Chủ thể đánh giá chất lượng vụ việc Trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật hiện hành, thực trạng và giải pháp

29/05/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Điều 3 Luật Trợ giúp pháp lý quy định “Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật”. Để đây thực sự là một chính sách đem lại hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội, đòi hỏi các Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước (sau đây gọi là Trung tâm), các tổ chức tham gia TGPL phải cung cấp cho người được TGPL một dịch vụ pháp lý miễn phí có chất lượng.

Một vụ việc TGPL hoàn thành được coi là sản phẩm của quá trình thực hiện TGPL của người thực hiện TGPL. Tuy nhiên, không phải lúc nào tự thân vụ việc cũng khẳng định được chất lượng của nó hay không phải lúc nào chất lượng vụ việc cũng được mặc nhiên thừa nhận. Vì vậy “đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý” được xem là hoạt động của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền nhằm xác định mức độ chất lượng của vụ việc TGPL đã hoàn thành căn cứ vào những tiêu chuẩn đánh giá nhất định. Qua đó, đưa ra những kết luận khách quan, chính xác về chất lượng vụ việc TGPL, làm cơ sở để đề ra và thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý miễn phí của tổ chức thực hiện TGPL. Việc đánh giá chất lượng vụ việc có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động TGPL: một mặt sẽ là công cụ cho các tổ chức thực hiện TGPL nắm bắt, quản lý được chất lượng vụ việc TGPL do Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên thuộc tổ chức mình thực hiện; giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về TGPL kịp thời đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách để bảo đảm chất lượng vụ việc TGPL. Mặt khác, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhất là những người đã được TGPL có thể tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về TGPL; tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào hoạt động TGPL và cuối cùng là bảo đảm cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng tốt cho người được TGPL. Do đó, hoạt động này được coi là một trong những phương pháp giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước về TGPL và các Trung tâm TGPL nhà nước, các tổ chức tham gia TGPL có thể quản lý được chất lượng vụ việc TGPL trên phạm vi địa bàn nhất định.
Sau 08 năm thực hiện Luật TGPL và 06 năm thực hiện Bộ Tiêu chuẩn, chất lượng vụ việc TGPL đã được nâng lên rõ rệt, công tác quản lý chất lượng vụ việc TGPL cũng như đánh giá chất lượng đã từng bước đi vào nề nếp. Người được TGPL đã từng bước được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí với chất lượng tốt nhất. Tổng số vụ việc TGPL được tổ chức đánh giá là 96.359 vụ việc/304.436 tổng số vụ việc đã hoàn thành (chiếm tỷ lệ 31,65 %), trong đó: 63.619 vụ việc đạt chất lượng tốt (chiếm 66,02 % tổng số vụ việc); 28.530 vụ việc đạt chất lượng (chiếm 29,6 % tổng số vụ việc); 2420 vụ việc không đạt chất lượng (chiếm 2,51 % tổng số vụ việc). Trong đó, các chủ thể tham gia vào hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL sau khi đã hoàn thành theo quy định hiện nay bao gồm: Tổ chức thực hiện TGPL; Sở Tư pháp và Cục TGPL.
1. Đánh giá chất lượng của Cục Trợ giúp pháp lý
Theo quy định của Bộ Tiêu chuẩn chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức đánh giá chất lượng dựa trên các căn cứ: (i) Vụ việc đã được Sở Tư pháp đánh giá chất lượng nhưng vẫn còn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại về chất lượng vụ việc TGPL hoặc những vụ việc thuộc thẩm quyền đánh giá của Sở Tư pháp nhưng chưa tiến hành đánh giá theo quy định; (ii) Vụ việc đã được đánh giá chất lượng nhưng có phản ánh, kiến nghị, khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục trưởng Cục TGPL; (iii) Các vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về TGPL. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về TGPL, Cục TGPL đã tiến hành đồng bộ nhiều hoạt động nhằm đưa các quy định về đánh giá chất lượng vụ việc đi vào thực tế như: Tổ chức quán triệt các quy định của Bộ tiêu chuẩn; hướng dẫn thực hiện các quy định về đánh giá chất lượng vụ việc tại các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ TGPL; Hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chuẩn do các địa phương,…mà chưa tổ chức quan tâm nhiều đến việc đánh giá chất lượng những vụ việc thuộc thẩm quyền của Cục.
2. Đánh giá chất lượng của Sở Tư pháp
Với chức năng quản lý, chỉ đạo các Trung tâm TGPL và các tổ chức tham gia TGPL thực hiện việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo các quy định của Bộ tiêu chuẩn, Giám đốc Sở Tư pháp của 63 tỉnh/thành phố đã làm tốt công tác chỉ đạo các Trung tâm xây dựng kế hoạch thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL hàng năm, đồng thời, đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Bộ tiêu chuẩn đối với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện TGPL trên địa bàn. Tuy nhiên, Điều 25 Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL quy định Sở Tư pháp đánh giá chất lượng trong các trường hợp: (i) Vụ việc đã được tổ chức thực hiện TGPL đánh giá chất lượng nhưng còn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại về chất lượng vụ việc TGPL; (ii) Các vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước về TGPL tại địa phương; (iii) Có căn cứ khác cho rằng việc thực hiện TGPL chưa bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật nhưng đến nay có không nhiều Sở Tư pháp thực hiện tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, nhất là việc đánh giá chất lượng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý theo quy định hiện hành.
3. Đánh giá chất lượng của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý
Theo quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, các tổ chức thực hiện TGPL tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc TGPL dựa trên các căn cứ: (i) Theo chương trình, kế hoạch đánh giá chất lượng vụ việc TGPL hằng năm đã được phê duyệt; (ii) Có kiến nghị, khiếu nại của người được TGPL hoặc phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân, phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng vụ việc TGPL; (iii) Có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người được TGPL hoặc người đại diện hợp pháp của họ liên quan đến vụ việc TGPL; (iv) Phục vụ việc chi trả tiền bồi dưỡng cho Cộng tác viên thực hiện TGPL hoặc phụ cấp cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc; (v) Có căn cứ khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về TGPL, tuy nhiên trên thực tế hiện nay, hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý chủ yếu do các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thường không tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc sau khi đã hoàn thành. Theo báo cáo của 63 Trung tâm TGPL, sau 06 năm triển khai thực hiện Bộ Tiêu chuẩn, các Trung tâm đã tổ chức đánh giá 96.359 vụ việc/304.436 tổng số vụ việc đã hoàn thành (chiếm tỷ lệ 31,65 %), trong đó: 63.619 vụ việc đạt chất lượng tốt (chiếm 66,02 % tổng số vụ việc); 28.530 vụ việc đạt chất lượng (chiếm 29,6 % tổng số vụ việc); 2420 vụ việc không đạt chất lượng (chiếm 2,51 % tổng số vụ việc).
4. Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đánh giá chất lượng của các chủ thể theo quy định của pháp luật TGPL hiện nay
Theo quy định của pháp luật, hiện nay các chủ thể tham gia vào hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL sau khi hoàn thành là: Cục TGPL, Sở Tư pháp và các Trung tâm TGPL trong cả nước. Nhưng hiện nay đang tồn tại một thực tế là các Sở Tư pháp và Cục TGPL chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý về công tác TGPL trong đó có việc quản lý về chất lượng vụ việc TGPL, các chủ thể này ít tham gia vào hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL sau khi đã hoàn thành. Do vậy, hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL hiện nay phần lớn là do các Trung tâm TGPL trong cả nước thực hiện. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê cho thấy hiện cả nước có 483 Trợ giúp viên pháp lý, 8.980 cộng tác viên TGPL (trung bình mỗi Trung tâm có khoảng 07 Trợ giúp viên pháp lý và 143 cộng tác viên TGPL). Như vậy, với số lượng Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên TGPL như hiện nay thì các Trung tâm chưa thể phân công Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách cho từng lĩnh vực pháp luật thuộc phạm vi TGPL. Nhiều Trợ giúp viên pháp lý mới được bổ nhiệm, mặc dù họ đã qua lớp đào tạo Luật sư nhưng chưa đủ thời gian để tích lũy những kinh nghiệm thực tế; đồng thời, trình độ chuyên môn của đội ngũ cộng tác viên TGPL ở cơ sở còn thấp, kỹ năng TGPL còn hạn chế. Do đó, bộ phận người thực hiện TGPL này chưa đủ khả năng để bảo đảm chất lượng vụ việc, nhất là những vụ việc phức tạp và vì vậy, chưa đủ khả năng chỉ ra những thiếu sót của người thực hiện TGPL trong quá trình thực hiện TGPL. Hơn nữa, các Trung tâm TGPL cũng đồng thời là tổ chức thực hiện vụ việc TGPL nên việc các Trung tâm tự thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL do mình thực hiện đã đặt các Trung tâm vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” nên việc đánh giá chất lượng vụ việc TGPL đôi khi còn chưa đảm bảo về tính khách quan. Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành về TGPL thì các Trung tâm được thành lập theo địa giới hành chính cấp tỉnh do vậy chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm cũng bị giới hạn theo phạm vi lãnh thổ mà chưa có cơ chế cho việc mở rộng phạm vi hoạt động của các Trung tâm vượt ra khỏi phạm vi hành chính lãnh thổ nên hiện tại chưa có cơ sở để thực hiện việc đánh giá chéo về chất lượng vụ việc TGPL giữa các Trung tâm TGPL trong cả nước.
Mặt khác, do chưa có đội ngũ đánh giá chất lượng chuyên trách đồng thời chưa có cơ chế để thu hút đội ngũ luật sư, chuyên gia pháp luật tham gia công tác đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, việc thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc, quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về chất lượng vụ việc TGPL còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, thậm chí còn hình thức, đại khái, chất lượng không bảo đảm, chủ yếu tập trung vào các vụ việc có khiếu nại, tố cáo, phản ánh về chất lượng vụ việc hoặc phải chi trả thù lao nên hiệu quả công tác đánh giá chất lượng còn chưa cao.Vì vậy, tất cả thực tế đó đang đặt ra vấn đề cần có sự thay đổi chủ thể trong hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo hướng xã hội hóa hoạt động này, cho các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư, các chuyên gia pháp luật tham gia vào hoạt động đánh giá chất lượng, các tổ chức, cá nhân này có nhiệm vụ là lực lượng hỗ trợ cơ quan nhà nước  kiểm soát chất lượng dịch vụ TGPL trong đó có chất lượng vụ việc TGPL.
5. Giải pháp
Hiện nay nước ta đang đẩy mạnh công cuộc cải cách khu vực dịch vụ công, trong đó chủ yếu là đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước là mở rộng phạm vi tham gia của các chủ thể bên ngoài nhưng Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, đặc biệt là chất lượng vụ việc TGPL (trọng tâm là các vụ việc tham gia tố tụng) thì cần thiết phải có những đột phá trong công tác quản lý và đánh giá chất lượng mà một trong những vấn đề cần ưu tiên là chủ thể đánh giá chất lượng. Sau khi Đề án đổi mới công tác TGPL và Luật sửa đổi, bổ sung Luật TGPL được ban hành sẽ dẫn đến  một số thay đổi liên quan đến định hướng chất lượng trong đó có chủ thể thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc trong các văn bản pháp luật về TGPL, vì vậy, để đảm bảo chất lượng vụ việc TGPL cần thực hiện một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài như sau:
5.1. Giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt:
5.1.1. Giải pháp từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương (Cục Trợ giúp pháp lý)
+ Thực hiện việc rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về TGPL phục vụ cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và hoàn thiện các quy định pháp luật về TGPL. Đưa nội dung đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL vào Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2013/NĐ-CP.
+ Rà soát các quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL và các quy định có liên quan đến hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL làm căn cứ để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. 
          + Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL nói chung và hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nói riêng; xây dựng cơ chế khen thưởng, tôn vinh, công bố chất lượng đối với các tổ chức thực hiện TGPL; quy định kết quả đánh giá chất lượng vụ việc là căn cứ để chi tiền thù lao cho người thực hiện TGPL, trong đó xác định rõ mức chi đối với vụ việc đạt chất lượng tốt, vụ việc đạt chất lượng và không chi trả thù lao đối với vụ việc không đạt chất lượng.
+ Tập trung cao độ trong việc hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; hướng dẫn bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên đối với đội ngũ người thực hiện TGPL, đảm bảo người thực hiện TGPL có đủ trình độ thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc theo đúng quy định của Bộ Tiêu chuẩn.
5.1.2. Giải pháp từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương (Sở Tư pháp) và tổ chức thực hiện TGPL
+ Đề cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trong quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc TGPL của các tổ chức thực hiện TGPL trên địa bàn. Đồng thời, đề cao vai trò của Giám đốc các Trung tâm TGPL, người đứng đầu các tổ chức tham gia TGPL, xác định rõ quản lý chất lượng vụ việc, đánh giá chất lượng vụ việc là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức này. 
+ Huy động, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật và cá nhân có đủ tiêu chuẩn tham gia thực hiện, hỗ trợ hoặc đóng góp cho hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
+ Tại mỗi Trung tâm TGPL, thành lập bộ phận hoặc phân công ít nhất 01 cán bộ chuyên trách phụ trách công tác đánh giá chất lượng vụ việc TGPL với lực lượng nòng cốt là các Trợ giúp viên pháp lý; thu hút sự tham gia của các cộng tác viên là Luật sư vào hoạt động này.
+ Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đánh giá chất lượng vụ việc TGPL cho người thực hiện TGPL trên địa bàn đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia đánh giá chất lượng vụ việc.
5.2. Giải pháp mang tính chiến lược
a, Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ vấn đề chất lượng vụ việc TGPL trong nội dung quản lý nhà nước về TGPL, làm cơ sở để quy định rõ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật TGPL.
b, Xây dựng quy trình giám sát chất lượng vụ việc TGPL từ thời điểm thụ lý vụ việc cho đến khi vụ việc được hoàn thành.
c, Ban hành mới văn bản pháp luật mới quy định về tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn chất lượng vụ việc, cơ chế đánh giá thay thế Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL hiện nay, theo đó:
- Đổi mới chủ thể đánh giá, cụ thể là nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của Cục TGPL trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL;
- Huy động đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm và các tổ chức hành nghề luật sư trong việc thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo hướng xây dựng các điều kiện, tiêu chuẩn để nhà nước tuyển chọn và ký hợp đồng với các Luật sư, chuyên gia pháp luật hoặc một số tổ chức hành nghề Luật sư (Văn phòng Luật sư, Công ty Luật) để thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL;
- Tổ chức việc thực hiện đánh giá chất lượng hoạt động TGPL theo quy trình, quy chuẩn chuyên môn thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Nghiên cứu cơ chế và tổ chức cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho tổ chức, cá nhân thực hiện vụ việc TGPL và tổ chức công bố chất lượng dịch vụ của tổ chức thực hiện TGPL.
d, Đổi mới cơ chế tài chính về hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL.
e, Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý chất lượng vụ việc TGPL theo hướng xây dựng phần mềm quản lý vụ việc TGPL áp dụng trong toàn quốc để quản lý được nội dung vụ việc, quá trình giải quyết vụ việc. Để từ đó, Cục TGPL có căn cứ để lựa chọn vụ việc kiểm tra, đánh giá; phân loại vụ việc; xác định uy tín của người thực hiện TGPL./.
Phòng Quản lý chất lượng

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Quốc Hội (2006), Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2007, Hà Nội.
2.     Chính phủ (2007), Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Hà Nội.
3.     Chính phủ (2013), Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/1/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, Hà Nội.
4.      Bộ trưởng Bộ Tư pháp (2008), Quyết định số 11/2008/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 ban hành kèm theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, Hà Nội.
5.     Bộ trưởng Bộ Tư pháp (2013) Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 ban hành kèm theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Hà Nội.
6.     Cục Trợ giúp pháp lý: Báo cáo công tác TGPL hàng năm của các Trung tâm TGPL trong cả nước từ năm 2008-2014, Hà Nội.
 

Xem thêm »