10/12/2019
Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Kết quả công tác trợ giúp pháp lý năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2016Năm 2015, trong không khí phấn khởi chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp; Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV, công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2015; Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 228/QĐ-BTP ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 07/03/2015 của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 527/QĐ-BTP ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và Kế hoạch công tác năm 2015 của Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 477/QĐ-BTP ngày 16/3/2015 để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.Phần thứ I
TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2015
I. Kết quả công tác trong các lĩnh vực cụ thể
1. Công tác xây dựng thể chế, văn bản, đề án
Tiếp tục triển khai thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong năm 2015, Cục TGPL đã tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tư pháp và cấp có thẩm quyền ký ban hành 01 văn bản QPPL và 12 văn bản hành chính cá biệt về trợ giúp pháp lý (chi tiết tại Phụ lục số 01).
Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn khách quan trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về TGPL, cũng như để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về TGPL với hệ thống pháp luật khác, Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính sang năm 2015 cho phù hợp tình hình thực tế (chi tiết tại Phụ lục số 02).
Để khắc phục những hạn chế, bất cập từ các quy định của Luật TGPL 2006, Cục TGPL tham mưu Bộ đề nghị Chính phủ đưa Luật TGPL (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2006 của Quốc hội và đã được Quốc hội chấp nhận (ngày 09/6/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 89/2015/QH13 về điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016, trong đó Luật TGPL (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016). Thực hiện Nghị quyết số 89 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1273/QĐ-TTg ngày 07/8/2015 về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa XIII năm 2015 và Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2016. Hiện tại, Cục TGPL đã xây dựng Tờ trình và Dự thảo Dự án Luật TGPL (sửa đổi) và họp Ban soạn thảo lần thứ I vào ngày 23/12/2015. Sau cuộc họp, Cục đã hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và các thành viên Ban soạn thảo, đồng thời hoàn thiện Báo cáo những định hướng lớn của Dự án Luật TGPL (sửa đổi) ký trình Bộ trưởng, kế hoạch xây dựng Dự án Luật và hoàn thiện Dự thảo, tờ trình Dự án Luật TGPL (sửa đổi) để lấy ý kiến các chuyên gia.
Cùng với việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản, Đề án theo Kế hoạch đề ra, trong năm 2015, Cục đã đề xuất đưa nội dung hoạt động TGPL vào dự thảo các Bộ luật, luật tố tụng, luật tạm giam, tạm giữ khi triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và những đề xuất của Cục trong các văn bản tố tụng đã được Quốc hội thông qua vào các ngày 25 và 27/11/2015. Có thể nói đây là bước chuyển biến căn bản về nhận thức, đánh dấu sự ghi nhận của xã hội đối với đội ngũ luật sư, Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng. Với việc giải thích quyền được TGPL, thông báo, chỉ định thực hiện TGPL sẽ khắc phục tình trạng bỏ sót nhu cầu TGPL của người thuộc diện được TGPL, nhất là với người sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí pháp lý hạn chế chưa thể nhận biết, tiếp cận với thông tin, hoạt động TGPL. Việc Quốc hội thông qua các Điều luật bảo đảm quyền được TGPL tại các văn bản trên đã khẳng định vị trí, vai trò của công tác TGPL, là một công cụ quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, bảo đảm quyền có người bào chữa cho những người không có điều kiện kinh tế để trả chi phí thuê luật sư.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế về TGPL, Cục đã hoàn thiện việc góp ý, thẩm định trên 130 văn bản của các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đến hoạt động TGPL, 100% văn bản được thẩm định, góp ý đảm bảo chất lượng, thời hạn đề ra.
Có thể nói, năm 2015 là năm chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng thể chế của Cục, với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025; Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL;... làm tiền đề cho địa phương triển khai công tác TGPL.
2. Công tác xây dựng và triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL
Đứng trước những đòi hỏi, yêu cầu của công tác TGPL theo sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ và Lãnh đạo Bộ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động TGPL thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, Cục TGPL đã tập trung mọi nguồn lực, để nghiên cứu, tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đổi mới công tác TGPL. Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL đã tạo bước đột phá trong công tác TGPL, đưa công tác TGPL phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực; lấy người được TGPL làm trung tâm nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Đề án đã tạo cơ sở cho việc đổi mới công tác TGPL trong thời gian tới, nhằm mang lại lợi ích cho Nhà nước, xã hội và trực tiếp là đối tượng được thụ hưởng dịch vụ TGPL.
Ngay sau khi Đề án được ban hành, việc triển khai Đề án gặp nhiều khó khăn, trở ngại không chỉ trong nhận thức của một số cán bộ, công chức của Cục mà còn gặp phải phản ứng khá gay gắt từ một số địa phương về nội dung và tinh thần của Đề án. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ và sự vào cuộc sát sao của tập thể Lãnh đạo Cục, đến nay, các địa phương đã có cách hiểu tương đối đồng thuận về nội dung của Đề án, cho rằng việc đổi mới trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp và đang triển khai các hoạt động theo nội dung Đề án. Có thể khẳng định, việc triển khai Đề án bước đầu đã có những thành công nhất định. Đến nay, đã có 33/63 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai Đề án.
Đồng thời, để thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, nhằm mang lại lợi ích cho nhà nước, xã hội và trực tiếp là đối tượng thụ hưởng dịch vụ TGPL, Cục TGPL đã tập trung nguồn lực, tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương bình và xã hội, Ủy ban dân tộc…, cũng như các đối tác để triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Đề án. Đến nay, nhiều nhiệm vụ đã và đang được Cục thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra, cụ thể:
- Để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động TGPL, tạo điều kiện khuyến khích đội ngũ những người thực hiện TGPL tham gia tố tụng, Cục TGPL đã kịp thời tham mưu Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL (sau đây gọi tắt là Nghị định số 80/NĐ-CP). Nghị định số 80/NĐ-CP đã có chính sách khuyến khích người thực hiện TGPL bằng việc nâng mức bồi dưỡng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng.
- Nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý là tập trung vào vụ việc tham gia tố tụng, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng. Đề án đổi mới công tác TGPL đưa ra giải pháp “Ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý” và cũng là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển đổi các Trợ giúp viên pháp lý đã tham gia tố tụng đạt chỉ tiêu vụ việc được giao hàng năm thành luật sư (nếu có nguyện vọng) theo định hướng xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Cục TGPL đã nghiên cứu, tham mưu Bộ xây dựng dự thảo Công văn về chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, đây là cơ sở để hàng năm Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu thực hiện vụ việc tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý phù hợp với trình độ phát triển của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và yêu cầu công việc. Hiện nay, dự thảo đang được hoàn thiện để tham mưu Bộ ban hành.
- Để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TGPL, tạo điều kiện cho người được TGPL được thụ hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng, kịp thời, Cục TGPL đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để xây dựng cơ chế phối hợp trong việc luật sư thực hiện TGPL của Nhà nước và luật sư thực hiện TGPL theo nghĩa vụ TGPL của luật sư. Hiện nay, dự thảo đã cơ bản được hoàn thành, dự kiến sẽ trình Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Liên đoàn luật sư ký ban hành trong tháng 4/2016.
3. Công tác tổ chức, cán bộ
Nhằm tăng cường năng lực, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả hoạt động của Cục TGPL trong tình hình mới, trong năm 2015, công tác tổ chức cán bộ của Cục tiếp tục được tập trung vào các nội dung: hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, cơ cấu công chức Cục TGPL; Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Thông tin, cơ sở dữ liệu gửi Vụ Tổ chức cán bộ; thực hiện các thủ tục đề nghị Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ bổ sung cho Cục 01 đồng chí Phó Cục trưởng; đề xuất nhu cầu tuyển dụng công chức cho Cục 2015 gửi Vụ Tổ chức cán bộ; thực hiện các thủ tục để Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng nâng bậc lương thường xuyên đối với 07 đồng chí và nâng bậc lương trước thời hạn đối với 03 đồng chí; hoàn thành Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021; thực hiện các báo cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ theo yêu cầu của Bộ...
Đặc biệt, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức bộ máy của Cục, phù hợp với định hướng đổi mới công tác TGPL, Cục TGPL đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Bộ ban hành Quyết định số 1689/QĐ-BTP ngày 21/9/2015 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục TGPL thay thế Quyết định số 1989/QĐ-BTP. Việc ban hành Quyết định số 1689/QĐ-BTP trong bối cảnh Quỹ TGPL Việt Nam tạm dừng tổ chức và hoạt động theo Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL của Thủ tướng Chính phủ, cũng như ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại Thông báo Kết luận số 12/TB-BTP ngày 20/03/2015 về chuyển giao chức năng đào tạo từ Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL sang Học viện Tư pháp cũng là một khó khăn, trở ngại cho Cục. Nhưng đến nay, với nhiều nỗ lực, cố gắng trong sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy, Cục đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan sắp xếp, giải quyết đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Quỹ TGPL Việt Nam và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật. Cụ thể: 03 cán bộ, viên chức của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL về nhận nhiệm vụ tại Học viện Tư pháp từ ngày 05/12/2016; 04 cán bộ, viên chức của Quỹ TGPL Việt Nam đã về nhận nhiệm vụ tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp từ ngày 01/01/2016.
Nhìn chung trong năm 2015 công tác tổ chức, cán bộ và chế độ chính sách của cán bộ công chức, viên chức và người lao động thuộc Cục tiếp tục được quan tâm. Tập thể Lãnh đạo Cục và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
4. Triển khai thực hiện chính sách TGPL trong các Chương trình giảm nghèo và công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra chất lượng vụ việc TGPL
4.1. Công tác hướng dẫn thực hiện chính sách TGPL trong các Chương trình giảm nghèo
Trong năm 2015, Cục TGPL đã tích cực hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: hướng dẫn địa phương lập dự toán kinh phí năm 2016; hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo năm 2015; hướng dẫn triển khai các hoạt động được hỗ trợ từ 02 nguồn kinh phí này...
Ngoài ra, Cục TGPL đã xây dựng các báo cáo theo yêu cầu của các Bộ ngành có liên quan, cụ thể: báo cáo về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trong lĩnh vực TGPL; báo cáo kết quả thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo; báo cáo tiến độ thực hiện Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; báo cáo kết quả 05 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Nhìn chung, việc hướng dẫn về chính sách TGPL trong các Chương trình giảm nghèo trong năm 2015 được thực hiện hiệu quả, kịp thời, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của công tác giảm nghèo về pháp luật.
4.2. Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra chất lượng vụ việc TGPL và TGPL ở địa phương
Xác định công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ TGPL là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục trong năm 2015, nhất là trong giai đoạn đầu khi mới triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL, vì vậy, tập thể Lãnh đạo Cục TGPL đã chủ động, linh hoạt, bám sát theo ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ và Lãnh đạo Bộ Tư pháp về công tác TGPL, cụ thể:
a) Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra chất lượng vụ việc TGPL
Trong năm 2015, Cục TGPL đã tham mưu ban hành 11 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ và 37 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Cục để hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện chính sách TGPL như hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 10/11/2015 của Chính phủ; hướng dẫn địa phương trong việc giải thể Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL... Đặc biệt, năm 2015, Cục Trợ giúp pháp lý tập trung hướng dẫn địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác TGPL năm 2015 theo tinh thần Đề án đổi mới công tác TGPL.
Ngoài ra, Cục cũng nghiên cứu các quy định của văn bản pháp luật về TGPL, chất lượng TGPL để hướng dẫn cho địa phương khi có yêu cầu, cụ thể: hướng dẫn các Trung tâm TGPL về quy trình hỗ trợ vụ việc phức tạp, điển hình; hướng dẫn cập nhật vụ việc TGPL điển hình để xem xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Quỹ; hoàn thành thẩm định trên 500 vụ việc phức tạp điển hình của các Trung tâm TGPL; tiếp tục thực hiện việc theo dõi, kiểm tra hoạt động TGPL cho các đối tượng đặc thù là trẻ em, cựu chiến binh, nạn nhân bị bạo lực gia đình, người bị nhiễm HIV; thực hiện việc theo dõi, nắm bắt thông tin của các Trung tâm TGPL trong cả nước về tình hình kiến nghị vụ việc, kiến nghị thi hành pháp luật về TGPL…
Nhìn chung, công tác hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, quản lý chất lượng vụ việc TGPL trong năm 2015 được Cục chỉ đạo thực hiện sát sao, các kiến nghị, đề xuất của địa phương đều được hướng dẫn, giải đáp kịp thời; các Trung tâm TGPL và các Trợ giúp viên pháp lý đã tập trung vào các vụ việc tố tụng, đáp ứng nhu cầu TGPL ngay tại cơ sở.
b) Công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương
Theo báo cáo của 63 Trung tâm tỉnh/thành trong cả nước, trong năm 2015 các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã thực hiện TGPL được 144.800 vụ việc, cụ thể: tư vấn tại trụ sở: 30.029; tư vấn tại các cuộc TGPL lưu động và sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL: 101.109 vụ; tham gia tố tụng: 10.148 vụ (so với cùng kỳ năm 2014 là: 7.611 vụ, tăng 33%), trong đó bào chữa: 7.385 vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: 2.763 vụ; đại diện ngoài tố tụng: 346 vụ và các hình thức khác: 3.168 vụ cho 146.187 lượt người.
Để thực hiện hướng dẫn của Bộ Tư pháp về nhiệm vụ trọng tâm công tác TGPL năm 2015 theo Công văn số 587/BTP-TGPL ngày 26/2/2015, trong năm 2015 với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, sự hướng dẫn và chỉ đạo sát sao của Cục cùng với sự quyết tâm cao của địa phương, các Trung tâm TGPL đã chú trọng vào thực hiện vụ việc, trong đó tập trung vào vụ việc tham gia tố tụng. Đến nay đã có 16 tỉnh/thành phố thực hiện trên 120 vụ việc tố tụng/năm; có 04 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Gia Lai, Nghệ An, Bình Định) thực hiện trên 300 vụ việc/năm. Riêng Trung tâm TGPL thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 1.672 vụ/năm. Có một số tỉnh số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm 2015 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014, cụ thể: Trà Vinh (năm 2014: 90 vụ, 2015: 172 vụ, tăng 82 vụ); Đắk Lắk (năm 2014: 91 vụ; năm 2015: 184 vụ, tăng 93 vụ; Kiên Giang (năm 2014:145 vụ, năm 2015: 309 vụ, tăng 164 vụ; Bình Định (năm 2014: 243 vụ, năm 2015: 388 vụ: tăng 134 vụ); Hồ Chí Minh (năm 2014: 1.604 vụ; 2015: 1.672 vụ: tăng 68 vụ); Ninh Bình (năm 2014: 24 vụ; 2015: 58 vụ, tăng 34 vụ); Lạng Sơn (2014: 41 vụ; 2015: 100 vụ, tăng 59 vụ); Hà Nam (năm 2014: 32 vụ; 2015: 75 vụ: tăng 43 vụ); Thanh Hóa (năm 2014: 135 vụ; 2015: 185 vụ, tăng 50 vụ); Bà Rịa – Vũng Tàu (năm 2014: 109 vụ, năm 2015: 158 vụ, tăng 49 vụ).
Nếu như ở giai đoạn trước đây, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ở một số tỉnh chưa thực hiện vụ việc tố tụng như: Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Bình Thuận, Kon Tum, Quảng Ninh thì trong năm 2015, hầu hết các tỉnh, thành phố này (trừ Kon Tum) đều đã thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, cụ thể: Nam Định thực hiện 15 vụ; Ninh Bình thực hiện 13 vụ; Phú Thọ thực hiện 72 vụ; Bình Thuận thực hiện 5 vụ tố tụng; Quảng Ninh thực hiện 12 vụ. Các vụ việc đều đúng đối tượng và thuộc các lĩnh vực được TGPL theo quy định, chất lượng vụ việc được TGPL ngày càng được nâng cao, tạo niềm tin cho đối tượng được TGPL.
Bên cạnh đó, hệ thống TGPL trong toàn quốc tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Trong toàn quốc hiện có 205 Chi nhánh cấp huyện và liên huyện (sau khi rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Chi nhánh theo Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL, một số Trung tâm TGPL nhà nước đã đề nghị UBND cấp tỉnh giải thể cụ thể: Tuyên Quang, Long An có 02 Chi nhánh, Tây Ninh có 01 Chi nhánh, Đà Nẵng có 01 Chi nhánh) và 5.371 Câu lạc bộ TGPL; đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 572 Trợ giúp viên pháp lý, 1.020 Luật sư, 175 Tư vấn viên pháp luật tham gia TGPL với tư cách cá nhân và khoảng 9.400 Cộng tác viên khác thực hiện TGPL.
5. Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng
Với trách nhiệm cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng liên ngành TW), trong năm 2015, Cục đã tham mưu cho Hội đồng Liên ngành TW ban hành Kế hoạch và triển khai các hoạt động theo Kế hoạch đề ra, trong đó, tổ chức thành công Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại 02 tỉnh/thành phố: Huế và Đà Nẵng (từ ngày 28-31/7/2015).
Ngoài ra, Cục đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương để tham mưu giúp Hội đồng liên ngành TW trả lời về các vấn đề liên quan đến hướng dẫn áp dụng văn bản QPPL về nội dung TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự cho đối tượng là người chưa thành niên; hướng dẫn quy định về tư cách tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý trong vụ án hình sự…
Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Hội đồng liên ngành TW, trong năm 2015 công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại các địa phương tiếp tục được duy trì ổn định và từng bước nâng cao, góp phần bảo đảm trên thực tế quyền của đối tượng được TGPL khi tham gia tố tụng.
6. Hoạt động hợp tác quốc tế về TGPL
Trong bối cảnh các nguồn tài trợ cho hoạt động TGPL ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của hệ thống TGPL trong toàn quốc, Cục TGPL đã tích cực tìm kiếm, mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài để vận động tài trợ cho các hoạt động TGPL. Đến nay, một số dự án tài trợ đang được Cục thực hiện có hiệu quả, theo đúng lộ trình, cụ thể:
6.1. Về Chương trình Đối tác Tư pháp
Sau khi Kế hoạch hoạt động năm 2015 của Chương trình Đối tác tư phápđược phê duyệt, Cục đã triển khai các hoạt động được giao và đề xuất Dự án hỗ trợ hai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp trong năm 2015 là triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL và xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
6.2. Về huy động nguồn tài trợ tổ chức Hội nghị đánh giá 08 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý
Cục TGPL đã đề xuất với Đại sứ quán Ailen, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC) hỗ trợ tổ chức Hội nghị 08 năm thi hành Luật TGPL. Việc tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí tài trợ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
6.3. Các hoạt động khác
Bên cạnh việc triển khai, thực hiện các hoạt động do đối tác tài trợ, Cục còn liên hệ, làm việc với đại diện 05 tổ chức của Liên hợp quốc (UNDP, UNODC, UNWOMEN, UNICEF, UNAIDS) để trao đổi về khả năng hỗ trợ hoạt động TGPL trong tương lai; xây dựng đề xuất, làm việc và tổ chức thực hiện các hoạt động trong dự án hợp tác Châu Á – Úc về phòng chống mua bán người; xây dựng đề xuất, làm việc với Đại sự quán Ailen, dự án GIG, hỗ trợ một số hoạt động TGPL ở Việt Nam trong năm 2016; xây dựng đề xuất và làm việc với UNWOMEN về việc hỗ trợ hoạt động xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) và đã được UNWOMEN nhất trí; tham dự cuộc họp chính thức của nhóm chuyên gia về xây dựng Luật mẫu của UNODC về TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự được tổ chức tại thành phố Vienna, Áo (01-03/6/2015); tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị trao đổi kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao của 10 nước Đông Nam Á liên quan đến việc tiếp cận công lý trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bồi thường cho nạn nhân và bảo vệ nhân chứng tại Băng Cốc, Thái Lan từ ngày 12/8/2015 đến ngày 14/8/2015;
Ngoài việc liên hệ, vận động tài trợ cho hoạt động TGPL, trong năm 2015, Cục đã tiến hành khảo sát, học tập kinh nghiệm của các nước có hệ thống TGPL phát triển (đã tổ chức thành công 02 đoàn khảo sát về TGPL tại Nhật Bản và Argentina để phục vụ cho việc sửa đổi Luật TGPL).
Có thể nói, hợp tác quốc tế trong năm 2015 đã đạt được những thành công trong việc thu hút các nhà tài trợ nước ngoài, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, đặc biệt đã thuyết phục được sự quay trở lại hợp tác của các UN (UNDP, UNODC, UNWOMEN, UNICEF, UNAIDS). Những kết quả trên đã hỗ trợ rất lớn cho Cục trong việc hoàn thiện thể chế về TGPL, đẩy mạnh chất lượng, nâng cao năng lực, kiện toàn hệ thống TGPL trong toàn quốc, góp phần quan trọng giúp Cục hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
7. Công tác truyền thông về TGPL
Công tác truyền thông về TGPL tiếp tục được đẩy mạnh: Trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt và tiếng Anh tiếp tục được Cục duy trì và phát triển; thực hiện việc kết nối trang thông tin điện tử của Cục TGPL với Trang thông tin điện tử của Bộ để hòa nhập vào hoạt động chung của Bộ; cập nhật, theo dõi các bài viết, bài nghiên cứu và xử lý thông tin đại chúng về vụ việc TGPL qua các kênh báo chí, các phương tiện truyền thông; tham gia viết bài để truyền thông về công tác TGPL trên báo chí; thực hiện xây dựng và phát hành tờ gấp cung cấp thông tin về TGPL cho nạn nhân của bạo lực gia đình để cấp phát miễn phí cho 30 Trung tâm TGPL trong toàn quốc; thực hiện 03 phóng sự truyền thông quảng bá về công tác TGPL nói chung và truyền thông về các vụ việc TGPL nói riêng trên Đài Truyền hình Việt Nam (thực hiện vào tháng 6 và tháng 12 năm 2015); xây dựng kịch bản Chương trình 60 phút mở.
8. Công tác nghiên cứu khoa học về TGPL; kiểm tra; khảo sát; tập huấn, hội thảo, tọa đàm
Để có cơ sở hoàn thiện, phát triển hệ thống TGPL trong tình hình mới, trong năm 2015, công tác nghiên cứu khoa học về TGPL đã được Cục tập trung đầu tư, nghiên cứu. Đặc biệt, phục vụ cho việc sửa đổi Luật TGPL, Cục đã nghiên cứu, xây dựng Đề tài khoa học cấp Bộ về cơ sở lý luận và thực tiễn việc sửa đổi Luật TGPL và Đề tài đã được bảo vệ thành công tại Viện Khoa học pháp lý vào ngày 7/01/2016.
Cũng trong năm 2015, công tác khảo sát, kiểm tra về hoạt động TGPL tiếp tục được đẩy mạnh: Cục đã tổ chức khảo sát đánh giá tình hình thực hiện TGPL cho phụ nữ, trẻ em và một số đối tượng đặc thù; tổ chức 02 Đoàn Kiểm tra thực hiện Luật TGPL, các văn bản hướng dẫn thi hành vàthực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và 59/2012/QĐ-TTg tại 04 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đồng thời, tham gia 01 Đoàn Kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong tố tụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.
Trong năm 2015, Cục TGPL đã tổ chức thành công 19 Hội nghị, hội thảo, tập huấn, trong đó: 09 Hội nghị về góp ý và triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL tại Hà Nội, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh; 01 Hội nghị tổng kết 08 năm thi hành Luật TGPL; 01 Hội nghị về chất lượng vụ việc TGPL và định hướng đổi mới hoạt động quản lý chất lượng vụ việc TGPL; 01 Hội thảo góp ý về Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi Luật TGPL”; 03 hội nghị tập huấn (01 Hội nghị tập huấn về bạo lực gia đình do UNODC tài trợ tổ chức tại thành phố Hải Phòng và 02 hội nghị tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng cho người thực hiện TGPL thông qua các tình huống và vụ việc cụ thể cho người thực hiện TGPL tại tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Bình Định); 01 Hội nghị về quyền được TGPL trong tư pháp hình sự và rà soát, đánh giá đề xuất sửa đổi Luật TGPL sửa đổi; 01 Hội nghị về những định hướng xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); 01 Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo.
9. Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp
9.1. Công tác Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL
Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL trong năm 2015 tiếp tục thực hiện có hiệu quả: đã tổ chức thành công 03 Hội nghị tập huấn “Kỹ năng thực hiện TGPL trong việc giải quyết các vụ án hình sự và dân sự thông qua các tình huống và vụ án cụ thể ” tại các tỉnh: Đồng Tháp, Bình Định và Quảng Bình; tổ chức khảo sát “nhu cầu tập huấn của tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL trong toàn quốc năm 2015”; “khảo sát tăng cường năng lực cho người và tổ chức thực hiện TGPL trong toàn quốc năm 2015”.
Thực hiện Quyết định số 2105/QĐ-BTP ngày 27/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho Học viện Tư pháp, Cục TGPL đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Kế hoạch – Tài chính để thực hiện bàn giao các công việc liên quan đến Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL. Đến nay, việc bàn giao Trung tâm sang Học viện Tư pháp đã hoàn thành.
9.2. Hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam
Trong năm 2015, Quỹ TGPL Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm 2015 đã được phê duyệt, cụ thể:
- Đối với nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg: Trong năm 2015, Quỹ đã ký kết Hợp đồng giao khoán công việc và thực hiện thanh quyết toán kinh phí cho 30/41 đơn vị, với tổng kinh phí là 4.207.259.200 đồng/12.254.020.900 đồng; đã thực hiện thanh toán 6/6 lớp bồi dưỡng cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã do Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức với tổng kinh phí là 531.502.000 đồng/584.390.200 đồng; thực hiện thanh toán kinh phí năm thứ 2 của niên khóa 2013-2015 cho 02 Trường Trung cấp luật (Thái Nguyên và Tây Bắc) với tổng kinh phí là 926.238.000 đồng/1.754.677.800 đồng.
- Đối với nguồn kinh phí thường xuyên của Quỹ TGPL Việt Nam: Trong năm 2015, Quỹ đã ký Hợp đồng giao khoán công việc và thực hiện thanh quyết toán đối với 24 đơn vị, với tổng kinh phí hỗ trợ là 607.945.000 đồng.
Thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính, Cục TGPL đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Kế hoạch – Tài chính để thực hiện bàn giao các công việc liên quan đến việc tạm dừng hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam. Đến nay, các nội dung và thủ tục bàn giao đã hoàn thành.
10. Công tác văn phòng; thi đua – khen thưởng
10.1. Công tác văn phòng
Trong năm 2015, công tác văn phòng tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện tốt chức năng là đơn vị đầu mối trong tham mưu giúp Lãnh đạo Cục xây dựng Kế hoạch công tác hàng năm và dài hạn; thực hiện chức năng đôn đốc, theo dõi thực hiện tiến độ Kế hoạch công tác; thực hiện công tác cải cách hành chính, thống kê; khai thác và tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong quản lý nhà nước về TGPL; chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất trong các cuộc họp giao ban của Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Bộ được thực hiện nghiêm túc; công tác quản trị, lễ tân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn đáp ứng yêu cầu hoạt động của Cục.
10.2. Công tác Thi đua, khen thưởng
Nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức Cục thi đua hoàn thành công việc được giao, ngay từ đầu năm, Cục TGPL đã ban hành Kế hoạch về việc phát động phong trào thi đua và tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi đua khen thưởng, phát động phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong Cục. Hưởng ứng phong trào thi đua do Cục phát động đã có 100% cán bộ, công chức, người lao động đăng ký thi đua với mục tiêu hướng đến hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác năm 2015.
Trên cơ sở tiêu chí chấm điểm, xếp hạng thi đua Sở Tư pháp năm 2015 và Bảng đăng ký thi đua của cán bộ, công chức, người lao động của Cục năm 2015, Hội đồng thi đua khen thưởng của Cục đã hoàn thành việc chấm điểm thi đua đối với 63 Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về công tác TGPL; hoàn thành việc xét thi đua đối với cá nhân và tập thể Cục TGPL (100% cán bộ, công chức và Tập thể của Cục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Tập thể tiên tiến; đã có 06 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; 01 cá nhân được được bình xét trình Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành xem xét trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp; 02 cá nhân được đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen; 03 Tập thể được đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc; 02 Tập thể đề nghị Bộ Trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen; không có cá nhân nào bị kỷ luật từ hình thức khiển trách, cảnh cáo).
Có thể nói, công tác thi đua, khen thưởng và bình xét thi đua – khen thưởng trong năm 2015 của Cục tiếp tục đi vào chiều sâu và thực hiện, tạo khí thế cho tập thể và cá nhân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của Cục.
11. Công tác tài chính - kế toán
Công tác tài chính - kế toán trong năm 2015 tiếp tục bám sát các nhiệm vụ chính trị của Cục. Tiếp tục thực hiện khoán biên chế và tài chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ về việc quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17/01/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn Nghị định số 117/2013/NĐ-CP, đồng thời thực hiện kiểm soát chi qua Kho bạc theo Thông tư số 79/2003/TT-BTC về việc hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; hoàn thiện Báo cáo về các thủ tục liên quan đến việc tạm dừng tổ chức và hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam; thực hiện các công việc liên quan đến điều chỉnh kinh phí của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam và trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; hoàn thành việc bảo vệ dự toán năm 2016; khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh quyết toán các nhiệm vụ năm 2015 theo quy định.
12. Công tác chỉ đạo, điều hành.
Công tác chỉ đạo, điều hành của Cục trong năm 2015 được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời giải quyết những bất cập nảy sinh. Việc phân công nhiệm vụ giữa các đồng chí Lãnh đạo Cục cũng như giữa các đơn vị thuộc Cục được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm sự điều hành thống nhất, thông suốt, tuân thủ chặt chẽ theo Quyết định số 01/QĐ-CTGPL ngày 01/01/2015 của Cục trưởng Cục TGPL về phân công nhiệm vụ của Lãnh đạo Cục TGPL (được thay thế thế bằng Quyết định số 23/QĐ-CTGPL ngày 08/7/2015); sự phối hợp giữa Cục với các đơn vị thuộc Bộ cũng như các cơ quan, ban, ngành có liên quan, đặc biệt là các cơ quan pháp chế Bộ, ngành, cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương tiếp tục được tăng cường. Có được những kết quả trên là do: tập thể Lãnh đạo Cục luôn thực hiện tốt công tác phối hợp với Chi ủy và người đứng đầu các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn; thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở; công khai, minh bạch mọi hoạt động của đơn vị; củng cố đoàn kết nội bộ và quan tâm đến đời sống của cán bộ, công chức và người lao động thuộc Cục; nghiêm túc thực hiện chế độ giao ban Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Cục mở rộng cũng như họp toàn thể đơn, kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện những nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ giao cho Cục.
13. Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội
Trong năm 2015, Công đoàn đã phối hợp với Chi đoàn cơ sở Cục TGPL tổ chức chuyến tham quan về di tích K9 Sơn Tây, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và giao lưu với Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hà Nội. Hưởng ứng Giải bóng đá Văn phòng Bộ mở rộng lần thứ II, hội thao khối cơ quan Bộ Tư pháp chào mừng kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2015) và kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp Việt Nam, Lãnh đạo Cục đã quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Cục tham gia. Đặc biệt, hội thi Văn nghệ khối cơ quan Tư pháp chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp Việt Nam, Cục đã tham gia 2 tiết mục và cả 2 đều đạt giải. Hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp 2013, nhiều cán bộ, công chức thuộc Cục đã hăng hái, tích cực tham gia.
Có thể nói, bên cạnh công tác chuyên môn, nghiệp vụ, những hoạt động mang tính phong trào cũng có tác động rất tích cực đến tinh thần và thái độ làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Cục, không chỉ tập hợp, thu hút cán bộ vào các hoạt động lành mạnh, bổ ích mà còn tạo ra không khí tươi vui, sôi nổi, thoải mái, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, tạo điều kiện để các cán bộ được tham gia các hoạt động mang tính tập thể, củng cố tinh thần đoàn kết nội bộ và qua đó bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho từng cán bộ, công chức...
II. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
1. Tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL năm 2015 còn một số tồn tại, hạn chế:
1.1. Về xây dựng thể chế:
- Mặc dù do yếu tố khách quan, song tiến độ xây dựng một số văn bản chưa đáp ứng yêu cầu đề ra: Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động, tổ chức TGPL nhà nước và Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp quy định về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành Trợ giúp viên pháp lý phải xin lùi thời hạn trình sang năm 2016;
- Quá trình xây dựng Đề án đổi mới công tác TGPL và triển khai nội dung của Đề án đã gặp rất nhiều khó khăn do nội dung của Đề án liên quan đến vấn đề tổ chức, con người của cả hệ thống TGPL.
1.2. Về công tác quản lý, điều hành:
- Công tác TGPL đang thực hiện chuyển hướng chiến lược nên nhận thức của một số cán bộ làm công tác quản lý và thực hiện TGPL ở Trung ương và địa phương về công tác TGPL trong giai đoạn mới còn chưa đầy đủ, thông suốt; hệ thống tổ chức TGPL nhà nước chưa phù hợp và hoạt động chưa hiệu quả so với yêu cầu thực tiễn do chưa tính đến đặc thù vùng miền.
- Nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức của Cục còn chậm đổi mới.
1.3. Về tổ chức, cán bộ:
- Một số vị trí Lãnh đạo cấp phòng chậm được kiện toàn.
- Việc tạm dừng Quỹ TGPL Việt Nam theo Đề án đổi mới công tác TGPL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chuyển giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sang Học viện Tư pháp đã gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Cục. Để giải quyết các công việc này, Cục đã phải đầu tư thời gian nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị có liên quan (Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Học viện Tư pháp) để thống nhất về kinh phí, biên chế, tổ chức cán bộ, nhất là vấn đề giải quyết chế độ chính sách nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi cho các cán bộ hợp đồng làm việc tại 02 đơn vị sự nghiệp này.
2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
2.1. Nguyên nhân chủ quan
- Chỉ đạo của Lãnh đạo Cục trong một số trường hợp chưa thực sự quyết liệt; năng lực của một số cán bộ, công chức trong một số văn bản, đề án còn hạn chế; khả năng làm việc độc lập của một số đồng chí còn chưa đáp ứng yêu cầu.
- Nhận thức của một số cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống TGPL chưa đầy đủ, thông suốt.
- Nhận thức về trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong tham mưu, giúp Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực được giao còn chưa đầy đủ, đặc biệt là nhận thức về chủ thuyết đổi mới trong công tác TGPL;
- Lề lối, tác phong làm việc đôi lúc còn bị buông lỏng, chưa tuân thủ triệt để kỷ cương, kỷ luật hành chính và quy chế làm việc của cơ quan; tính chủ động trong tham mưu, triển khai hiện nhiệm vụ còn chưa cao;
- Công tác phối hợp của một số đơn vị trong Cục vẫn còn chồng chéo, bị động. Sự kết nối thông tin, hoạt động giữa Cục với các địa phương, các Trung tâm TGPL tỉnh/thành phố còn chưa kịp thời.
2.2. Nguyên nhân khách quan:
- Hệ thống TGPL đã tồn tại 17 năm qua nên tư duy, nhận thức của các cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống TGPL không thể thay đổi một sớm, một chiều để phù hợp với định hướng đổi mới.
- Nhiều Dự thảo văn bản phải lấy kiến góp ý của các đơn vị trong và ngoài Bộ, các ban, ngành địa phương có liên quan song chưa nhận được sự phối hợp kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị cần lấy ý kiến nên đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện các Dự thảo và thời gian trình văn bản, đề án theo Kế hoạch đề ra.
- Nhiều Dự thảo văn bản do các Bộ, ngành khác chủ trì xây dựng, Bộ Tư pháp (Cục TGPL) chỉ là cơ quan phối hợp nên không chủ động được thời gian.
III. Bài học kinh nghiệm
1. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo từ Ban Cán sự Đảng Bộ và Lãnh đạo Bộ đối với công tác TGPL.
2. Bám sát và xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, của Bộ để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
3. Sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; dám nghĩ, dám làm, đương đầu với thử thách trong đổi mới, đặc biệt là trong đổi mới hệ thống TGPL; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; giải quyết linh hoạt các nhiệm vụ phát sinh; tập trung kiện toàn tổ chức, cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
4. Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ TGPL, bảo đảm hệ thống TGPL hoạt động hiệu quả, chất lượng.
5. Phát huy hiệu quả cơ chế làm việc theo nhóm kết hợp với trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
6. Đẩy mạnh công tác đối ngoại về TGPL, vận động, thu hút các nguồn nguồn tài trợ cho hoạt động TGPL, nhằm xây dựng hệ thống TGPL tiếp cận với các nước phát triển trên thế giới.
Phần thứ II
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC NĂM 2016
Phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn của năm 2015, bước sang năm 2016, năm bản lề triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp và Chương trình hành động của Ngành triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/016 của Chính phủ, Cục TGPL đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đóng góp vào thành công chung của Ngành.
I. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2016
1. Những văn bản, đề án triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL
- Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi);
- Nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi);
- Hoàn thiện trình ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước;
- Hoàn thiện trình ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam kết nối trong hoạt động trợ giúp pháp lý của Nhà nước và việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của Luật sư;
- Xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện về thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn 2016 – 2020;
- Ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý;
- Nghiên cứu, xây dựng các yêu cầu quản lý để ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Nghiên cứu, xây dựng Tiêu chí đối với cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động đánh giá chất lượng; cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đánh giá chất lượng;
- Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đối với cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Nghiên cứu cơ chế tạm thời lựa chọn cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Nghiên cứu, xây dựng Quy trình hỗ trợ vụ việc trợ giúp pháp lý; quy trình thẩm định vụ việc; cơ chế giám sát chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
2. Công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản, Đề án khác
- Trình ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trợ giúp pháp lý;
- Nghiên cứu, xây dựng Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 về hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;
- Xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp kế hoạch hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2016;
- Xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp kế hoạch hoạt động liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng 2016;
- Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn việc thực hiện điều ước quốc tế với đối tượng được trợ giúp pháp lý.
3. Tham gia rà soát, góp ý, hoàn thiện, hệ thống hóa văn bản QPPL về TGPL và các văn bản có liên quan
Phối hợp tham gia xây dựng, góp ý các văn bản về chính sách giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và dân vận của Đảng, Nhà nước theo phân công; thực hiện rà soát, hợp nhất, pháp điển, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật có liên quan, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, các vấn đề mới phát sinh và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế và ban hành mới.
4. Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện PL về TGPL và các Chương trình giảm nghèo
- Kiểm tra việc thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành; kiểm tra, hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025; kiểm tra việc thực hiện kinh phí theo quy định của Đề án đổi mới công tác TGPL; kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của các tổ chức thực hiện TGPL;
- Theo dõi, hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn 2016 – 2020;
- Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; hướng dẫn triển khai thực hiện các Bộ luật tố tụng có liên quan đến các hoạt động trợ giúp pháp lý; hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đánh giá chất lượng vụ việc; theo dõi, kiểm tra công tác đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; giám sát chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong toàn quốc; tình hình kiến nghị vụ việc, kiến nghị thi hành pháp luật về trợ giúp pháp lý;
- Theo dõi công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù (phụ nữ, trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, cựu chiến binh, người bị nhiễm HIV...);
- Tổ chức thực hiện thẩm định vụ việc trợ giúp pháp lý; đề xuất và thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho vụ việc tham gia tố tụng;
- Tham gia thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm của Bộ và các Chương trình có liên quan của Chính phủ cũng như các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.
5. Công tác phối hợp TGPL trong tố tụng
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2016 (sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương ký Quyết định ban hành kế hoạch);
- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng.
6. Công tác khảo sát, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, nghiên cứu khoa học
- Công tác khảo sát:
Thực hiện khảo sát phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế về TGPL: khảo sát sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý; khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nhiễm HIV;
- Công tác hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm:
Tổ chức Hội nghị góp ý về Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Hội nghị tập huấn thực hiện quy định về trợ giúp pháp lý trong các Bộ luật tố tụng, Luật tạm giữ, tạm giam; Hội thảo góp ý báo cáo khảo sát sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý; Tập huấn kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình; Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khác liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý.
- Công tác nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề
Xây dựng số chuyên đề 200 trang phục vụ xây dựng Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trên Tạp chí dân chủ và pháp luật.
7. Công tác truyền thông về TGPL
- Tăng cường công tác truyền thông về hoạt động TGPL bảo đảm người được TGPL được thụ hưởng đầy đủ dịch vụ TGPL của người dân như: Thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý; tiếp tục nâng cấp, phát triển và vận hành Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý ở Việt Nam (phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh); xây dựng chuyên mục về trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng tờ gấp pháp luật để cấp phát cho các địa phương trong toàn quốc; xây dựng các phóng sự về trợ giúp pháp lý; cập nhật, theo dõi các bài viết, nghiên cứu và xử lý thông tin đại chúng về vụ việc trợ giúp pháp lý qua các kênh báo chí, các phương tiện truyền thông;
- Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL và nâng cấp Phần mềm quản lý công việc nội bộ của Cục.
8. Công tác hợp tác quốc tế
- Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ; các hoạt động mà UNs dự kiến hỗ trợ; các đề xuất UNODC hỗ trợ các hoạt động tăng cường trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; triển khai các hoạt động do Dự án Tư pháp thân thiện với người chưa thành niên, Dự án GIG tài trợ; thực hiện các thủ tục phê duyệt Dự án hỗ trợ xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) do cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ hỗ trợ;
- Tổ chức các Đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm trợ giúp pháp lý tại một số nước trên thế giới theo phê duyệt của Lãnh đạo Bộ;
- Mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức nước ngoài (Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Ailen, ...) thiết lập quan hệ đối tác; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài phục vụ xây dựng thể chế và quản lý nhà nước về TGPL; thực hiện các hoạt động khác do các tổ chức quốc tế tài trợ cho công tác TGPL.
9. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng
Sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động khối Văn phòng Cục và viên chức, người lao động của đơn vị sự nghiệp thuộc Cục theo Đề án vị trí việc làm đã được Bộ trưởng phê duyệt; triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của Bộ.
10. Công tác thi đua, khen thưởng
- Phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; theo dõi, đánh giá, khen thưởng hoặc xét đề nghị khen thưởng các cá nhân, đơn vị thuộc Cục;
- Xây dựng tiêu chí và tổ chức chấm điểm thi đua đối với các Sở Tư pháp về công tác trợ giúp pháp lý; xây dựng Quy chế bình xét thi đua khen thưởng của Cục.
11. Công tác khác
11.1. Công tác tài chính - kế toán và quản lý công sản
Lập dự toán chi tiết tài chính phục vụ nhiệm vụ năm 2016 sau khi được Bộ trưởng giao; thực hiện việc thu, chi, thanh quyết toán kinh phí cấp cho Cục Trợ giúp pháp lý năm 2016 theo đúng quy định; kiểm tra việc thực hiện ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí từ Dự án; phối hợp với các đơn vị thuộc Cục rà soát, kiểm kê tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc, thanh lý đối với các tài sản hết hạn sử dụng; mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo dự toán được giao và quy định của pháp luật.
11.2. Công tác Văn phòng
- Thực hiện công tác hành chính - tổng hợp; văn thư - lưu trữ; báo cáo, thống kê; cải cách thủ tục hành chính; các quy trình ISO; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; giải quyết kiến nghị, phản ánh của người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Tiếp tục áp dụng quản lý, theo dõi, đôn đốc công việc của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục.
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của Cục trưởng, các Phó Cục trưởng và Trưởng các đơn vị thuộc Cục, gắn việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể với trách nhiệm của từng cá nhân; bảo đảm tính công khai, dân chủ trong mọi hoạt động của đơn vị.
2. Phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với nhiệm vụ được giao.
3. Nghiên cứu đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy phù hợp chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới, phù hợp với cải cách hành chính của Đảng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác TGPL với chủ trương nghiên cứu quy mô hệ thống TGPL nhà nước phù hợp với các vùng, miền và điều kiện thực tế ở các địa phương, đồng thời thu hút lực lượng trong xã hội tham gia cung cấp dịch vụ TGPL. Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều phối nguồn nhân lực và tài chính bảo đảm hoạt động TGPL có hiệu quả.
4. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đổi mới lề lối, tác phong làm việc; gắn hiệu quả công tác với việc triển khai các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực nhiệm nhiệm vụ.
5. Tăng cường đôn đốc việc triển khai các công việc trong nội bộ Cục và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc cũng như giữa Cục với các địa phương; thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.
6. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể - chính trị của Cục (Chi uỷ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công) trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Trên đây là Báo cáo tổng kết công tác TGPL năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải thực hiện công tác năm 2016, Cục TGPL trân trọng sự đóng góp ý kiến của các đồng chí.
Năm 2015, trong không khí phấn khởi chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp; Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV, công tác trợ giúp pháp lý tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2015; Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 228/QĐ-BTP ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 07/03/2015 của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 527/QĐ-BTP ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và Kế hoạch công tác năm 2015 của Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 477/QĐ-BTP ngày 16/3/2015 để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Phần thứ I
TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2015
I. Kết quả công tác trong các lĩnh vực cụ thể
1. Công tác xây dựng thể chế, văn bản, đề án
Tiếp tục triển khai thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong năm 2015, Cục TGPL đã tích cực nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tư pháp và cấp có thẩm quyền ký ban hành 01 văn bản QPPL và 12 văn bản hành chính cá biệt về trợ giúp pháp lý (
chi tiết tại Phụ lục số 01).
Bên cạnh đó, xuất phát từ thực tiễn khách quan trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về TGPL, cũng như để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về TGPL với hệ thống pháp luật khác, Cục đã tham mưu Lãnh đạo Bộ đề xuất cấp có thẩm quyền cho điều chỉnh một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính sang năm 2015 cho phù hợp tình hình thực tế
(chi tiết tại Phụ lục số 02).
Để khắc phục những hạn chế, bất cập từ các quy định của Luật TGPL 2006, Cục TGPL tham mưu Bộ đề nghị Chính phủ đưa Luật TGPL (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2006 của Quốc hội và đã được Quốc hội chấp nhận (ngày 09/6/2015, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 89/2015/QH13 về điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 và Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016, trong đó Luật TGPL (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016). Thực hiện Nghị quyết số 89 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1273/QĐ-TTg ngày 07/8/2015 về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật, Pháp lệnh được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh khóa XIII năm 2015 và Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2016. Hiện tại, Cục TGPL đã xây dựng Tờ trình và Dự thảo Dự án Luật TGPL (sửa đổi) và họp Ban soạn thảo lần thứ I vào ngày 23/12/2015. Sau cuộc họp, Cục đã hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và các thành viên Ban soạn thảo, đồng thời hoàn thiện Báo cáo những định hướng lớn của Dự án Luật TGPL (sửa đổi) ký trình Bộ trưởng, kế hoạch xây dựng Dự án Luật và hoàn thiện Dự thảo, tờ trình Dự án Luật TGPL (sửa đổi) để lấy ý kiến các chuyên gia.
Cùng với việc nghiên cứu, xây dựng các văn bản, Đề án theo Kế hoạch đề ra, trong năm 2015, Cục đã đề xuất đưa nội dung hoạt động TGPL vào dự thảo các Bộ luật, luật tố tụng, luật tạm giam, tạm giữ khi triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 và những đề xuất của Cục trong các văn bản tố tụng đã được Quốc hội thông qua vào các ngày 25 và 27/11/2015. Có thể nói đây là bước chuyển biến căn bản về nhận thức, đánh dấu sự ghi nhận của xã hội đối với đội ngũ luật sư,
Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng
. Với việc giải thích quyền được TGPL, thông báo, chỉ định thực hiện TGPL sẽ khắc phục tình trạng bỏ sót nhu cầu TGPL của người thuộc diện được TGPL, nhất là với người sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí pháp lý hạn chế chưa thể nhận biết, tiếp cận với thông tin, hoạt động TGPL. Việc Quốc hội thông qua các Điều luật bảo đảm quyền được TGPL tại các văn bản trên đã khẳng định vị trí, vai trò của công tác TGPL, là một công cụ quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, bảo đảm quyền có người bào chữa cho những người không có điều kiện kinh tế để trả chi phí thuê luật sư.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế về TGPL, Cục đã hoàn thiện việc góp ý, thẩm định trên 130 văn bản của các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan đến hoạt động TGPL, 100% văn bản được thẩm định, góp ý đảm bảo chất lượng, thời hạn đề ra.
Có thể nói, năm 2015 là năm chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng thể chế của Cục, với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025; Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL;... làm tiền đề cho địa phương triển khai công tác TGPL.
2. Công tác xây dựng và triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL
Đứng trước những đòi hỏi, yêu cầu của công tác TGPL theo sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ và Lãnh đạo Bộ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động TGPL thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp, Cục TGPL đã tập trung mọi nguồn lực, để nghiên cứu, tham mưu Bộ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đổi mới công tác TGPL. Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL đã tạo bước đột phá trong công tác TGPL, đưa công tác TGPL phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực; lấy người được TGPL làm trung tâm nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Đề án đã tạo cơ sở cho việc đổi mới công tác TGPL trong thời gian tới, nhằm mang lại lợi ích cho Nhà nước, xã hội và trực tiếp là đối tượng được thụ hưởng dịch vụ TGPL.
Ngay sau khi Đề án được ban hành, việc triển khai Đề án gặp nhiều khó khăn, trở ngại không chỉ trong nhận thức của một số cán bộ, công chức của Cục mà còn gặp phải phản ứng khá gay gắt từ một số địa phương về nội dung và tinh thần của Đề án. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ và sự vào cuộc sát sao của tập thể Lãnh đạo Cục, đến nay, các địa phương đã có cách hiểu tương đối đồng thuận về nội dung của Đề án, cho rằng việc đổi mới trong giai đoạn hiện nay là hoàn toàn phù hợp và đang triển khai các hoạt động theo nội dung Đề án. Có thể khẳng định, việc triển khai Đề án bước đầu đã có những thành công nhất định. Đến nay, đã có 33/63 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai Đề án.
Đồng thời, để thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, nhằm mang lại lợi ích cho nhà nước, xã hội và trực tiếp là đối tượng thụ hưởng dịch vụ TGPL, Cục TGPL đã tập trung nguồn lực, tích cực phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương bình và xã hội, Ủy ban dân tộc…, cũng như các đối tác để triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Đề án. Đến nay, nhiều nhiệm vụ đã và đang được Cục thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra, cụ thể:
- Để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động TGPL, tạo điều kiện khuyến khích đội ngũ những người thực hiện TGPL tham gia tố tụng, Cục TGPL đã kịp thời tham mưu Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL (sau đây gọi tắt là Nghị định số 80/NĐ-CP). Nghị định số 80/NĐ-CP đã có chính sách khuyến khích người thực hiện TGPL bằng việc nâng mức bồi dưỡng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng.
- Nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của công tác trợ giúp pháp lý là tập trung vào vụ việc tham gia tố tụng, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng. Đề án đổi mới công tác TGPL đưa ra giải pháp “
Ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý” và cũng là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng cơ chế chuyển đổi các Trợ giúp viên pháp lý đã tham gia tố tụng đạt chỉ tiêu vụ việc được giao hàng năm thành luật sư (nếu có nguyện vọng) theo định hướng xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Cục TGPL đã nghiên cứu, tham mưu Bộ xây dựng dự thảo Công văn về chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý, đây là cơ sở để hàng năm Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu thực hiện vụ việc tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý phù hợp với trình độ phát triển của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý và yêu cầu công việc. Hiện nay, dự thảo đang được hoàn thiện để tham mưu Bộ ban hành.
- Để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động TGPL, tạo điều kiện cho người được TGPL được thụ hưởng dịch vụ TGPL có chất lượng, kịp thời, Cục TGPL đã tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để xây dựng cơ chế phối hợp trong việc luật sư thực hiện TGPL của Nhà nước và luật sư thực hiện TGPL theo nghĩa vụ TGPL của luật sư. Hiện nay, dự thảo đã cơ bản được hoàn thành, dự kiến sẽ trình Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo Liên đoàn luật sư ký ban hành trong tháng 4/2016.
3. Công tác tổ chức, cán bộ
Nhằm tăng cường năng lực, đáp ứng yêu cầu, hiệu quả hoạt động của Cục TGPL trong tình hình mới, trong năm 2015, công tác tổ chức cán bộ của Cục tiếp tục được tập trung vào các nội dung: hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, cơ cấu công chức Cục TGPL; Đề án vị trí việc làm của Trung tâm Thông tin, cơ sở dữ liệu gửi Vụ Tổ chức cán bộ; thực hiện các thủ tục đề nghị Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ bổ sung cho Cục 01 đồng chí Phó Cục trưởng; đề xuất nhu cầu tuyển dụng công chức cho Cục 2015 gửi Vụ Tổ chức cán bộ; thực hiện các thủ tục để Vụ Tổ chức cán bộ trình Bộ trưởng nâng bậc lương thường xuyên đối với 07 đồng chí và nâng bậc lương trước thời hạn đối với 03 đồng chí; hoàn thành Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021; thực hiện các báo cáo liên quan đến công tác tổ chức cán bộ theo yêu cầu của Bộ...
Đặc biệt, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức bộ máy của Cục, phù hợp với định hướng đổi mới công tác TGPL, Cục TGPL đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Bộ ban hành Quyết định số 1689/QĐ-BTP ngày 21/9/2015 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục TGPL thay thế Quyết định số 1989/QĐ-BTP. Việc ban hành Quyết định số 1689/QĐ-BTP trong bối cảnh Quỹ TGPL Việt Nam tạm dừng tổ chức và hoạt động theo Quyết định phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL của Thủ tướng Chính phủ, cũng như ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại Thông báo Kết luận số 12/TB-BTP ngày 20/03/2015 về chuyển giao chức năng đào tạo từ Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL sang Học viện Tư pháp cũng là một khó khăn, trở ngại cho Cục. Nhưng đến nay, với nhiều nỗ lực, cố gắng trong sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy, Cục đã phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị có liên quan sắp xếp, giải quyết đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Quỹ TGPL Việt Nam và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật. Cụ thể: 03 cán bộ, viên chức của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL về nhận nhiệm vụ tại Học viện Tư pháp từ ngày 05/12/2016; 04 cán bộ, viên chức của Quỹ TGPL Việt Nam đã về nhận nhiệm vụ tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thuộc Bộ Tư pháp từ ngày 01/01/2016.
Nhìn chung trong năm 2015 công tác tổ chức, cán bộ và chế độ chính sách của cán bộ công chức, viên chức và người lao động thuộc Cục tiếp tục được quan tâm. Tập thể Lãnh đạo Cục và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
4. Triển khai thực hiện chính sách TGPL trong các Chương trình giảm nghèo và công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra chất lượng vụ việc TGPL
4.1. Công tác hướng dẫn thực hiện chính sách TGPL trong các Chương trình giảm nghèo
Trong năm 2015, Cục TGPL đã tích cực hướng dẫn các địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: hướng dẫn địa phương lập dự toán kinh phí năm 2016; hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện chính sách TGPL trong các chương trình giảm nghèo năm 2015; hướng dẫn triển khai các hoạt động được hỗ trợ từ 02 nguồn kinh phí này...
Ngoài ra, Cục TGPL đã xây dựng các báo cáo theo yêu cầu của các Bộ ngành có liên quan, cụ thể: báo cáo về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trong lĩnh vực TGPL; báo cáo kết quả thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo; báo cáo tiến độ thực hiện Quyết định số 2324/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; báo cáo kết quả 05 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
Nhìn chung, việc hướng dẫn về chính sách TGPL trong các Chương trình giảm nghèo trong năm 2015 được thực hiện hiệu quả, kịp thời, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của công tác giảm nghèo về pháp luật.
4.2. Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra chất lượng vụ việc TGPL và TGPL ở địa phương
Xác định công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ TGPL là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục trong năm 2015, nhất là trong giai đoạn đầu khi mới triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL, vì vậy, tập thể Lãnh đạo Cục TGPL đã chủ động, linh hoạt, bám sát theo ý kiến chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ và Lãnh đạo Bộ Tư pháp về công tác TGPL, cụ thể:
a) Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra chất lượng vụ việc TGPL
Trong năm 2015, Cục TGPL đã tham mưu ban hành 11 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ và 37 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Cục để hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện chính sách TGPL như hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 10/11/2015 của Chính phủ; hướng dẫn địa phương trong việc giải thể Chi nhánh, Câu lạc bộ TGPL... Đặc biệt, năm 2015, Cục Trợ giúp pháp lý tập trung hướng dẫn địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác TGPL năm 2015 theo tinh thần Đề án đổi mới công tác TGPL.
Ngoài ra, Cục cũng nghiên cứu các quy định của văn bản pháp luật về TGPL, chất lượng TGPL để hướng dẫn cho địa phương khi có yêu cầu, cụ thể: hướng dẫn các Trung tâm TGPL về quy trình hỗ trợ vụ việc phức tạp, điển hình; hướng dẫn cập nhật vụ việc TGPL điển hình để xem xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Quỹ; hoàn thành thẩm định trên 500 vụ việc phức tạp điển hình của các Trung tâm TGPL; tiếp tục thực hiện việc theo dõi, kiểm tra hoạt động TGPL cho các đối tượng đặc thù là trẻ em, cựu chiến binh, nạn nhân bị bạo lực gia đình, người bị nhiễm HIV; thực hiện việc theo dõi, nắm bắt thông tin của các Trung tâm TGPL trong cả nước về tình hình kiến nghị vụ việc, kiến nghị thi hành pháp luật về TGPL…
Nhìn chung, công tác hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, quản lý chất lượng vụ việc TGPL trong năm 2015 được Cục chỉ đạo thực hiện sát sao, các kiến nghị, đề xuất của địa phương đều được hướng dẫn, giải đáp kịp thời; các Trung tâm TGPL và các Trợ giúp viên pháp lý đã tập trung vào các vụ việc tố tụng, đáp ứng nhu cầu TGPL ngay tại cơ sở.
b) Công tác trợ giúp pháp lý tại địa phương
Theo báo cáo của 63 Trung tâm tỉnh/thành trong cả nước, trong năm 2015 các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã thực hiện TGPL được 144.800 vụ việc, cụ thể: tư vấn tại trụ sở: 30.029; tư vấn tại các cuộc TGPL lưu động và sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL: 101.109 vụ; tham gia tố tụng: 10.148 vụ (so với cùng kỳ năm 2014 là: 7.611 vụ, tăng 33%), trong đó bào chữa: 7.385 vụ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: 2.763 vụ; đại diện ngoài tố tụng: 346 vụ và các hình thức khác: 3.168 vụ cho 146.187 lượt người.
Để thực hiện hướng dẫn của Bộ Tư pháp về nhiệm vụ trọng tâm công tác TGPL năm 2015 theo Công văn số 587/BTP-TGPL ngày 26/2/2015, trong năm 2015 với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, sự hướng dẫn và chỉ đạo sát sao của Cục cùng với sự quyết tâm cao của địa phương, các Trung tâm TGPL đã chú trọng vào thực hiện vụ việc, trong đó tập trung vào vụ việc tham gia tố tụng. Đến nay đã có 16 tỉnh/thành phố thực hiện trên 120 vụ việc tố tụng/năm; có 04 tỉnh/thành phố (Hà Nội, Gia Lai, Nghệ An, Bình Định) thực hiện trên 300 vụ việc/năm. Riêng Trung tâm TGPL thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 1.672 vụ/năm. Có một số tỉnh số lượng vụ việc tham gia tố tụng năm 2015 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014, cụ thể: Trà Vinh (năm 2014: 90 vụ, 2015: 172 vụ, tăng 82 vụ); Đắk Lắk (năm 2014: 91 vụ; năm 2015: 184 vụ, tăng 93 vụ; Kiên Giang (năm 2014:145 vụ, năm 2015: 309 vụ, tăng 164 vụ; Bình Định (năm 2014: 243 vụ, năm 2015: 388 vụ: tăng 134 vụ); Hồ Chí Minh (năm 2014: 1.604 vụ; 2015: 1.672 vụ: tăng 68 vụ); Ninh Bình (năm 2014: 24 vụ; 2015: 58 vụ, tăng 34 vụ); Lạng Sơn (2014: 41 vụ; 2015: 100 vụ, tăng 59 vụ); Hà Nam (năm 2014: 32 vụ; 2015: 75 vụ: tăng 43 vụ); Thanh Hóa (năm 2014: 135 vụ; 2015: 185 vụ, tăng 50 vụ); Bà Rịa – Vũng Tàu (năm 2014: 109 vụ, năm 2015: 158 vụ, tăng 49 vụ).
Nếu như ở giai đoạn trước đây, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ở một số tỉnh chưa thực hiện vụ việc tố tụng như: Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Bình Thuận, Kon Tum, Quảng Ninh thì trong năm 2015, hầu hết các tỉnh, thành phố này (trừ Kon Tum) đều đã thực hiện các vụ việc tham gia tố tụng, cụ thể: Nam Định thực hiện 15 vụ; Ninh Bình thực hiện 13 vụ; Phú Thọ thực hiện 72 vụ; Bình Thuận thực hiện 5 vụ tố tụng; Quảng Ninh thực hiện 12 vụ. Các vụ việc đều đúng đối tượng và thuộc các lĩnh vực được TGPL theo quy định, chất lượng vụ việc được TGPL ngày càng được nâng cao, tạo niềm tin cho đối tượng được TGPL.
Bên cạnh đó, hệ thống TGPL trong toàn quốc tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Trong toàn quốc hiện có 205 Chi nhánh cấp huyện và liên huyện (sau khi rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Chi nhánh theo Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL, một số Trung tâm TGPL nhà nước đã đề nghị UBND cấp tỉnh giải thể cụ thể: Tuyên Quang, Long An có 02 Chi nhánh, Tây Ninh có 01 Chi nhánh, Đà Nẵng có 01 Chi nhánh) và 5.371 Câu lạc bộ TGPL; đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 572 Trợ giúp viên pháp lý, 1.020 Luật sư, 175 Tư vấn viên pháp luật tham gia TGPL với tư cách cá nhân và khoảng 9.400 Cộng tác viên khác thực hiện TGPL.
5. Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng
Với trách nhiệm cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng liên ngành TW), trong năm 2015, Cục đã tham mưu cho Hội đồng Liên ngành TW ban hành Kế hoạch và triển khai các hoạt động theo Kế hoạch đề ra, trong đó, tổ chức thành công Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại 02 tỉnh/thành phố: Huế và Đà Nẵng (từ ngày 28-31/7/2015).
Ngoài ra, Cục đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở địa phương để tham mưu giúp Hội đồng liên ngành TW trả lời về các vấn đề liên quan đến hướng dẫn áp dụng văn bản QPPL về nội dung TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự cho đối tượng là người chưa thành niên; hướng dẫn quy định về tư cách tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý trong vụ án hình sự…
Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Hội đồng liên ngành TW, trong năm 2015 công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại các địa phương tiếp tục được duy trì ổn định và từng bước nâng cao, góp phần bảo đảm trên thực tế quyền của đối tượng được TGPL khi tham gia tố tụng.
6. Hoạt động hợp tác quốc tế về TGPL
Trong bối cảnh các nguồn tài trợ cho hoạt động TGPL ngày càng bị thu hẹp, ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của hệ thống TGPL trong toàn quốc, Cục TGPL đã tích cực tìm kiếm, mở rộng hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài để vận động tài trợ cho các hoạt động TGPL. Đến nay, một số dự án tài trợ đang được Cục thực hiện có hiệu quả, theo đúng lộ trình, cụ thể:
6.1. Về Chương trình Đối tác Tư pháp
Sau khi Kế hoạch hoạt động năm 2015 của Chương trình Đối tác tư phápđược phê duyệt, Cục đã triển khai các hoạt động được giao và đề xuất Dự án hỗ trợ hai nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp trong năm 2015 là triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL và xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
6.2. Về huy động nguồn tài trợ tổ chức Hội nghị đánh giá 08 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý
Cục TGPL đã đề xuất với Đại sứ quán Ailen, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC) hỗ trợ tổ chức Hội nghị 08 năm thi hành Luật TGPL. Việc tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí tài trợ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
6.3. Các hoạt động khác
Bên cạnh việc triển khai, thực hiện các hoạt động do đối tác tài trợ, Cục còn liên hệ, làm việc với đại diện 05 tổ chức của Liên hợp quốc (UNDP, UNODC, UNWOMEN, UNICEF, UNAIDS) để trao đổi về khả năng hỗ trợ hoạt động TGPL trong tương lai; xây dựng đề xuất, làm việc và tổ chức thực hiện các hoạt động trong dự án hợp tác Châu Á – Úc về phòng chống mua bán người; xây dựng đề xuất, làm việc với Đại sự quán Ailen, dự án GIG, hỗ trợ một số hoạt động TGPL ở Việt Nam trong năm 2016; xây dựng đề xuất và làm việc với UNWOMEN về việc hỗ trợ hoạt động xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) và đã được UNWOMEN nhất trí; tham dự cuộc họp chính thức của nhóm chuyên gia về xây dựng Luật mẫu của UNODC về TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự được tổ chức tại thành phố Vienna, Áo (01-03/6/2015); tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị trao đổi kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao của 10 nước Đông Nam Á liên quan đến việc tiếp cận công lý trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý, bồi thường cho nạn nhân và bảo vệ nhân chứng tại Băng Cốc, Thái Lan từ ngày 12/8/2015 đến ngày 14/8/2015;
Ngoài việc liên hệ, vận động tài trợ cho hoạt động TGPL, trong năm 2015, Cục đã tiến hành khảo sát, học tập kinh nghiệm của các nước có hệ thống TGPL phát triển (đã tổ chức thành công 02 đoàn khảo sát về TGPL tại Nhật Bản và Argentina để phục vụ cho việc sửa đổi Luật TGPL).
Có thể nói, hợp tác quốc tế trong năm 2015 đã đạt được những thành công trong việc thu hút các nhà tài trợ nước ngoài, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, đặc biệt đã thuyết phục được sự quay trở lại hợp tác của các UN (UNDP, UNODC, UNWOMEN, UNICEF, UNAIDS). Những kết quả trên đã hỗ trợ rất lớn cho Cục trong việc hoàn thiện thể chế về TGPL, đẩy mạnh chất lượng, nâng cao năng lực, kiện toàn hệ thống TGPL trong toàn quốc, góp phần quan trọng giúp Cục hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
7. Công tác truyền thông về TGPL
Công tác truyền thông về TGPL tiếp tục được đẩy mạnh: Trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt và tiếng Anh tiếp tục được Cục duy trì và phát triển; thực hiện việc kết nối trang thông tin điện tử của Cục TGPL với Trang thông tin điện tử của Bộ để hòa nhập vào hoạt động chung của Bộ; cập nhật, theo dõi các bài viết, bài nghiên cứu và xử lý thông tin đại chúng về vụ việc TGPL qua các kênh báo chí, các phương tiện truyền thông; tham gia viết bài để truyền thông về công tác TGPL trên báo chí; thực hiện xây dựng và phát hành tờ gấp cung cấp thông tin về TGPL cho nạn nhân của bạo lực gia đình để cấp phát miễn phí cho 30 Trung tâm TGPL trong toàn quốc; thực hiện 03 phóng sự truyền thông quảng bá về công tác TGPL nói chung và truyền thông về các vụ việc TGPL nói riêng trên Đài Truyền hình Việt Nam (thực hiện vào tháng 6 và tháng 12 năm 2015); xây dựng kịch bản Chương trình 60 phút mở.
8. Công tác nghiên cứu khoa học về TGPL; kiểm tra; khảo sát; tập huấn, hội thảo, tọa đàm
Để có cơ sở hoàn thiện, phát triển hệ thống TGPL trong tình hình mới, trong năm 2015, công tác nghiên cứu khoa học về TGPL đã được Cục tập trung đầu tư, nghiên cứu. Đặc biệt, phục vụ cho việc sửa đổi Luật TGPL, Cục đã nghiên cứu, xây dựng Đề tài khoa học cấp Bộ về cơ sở lý luận và thực tiễn việc sửa đổi Luật TGPL và Đề tài đã được bảo vệ thành công tại Viện Khoa học pháp lý vào ngày 7/01/2016.
Cũng trong năm 2015, công tác khảo sát, kiểm tra về hoạt động TGPL tiếp tục được đẩy mạnh: Cục đã tổ chức khảo sát đánh giá tình hình thực hiện TGPL cho phụ nữ, trẻ em và một số đối tượng đặc thù; tổ chức 02 Đoàn Kiểm tra thực hiện Luật TGPL, các văn bản hướng dẫn thi hành vàthực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và 59/2012/QĐ-TTg tại 04 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đồng thời, tham gia 01 Đoàn Kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong tố tụng tại tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.
Trong năm 2015, Cục TGPL đã tổ chức thành công 19 Hội nghị, hội thảo, tập huấn, trong đó: 09 Hội nghị về góp ý và triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL tại Hà Nội, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Lào Cai, Yên Bái, Hải Phòng, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh; 01 Hội nghị tổng kết 08 năm thi hành Luật TGPL; 01 Hội nghị về chất lượng vụ việc TGPL và định hướng đổi mới hoạt động quản lý chất lượng vụ việc TGPL; 01 Hội thảo góp ý về Đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi Luật TGPL”; 03 hội nghị tập huấn (01 Hội nghị tập huấn về bạo lực gia đình do UNODC tài trợ tổ chức tại thành phố Hải Phòng và 02 hội nghị tập huấn kỹ năng tham gia tố tụng cho người thực hiện TGPL thông qua các tình huống và vụ việc cụ thể cho người thực hiện TGPL tại tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Bình Định); 01 Hội nghị về quyền được TGPL trong tư pháp hình sự và rà soát, đánh giá đề xuất sửa đổi Luật TGPL sửa đổi; 01 Hội nghị về những định hướng xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); 01 Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo.
9. Hoạt động của các đơn vị sự nghiệp
9.1. Công tác Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL
Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL trong năm 2015 tiếp tục thực hiện có hiệu quả: đã tổ chức thành công 03 Hội nghị tập huấn “Kỹ năng thực hiện TGPL trong việc giải quyết các vụ án hình sự và dân sự thông qua các tình huống và vụ án cụ thể ” tại các tỉnh: Đồng Tháp, Bình Định và Quảng Bình; tổ chức khảo sát “nhu cầu tập huấn của tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL trong toàn quốc năm 2015”; “khảo sát tăng cường năng lực cho người và tổ chức thực hiện TGPL trong toàn quốc năm 2015”.
Thực hiện Quyết định số 2105/QĐ-BTP ngày 27/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho Học viện Tư pháp, Cục TGPL đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Kế hoạch – Tài chính để thực hiện bàn giao các công việc liên quan đến Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL. Đến nay, việc bàn giao Trung tâm sang Học viện Tư pháp đã hoàn thành.
9.2. Hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam
Trong năm 2015, Quỹ TGPL Việt Nam tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch công tác năm 2015 đã được phê duyệt, cụ thể:
- Đối với nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg: Trong năm 2015, Quỹ đã ký kết Hợp đồng giao khoán công việc và thực hiện thanh quyết toán kinh phí cho 30/41 đơn vị, với tổng kinh phí là 4.207.259.200 đồng/12.254.020.900 đồng; đã thực hiện thanh toán 6/6 lớp bồi dưỡng cán bộ Tư pháp – Hộ tịch cấp xã do Vụ Tổ chức cán bộ tổ chức với tổng kinh phí là 531.502.000 đồng/584.390.200 đồng; thực hiện thanh toán kinh phí năm thứ 2 của niên khóa 2013-2015 cho 02 Trường Trung cấp luật (Thái Nguyên và Tây Bắc) với tổng kinh phí là 926.238.000 đồng/1.754.677.800 đồng.
- Đối với nguồn kinh phí thường xuyên của Quỹ TGPL Việt Nam: Trong năm 2015, Quỹ đã ký Hợp đồng giao khoán công việc và thực hiện thanh quyết toán đối với 24 đơn vị, với tổng kinh phí hỗ trợ là 607.945.000 đồng.
Thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính, Cục TGPL đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Kế hoạch – Tài chính để thực hiện bàn giao các công việc liên quan đến việc tạm dừng hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam. Đến nay, các nội dung và thủ tục bàn giao đã hoàn thành.
10. Công tác văn phòng; thi đua – khen thưởng
10.1. Công tác văn phòng
Trong năm 2015, công tác văn phòng tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện tốt chức năng là đơn vị đầu mối trong tham mưu giúp Lãnh đạo Cục xây dựng Kế hoạch công tác hàng năm và dài hạn; thực hiện chức năng đôn đốc, theo dõi thực hiện tiến độ Kế hoạch công tác; thực hiện công tác cải cách hành chính, thống kê; khai thác và tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong quản lý nhà nước về TGPL; chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất trong các cuộc họp giao ban của Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Bộ được thực hiện nghiêm túc; công tác quản trị, lễ tân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn đáp ứng yêu cầu hoạt động của Cục.
10.2. Công tác Thi đua, khen thưởng
Nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức Cục thi đua hoàn thành công việc được giao, ngay từ đầu năm, Cục TGPL đã ban hành Kế hoạch về việc phát động phong trào thi đua và tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi đua khen thưởng, phát động phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong Cục. Hưởng ứng phong trào thi đua do Cục phát động đã có 100% cán bộ, công chức, người lao động đăng ký thi đua với mục tiêu hướng đến hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác năm 2015.
Trên cơ sở tiêu chí chấm điểm, xếp hạng thi đua Sở Tư pháp năm 2015 và Bảng đăng ký thi đua của cán bộ, công chức, người lao động của Cục năm 2015, Hội đồng thi đua khen thưởng của Cục đã hoàn thành việc chấm điểm thi đua đối với 63 Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về công tác TGPL; hoàn thành việc xét thi đua đối với cá nhân và tập thể Cục TGPL (100% cán bộ, công chức và Tập thể của Cục đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Tập thể tiên tiến; đã có 06 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; 01 cá nhân được được bình xét trình Hội đồng Thi đua khen thưởng ngành xem xét trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp; 02 cá nhân được đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen; 03 Tập thể được đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc; 02 Tập thể đề nghị Bộ Trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen; không có cá nhân nào bị kỷ luật từ hình thức khiển trách, cảnh cáo).
Có thể nói, công tác thi đua, khen thưởng và bình xét thi đua – khen thưởng trong năm 2015 của Cục tiếp tục đi vào chiều sâu và thực hiện, tạo khí thế cho tập thể và cá nhân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của Cục.
11. Công tác tài chính - kế toán
Công tác tài chính - kế toán trong năm 2015 tiếp tục bám sát các nhiệm vụ chính trị của Cục. Tiếp tục thực hiện khoán biên chế và tài chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ về việc quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan Nhà nước, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2005/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTC-BNV ngày 17/01/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV hướng dẫn Nghị định số 117/2013/NĐ-CP, đồng thời thực hiện kiểm soát chi qua Kho bạc theo Thông tư số 79/2003/TT-BTC về việc hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước; hoàn thiện Báo cáo về các thủ tục liên quan đến việc tạm dừng tổ chức và hoạt động của Quỹ TGPL Việt Nam; thực hiện các công việc liên quan đến điều chỉnh kinh phí của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam và trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; hoàn thành việc bảo vệ dự toán năm 2016; khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh quyết toán các nhiệm vụ năm 2015 theo quy định.
12. Công tác chỉ đạo, điều hành.
Công tác chỉ đạo, điều hành của Cục trong năm 2015 được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, kịp thời giải quyết những bất cập nảy sinh. Việc phân công nhiệm vụ giữa các đồng chí Lãnh đạo Cục cũng như giữa các đơn vị thuộc Cục được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm sự điều hành thống nhất, thông suốt, tuân thủ chặt chẽ theo Quyết định số 01/QĐ-CTGPL ngày 01/01/2015 của Cục trưởng Cục TGPL về phân công nhiệm vụ của Lãnh đạo Cục TGPL (được thay thế thế bằng Quyết định số 23/QĐ-CTGPL ngày 08/7/2015); sự phối hợp giữa Cục với các đơn vị thuộc Bộ cũng như các cơ quan, ban, ngành có liên quan, đặc biệt là các cơ quan pháp chế Bộ, ngành, cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương và địa phương tiếp tục được tăng cường. Có được những kết quả trên là do: tập thể Lãnh đạo Cục luôn thực hiện tốt công tác phối hợp với Chi ủy và người đứng đầu các tổ chức đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn; thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở; công khai, minh bạch mọi hoạt động của đơn vị; củng cố đoàn kết nội bộ và quan tâm đến đời sống của cán bộ, công chức và người lao động thuộc Cục; nghiêm túc thực hiện chế độ giao ban Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Cục mở rộng cũng như họp toàn thể đơn, kịp thời nắm bắt, triển khai thực hiện những nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ giao cho Cục.
13. Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội
Trong năm 2015, Công đoàn đã phối hợp với Chi đoàn cơ sở Cục TGPL tổ chức chuyến tham quan về di tích K9 Sơn Tây, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và giao lưu với Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hà Nội. Hưởng ứng Giải bóng đá Văn phòng Bộ mở rộng lần thứ II, hội thao khối cơ quan Bộ Tư pháp chào mừng kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890-19/5/2015) và kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp Việt Nam, Lãnh đạo Cục đã quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Cục tham gia. Đặc biệt, hội thi Văn nghệ khối cơ quan Tư pháp chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tư pháp Việt Nam, Cục đã tham gia 2 tiết mục và cả 2 đều đạt giải. Hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp 2013, nhiều cán bộ, công chức thuộc Cục đã hăng hái, tích cực tham gia.
Có thể nói, bên cạnh công tác chuyên môn, nghiệp vụ, những hoạt động mang tính phong trào cũng có tác động rất tích cực đến tinh thần và thái độ làm việc của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Cục, không chỉ tập hợp, thu hút cán bộ vào các hoạt động lành mạnh, bổ ích mà còn tạo ra không khí tươi vui, sôi nổi, thoải mái, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, tạo điều kiện để các cán bộ được tham gia các hoạt động mang tính tập thể, củng cố tinh thần đoàn kết nội bộ và qua đó bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho từng cán bộ, công chức...
II. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
1. Tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TGPL năm 2015 còn một số tồn tại, hạn chế:
1.1. Về xây dựng thể chế:
- Mặc dù do yếu tố khách quan, song tiến độ xây dựng một số văn bản chưa đáp ứng yêu cầu đề ra: Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động, tổ chức TGPL nhà nước và Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp quy định về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành Trợ giúp viên pháp lý phải xin lùi thời hạn trình sang năm 2016;
- Quá trình xây dựng Đề án đổi mới công tác TGPL và triển khai nội dung của Đề án đã gặp rất nhiều khó khăn do nội dung của Đề án liên quan đến vấn đề tổ chức, con người của cả hệ thống TGPL.
1.2. Về công tác quản lý, điều hành:
- Công tác TGPL đang thực hiện chuyển hướng chiến lược nên nhận thức của một số cán bộ làm công tác quản lý và thực hiện TGPL ở Trung ương và địa phương về công tác TGPL trong giai đoạn mới còn chưa đầy đủ, thông suốt; hệ thống tổ chức TGPL nhà nước chưa phù hợp và hoạt động chưa hiệu quả so với yêu cầu thực tiễn do chưa tính đến đặc thù vùng miền.
- Nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức của Cục còn chậm đổi mới.
1.3. Về tổ chức, cán bộ:
- Một số vị trí Lãnh đạo cấp phòng chậm được kiện toàn.
- Việc tạm dừng Quỹ TGPL Việt Nam theo Đề án đổi mới công tác TGPL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chuyển giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL của Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ sang Học viện Tư pháp đã gây khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Cục. Để giải quyết các công việc này, Cục đã phải đầu tư thời gian nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị có liên quan (Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch Tài chính, Học viện Tư pháp) để thống nhất về kinh phí, biên chế, tổ chức cán bộ, nhất là vấn đề giải quyết chế độ chính sách nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi cho các cán bộ hợp đồng làm việc tại 02 đơn vị sự nghiệp này.
2. Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
2.1. Nguyên nhân chủ quan
- Chỉ đạo của Lãnh đạo Cục trong một số trường hợp chưa thực sự quyết liệt; năng lực của một số cán bộ, công chức trong một số văn bản, đề án còn hạn chế; khả năng làm việc độc lập của một số đồng chí còn chưa đáp ứng yêu cầu.
- Nhận thức của một số cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống TGPL chưa đầy đủ, thông suốt.
- Nhận thức về trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong tham mưu, giúp Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực được giao còn chưa đầy đủ, đặc biệt là nhận thức về chủ thuyết đổi mới trong công tác TGPL;
- Lề lối, tác phong làm việc đôi lúc còn bị buông lỏng, chưa tuân thủ triệt để kỷ cương, kỷ luật hành chính và quy chế làm việc của cơ quan; tính chủ động trong tham mưu, triển khai hiện nhiệm vụ còn chưa cao;
- Công tác phối hợp của một số đơn vị trong Cục vẫn còn chồng chéo, bị động. Sự kết nối thông tin, hoạt động giữa Cục với các địa phương, các Trung tâm TGPL tỉnh/thành phố còn chưa kịp thời.
2.2. Nguyên nhân khách quan:
- Hệ thống TGPL đã tồn tại 17 năm qua nên tư duy, nhận thức của các cán bộ, công chức, người lao động trong hệ thống TGPL không thể thay đổi một sớm, một chiều để phù hợp với định hướng đổi mới.
- Nhiều Dự thảo văn bản phải lấy kiến góp ý của các đơn vị trong và ngoài Bộ, các ban, ngành địa phương có liên quan song chưa nhận được sự phối hợp kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị cần lấy ý kiến nên đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện các Dự thảo và thời gian trình văn bản, đề án theo Kế hoạch đề ra.
- Nhiều Dự thảo văn bản do các Bộ, ngành khác chủ trì xây dựng, Bộ Tư pháp (Cục TGPL) chỉ là cơ quan phối hợp nên không chủ động được thời gian.
III. Bài học kinh nghiệm
1. Tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo từ Ban Cán sự Đảng Bộ và Lãnh đạo Bộ đối với công tác TGPL.
2. Bám sát và xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, của Bộ để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
3. Sâu sát, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; dám nghĩ, dám làm, đương đầu với thử thách trong đổi mới, đặc biệt là trong đổi mới hệ thống TGPL; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; giải quyết linh hoạt các nhiệm vụ phát sinh; tập trung kiện toàn tổ chức, cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
4. Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ TGPL, bảo đảm hệ thống TGPL hoạt động hiệu quả, chất lượng.
5. Phát huy hiệu quả cơ chế làm việc theo nhóm kết hợp với trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ.
6. Đẩy mạnh công tác đối ngoại về TGPL, vận động, thu hút các nguồn nguồn tài trợ cho hoạt động TGPL, nhằm xây dựng hệ thống TGPL tiếp cận với các nước phát triển trên thế giới.
Phần thứ II
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC NĂM 2016
Phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn của năm 2015, bước sang năm 2016, năm bản lề triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp và Chương trình hành động của Ngành triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/016 của Chính phủ, Cục TGPL đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đóng góp vào thành công chung của Ngành.
I. Phương hướng, nhiệm vụ năm 2016
1. Những văn bản, đề án triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL
- Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi);
- Nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi);
- Hoàn thiện trình ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 209/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước;
- Hoàn thiện trình ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam kết nối trong hoạt động trợ giúp pháp lý của Nhà nước và việc thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý của Luật sư;
- Xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 18/2013/TT-BTP ngày 20/11/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn cách tính thời gian thực hiện về thủ tục thanh toán chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn 2016 – 2020
;
- Ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý;
- Nghiên cứu, xây dựng các yêu cầu quản lý để ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Nghiên cứu, xây dựng Tiêu chí đối với cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động đánh giá chất lượng; cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động đánh giá chất lượng;
- Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí đối với cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý; cơ chế tuyển chọn tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Nghiên cứu cơ chế tạm thời lựa chọn cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý
;
- Nghiên cứu, xây dựng Quy trình hỗ trợ vụ việc trợ giúp pháp lý; quy trình thẩm định vụ việc; cơ chế giám sát chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
2. Công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản, Đề án khác
- Trình ban hành Thông tư liên tịch quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trợ giúp pháp lý;
- Nghiên cứu, xây dựng Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 04/7/2013 về hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;
- Xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp kế hoạch hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật năm 2016;
- Xây dựng Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp kế hoạch hoạt động liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng 2016;
- Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn việc thực hiện điều ước quốc tế với đối tượng được trợ giúp pháp lý.
3. Tham gia rà soát, góp ý, hoàn thiện, hệ thống hóa văn bản QPPL về TGPL và các văn bản có liên quan
Phối hợp tham gia xây dựng, góp ý các văn bản về chính sách giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, chính sách dân tộc và dân vận của Đảng, Nhà nước theo phân công; thực hiện rà soát, hợp nhất, pháp điển, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật có liên quan, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, các vấn đề mới phát sinh và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế và ban hành mới.
4. Công tác quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra thực hiện PL về TGPL và các Chương trình giảm nghèo
- Kiểm tra việc thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành; kiểm tra, hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025; kiểm tra việc thực hiện kinh phí theo quy định của Đề án đổi mới công tác TGPL; kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của các tổ chức thực hiện TGPL;
- Theo dõi, hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn 2016 – 2020;
- Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; hướng dẫn triển khai thực hiện các Bộ luật tố tụng có liên quan đến các hoạt động trợ giúp pháp lý; hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đánh giá chất lượng vụ việc; theo dõi, kiểm tra công tác đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; giám sát chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong toàn quốc; tình hình kiến nghị vụ việc, kiến nghị thi hành pháp luật về trợ giúp pháp lý
;
- Theo dõi công tác trợ giúp pháp lý cho các đối tượng đặc thù (phụ nữ, trẻ em, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, cựu chiến binh, người bị nhiễm HIV...);
- Tổ chức thực hiện thẩm định vụ việc trợ giúp pháp lý; đề xuất và thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho vụ việc tham gia tố tụng
;
- Tham gia thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm của Bộ và các Chương trình có liên quan của Chính phủ cũng như các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.
5. Công tác phối hợp TGPL trong tố tụng
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch hoạt động liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2016
(sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương ký Quyết định ban hành kế hoạch);
- Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng
.
6. Công tác khảo sát, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, nghiên cứu khoa học
- Công tác khảo sát:
Thực hiện khảo sát phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế về TGPL: khảo sát sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý
; khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người nhiễm HIV
;
- Công tác hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm:
Tổ chức Hội nghị góp ý về Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Hội nghị tập huấn thực hiện quy định về trợ giúp pháp lý trong các Bộ luật tố tụng, Luật tạm giữ, tạm giam; Hội thảo góp ý báo cáo khảo sát sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý; Tập huấn kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình; Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khác liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý
.
- Công tác nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề
Xây dựng số chuyên đề 200 trang phục vụ xây dựng Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) trên Tạp chí dân chủ và pháp luật.
7. Công tác truyền thông về TGPL
- Tăng cường công tác truyền thông về hoạt động TGPL bảo đảm người được TGPL được thụ hưởng đầy đủ dịch vụ TGPL của người dân như: Thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý; tiếp tục nâng cấp, phát triển và vận hành Trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý ở Việt Nam (phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh); xây dựng chuyên mục về trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng tờ gấp pháp luật để cấp phát cho các địa phương trong toàn quốc; xây dựng các phóng sự về trợ giúp pháp lý; cập nhật, theo dõi các bài viết, nghiên cứu và xử lý thông tin đại chúng về vụ việc trợ giúp pháp lý qua các kênh báo chí, các phương tiện truyền thông;
- Tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TGPL và nâng cấp Phần mềm quản lý công việc nội bộ của Cục.
8. Công tác hợp tác quốc tế
- Xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ; các hoạt động mà UNs dự kiến hỗ trợ; các đề xuất UNODC hỗ trợ các hoạt động tăng cường trợ giúp pháp lý cho phụ nữ; triển khai các hoạt động do Dự án Tư pháp thân thiện với người chưa thành niên, Dự án GIG tài trợ; thực hiện các thủ tục phê duyệt Dự án hỗ trợ xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) do cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ hỗ trợ;
- Tổ chức các Đoàn khảo sát học tập kinh nghiệm trợ giúp pháp lý tại một số nước trên thế giới theo phê duyệt của Lãnh đạo Bộ;
- Mở rộng hợp tác quốc tế với các tổ chức nước ngoài (Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Ailen, ...) thiết lập quan hệ đối tác; nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài phục vụ xây dựng thể chế và quản lý nhà nước về TGPL; thực hiện các hoạt động khác do các tổ chức quốc tế tài trợ cho công tác TGPL.
9. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng
Sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động khối Văn phòng Cục và viên chức, người lao động của đơn vị sự nghiệp thuộc Cục theo Đề án vị trí việc làm đã được Bộ trưởng phê duyệt; triển khai thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu của Bộ.
10. Công tác thi đua, khen thưởng
- Phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; theo dõi, đánh giá, khen thưởng hoặc xét đề nghị khen thưởng các cá nhân, đơn vị thuộc Cục;
- Xây dựng tiêu chí và tổ chức chấm điểm thi đua đối với các Sở Tư pháp về công tác trợ giúp pháp lý; xây dựng Quy chế bình xét thi đua khen thưởng của Cục.
11. Công tác khác
11.1. Công tác tài chính - kế toán và quản lý công sản
Lập dự toán chi tiết tài chính phục vụ nhiệm vụ năm 2016 sau khi được Bộ trưởng giao; thực hiện việc thu, chi, thanh quyết toán kinh phí cấp cho Cục Trợ giúp pháp lý năm 2016 theo đúng quy định; kiểm tra việc thực hiện ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí từ Dự án; phối hợp với các đơn vị thuộc Cục rà soát, kiểm kê tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc, thanh lý đối với các tài sản hết hạn sử dụng; mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo dự toán được giao và quy định của pháp luật.
11.2. Công tác Văn phòng
- Thực hiện công tác hành chính - tổng hợp; văn thư - lưu trữ; báo cáo, thống kê; cải cách thủ tục hành chính; các quy trình ISO; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; giải quyết kiến nghị, phản ánh của người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Tiếp tục áp dụng quản lý, theo dõi, đôn đốc công việc của các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục.
II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của Cục trưởng, các Phó Cục trưởng và Trưởng các đơn vị thuộc Cục, gắn việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể với trách nhiệm của từng cá nhân; bảo đảm tính công khai, dân chủ trong mọi hoạt động của đơn vị.
2. Phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công việc của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với nhiệm vụ được giao.
3. Nghiên cứu đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy phù hợp chức năng, nhiệm vụ trong thời gian tới, phù hợp với cải cách hành chính của Đảng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác TGPL với chủ trương nghiên cứu quy mô hệ thống TGPL nhà nước phù hợp với các vùng, miền và điều kiện thực tế ở các địa phương, đồng thời thu hút lực lượng trong xã hội tham gia cung cấp dịch vụ TGPL. Nhà nước đóng vai trò quản lý, điều phối nguồn nhân lực và tài chính bảo đảm hoạt động TGPL có hiệu quả.
4. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đổi mới lề lối, tác phong làm việc; gắn hiệu quả công tác với việc triển khai các phong trào thi đua, kịp thời khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực nhiệm nhiệm vụ.
5. Tăng cường đôn đốc việc triển khai các công việc trong nội bộ Cục và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc cũng như giữa Cục với các địa phương; thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.
6. Tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể - chính trị của Cục (Chi uỷ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công) trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Trên đây là Báo cáo tổng kết công tác TGPL năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ, giải thực hiện công tác năm 2016, Cục TGPL trân trọng sự đóng góp ý kiến của các đồng chí.