Các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động pháp lý lưu động ở tỉnh Phú Thọ.

05/02/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý lưu động là một phương thức trợ giúp pháp lý không chỉ đưa kiến thức pháp luật đến với người dân mà còn là diễn đàn để người dân tiếp cận và thụ hưởng kịp thời chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu, vướng mắc pháp luật phát sinh trong đời sống thường ngày.

Từ ý nghĩa và tầm quan trọng đó từ năm 2011 trở lại đây, dưới sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Lãnh đạo Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ và các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm đã tích cực, chủ động phối hợp với phòng Tư pháp cấp huyện, chính quyền các xã cùng các đoàn thể xã hội ở cơ sở triển khai được hơn 260 đợt trợ giúp pháp lý về các địa phương trong toàn tỉnh, trong đó 70% số đợt được thực hiện ở các xã thuộc huyện nghèo Tân Sơn, các xã nghèo, thôn, bản, đặc biệt khó khăn ở các huyện, đạt vượt 30% kế hoạch đề ra. Qua các đợt lưu động, Trung tâm đã cấp phát miễn phí trên 110.000 tờ gấp pháp luật các loại đến với người dân, tạo điều kiện cho người dân nghiên cứu, áp dụng các văn bản pháp luật.
Với việc đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ cho những người tham dự, hoạt động này đã thu hút hơn 25.000 lượt người tham dự và nhiều vướng mắc pháp luật đã được hướng dẫn, giải đáp ngay tại đợt trợ giúp pháp lý lưu động, giúp những người có nhu cầu hiểu biết, thực hiện tốt các quyền và chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật, qua đó hỗ trợ có hiệu quả vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế- xã hội ở địa phương, giảm thiểu được nhiều khiếu kiện, tranh chấp phát sinh.
Từ những kết quả đã đạt được, trợ giúp pháp lý lưu động đã thực sự trở thành một hoạt động bổ ích, thiết thực hướng đến đảm bảo đầy đủ quyền lợi được trợ giúp pháp lý của các đối tượng thuộc diện chính sách, đóng góp vào thành quả chung của hoạt động trợ giúp pháp lý ở tỉnh đang trên đà mở rộng và phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.
Tuy nhiên, nhìn nhận, đánh giá từ góc độ khách quan, trợ giúp pháp lý lưu động hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, tháo gỡ. Hạn chế cần phải kể đến là: Những nơi là điểm nóng của khiếu kiện, tranh chấp nhiều khi chưa thể tiến hành được nhiệm vụ trợ giúp pháp lý lưu động; Hoạt động khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân trước khi triển khai lưu động còn chưa đầy đủ, thường xuyên; nội dung tuyên truyền pháp luật qua các đợt lưu động tuy đã được chú trọng thực hiện nhưng chưa có nhiều sự đổi mới và chưa thực sự đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu của người dân ở cơ sở; thành phần tham dự một số đợt trợ giúp pháp lý lưu động đôi khi chưa có nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý tham gia, một số nơi chủ yếu là đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở theo sự chỉ định; việc giải quyết một số vụ việc trợ giúp pháp lý lưu động ngay tại hội nghị đôi khi hiệu quả đạt được chưa cao.
Qua phân tích có thể thấy tồn tại, hạn chế này thì chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân sau: Nhận thức của một bộ phận cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội và người dân, trong đó có cả đối tượng được trợ giúp pháp lý về chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý và mô hình tổ chức, hoạt động đôi lúc, đôi chỗ còn hạn chế; một số cơ quan, tổ chức chưa xác định nhiệm vụ trợ giúp pháp lý nói chung, trợ giúp pháp lý lưu động nói riêng là một nhiệm vụ phối hợp cần phải chú trọng thực hiện theo quy định của pháp luật; kinh nghiệm trong nghề trợ giúp của nhiều người làm công tác trợ giúp pháp lý còn chưa nhiều do cơ bản, chủ yếu mới được tuyển dụng; kinh phí phục vụ cho hoạt động khảo sát nhu cầu chưa được đảm bảo; ý kiến của người dân ở các đợt trợ giúp pháp lý lưu động luôn đa dạng và phong phú đòi hỏi phải có sự chuyên sâu về kiến thức pháp luật mới giải quyết tốt nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân.
Để nhiệm vụ trợ giúp pháp lý lưu động thực sự phát huy mạnh mẽ vai trò, ý nghĩa đã được khẳng định thì cần phải có những biện pháp đẩy mạnh kết quả đạt được và chú trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Những biện pháp cơ bản, chủ yếu được xác định ở đây bao gồm:
Thứ nhất, các cấp có thẩm quyền cần xem xét, đưa ra biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp còn thiếu tinh thần, trách nhiệm phối hợp với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong công tác trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý lưu động nói riêng nhằm nâng cao trách nhiệm phối hợp bằng nhiều việc làm thiết thực và có ý nghĩa. Quan tâm, bảo đảm nguồn kinh phí dành cho công tác trợ giúp pháp lý lưu động, trong đó có cả kinh phí dành cho hoạt động khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mọi người dân về chính sách, pháp luật trợ giúp pháp lý bằng nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền đa dạng, phong phú như thông qua các buổi tọa đàm, hội nghị, cấp phát tờ gấp pháp luật, niêm yết bảng thông tin, truyền thông qua các kênh phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ ba, tiếp tục phát huy sự gắn kết chặt chẽ giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý với các phòng Tư pháp cấp huyện theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Sở, UBND cấp huyện, thường kỳ có sự kiểm tra, đánh giá sát sao sự phối hợp này để có sự điều chỉnh phù hợp trên thực tế.
Thứ tư, chương trình, cách thức trợ giúp pháp lý lưu động cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, có sự trao đổi, thống nhất đồng bộ giữa Trung tâm với phòng Tư pháp cấp huyện, chính quyền địa phương nơi tiến hành trợ giúp pháp lý lưu động nhằm tránh sự lúng túng, bị động khi thực hiện…
Thứ năm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của những người làm công tác trợ giúp pháp lý qua công tác đào tạo, bồi dưỡng định kỳ, chú trọng tập trung đào tạo kỹ năng tuyên truyền pháp luật và giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.
Thứ sáu, tăng cường đổi mới nội dung tuyên truyền trợ giúp pháp lý lưu động sao cho phù hợp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân. Trước mắt, có thể mời các báo cáo viên pháp luật có nhiều chuyên môn, kinh nghiệm pháp luật tham gia giảng dạy ở các hội nghị kết hợp với việc trả lời trực tiếp các ý kiến vướng mắc của những người tham gia về lĩnh vực đã truyền tải, sau đó, khi cán bộ, viên chức làm công tác trợ giúp pháp lý đã tích lũy đủ kinh nghiệm thì có thể giao cho họ đảm nhận chuyên trách hoạt động này.
Thứ bảy, phải xác định được rõ nội dung tuyên truyền pháp luật chính là hướng đến mục đích trợ giúp pháp lý, coi thực hiện các vụ việc cụ thể là nhiệm vụ trọng yếu, quyết định thành công của một đợt lưu động, tránh sự nhầm lẫn hiệu quả đạt được của trợ giúp pháp lý lưu động là tuyên truyền pháp luật.
                                              Đoàn Hữu Văn
Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Phú Thọ

Xem thêm »