Năm 2022 có thể nói là một trong những năm công tác trợ giúp pháp lý ở Trung ương và địa phương gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ
1. Có thể điểm qua một số kết quả nổi bật như lần đầu tiên nội dung về trợ giúp pháp lý được ghi nhận trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; với sự kiện lần đầu có chức danh Trợ giúp viên pháp lý hạng I và người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân trong toàn quốc, công tác trợ giúp pháp lý đã được vinh danh là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2022; năm 2022 cũng là năm đầu tiên nội dung trợ giúp pháp lý đã được triển khai đồng bộ trong tất cả Chương trình mục tiêu quốc gia, thể hiện vai trò tích cực trong an sinh và phát triển kinh tế - xã hội; số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong năm 2022 đạt mốc cao nhất từ trước đến nay; lần đầu tiên ngành Tư pháp có các tiêu chí để đánh giá tính thành công đối với một vụ việc dịch vụ pháp lý cụ thể; hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý có nhiều ấn tượng thu hút được sự quan tâm, phản hồi tích cực từ phía người dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
2. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, việc xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác trợ giúp pháp lý trong năm 2023 là vô cùng cần thiết. Đó cũng là yêu cầu của Thứ trưởng Mai Lương Khôi tại Hội nghị triển khai công tác trợ giúp pháp lý năm 2023. Ngày 10/02/2023 Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã ký Quyết định số 163/QĐ-BTP phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2023 của Cục Trợ giúp pháp lý. Theo đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:- Triển khai thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các văn bản triển khai Nghị quyết; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017: tập trung vào thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý; tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế công tác trợ giúp pháp lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nghiên cứu, xây dựng chính sách trợ giúp pháp lý đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22/12/2021 của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý...
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả nội dung trợ giúp pháp lý trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
- Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; bám sát tình hình, thực tiễn công tác và hoạt động trợ giúp pháp lý tại các địa phương, kịp thời dự báo các khó khăn, vướng mắc phát sinh để tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Theo dõi, tổ chức thực hiện đánh giá, thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công,
- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trong toàn quốc, nhất là công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng. Tăng cường theo dõi, kiểm tra công tác phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tại các địa phương để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác trợ giúp pháp lý, đặc biệt là công tác phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án, tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Với những nhiệm vụ trọng tâm này, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), các Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chi tiết hóa thành những nhiệm vụ cụ thể phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tình hình thực tiễn. Từ đó các cơ quan, tổ chức này có cách thức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đồng thời đó cũng là cơ sở cho việc chỉ đạo, điều hành, theo dõi, đánh giá kết quả công tác trợ giúp pháp lý hằng năm.
Trung tâm thông tin, dữ liệu trợ giúp pháp lý