Sở Tư pháp và Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự

29/02/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 23/02/2024, Sở Tư pháp và Công an tỉnh Bạc Liêu đã thống nhất ban hành Kế hoạch phối hợp số 14/KHPH-STP-CAT về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Kế hoạch nhấn mạnh một số nội dung cơ bản sau:

1. Về phạm vi thực hiện:
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Trung tâm);cơ quan điều tra Công an nhân dân (sau đây viết tắt là cơ quan điều tra); các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (sau đây viết tắt là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra); trại tạm giam Công an tỉnh, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện (sau đây gọi là cơ sở giam giữ); công an cấp xã.
2.  Về hình thức trực: Trực qua điện thoại.
3. Về nhân lực trực trợ giúp pháp lý:
Người trực: Trợ giúp viên pháp lý; người hỗ trợ trực: Chuyên viên của Trung tâm để tiếp nhận, hướng dẫn về thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Trung tâm phân công người trực 24/24 giờ và cung cấp danh sách số điện thoại người trực, người hỗ trợ trực cho cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã.
4. Về cơ chế tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý
Khi phát hiện người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người có công với cách mạng, trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm HIV, người nhiễm chất độc da cam, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người nhưng chưa xác định họ có thuộc diện được trợ giúp pháp lý hay không hoặc do họ tự nhận là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã gọi điện thông báo ngay cho người trực hoặc người hỗ trợ trực (trường hợp không liên lạc được thì liên lạc số điện thoại của Lãnh đạo Trung tâm); cung cấp họ tên, số điện thoại, địa chỉ của người đó hoặc người thân thích của họ (nếu có) cho người trực hoặc người hỗ trợ trực.
Sau khi tiếp nhận thông tin, người trực hoặc người hỗ trợ trực có trách nhiệm liên hệ ngay với người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để xác minh thông tin, hướng dẫn họ thực hiện các thủ tục để được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý: Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can không bị tạm giam, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực hoặc người hỗ trợ trực hướng dẫn người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ để thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý; Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam và không thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ khi kết thúc điều tra theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người trực phối hợp với Điều tra viên, cán bộ điều tra đang thụ lý, giải quyết vụ việc, người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ để kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý.
Người trực khi đến trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã thì phải xuất trình Thẻ Trợ giúp viên pháp lý; Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã căn cứ theo điều kiện trụ sở thực tế và đặc thù tính chất công việc để bố trí địa điểm phù hợp cho người trực kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý; việc gặp để kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, thi hành tạm giữ, tạm giam và pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan
Sở Tư pháp có trách nhiệm: Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện phân công người trực, niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực, số điện thoại của người hỗ trợ trực, số điện thoại trực của Trung tâm tại cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an cấp huyện, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã; lập dự toán cho việc thực hiện Kế hoạch phối hợp; thực hiện chi trả bồi dưỡng, thù lao chi phí phát sinh trong quá trình trực trợ giúp pháp lý cho người trực, người hỗ trợ trực; thống kê vào Sổ trực trợ giúp pháp lý; đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp ở địa phương và đề xuất giải pháp gửi Bộ Tư pháp.
Công an tỉnh Bạc Liêu: Chỉ đạo cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an cấp huyện, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã phối hợp thực hiện niêm yết danh sách, số điện thoại của người trực, số điện thoại của người hỗ trợ trực, số điện thoại trực của Trung tâm tại trụ sở; thống kê việc gọi điện thoại cho người trực, người hỗ trợ trực; bố trí địa điểm, điều kiện phù hợp để người trực kiểm tra diện người được trợ giúp pháp lý, gặp gỡ, làm việc với người được trợ giúp pháp lý; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch phối hợp này tại cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ sở giam giữ, Công an cấp xã.
Về địa điểm thực hiện: trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
Đặt lợi ích của người thuộc diện được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, Kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh Bạc Liêu về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự được ký kết và triển khai thực hiện sẽ giúp bảo đảm người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã (sau đây gọi tắt là người bị bắt); người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự là người thuộc diện được trợ giúp pháp lý tiếp cận sớm với trợ giúp pháp lý, được giải thích đầy đủ, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, chất lượng, phù hợp với người dưới 18 tuổi và các đối tượng đặc thù khác; tăng số lượng người sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, nâng cao vị thế, vai trò của trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự; bảo đảm triển khai có hiệu quả các quy định về tố tụng hình sự, nhất là quyền của người được trợ giúp pháp lý trong các vụ việc, vụ án hình sự; tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước với Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, Công an cấp xã về thực hiện trợ giúp pháp lý cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là trong việc giải thích, thông tin, thông báo về trợ giúp pháp lý./.

 
          Trịnh Hồng Như, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bạc Liêu

Xem thêm »