Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên - địa chỉ tin cậy cho người được trợ giúp pháp lý

18/02/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Như ánh sáng phía cuối đường hầm mở ra cho 500 hộ dân huyện Mường Ảng, vốn tưởng chừng đã đi vào bế tắc, sau bao nhiêu năm tháng ăn không ngon, ngủ không yên vì nỗi lo mất đất, ngày 14/01/2016 với bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên: 24 hộ dân xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên như vỡ òa trong niềm vui sướng khi lấy lại được toàn bộ diện tích đất và quyền sử dụng đất góp vốn với Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng, mở ra lối thoát đòi lại tư liệu sản xuất (nguồn thu nhập chính của người nông dân) cho những hộ dân còn lại.

Trao đổi trực tiếp với đồng chí Đỗ Xuân Toán, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên, người được các hộ nông dân ủy quyền trực tiếp đại diện để bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn (24 hộ dân xã Nặm Lịch) về quá trình tìm lại công lý cho người dân; từ khi thụ lý vụ án cho đến thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị luận cứ cho đến tham gia tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Theo đó, năm 2008 thực hiện chủ chương, chính sách của Nhà nước về mở rộng trồng và chăm sóc cây cà phê để xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện Mường Ảng, hơn 500 hộ dân trên địa bàn huyện Mường Ảng đã góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của gia đình mình với Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng để cùng trồng, phát triển cây cà phê với cam kết  người dân sẽ được tạo công ăn việc làm và hưởng công lao động, đồng thời được hỗ trợ 3.000.000đ/ha, được chia cổ tức…. Những tưởng cuộc sống sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là cam kết từ phía Công ty, còn trên thực tế sau một thời gian đi vào hoạt động, sau khi đã thế chấp toàn bộ quyền sử dụng đất vào Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Chi nhánh Mường Ảng để vay 50 tỷ đồng, Công ty làm ăn thua lỗ, quản lý yếu kém, không đầu tư và bỏ bê toàn bộ diện tích cây cà phê đã trồng dẫn đến cây cà phê chết dần, chết mòn không có khả năng phục hồi, không mang lại lợi ích kinh tế. Trước thảm cảnh không những không được chia lợi tức mà còn không được thanh toán tiền công, không được hỗ trợ như đã cam kết, người dân không có đất để canh tác, không có nguồn thu nhập, đất đai là nguồn tư liệu sản xuất chính đã bị Công ty đem thế chấp vay vốn tại ngân hàng, người nông dân rơi vào cảnh khốn cùng, không có đất để trồng cây lúa, cây ngô, dân đã nghèo nay còn khó khăn hơn.

Nhận thấy tình hình phức tạp, tháng 3/2014, Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện Mường Ảng đã vào cuộc: thành lập Ban chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi cho người dân, tổ chức nhiều buổi làm việc giữa chính quyền, người dân và Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng nhưng đều không đạt được kết quả, quyền lợi của người dân không được đảm bảo.

Giữa năm 2014, nhận được đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý từ phía các hộ dân, nhận thấy sự phức tạp của vấn đề, cùng sự thấu hiểu nỗi khốn cùng của người dân nghèo nơi đây và vượt lên trên tất cả trách nhiệm nghề nghiệp, Trung tâm trợ giúp pháp lý đã vào cuộc tìm giải pháp tốt nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp đại đa số các cổ đông của Công ty cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, Trung tâm đã hướng dẫn 24 hộ dân ủy quyền cho các Trợ giúp viên pháp lý để khởi kiện Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa ra trước Tòa án Nhân dân huyện Mường Ảng. Xác định đây là sự khởi đầu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hơn 500 hộ dân huyện Mường Ảng và hàng trăm hộ dân tại huyện Tuần Giáo, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm cùng với đội ngũ chuyên viên hỗ trợ trong việc tìm hiểu, thu thập, củng cố chứng cứ. Do các hộ dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, là người dân tộc thiểu số nghèo, trình độ học vấn thấp, tiếng phổ thông  hạn chế nên việc khai thác thông tin, thu thập chứng cứ nhiều khó khăn. Hiểu dân, đồng cảm với những khó khăn của người dân, Trợ giúp viên pháp lý đã nhận ủy quyền của các hộ dân làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thu thập tài liệu, chứng cứ cho đến đại diện khởi kiện và đại diện tham gia quá trình tố tụng từ giai đoạn khởi kiện vụ án.

Với chứng cứ xác thực cùng lý lẽ thuyết phục của Trợ giúp viên pháp lý đã được Tòa án ghi nhận. Theo đó Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2015/DSST-TCQSDĐ ngày 23/09/2015 của Tòa án nhân huyện Mường Ảng chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, tuyên vô hiệu Hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất giữa 24 hộ dân và Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa Mường Ảng, vô hiệu Văn bản ủy quyền ngày 26/7/2013 giữa 24 hộ dân với Công ty, vô hiệu một phần Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (số 03/HĐTCTC ngày 26/10/2010), vô hiệu 1 phần Hợp đồng thế chấp tài sản số 10/HĐTC ngày 12/11/2010 liên quan  đến phần diện tích đất của 24 hộ dân do vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai, dân sự, doanh nghiệp. Buộc Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn Chi nhánh Mường Ảng và Công ty Thái Hòa trả toàn bộ diện tích đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 24 hộ dân, chấp nhận toàn bộ nội dung khởi kiện của nguyên đơn. Không chấp nhận phán quyết của Bản án cấp sơ thẩm, Ngân hàng NNPTNT Chi nhánh Mường Ảng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, ngày 14/01/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của Ngân hàng NN&PTNT. Tại Bản án phúc thẩm số 10/2016/DSPT -TCQSDĐ của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên đã giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 05 của TAND huyện, bác toàn bộ nội dung kháng cáo của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Mường Ảng.

Đất đã được trao trả cho người sử dụng  hợp pháp, còn điều gì vui hơn đối với người dân nghèo khi nguồn tư liệu sản xuất chính gắn bó bao nhiêu năm được trả lại. Niềm vui của 24 hộ dân nghèo như chính niềm vui của người Trợ giúp viên pháp lý và Trung tâm trợ giúp pháp lý. Hy vọng rằng bà con sẽ sớm thoát khỏi cuộc sống khốn khó được bữa sáng, mất bữa tối, được làm giàu trên chính mảnh đất của mình; trẻ nhỏ được yên tâm cắp sách đến trường mà không phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ.

Sau vụ án này Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục đi cùng dân để đòi lại công lý cho những hộ dân còn lại.Qua đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho cho người dân thận trọng hơn trong các giao dịch dân sự. Khi kiến thức pháp luật còn hạn chế, hãy tìm đến những địa chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý, trong đó có dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng chính sách để quyền và lợi ích hợp pháp được đảm bảo./.

                                                                 Nguyễn Thị Thu Huyền

                                              Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên

Xem thêm »