Bình Phước: Vai trò của trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự về xâm hại tình dục trẻ em

21/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 20/01/2025, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phối hợp với Ban chủ nhiệm đề tài và Trường Chính trị tỉnh Bình Phước đồng chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng công tác thi hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Tham dự Hội thảo có đại diện của các cơ quan Hội đồng nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cơ quan cảnh sát điều tra, Sở Khoa học và Công nghệ,.. đến với Hội thảo đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Phước đã có những ý kiến đóng góp về vai trò của Trợ giúp pháp lý đối với loại tội phạm xâm hại tình dục này.

                                                                                             Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh tại Hội thảo
                                                                                               Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tại Hội Thảo
                                                                                        Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại Hội thảo
                                                                            Đại diện Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Phước tại Hội thảo
Tội xâm hại tình dục trẻ em là một trong những loại tội phạm nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ em mà còn để lại hậu quả nặng nề về thể chất, tinh thần và tương lai của các em. Trong quá trình tham gia tố tụng hình sự đối với loại tội phạm này, trợ giúp pháp lý (TGPL) giữ vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện tính nhân văn, công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Thứ nhất, TGPL bảo vệ quyền lợi hợp pháp của trẻ em – nhóm yếu thế cần được ưu tiên cao nhất. Trẻ em là đối tượng chưa hoàn thiện về nhận thức, dễ bị tổn thương và không đủ khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật. Trong các vụ án xâm hại tình dục, TGPL trở thành công cụ hữu hiệu giúp trẻ em và gia đình tiếp cận công lý, thông qua việc cung cấp các luật sư, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp miễn phí. TGPL giúp trẻ em hiểu rõ quyền lợi của mình, đấu tranh để buộc các đối tượng xâm hại phải chịu trách nhiệm hình sự, đồng thời đảm bảo rằng mọi quyết định trong quá trình tố tụng đều tuân thủ quy định pháp luật, không gây thêm tổn thương cho nạn nhân.
Thứ hai, TGPL góp phần làm giảm áp lực tâm lý đối với trẻ em trong quá trình tố tụng. Các vụ án xâm hại tình dục thường kéo dài, phức tạp và có thể gây ra sự hoảng loạn, ám ảnh lâu dài cho nạn nhân. Sự hiện diện của luật sư, TGVPL không chỉ giúp trẻ em khai báo một cách rõ ràng, mạch lạc mà còn hỗ trợ các em vượt qua nỗi sợ hãi khi đối diện với bị cáo hoặc các bên liên quan tại tòa án. Điều này không chỉ bảo vệ trẻ em về mặt pháp lý mà còn giúp giảm thiểu tối đa các tổn thương tâm lý trong quá trình giải quyết vụ án.
Thứ ba, TGPL là biểu hiện sinh động của công bằng và nhân văn trong pháp luật. Trợ giúp pháp lý là cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Những gia đình không đủ điều kiện kinh tế để thuê luật sư sẽ được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí, đảm bảo rằng không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình tìm kiếm công lý. Đây chính là biểu hiện cụ thể của nguyên tắc "không ai bị bỏ lại phía sau" mà pháp luật và nhà nước ta luôn đề cao.
Thứ tư, TGPL nâng cao nhận thức xã hội và tăng cường hiệu quả tố tụng. Các hoạt động TGPL không chỉ giới hạn ở việc bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân, mà còn đóng vai trò tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức cộng đồng về phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, sự tham gia của các luật sư, TGVPL trong các vụ án còn góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch và đúng pháp luật của quá trình tố tụng, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống tư pháp.
Trong năm 2024, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Phước thụ lý 72 vụ việc có đối tượng người được TGPL là trẻ em.Trong bối cảnh xã hội ngày càng quan tâm đến quyền lợi và sự phát triển toàn diện của trẻ em, vai trò của TGPL trong tố tụng hình sự về tội xâm hại tình dục trẻ em càng trở nên cấp thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là nghĩa vụ đạo đức của toàn xã hội nhằm bảo vệ trẻ em - tương lai của đất nước. Vì vậy, việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và phạm vi của hoạt động TGPL cần được coi là một nhiệm vụ lâu dài và liên tục của hệ thống pháp luật Việt Nam.


                                                                                                                       Tác giả: Nguyễn Thị Thảo Như
                                                                                                  Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bình Phước

Xem thêm »