Khánh Hòa: Đa dạng các hoạt động trợ giúp pháp lý theo phương châm hướng về cơ sở.

10/03/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 04/3/2016, Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hòa đã ký Quyết định số 42/QĐ-STP ban hành kế hoạch hoạt động trợ giúp pháp lý năm 2016 với mục tiêu chú trọng vào việc cung cấp kịp thời các dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt là tập trung thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật tiền tố tụng.

Theo Kế hoạch này, trong năm 2016, công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh sẽ tập trung vào các hoạt động cụ thể như:

- Cử viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về nghề luật sư, kỹ năng trợ giúp pháp lý tạo nguồn quy hoạch bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý; đồng thời rà soát và lập danh sách đội ngũ viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật trình Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm chức danh Trợ giúp viên pháp lý;

- Tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên trợ giúp pháp lý cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa;

- Phối hợp với các Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát nhu cầu về trợ giúp pháp lý của các đối tượng ở cơ sở; Đđảm bảo công tác trợ giúp pháp lý lưu động thật sự có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, phấn đấu 100% số xã, thôn thuộc phạm vi thụ hưởng của Quyết định 59/2012/QĐ-TTg đều được tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 lần/năm, tổ chức ít nhất 35 đợt trợ giúp pháp lý lưu động;

- Cung cấp kịp thời các dịch vụ pháp lý miễn phí cho đối tượng là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật, chú trọng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật tiền tố tụng;

- Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, cộng tác viên trợ giúp pháp lý

- Thực hiện kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên theo quy định;

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, thông tin về trợ giúp pháp lý qua các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương;

- Tham mưu và giúp Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng thực hiện việc kiện toàn Hội đồng và Tổ giúp việc, xây dựng kế hoạt hoạt động và tổ chức kiểm tra công tác phối hợp ở các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện trên địa bàn …

Sở Tư pháp yêu cầu các hoạt động về trợ giúp pháp lý trên địa bàn phải phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng thời kỳ, từng giai đoạn và bám sát nội dung Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh có vai trò nòng cốt trong mọi hoạt động trợ giúp pháp lý, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực xã hội, hoạt động trợ giúp pháp lý phải gắn với cơ sở, hướng về cơ sở, được tổ chức thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thực hiện một cách hiệu quả, kịp thời, đảm bảo chất lượng và đúng pháp luật.

                             H.Dương

Xem thêm »