Vai trò của trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng

12/03/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

1. Sự hình thành, phát triển của chế định Trợ giúp viên pháp lý Trước khi có Luật Trợ giúp pháp lý, chức danh Trợ giúp viên pháp lý chưa được hình thành. Theo Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo, đối tượng chính sách và các văn bản hướng dẫn đã xác định đội ngũ người thực hiện TGPL bao gồm: Các chuyên viên TGPL và các cộng tác viên TGPL của tổ chức TGPL nhà nước. Theo quy định, các chuyên viên TGPL thực hiện việc tư vấn, kiến nghị, đại diện miễn phí cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách như thương binh, bệnh binh, bố mẹ, vợ, chồng của liệt sỹ… Riêng vấn đề bào chữa, theo quy định các tổ chức TGPL được trực tiếp đại diện, bào chữa trước Toà án và các cơ quan có thẩm quyền để giúp đỡ đối tượng. Tuy nhiên, trong thực tế chỉ người thực hiện TGPL là luật sư hoặc luật gia mới được thực hiện bào chữa còn chuyên viên TGPL thì không được tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho đối tượng TGPL mà mới chỉ thực hiện các hình thức là tư vấn, kiến nghị theo quy định của pháp luật TGPL (ngoại trừ một vài tỉnh gặp khó khăn trong việc phát triển đội ngũ luật sư đã vận dụng linh hoạt cho chuyên viên TGPL tham gia bào chữa).

Mặc dù các văn bản pháp luật về TGPL được ban hành tương đối kịp thời, nhưng thiếu văn bản pháp luật có hiệu lực cao điều chỉnh một cách toàn diện về công tác TGPL nói chung và người thực hiện TGPL nói riêng. Văn bản cao nhất trong lĩnh vực TGPL mới chỉ là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chưa được thể chế hóa thành Luật nên chưa điều chỉnh các vấn đề về tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL.
Nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp đỡ pháp luật cho Nhân dân theo tinh thần, nội dung nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, lần thứ X và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 29/6/2006, Quốc hội đã thông qua Luật TGPL. Sự ra đời của Đạo luật này đã thể hiện sự nhất quán chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc giúp đỡ pháp luật, hỗ trợ về mặt pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Nhân dân đặc biệt là người nghèo và đối tượng chính sách, đánh dấu bước chuyển về chất và đưa công tác TGPL lên một tầm cao mới phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn đất nước.
Theo đó, chức danh người thực hiện TGPL đã được thể chế hóa chính thức trong Luật với chức danh mới là Trợ giúp viên pháp lý. Họ được thực hiện đầy đủ các hình thức TGPL, trong đó có tham gia tố tụng như luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong quá trình tố tụng; tiêu chuẩn người thực hiện TGPL được nâng lên so với điều kiện của các chuyên viên pháp lý trong giai đoạn trước. Khoản 3, Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý quy định: “Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức sau đây: (a) Tư vấn pháp luật; (b) Tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện việc bào chữa; người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính; (c) Đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; (d) Thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác”.
Như vậy, Trợ giúp viên pháp lý được thực hiện dịch vụ pháp lý như luật sư quy định trong Luật Luật sư. Điều 4 Luật Luật sư quy định:“Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác”.
Cụ thể hóa những quy định của Luật TGPL, ngày 04/10/2010, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 15/2010/TT-BTP quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý, trong đó đã chi tiết các tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý. Tại khoản 4 Điều 3 quy định Trợ giúp viên pháp lý phải có các tiêu chuẩn về trình độ sau: (a) Có bằng Cử nhân luật trở lên; (b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; (c) Có một ngoại ngữ trình độ B trở lên; (d) Có trình độ tin học văn phòng; (đ) Có thời gian làm công tác pháp luật từ hai năm trở lên.
 Bên cạnh đó, Thông tư 15/2010/TT-BTP cũng đã phân biệt trình độ nghiệp vụ theo chức danh của từng Trợ giúp viên và Trợ giúp viên pháp lý chính. Tại khoản 4, Điều 2 quy định Trợ giúp viên pháp lý chính phải có các tiêu chuẩn về trình độ sau: (a) Có bằng Cử nhân luật trở lên; (b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp viên pháp lý chính; (c) Có một ngoại ngữ trình độ B trở lên; (d) Có trình độ tin học văn phòng; (đ) Có thời gian giữ ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý hoặc các ngạch tương đương về công tác pháp luật từ chín năm trở lên hoặc có tổng thời gian liên tục giữ ngạch viên chức Trợ giúp viên pháp lý và các ngạch tương đương về công tác pháp luật từ chín năm trở lên.
 Như vậy, các tiêu chuẩn, điều kiện của Trợ giúp viên pháp lý tương đương như luật sư, điểm khác biệt là Trợ giúp viên pháp lý chưa có quy định về chế độ tập sự hành nghề như luật sư, không phải trải qua kỳ thi hết tập sự hành nghề luật sư và do đó không được Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
Nhằm triển khai Luật TGPL, tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động tố tụng, ngày 28/12/2007, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10). Sau 05 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10 đã bộc lộ bất cập, hạn chế về mặt thể chế và thực tiễn. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Hội đồng phối hợp liên ngành đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về TGPL trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 11) thay thế Thông tư liên tịch số 10. Thông tư liên tịch số 11 cũng đã quy định trách nhiệm của người thực hiện TGPL khi tham gia tố tụng, trong đó có Trợ giúp viên pháp lý (khoản 1 Điều 5): “Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ việc dân sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý”.
Như vậy, với việc hình thành đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật TGPL đã khắc phục được vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai TGPL trong thời gian trước, nhất là việc thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng, tạo sự chủ động cho Trung tâm trong việc đáp ứng nhu cầu TGPL của đối tượng, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động TGPL. Ở các Trung tâm TGPL trên toàn quốc đã hình thành đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách, được chuẩn hóa về chuyên môn nghề luật và kỹ năng TGPL tương đương luật sư hành nghề tự do. Tính đến nay, cả nước có 483 Trợ giúp viên pháp lý, trung bình 08 Trợ giúp viên pháp lý/Trung tâm, trong đó, 17 tỉnh/thành phố có từ 10 Trợ giúp viên pháp lý trở lên (chiếm 27%); 27 tỉnh/thành phố có từ 05 - 09 Trợ giúp viên pháp lý (chiếm 43%) và 19 tỉnh/thành phố có dưới 05 Trợ giúp viên pháp lý (chiếm 30%).
2. Địa vị pháp lý và vai trò Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng
Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ thông tin, tư vấn, hỗ trợ pháp luật đáp ứng các nhu cầu đa dạng của Nhân dân và phù hợp pháp luật. Đẩy mạnh hoạt động TGPL cho người nghèo và đối tượng chính sách…”.
Với tính chất là một hoạt động bổ trợ tư pháp, hoạt động TGPL đã góp phần nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời tạo cơ chế hữu hiệu thực thi nguyên tắc bình đẳng giữa các công dân trước pháp luật không phân biệt vị thế xã hội. Trợ giúp viên pháp lý đóng vai trò là người hướng dẫn pháp luật, bảo đảm cho người được TGPL đều được tiếp cận, sử dụng pháp luật miễn phí trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tạo điều kiện để công lý và công bằng xã hội được thực thi, thúc đẩy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân biết quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật TGPL... bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật, mà trước hết là quyền bào chữa và nhờ người khác bào chữa cho mình thông qua hoạt động TGPL. Đồng thời, hoạt động tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý còn góp phần xác định sự thật khách quan của vụ việc được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết công việc công bằng và đúng pháp luật; góp phần tích cực thực hiện cải cách tư pháp, mở rộng điều kiện để thực hiện nguyên tắc tranh tụng trước toà, bảo đảm cho người nghèo, đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ em không nơi nương tựa, dân tộc thiểu số,... không có điều kiện thuê luật sư cũng được Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ, bào chữa quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho họ trước các cơ quan tố tụng. Có thể khẳng định rằng, đây là một chức danh mới dành cho người thực hiện TGPL của nhà nước với đầy đủ vị trí pháp lý, quyền và nghĩa vụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL, góp phần khẳng định vai trò của hoạt động TGPL nhà nước.
Về địa vị pháp lý, bên cạnh pháp luật về TGPL, pháp luật về tố tụng như Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (Điều 55), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011 (khoản 16 Điều 1) cũng đã ghi nhận vị trí, vai trò của Trợ giúp viên pháp lý là người tham gia tố tụng cùng với Luật sư trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, đến nay, trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 vẫn chưa quy định vị trí pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý với tư cách là người bào chữa.
Được xác định là một trong những người tham gia tố tụng, do đó bên cạnh những quyền và nghĩa vụ theo pháp luật TGPL, Trợ giúp viên pháp lý còn thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật về tố tụng tại Điều 64 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 58, Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự; khoản 4 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính.
Như vậy, về cơ bản, hoạt động tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý gần giống như của luật sư, tuy nhiên, có một số điểm khác nhau cơ bản sau: Thứ nhất, luật sư thực hiện hoạt động tố tụng cho nhiều đối tượng, trong khi đó, đối tượng của Trợ giúp viên pháp lý thu hẹp chỉ những người thuộc diện được TGPL theo pháp luật TGPL mới được hưởng dịch vụ pháp lý này. Thứ hai, luật sư thực hiện hoạt động tố tụng ở tất cả các lĩnh vực, còn Trợ giúp viên pháp lý thực hiện hoạt động tố tụng ở các lĩnh vực, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Thứ ba, hoạt động tham gia tố tụng của luật sư là hoạt động có thu phí, còn hoạt động tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý là hoạt động miễn phí.
Tuy nhiên sự khác nhau này là do quy định của pháp luật và xuất phát từ tính chất miễn phí, bản chất nhân đạo của hoạt động TGPL chứ không phải do trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý.
3. Thực trạng hoạt động TGPL trong tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý
Những năm gần đây, tỷ lệ Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL ngày càng tăng. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ngày càng trưởng thành và khẳng định được vai trò của mình trong việc thực hiện TGPL, nhất là tham gia tố tụng, một số nơi Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 90 - 95% vụ việc tham gia tố tụng[1]. Tại một số tỉnh miền núi, địa bàn khó khăn, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng trong những vụ việc bắt buộc phải có sự tham gia của luật sư theo quy định khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự (đối với những bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình được quy định tại Bộ luật hình sự; bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất), khắc phục tình trạng thiếu luật sư trong thời điểm hiện nay.
Trong gần 04 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 10 (từ năm 2007 đến hết năm 2011), các Trung tâm trên cả nước đã thực hiện được 34.308 vụ việc tham gia tố tụng, trong đó, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 3.846 vụ (chiếm 15%) tăng đáng kể so với giai đoạn trước khi thực hiện Thông tư liên tịch số 10. Số liệu trong 02 năm thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030, từ tháng 6/2012 – 6/2013 cho thấy, trung bình các Trung tâm TGPL nhà nước trong toàn quốc thực hiện 115.915 vụ việc/năm (trong đó tham gia tố tụng chiếm 5,8%), vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện chiếm 53%, cộng tác viên TGPL đạt 47% (trong đó cộng tác viên là luật sư thực hiện 10% vụ việc, cộng tác viên khác 37%). Tổng số vụ việc TGPL do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện là 122.566 vụ việc, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng là 4.576 vụ việc (chiếm 3,7% tổng số vụ việc do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện).
Tại nhiều tỉnh, thành phố số lượng vụ việc do các cơ quan tố tụng giới thiệu và đề nghị Trung tâm cử người thực hiện TGPL thực hiện chiếm tỷ lệ lớn so với số lượng vụ việc do đối tượng tự tìm đến Trung tâm. Các vụ việc TGPL sau khi hoàn thành đều được Trung tâm tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia kiểm tra, đánh giá chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý; thường xuyên phản ánh, thông tin cho Trung tâm TGPL về chất lượng tham gia tố tụng của người thực hiện TGPL để kịp thời có giải pháp khắc phục.
Nhìn chung, trong những năm vừa qua, việc tham gia của Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình tố tụng đã góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho Hội đồng xét xử ban hành những bản án nghiêm minh, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đã có nhiều cố gắng trong việc chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng TGPL. Theo đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhiều Trợ giúp viên pháp lý đã đầu tư thời gian, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị bài bào chữa chu đáo và tranh luận sôi nổi tại phiên tòa. Bởi vậy, các vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý trong thời gian qua đều đã có sự đầu tư thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đưa ra căn cứ pháp lý trong luận cứ “có tình, có lý”, lập luận chặt chẽ mang tính thuyết phục, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được bào chữa, đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật.  Ngoài việc am hiểu kiến thức pháp luật và sử dụng các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người được TGPL, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện hoạt động TGPL đã thực sự tận tâm, nhiệt tình với công việc mang đậm tính chất nhân văn này.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động TGPL trong tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý thời gian qua cũng còn những tồn tại, hạn chế sau:
Một là, số lượng vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý trong thời gian qua còn thấp so với nhu cầu TGPL của người dân và số lượng án có liên quan đến người được TGPL phải giải quyết hàng năm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Số lượng vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên thực hiện chỉ chiếm 3,7% trong tổng số các vụ việc TGPL do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện. Hơn nữa trong các vụ việc được thực hiện, chủ yếu là các vụ án hình sự và người được TGPL chủ yếu là người chưa thành niên phạm tội, là đối tượng bắt buộc phải có luật sư bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự. Các vụ việc dân sự, hành chính và các đối tượng khác như người có công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số… chiếm tỷ lệ thấp.
Ngoài một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên và một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nghệ An, Gia Lai… các vụ việc tham gia tố tụng chủ yếu do đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý thực hiện còn lại đa số các tỉnh, thành phố khác, Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng còn hạn chế, vụ việc tham gia tố tụng chủ yếu do đội ngũ cộng tác viên Luật sư thực hiện, thậm chí có tỉnh, thành phố chỉ thực hiện được một vài vụ trong một năm, cá biệt có nơi Trợ giúp viên pháp lý tuy được bổ nhiệm nhưng chưa trực tiếp tham gia tố tụng (Bình Thuận, Nam Định, Kom Tum, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, Phú Thọ, An Giang).
Hai là, chất lượng vụ việc TGPL trong tố tụng chưa đồng đều, số lượng vụ việc có chất lượng cao, giải quyết các vấn đề phức tạp, điển hình còn ít. Ở một số địa phương có tình trạng Trợ giúp viên pháp lý chưa chủ động, chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, không tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng, do đó số lượng vụ việc được TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra còn ít. Chất lượng một số bản bào chữa, bảo vệ chưa cao, Trợ giúp viên pháp lý chưa đánh giá đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, chưa đưa ra các luận cứ thuyết phục nên chất lượng vụ việc TGPL, kết quả việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL còn hạn chế.
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên:
Thứ nhất, pháp luật điều chỉnh việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý chưa đồng bộ giữa Luật TGPL và Bộ luật Tố tụng hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự chưa quy định tư cách tham gia tố tụng là người bào chữa, bảo vệ cho chức danh Trợ giúp viên pháp lý do đó vẫn còn tình trạng tại một vài địa phương Trợ giúp viên pháp lý gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện TGPL.
Thứ hai, hoạt động TGPL mà đặc biệt là việc ra đời của chức danh Trợ giúp viên pháp lý và sự tham gia của đội ngũ này trong hoạt động tố tụng còn khá mới mẻ (08 năm), chưa quen thuộc như chức danh luật sư khi tham gia tố tụng, do đó, nhiều người dân nhất là tại vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa biết về TGPL, còn dè dặt khi đến với Trung tâm TGPL.
Thứ ba, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý đa phần còn trẻ, tuy có năng lực, trình độ song kinh nghiệm TGPL và thực tiễn hành nghề chưa nhiều, chưa có sự tự tin hoặc bị chi phối nhiều bởi các công việc hành chính của Trung tâm, do đó, chưa tạo nên uy tín, “thương hiệu” của TGPL để người dân tin cậy tìm đến tổ chức TGPL; nhiều vụ việc có đối tượng thuộc diện được TGPL nhưng các Trung tâm chưa bám sát và kịp thời tham gia trợ giúp. Trong những năm gần đây, số lượng Trợ giúp viên pháp lý tuy có tăng nhưng lại thường xuyên biến động do luân chuyển hoặc nghỉ việc, trong đó có nhiều Trợ giúp viên pháp lý có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiều kinh nghiệm[2]. Đặc biệt, các địa phương ở miền núi vẫn còn tình trạng thiếu nguồn cán bộ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tạo nguồn Trợ giúp viên pháp lý.
Hơn nữa, hiện nay, chưa có quy định ràng buộc Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng. Một số nơi, các Trung tâm TGPL chưa chú trọng đến việc cung cấp vụ việc TGPL nói chung và vụ việc tham gia tố tụng nói riêng mà mới tập trung vào công tác truyền thông, chạy theo số lượng đợt TGPL lưu động và sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL.
Thứ tư, nhận thức của các cơ quan, ban ngành trong đó có cả một số cơ quan tiến hành tố tụng về hoạt động TGPL nói chung và về vị trí, vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình tố tụng chưa đầy đủ, do đó chưa có sự quan tâm, phối hợp đúng mức và chưa thực sự bảo đảm theo yêu cầu của quy định pháp luật. Tại một số địa phương vẫn còn các hiện tượng: Các cơ quan tố tụng chưa tích cực giới thiệu người thuộc diện TGPL đến Trung tâm TGPL; việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa, bảo vệ chưa theo đúng quy định pháp luật; gửi các bản án sau khi xét xử tới người thực hiện TGPL còn chậm; việc gặp bị can để thu thập thông tin trong các giai đoạn tố tụng còn chưa thuận lợi; bản án có khi không ghi chức danh, ý kiến, quan điểm của Trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng. Mặt khác, nguyên tắc độc lập khi xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm trong thời gian qua còn một số bất cập ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động bào chữa, bảo vệ của người tham gia tố tụng nói chung và đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nói riêng.
Thứ năm, chưa có cơ chế hữu hiệu để quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL nói chung và vụ việc tham gia tố tụng của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nói riêng một cách khách quan, chính xác. Người thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để đánh giá chất lượng vụ việc.
Thứ sáu, việc đầu tư nguồn lực kinh phí, con người cho hoạt động TGPL nói chung, cho vụ việc TGPL nói riêng và đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng còn thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, chế độ chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý còn hạn chế, chế độ bồi dưỡng vụ việc khi tham gia tố tụng còn thấp (20% mức bồi dưỡng áp dụng đối với cộng tác viên).
4. Một số giải pháp nâng cao vai trò của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng
Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó cùng với việc tiếp tục ghi nhận quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự. Khoản 4 Điều 31 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Đồng thời, Hiến pháp quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Đây được coi khâu đột phá của cải cách tư pháp và cũng là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý nói chung, hoạt động TGPL cho người nghèo, đối tượng chính sách và đội ngũ luật sư, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nói riêng, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những đối tượng này. Do đó, để nâng cao vai trò tham gia tố tụng của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần có một số giải pháp trước mắt và giải pháp lâu dài như sau:
  • Giải pháp trước mắt:
+ Cần tiếp tục tổ chức tập huấn, quán triệt Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 11 để thống nhất nhận thức của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và Nhân dân về vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng; tăng cường công tác thông tin, truyền thông và phổ biến pháp luật về TGPL đến với Nhân dân.
+ Các Trung tâm TGPL cần tập trung vào nhiệm vụ chính thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt chú trọng các vụ việc tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại và đương sự; tăng cường phối hợp với các cơ quan tố tụng để giới thiệu người được TGPL đến các Trung tâm yêu cầu TGPL trong các vụ việc tố tụng. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý cần nhận thức được việc tham gia tố tụng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và mang tính chuyên trách của mình, do đó đòi hỏi cần phải tập trung trí tuệ và thời gian để thực hiện. Các Trung tâm TGPL cần giao chỉ tiêu tham gia tố tụng hàng năm cho mỗi Trợ giúp viên pháp lý, tạo ra động lực thúc đẩy trách nhiệm cho đội ngũ này.
+ Để bảo đảm ổn định đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý cần quan tâm đến chế độ, chính sách cho Trợ giúp viên pháp lý tương đương như các chức danh tư pháp khác. Cần bổ sung kinh phí nghiệp vụ, đặc biệt là cần có khoản kinh phí riêng và hàng năm chi cho vụ việc TGPL.
+ Cần nâng cao năng lực cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt là kỹ năng hành nghề trong quá trình tố tụng kết hợp với việc thực hành mẫu như các phiên tòa xét xử để vừa nâng cao trình độ kết hợp với việc bổ sung kinh nghiệm tố tụng thực tiễn cho đội ngũ này. Đối với những Trợ giúp viên pháp lý chưa qua khóa đào tạo nghề luật sư cần được quan tâm cử đi đào tạo.
+ Các ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc quyền quản lý của mình phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác TGPL, nâng cao chất lượng tham gia tố tụng của đội ngũ người thực hiện TGPL.
+ Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, cần quan tâm tổ chức phối hợp có hiệu quả với tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện theo các nội dung đã được quy định tại Thông tư liên tịch 11, kịp thời thông tin, giới thiệu những người thuộc diện TGPL đến Trung tâm hoặc chi nhánh để được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng đạt hiệu quả cao.
- Về lâu dài, cần thực hiện những giải pháp như sau:
+ Cần nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động TGPL, trong đó sớm chuyển đổi chức danh Trợ giúp viên pháp lý thành luật sư để phù hợp với thông lệ quốc tế, chuẩn hóa các chức danh trong hoạt động TGPL, phù hợp với thực tiễn hoạt động này, đáp ứng yêu cầu mở rộng tranh tụng tại tòa án, bảo đảm thực thi quyền bào chữa, quyền bình đẳng trước pháp luật, đáp ứng nhu cầu giúp đỡ pháp luật của công dân.
+ Hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng theo hướng bổ sung thêm các quy định bảo đảm quyền bào chữa, quyền của người bào chữa, bảo vệ khi tham gia tố tụng; nhận thức và xác định đúng vai trò, vị trí của người bào chữa, bảo vệ trong hoạt động tố tụng; xây dựng cơ chế bảo đảm cho các quy định của pháp luật về quyền của Trợ giúp viên pháp lý (sau này là luật sư) được thực hiện trên thực tế; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ và kỹ năng tranh tụng cho Trợ giúp viên pháp lý (sau này là luật sư).
+ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã mở rộng quyền được mời luật sư bào chữa: “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Như vậy, một người ngay từ khi bị bắt, đã phát sinh quyền tự bào chữa, hoặc nhờ luật sư bào chữa đối với họ theo quy định của Hiến pháp hiện hành, song chưa quy định nhân văn hơn nữa là quyền có luật sư hoặc quyền có người bào chữa cho mình, kể cả trường hợp không đủ khả năng để chi trả thuê luật sư. Trong tương lai, cần quy định nguyên tắc như vậy để đảm bảo mọi người dân, bất kể giàu, nghèo đều có quyền được luật sư bảo vệ trong phiên tòa hình sự, được hưởng một phiên tòa công bằng.
Như vậy, có thể nói rằng vị trí, vai trò và địa vị pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý tương đương như luật sư, chỉ khác rằng, Trợ giúp viên pháp lý phục vụ cho các đối tượng đặc thù là người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em và các đối tượng chính sách khác. Do vậy, để nâng cao vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng, cần nâng cao vai trò của luật sư với tư cách là một mắt xích quan trọng trong hoạt động tố tụng, đảm bảo mọi người đều có quyền có luật sư hoặc người khác bào chữa trong tố tụng./.
Thanh Trịnh -
 

 
[1]Theo báo cáo hoạt động TGPL trong tố tụng năm 2013 có một số địa phương đạt tỷ lệ trên như: Lai Châu (Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 128 vụ, chiếm 80,5% tổng số vụ việc tố tụng cho đối tượng TGPL trên địa bàn); Hải Phòng (Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 97 vụ, chiếm 94,2% tổng số vụ việc tố tụng cho đối tượng TGPL trên địa bàn); Lào Cai (Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 120 vụ, chiếm 99,2% tổng số vụ việc tố tụng cho đối tượng TGPL trên địa bàn) …
[2]Sóc Trăng (8/14); Quảng Ninh (4/6); Hà Nam (4/6); An Giang (6/12); Đồng Nai (6/20); Đà Nẵng (4/8); Đồng Tháp (4/11), Phú Yên (3/6); Tiền Giang (4/7).
 

Xem thêm »