Kết quả thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý giai đoạn 2004 – 2014

26/01/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trẻ em là chủ nhân tương lai của gia đình, đất nước cũng như toàn nhân loại. Do vậy, chăm sóc và bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi quốc gia mà đã trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Trong nhiều năm qua, cũng như nhiều quốc gia khác, Nhà nước cũng như toàn xã hội Việt Nam đã ngày càng nỗ lực hơn trong việc thực hiện có hiệu quả những cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) ra đời với chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí người nghèo, người có công cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, trẻ em và một số đối tượng yếu thế khác. Trong 10 năm qua (2004 – 2014),  thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong lĩnh vực TGPL đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Với tất cả nỗ lực của hệ thống chính trị, một phần không nhỏ nhu cầu TGPL của trẻ em đã được đáp ứng, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các em trong đời sống thường ngày. Cụ thể như sau:
* Quá trình hoàn thiện thể chế pháp lý và chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em giai đoạn 2004 đến nay
Hoạt động trợ giúp pháp lý được hình thành và phát triển từ Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đến nay, các quy định pháp luật trong lĩnh vực này không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và quy định về trợ giúp pháp lý cho trẻ em cũng nằm trong quy luật đó.
Theo quy định tại Thông tư liên tịch 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/01/1998 của Bộ Tư pháp - Tổ chức cán bộ Chính phủ - Tài chính - Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành Quyết định số 734 của Thủ tướng Chính phủ thì trẻ em chưa phải là một diện đối tượng riêng trong Luật TGPL. Tuy nhiên, sau khi Luật Trợ giúp pháp lý ra đời thì trẻ em không nơi nương tựa là người được TGPL.
Căn cứ Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015, ngày 20/5/2011, Bộ Tư pháp có Công văn số 2910/BTP-TGPL tiếp tục chỉ đạo và đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hơn nữa công tác TGPL cho trẻ em, trong đó chú trọng việc tăng cường bảo đảm quyền được TGPL cho mọi trẻ em, người chưa thành niên là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, để các đối tượng này đều được tiếp cận và được cử Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện việc bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp ngay từ thời điểm khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án hình sự hoặc giai đoạn khởi kiện trong vụ án dân sự, vụ án hành chính.
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý về bảo đảm quyền trẻ em trong hoạt động tố tụng hình sự, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ký ban hành Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/07/2011 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên. Hằng năm, trong kế hoạch công tác TGPL do Bộ Tư pháp phê duyệt đều có chỉ đạo việc triển khai và đánh giá, sơ kết việc thí điểm triển khai thực hiện xây dựng một số cơ sở cung cấp dịch vụ TGPL phù hợp cho từng nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
* Hệ thống cơ quan thực hiện trợ giúp pháp lý và kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em
Về hệ thống cơ quan TGPL
Cho đến nay, trong cả nước đã có 63 Trung tâm TGPL, 199 Chi nhánh của Trung tâm đặt tại cấp huyện và liên huyện, 4345 Câu lạc bộ TGPL để kịp thời giúp đỡ pháp luật cho trẻ em ngay tại địa bàn các em sinh sống. Tại các Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm, trẻ em được thực hiện TGPL bằng tất cả các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện tố tụng và các hình thức TGPL khác. Các Câu lạc bộ TGPL tại địa phương được lập ra để các em trao đổi những vướng mắc pháp luật.
Ngoài ra, một số Trung tâm TGPL và Chi nhánh của Trung tâm cũng đã chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, nói chuyện chuyên đề về các quy định của pháp luật liên quan đến trẻ em qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết của các em. Một số Trung tâm khác thì phối hợp với các cơ sở bảo trợ xã hội để chủ động tiếp cận, tiếp nhận các trường hợp có vướng mắc pháp luật cần được trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em.
Về kết quả thực hiện TGPL
Trong những năm qua (2004 – 2014) Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức biên soạn, in ấn, cấp phát hàng chục ngàn tờ gấp giới thiệu quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và quyền được TGPL của trẻ em để cấp phát cho các Trung tâm TGPL Nhà nước để phát miễn phí đến trẻ em, nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ vi phạm pháp luật cao hoặc dễ bị xâm hại bởi các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời mở chuyên mục “Trợ giúp pháp lý cho trẻ em” trên Trang thông tin điện tử của Cục Trợ giúp pháp lý để trao đổi, phổ biến kinh nghiệm về TGPL cho trẻ em.
Tại 09 tỉnh, thành phố nằm trong diện triển khai thực hiện thí điểm thực hiện Kế hoạch tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em theo Quyết định số 11/QĐ-TGPL ngày 26/3/2010 của Cục Trợ giúp pháp lý, công tác truyền thông về quyền trẻ em và pháp luật về TGPL cho trẻ em đã được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng và đạt hiệu quả cao thông qua các hoạt động như: i) Cấp phát trên 40.000 tờ rơi, tờ gấp giới thiệu các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và quyền được TGPL của trẻ em đến với trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; ii) Phối hợp với Phòng Giáo dục, Ban Giám hiệu các trường (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); các cơ quan tiến hành tố tụng, Đoàn Luật sư, Đài Truyền hình, Đài Phát thanh, các cơ quan báo chí, cơ sở bảo trợ trẻ em; các trường giáo dưỡng và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội để có kế hoạch truyền thông về quyền TGPL của trẻ em cũng như mở các chuyên mục trên các phương tiện thông tin, báo chí để tư vấn, giải đáp các câu hỏi liên quan đến pháp luật về trẻ em, giới thiệu các Công ước quốc tế và các văn bản pháp luật về quyền của trẻ em; iii) Mở đường dây nóng về TGPL cho trẻ em để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em được giải đáp kịp thời khi có vướng mắc về pháp luật liên quan đến trẻ em.
Sau 10 năm thực hiện cung cấp dịch vụ TGPL cho trẻ em (2004 – 2014), toàn quốc đã có 56.979 vụ việc TGPL được thực hiện (năm 2004: 9473 vụ việc; năm 2005: 5371 vụ việc; năm 2006: 7445 vụ việc; năm 2007: 5486 vụ việc; năm 2008: 6686 vụ việc; năm 2009: 5144 vụ việc; năm 2010: 2766 vụ việc; năm 2011: 2870 vụ việc; năm 2012: 3065 vụ việc; năm 2013: 4435 vụ việc; năm 2014: 4238 vụ việc).
Nhìn chung, số lượng vụ việc TGPL cho trẻ em còn khá khiêm tốn so với số vụ việc TGPL đã thực hiện (chỉ chiếm 4,2% tổng số vụ việc được thực hiện). Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc đã giúp trẻ em là người được TGPL bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật quy định. Một số vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao như vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp); vụ cháu Nguyễn Hào Anh (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau); vụ cháu Hồ Thị Thúy Ngân (Bình Dương), vụ cháu Đặng Diễm Quỳnh (xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội).
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện TGPL cho trẻ em tại các mái ấm, nhà mở trên địa bàn, Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an và các cơ quan khác có liên quan để đăng ký khai sinh, cấp chứng minh nhân dân và hộ khẩu cho 48 trẻ em lang thang cơ nhỡ tại Trung tâm giáo dục dạy nghề thiếu niên thành phố. Việc giúp đỡ các em thực hiện thủ tục hành chính này có tác động rất lớn đến đời sống, bảo đảm được các quyền công dân, tạo điều kiện thuận lợi để các em tạo dựng cuộc sống sau này. Việc làm này cũng có tác động rất lớn đến đời sống xã hội, góp phần ổn định trật tự xã hội của thành phố.
Qua công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của Cục Trợ giúp pháp lý hằng năm cho thấy, phần lớn các vụ việc TGPL cho trẻ em được thực hiện đều đạt chất lượng tốt theo quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, đặc biệt, các vụ việc tham gia tố tụng đều được các Trung tâm phân công các Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là Luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tế, am hiểu tâm lý trẻ em để thực hiện việc TGPL. Qua công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về chất lượng vụ việc TGPL cho thấy đến nay chưa có vụ việc nào có khiếu nại, tố cáo hoặc phản ánh, kiến nghị về chất lượng vụ việc hoặc có yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, mặc dù đạt được kết quả như trên nhưng trong quá trình thực hiện TGPL cho trẻ em đã phát sinh một số khó khăn vướng mắc như sau:
Quyền được TGPL của trẻ em tại một số địa phương, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và trong một số trường hợp đặc biệt chưa được bảo đảm thực hiện đầy đủ; tình trạng xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em và hành vi vi phạm pháp luật của trẻ em vẫn còn nhưng chậm được phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời hoặc có giải pháp căn cơ để phòng ngừa, khắc phục; vẫn còn rào cản ảnh hưởng đến quyền được TGPL của trẻ em.
Công tác truyền thông về quyền được TGPL của trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa hiệu quả nên nhiều trẻ em chưa biết được về quyền được TGPL; công tác phối hợp thông tin, truyền thông, giới thiệu, hướng dẫn trẻ em thực hiện quyền được TGPL chưa thường xuyên.
Một số Trung tâm chưa bố trí Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên TGPL là Luật sư làm TGPL chuyên trách thực hiện TGPL cho trẻ em. Công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật mới về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, kỹ năng TGPL cho trẻ em cũng như công tác chỉ đạo, sơ kết, tổng kết nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến và rút kinh nghiệm, khắc phục sai sót, vi phạm; chế độ thống kê, báo cáo chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức với Trung tâm, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ sở chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên; việc lồng ghép các hoạt động bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em với hoạt động TGPL chưa được quan tâm đúng mức.
Nhận thức về quyền trẻ em còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, nhất là tại các địa phương còn thiếu sát sao.
Theo Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn, trẻ em được TGPL phải là người dưới 16 tuổi, không nơi nương tựa. Quy định này chưa thể hiện đầy đủ chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách đối với người chưa thành niên phạm tội cũng như người chưa thành niên là nạn nhân của tội phạm và trong một số trường hợp đặc biệt.
Kinh phí dành cho hoạt động TGPL cho trẻ em còn hạn chế, thậm chí không được cấp kinh phí riêng nên không khuyến khích được sự tận tâm, nhiệt tình của các cộng tác viên khi thực hiện TGPL cho trẻ em.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện TGPL cho trẻ em trong thời gian tới, cần phải tiến hành khẩn trương, đồng bộ một số giải pháp như sau:
Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm trẻ em là người dưới 18 tuổi cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật TGPL, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng trẻ em (người dưới 18 tuổi, không phân biệt điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình, thành phần xuất thân, địa bàn sinh sống) đều có quyền được TGPL. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng ghi nhận và bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong hoạt động tố tụng.
Đổi mới công tác thông tin, truyền thông về quyền được TGPL của trẻ em và pháp luật về trẻ em; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ sở bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, các trường học với tổ chức thực hiện TGPL trong thông tin, truyền thông và hướng dẫn trẻ em thực hiện quyền được TGPL cũng như trong thực hiện vụ việc TGPL hướng đến bảo vệ tốt nhất các quyền trẻ em.
Sớm tổng kết việc chỉ đạo thực hiện điểm các mô hình TGPL cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả; khắc phục, uốn nắn những sai sót, bất cập trong thực tiễn triển khai thí điểm tiến tới áp dụng thống nhất trong cả nước; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu thống kê báo cáo về các vụ việc TGPL cho trẻ em.
Dự báo đầy đủ nhu cầu TGPL của trẻ em; tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực thực hiện TGPL cho trẻ em. Đổi mới nội dung, phương pháp, kỹ năng TGPL cho trẻ em; tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về TGPL cho trẻ em, nhất là trong hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết và xử lý vi phạm.
Đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động TGPL cho trẻ em tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là kinh phí từ ngân sách địa phương; tiếp tục có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, nhất là hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động TGPL cho trẻ em./.
Phòng QLCL
 

Xem thêm »