Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực Trợ giúp pháp lý năm 2016

03/08/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý 06 tháng đầu năm và dự kiện thực hiện trong cả năm 2015

Nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 trong việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự theo yêu cầu Hiến pháp, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong 06 tháng đầu năm 2015 đã đạt được các kết quả đáng khích lệ:
Trong 06 tháng đầu năm 2015, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025 và ban hành 05 Quyết định thuộc thẩm quyền Bộ Tư pháp để triển khai các hoạt động trong lĩnh vực TGPL. Việc ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg có ý nghĩa trong việc đổi mới tổ chức và hoạt động TGPL trong thời gian tới nhằm góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL cho đối tượng được TGPL. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện các văn bản và thực hiện các giải pháp để triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa Dự án Luật TGPL (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Ngày 09/6/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 89/2015/QH13 điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016, theo đó Dự án Luật TGPL (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IV (dự kiến tháng 10/2016). Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tích cực hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết 08 năm thực hiện Luật TGPL năm 2006; rà soát các quy định của Luật TGPL, phát hiện những tồn tại, hạn chế, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, các Công ước, điều ước quốc tế để làm cơ sở sửa đổi Luật TGPL.
Công tác TGPL tại các địa phương trong 06 tháng đầu năm 2015 tiếp tục được tăng cường, hoạt động TGPL tiếp tục đi vào chiều sâu, nhất là TGPL trong lĩnh vực tố tụng, đáp ứng nhu cầu TGPL ngay tại cơ sở. Đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 572 Trợ giúp viên pháp lý (trung bình mỗi Trung tâm có 09 Trợ giúp viên pháp lý) với 199 Chi nhánh cấp huyện và liên huyện, 10.700 Cộng tác viên TGPL, 5.343 Câu lạc bộ TGPL. 06 tháng đầu năm 2015 các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã thực hiện TGPL được 51.022 vụ việc (trong đó, tư vấn pháp luật 42.004 vụ; tham gia tố tụng 8.289 vụ; đại diện ngoài tố tụng 250 vụ và các hình thức khác 478 vụ) cho 50.133 lượt người. Các vụ việc TGPL đều đúng đối tượng và thuộc các lĩnh vực được TGPL theo quy định, chất lượng vụ việc được TGPL ngày càng được nâng cao, tạo niềm tin cho đối tượng được TGPL.
Mặc dù, đạt được những kết quả trên, tuy nhiên trong 06 tháng đầu năm 2015, công tác TGPL vẫn còn một số hạn chế, bất cập sau: công tác xây dựng một số văn bản còn chậm so với kế hoạch đề ra; hoạt động TGPL chưa bảo đảm đúng trọng tâm là cung cấp vụ việc, nhất là số vụ việc tham gia tố tụng còn thấp; hệ thống tổ chức TGPL nhà nước chưa phù hợp và hoạt động chưa hiệu quả so với yêu cầu thực tiễn; nguồn nhân lực thực hiện TGPL còn nhiều bất cập; hoạt động truyền thông về TGPL chưa được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng dẫn đến mục đích và hiệu quả chưa cao; kinh phí bảo đảm cho công tác TGPL còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức về TGPL chưa chặt chẽ; công tác quản lý nhà nước về TGPL còn thiếu sự kết nối; kết quả công tác xã hội hóa chưa cao.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong 06 tháng cuối năm 2015, trên cơ sở bám sát Chương trình hành động của ngành tư pháp năm 2015; Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ; nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2015 và Kế hoạch công tác năm 2015 của Cục TGPL và của các Trung tâm TGPL nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan TGPL ở Trung ương và địa phương sẽ tiếp tục tích cực triển khai thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, chú trọng đến các hoạt động để tổ chức triển khai hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (như hoàn thiện các văn bản triển khai Đề án...) và nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) (như thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tổ chức nghiên cứu, xây dựng Dự thảo...).
Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 về tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật tổ chức và hoạt động của bổ trợ tư pháp; xây dựng đồng bộ, nâng cao chất lượng và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, bảo vệ và trợ giúp các đối tượng dễ bị tổn thương trong nền kinh tế thị trường, lĩnh vực TGPL đã đạt được những kết quả sau:
Từ năm 2011 đến nay, đã có 02 Nghị định của Chính phủ, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 21 Thông tư, Thông tư liên tịch được ban hành để triển khai công tác TGPL. Với yêu cầu Nhà nước không ngừng nâng cao mức bảo đảm các dịch vụ công cộng thiết yếu cho nhân dân, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án đổi mới công tác TGPL, theo đó có các giải pháp về cơ chế cung ứng dịch vụ công TGPL.
Bộ Tư pháp cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung vấn đề TGPL trong một số văn bản pháp luật có liên quan như: Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính, Luật Khiếu nại, Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng quy định rõ chức danh Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bổ sung quyền được TGPL trong Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật.
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết 6 tháng đầu năm 2015 các Trung tâm TGPL nhà nước trên toàn quốc đã thực hiện được 523.926 vụ việc cho 557.300 lượt người, trong đó có 133.414 người nghèo, 64.347 người có công với cách mạng, 131.340 người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý năm 2016
Một là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 - 2025, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Hai là, TGPL đã được khẳng định là một chính sách “giảm nghèo về pháp luật” trong tổng thể chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước và các chính sách an sinh xã hội, do đó, từ năm 2016 trở đi, lĩnh vực TGPL cần tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí được tích hợp từ chính sách TGPL quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo và Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 để thực hiện hỗ trợ các vụ việc tham gia tố tụng và các hoạt động khác.
Ba là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế về TGPL bảo đảm tính đồng bộ, khả thi. Nghiên cứu, xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) theo hướng lấy người được TGPL làm trung tâm, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trước pháp luật và tiếp cận công lý, tránh bỏ sót đối tượng được TGPL khi họ cần TGPL. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Bốn là, tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; tăng cường giao lưu, chia sẽ, học tập kinh nghiệm phát triển mô hình TGPL của các nước trên thế giới để đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển TGPL phù hợp với thực tiễn Việt Nam làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, điều chỉnh pháp luật về TGPL./.
- Thanh Trịnh -

Xem thêm »