiện nay, theo đó:
- Đổi mới chủ thể đánh giá, cụ thể là nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của Cục TGPL trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; bỏ cơ chế thành lập Đoàn đánh giá để nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đánh giá.
- Huy động đội ngũ Luật sư, luật gia giỏi và các tổ chức hành nghề luật sư trong việc thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo hướng xây dựng câc điều kiện, tiêu chuẩn để nhà nước tuyển chọn và ký hợp đồng với các Luật sư, chuyên gia pháp luật hoặc một số tổ chức hành nghề Luật sư (Văn phòng Luật sư, Công ty Luật) để thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL;
- Tổ chức việc thực hiện đánh giá chất lượng hoạt động TGPL theo quy trình, quy chuẩn chuyên môn thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Nghiên cứu cơ chế và tổ chức cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho tổ chức, cá nhân thực hiện vụ việc TGPL và tổ chức công bố chất lượng dịch vụ của tổ chức thực hiện TGPL.
4.4. Đổi mới cơ chế tài chính về hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
4.5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý chất lượng vụ việc TGPL theo hướng xây dựng phần mềm quản lý vụ việc TGPL áp dụng trong toàn quốc để quản lý được nội dung vụ việc, quá trình giải quyết vụ việc. Để từ đó, Cục TGPL có căn cứ để lựa chọn vụ việc kiểm tra, đánh giá; phân loại vụ việc; xác định uy tín của người thực hiện TGPL./.
Phòng Quản lý chất lượng
 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Quốc Hội (2006), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007, Hà Nội.
2.     Chính phủ (2007), Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Hà Nội.
3.     Chính phủ (2013), Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Hà Nội.
4.      Bộ trưởng Bộ Tư pháp (2008), Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 ban hành kèm theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, Hà Nội.
5.     Bộ trưởng Bộ Tư pháp (2013) Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 ban hành kèm theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Hà Nội.
6.     Cục Trợ giúp pháp lý: Báo cáo công tác TGPL hàng năm của các Trung tâm TGPL trong cả nước từ năm 2008-2014, Hà Nội.

Xem thêm »