Một số hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2022 theo Quyết định số 09/QĐ-BTP ngày 07/01/2022 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp và Kế hoạch Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2023

16/01/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định người khuyết tật có khó khăn về tài chính là một trong những đối tượng được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của Nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý bảo đảm sự cam kết của Nhà nước, bảo đảm quyền của người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Ngày 05/8/2020 Thủ tướng Chính phủ ban bành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nhằm triển khai có hiệu quả Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 07/01/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 09/QĐ – BTP về Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2022 (Quyết định số 09/QĐ – BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp). Thực hiện Quyết định số 09/QĐ – BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, năm 2022 hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói chung (sau đây gọi tắt là người khuyết tật), người khuyết tật có khó khăn về tài chính nói riêng đạt được một số kết quả như sau:
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quy định pháp luật trợ giúp pháp lý về người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý
         Trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện trợ giúp pháp lý và triển khai Quyết định số 09/QĐ – BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, năm 2022, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đã ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (Trung tâm) tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan, tổ chức có liên quan khác để thông tin, giới thiệu, chuyển gửi vụ việc cho Trung tâm, tăng cường thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý nhất là vụ việc tham gia tố tụng mà trong đó có người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý là đối tượng trong các vụ việc này.
         Mặt khác, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính hướng tới kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12), Cục Trợ giúp pháp lý đã có Công văn số 140/CTGPL -TC&QLCL ngày 25/3/2022 gửi 63 Trung tâm về việc thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp nhằm hưởng ứng Ngày người khuyết tật Việt Nam và Ngày Quốc tế người khuyết tật. Trên cơ sở chỉ đạo của Cục Trợ giúp pháp lý, các địa phương đã tích cực triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý nhân ngày người khuyết tật Việt Nam như: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Tĩnh, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Sóc Trăng,.. Nhiều địa phương đã phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội người mù, Trường nuôi dậy trẻ khuyết tật để tổ chức tặng quà, kết hợp tư vấn, trợ giúp pháp lý trực tiếp cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính ngay tại trụ sở các Hội và các cơ sở cho đối tượng.
         Truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính
Trong năm 2022, cùng với việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phù hợp để người dân nói chung trong đó có người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước một cách kịp thời, hiệu quả như sau: Cục Trợ giúp pháp lý đã phối hợp thực hiện nhiều phóng sự truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý trong đó có người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), Chương trình góc nhìn VNews - Truyền hình thông tấn Việt Nam… Đặc biệt, để khẳng định chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý là một trong những mục tiêu thúc đẩy thực hiện cam kết quốc tế về quyền của người khuyết tật tại Việt Nam, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý đã có bài viết “Trợ giúp pháp lý nhân tố tích cực thực hiện Công ước quyền người khuyết tật” đăng trên Báo điện tử Pháp luật Việt Nam số ra ngày 10/4/2022.
Nhằm đa dạng hóa các hình thức truyền thông, Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp còn nghiên cứu, xây dựng tài liệu truyền thông tại cơ sở cho các đối tượng như già làng, trưởng thôn/ bản, cán bộ chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng và tổ chức các Hội nghị Chuyên đề điểm kết hợp khảo sát nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân (trong đó lồng ghép các nội dung về quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính tại nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước: Hòa Bình, Long An, Bình Phước, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Bắc Kạn, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Hà Nam, Quảng Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa…Thông qua các hoạt động này, nhiều người dân trong đó có người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính đã được tư vấn pháp luật kết hợp với phổ biến quyền được trợ giúp pháp lý.
          Hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính không chỉ thực hiện ở Trung ương mà tại các địa phương hoạt động này cũng được đẩy mạnh thực hiện. Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã chỉ đạo Trung tâm thực hiện nhiều biện pháp truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính bằng các hoạt động như: cung cấp Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật, trong đó có nội dung trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam, Hội người khuyết tật, các cơ sở bảo trợ xã hội… Nhiều hoạt động kết nối giữa Trung tâm với chính quyền địa phương nơi có người khuyết tật sinh sống cũng như sự phối hợp giữa Trung tâm với các cơ quan báo chí, truyền thông tại địa phương cũng được tăng cường, từ đó phát hiện nhiều thông tin, vụ việc có đối tượng là người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
Trong năm 2022, thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý trong đó có người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm của các Trung tâm trợ giúp pháp lý. Theo số liệu thống kê, năm 2022, các Trung tâm trong toàn quốc đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 1.269 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính (tăng xấp xỉ 10% so với 1.151 lượt người của năm 2021), trong đó chia theo các hình thức: tư vấn pháp luật (645 lượt người), tham gia tố tụng (608 lượt người), đại diện ngoài tố tụng (16 lượt người); phân chia theo lĩnh vực pháp luật: hình sự (343 lượt người); dân sự, hôn nhân và gia đình (590 lượt người); hành chính (44 lượt người), lĩnh vực khác (292 lượt người). Trong đó, được đánh giá là đạt chất lượng và đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu kiện về chất lượng. Nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá là thành công, hiệu quả.
Có thể đánh giá, trong năm 2022 công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực: số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng này tăng lên trong đó nhiều vụ việc được đánh giá là thành công, hiệu quả, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng là người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, công tác phối hợp giữa tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, các cấp Hội người khuyết tật, cơ quan, tổ chức có liên quan… tiếp tục được tăng cường và từng bước mang lại hiệu quả.
Thông qua việc thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý nhất là các vụ việc tham gia tố tụng cho đương sự là người khuyết tật thuộc diện trợ giúp pháp lý, các vụ việc được đánh giá thành công, hiệu quả từ đó góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như toàn xã hội đối với nhóm người dễ bị tổn thương này.
Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2023
Nhằm tiếp tục thực hiện chính sách về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực người làm công tác trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính; các hoạt động theo dõi, kiểm tra, giám sát, bảo đảm người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, ngày 10/01/2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 28/QĐ-BTP về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính năm 2023 (Quyết định số 28/QĐ-BTP ngày 10/01/2023) trong đó quy định cụ thể hoạt động thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Quyết định số 28/QĐ-BTP ngày 10/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là căn cứ để các địa phương trong toàn quốc ban hành Kế hoạch triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh, thành phố trong cả nước/.
Phòng Tài chính và quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý,
Cục Trợ giúp pháp lý

File đính kèm:

Xem thêm »