Công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu năm 2024

27/11/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trong năm 2024, công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của chính sách trợ giúp pháp lý, từ đó thực hiện tốt công tác phối hợp thông qua việc giúp người dân hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, hướng dẫn người dân liên hệ đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để được tư vấn pháp luật hoặc yêu cầu được cử người thực hiện trợ giúp pháp lý (Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý) tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Vụ việc có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng chất lượng đã góp phần giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành việc điều tra, truy tố, xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng và ban hành Kế hoạch phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý năm 2024, trong năm thực hiện Chương trình phối hợp số số 5789/CTPH-BTP-BCA ngày 27/11/2023 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự, Cơ quan thường trực của Hội đồng (Sở Tư pháp) đã phối hợp với Công an tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp số 14/KHPH-STP-CAT ngày 23/02/2024 về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Theo đó, các ngành thành viên đã ban hành kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý của từng ngành; Cơ quan thường trực của Hội đồng đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định kiện toàn thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tham mưu Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành ban hành Quyết định kiện toàn Tổ giúp việc cho Hội đồng phối hợp liên ngành. Tiến hành tổ chức kiểm tra công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý theo Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC Quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (Thông tư liên tịch số 10) tại Công an huyện Hồng Dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Hải, Toà án nhân dân thị xã Giá Rai và Toà án nhân dân huyện Hoà Bình.
Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cung cấp cho các Cơ quan tiến hành tố tụng để thay thế, lắp đặt 02 Hộp tin về trợ giúp pháp lý; 1.600 mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; 1.600 mẫu Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí; 1.600 Bản thông tin về người được trợ giúp pháp lý; 1.600 Thông báo, Thông tin về trợ giúp pháp lý; 57 Sổ theo dõi về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; 300 Danh sách số điện thoại của người thực hiện trợ giúp pháp lý; 160 Tờ thông tin về trợ giúp pháp lý niêm yết trong buồng tạm giữ, buồng tạm giam; 07 USB có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý đến cơ sở giam giữ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu để tuyên truyền về trợ giúp pháp lý đến tận người đang bị tạm giữ, tạm giam. Ngoài ra, để đổi mới công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý giúp cho người được trợ giúp pháp lý ngày càng hiểu biết về chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí, quyền được trợ giúp pháp lý, trách nhiệm của Cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng để yêu cầu trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước đã chủ động chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện 01 kỳ phóng sự tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý với nội dung “Tăng cường tuyên truyền về trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; 02 phóng sự về tăng cường truyền thông về trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 01 Chuyên mục phát trên trang Pháp luật và Đời sống của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; 03 bài trên Báo Bạc Liêu; 14 bài viết trên Trang Thông tin điện tử trợ giúp pháp lý Việt Nam; 04 bài viết trên Trang Thông tin phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu; 15 bài viết trên Bản tin Tư pháp; Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã lập trang Fanpage “Trung tâm trợ giúp pháp lý - Bạc Liêu” trên mạng xã hội Facebook và thực hiện đăng tải 72 tin bài về hoạt động trợ giúp pháp lý; lắp đặt 49 Bảng thông tin, 51 Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở 49 ấp và 02 cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh,.... Tổ chức 76 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở để tuyên truyền cho 2.837 lượt người dân về quyền được trợ giúp pháp lý, một số quy định của pháp luật về công tác khai thác hải sản bất hợp pháp và không theo quy định (gọi tắc là IUU), cấp phát 23.420 tờ gấp pháp luật; Phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bạc Liêu tổ chức 07 lớp theo Kế hoạch số 05/KH-VPĐPCTMTQGGNBV ngày 23/8/2024 của Văn phòng điều phối về việc phối hợp tổ chức 14 lớp truyền thông, định hướng cho người dân tham gia thụ hưởng Chương trình, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới (còn lại 07 lớp tiếp tục phối hợp thực hiện trong thời gian tới); Phối hợp với Hội bảo trợ người khuyết tật, Quyền trẻ em và bệnh nhân nghèo tỉnh tổ chức 01 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, người khuyết tật có khó khăn về tài chính tại xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi cho 60 hội viên tham dự, đồng thời trao tặng 60 phần quà cho các hội viên tham dự với tổng số tiền 12.000.000 đồng (mười hai triệu đồng); Phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh tổ chức 01 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi, người cao tuổi có khó khăn về tài chính tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu cho 40 lượt người tham dự.
 
Buổi kiểm tra công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
 tại Tòa án nhân dân thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu

Qua công tác tăng cường thực hiện truyền thông về trợ giúp pháp lý và đổi mới truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú bảo đảm tính phù hợp và hiệu quả, đặc biệt tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, từ đó nhận thức về quyền được trợ giúp pháp lý và pháp luật về trợ giúp pháp lý của cán bộ và người dân nhất là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý được nâng lên rõ rệt, ngày càng có nhiều người dân biết và tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để yêu cầu được trợ giúp pháp lý: Số lượng thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý do các Cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước là 479 văn bản, so với năm 2023 tăng 168 văn bản, chiếm tỷ lệ tăng 54% (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã ban hành 163 văn bản thông tin lại cho cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyến tiến hành tố tụng đối với trường hợp sau khi kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý họ không thuộc diện được trợ giúp pháp lý). Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/10/2024 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia phiên tòa trực tuyến là 12 vụ việc, phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố Bạc Liêu trực trực tiếp tiếp nhận 09 lượt người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý, trực tiếp nhận qua điện 75 lượt người (19 lượt người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý), phối hợp với Công an thực hiện việc trực tiếp nhận qua điện thoại: 33 lượt người (12 lượt người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý). Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/10/2024 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thực hiện trợ giúp pháp lý 463 vụ việc cho 463 lượt người, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 79 vụ việc (giảm 15%).
Công an tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đến đến Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong Công an nhân dân, Trại Tạm giam và Nhà Tạm giữ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các Điều tra viên, cán bộ làm công tác điều tra và cán bộ quản lý giam giữ. Nghiêm túc duy trì việc niêm yết Bảng thông tin, Tờ thông tin, Hộp tin về giúp pháp lý, danh sách, số điện thoại của người trực trợ giúp pháp lý, số điện thoại của người hỗ trợ trực trợ giúp pháp lý, số điện thoại của Trung tâm trợ giúp pháp lý tại trụ sở đơn vị; bố trí địa điểm, điều kiện phù hợp để người trực kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý, gặp gỡ, làm việc với người được trợ giúp pháp lý  để tạo điều  thuận lợi cho người bị buộc tội, bị hại, người bị  tố giác, đương sự và người dân được tiếp cận, tìm hiểu các quy định về quyền, nghĩa vụ của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý.
Tòa án nhân dân tỉnh đã quan tâm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý đến Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên, Hội thẩm nhân dân, Hòa giải viên Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Bạc Liêu để đảm bảo cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc mà Tòa án nhân dân thụ lý, giải quyết được giải thích đầy đủ, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã quan tâm chú trọng việc thực hiện các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, trong năm Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 1276/VKS-Ttra-KT ngày 03/10/2024 về việc thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tiếp tục thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT, đồng thời, chỉ đạo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ tổ chức thực hiện đạt kết quả cao nhất, đặc biệt, đối với đơn vị tiếp công dân (Thanh tra - Khiếu tố) tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; Bộ phận tiếp công dân Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện phải có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích quyền được trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, yêu cầu, phản ánh trực tiếp tại Viện kiểm sát nhân dân hai cấp; Các đơn vị (phòng 1, phòng 7, phòng 8, phòng 9), bộ phận thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp.
Từ ngày 01/01/2024 đến 31/10/2024, Các cơ quan tiến hành tố tụng 02 cấp (Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân) luôn tạo điều kiện đảm bảo cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự đúng theo quy định của pháp luật, thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án hình sự 250 vụ án, dân sự 164 và vụ án hành chính là 49 vụ.
Có thể khẳng định rằng trong thời gian qua công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng được quan tâm và đi vào thực chất, số lượng vụ việc cũng như chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được chú trọng và nâng cao, hoạt động trợ giúp pháp lý đã có những chuyển biến tích cực, tạo niềm tin với nhân dân với Đảng và Nhà nước. trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người cao tuổi có khó khăn về tài chính, ... mà còn góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và người dân thuộc diện được trợ giúp pháp lý nói riêng hiểu rõ về các quy định của pháp luật, để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của người dân./.
 
          Hồng Như - Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bạc Liêu

Xem thêm »