Tôn vinh 03 gương sáng pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý

21/02/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Trợ giúp pháp lý là một nhiệm vụ được Ngành Tư pháp triển khai từ năm 1997, đây là chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tổng thể các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bình đẳng trước pháp luật.

Trong những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý đã có những thành tích đáng khích lệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng được trợ giúp. Những thành quả đạt được của hoạt động trợ giúp pháp lý là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý. Họ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực thực hiện nhiệm vụ, góp phần mang lại công lý cho những người yếu thế trong xã hội.
Trong những năm qua, đã có nhiều cá nhân của ngành tư pháp tiêu biểu trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý. Dưới đây là 3 cá nhân nổi bật của ngành tư pháp trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý năm 2023:
1. Ông Châu Phi Đô - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bạc Liêu
Sinh năm 1967, ông Châu Phi Đô hiện là Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bạc Liêu. Vừa làm lãnh đạo, vừa trực tiếp tham gia các mặt công tác trợ giúp pháp lý, ông Châu Phi Đô không chỉ xây dựng tập thể Trung tâm Trợ giúp pháp lý vững mạnh, giàu thành tích mà còn trực tiếp góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
Dưới sự lãnh đạo của ông Đô, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện tốt nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Trong năm 2022, Trung tâm đã thực hiện 10.000 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp.
Năm 2020, ông Châu Phi Đô được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen. Năm 2020 và 2021, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen.
2. Ông Ngô Đức Bính - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau

 

Sinh năm 1979, ông Ngô Đức Bính hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau. Với niềm đam mê nghề luật và sự nhiệt huyết, tận tâm, ông luôn dành nhiều thời gian để tư vấn, tham gia tố tụng để bảo vệ cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Từ khi công tác tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau, ông Bính đã tham gia nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó có nhiều vụ việc khó, phức tạp. Ông đã trực tiếp tham gia bào chữa cho các bị cáo trong nhiều vụ án hình sự, tham gia tư vấn, giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình,...
Với những nỗ lực của mình, ông Ngô Đức Bính đã được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh Cà Mau, Liên đoàn Lao động tỉnh Cà Mau.
3. Bà Cầm Kim Loan - Trợ giúp viên pháp lý, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La

 

Sinh năm 1967, bà Cầm Kim Loan là người dân tộc Thái, hiện là Trợ giúp viên pháp lý, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Sơn La.
Tại Trung tâm, được phân công trực tiếp dân, bà Loan luôn cố gắng dùng những kiến thức, kinh nghiệm để giúp người được trợ giúp pháp lý. Bà cùng các chuyên viên, cộng tác viên, cán bộ Phòng Tư pháp các huyện tổ chức thực hiện hàng trăm cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại 120 xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn và 204 bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La.
Năm 2017, bà Loan được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2011-2016. Năm 2019, bà là 1 trong 20 Trợ giúp viên pháp lý thực hiện được nhiều vụ việc nhất cả nước.

03 Trợ giúp viên pháp lý nêu trên đã thực hiện nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý cho người được TGPL nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Dưới đây là một trong nhiều vụ việc tham gia tố tụng thành công do Trợ giúp viên pháp lý Ngô Đức Bính thực hiện:
Ông B là người có công với cách mạng, trước đây ông  cho người con gái và con rể sử dụng mảnh đất có diện tích 19.730 m2 canh tác để con gái và con rể có thể đăng ký hộ khẩu tại xã K, huyện U. Do đi lại khó khăn nên khi lập uỷ quyền ông, bà ký khống giao cho con gái và con rể đi làm thủ tục màkhông có nhận bản gốc. Sau đó, ông B phát hiện mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên có làm văn bản trình UBND xã K, huyện U, sau đó ông phát hiện con gái và con rể lấy giấy chứng nhận trên và giải thích với ông là dùng để thế chấp vay tiền của Ngân hàng.
Nay ông B và vợ yêu cầu hủy thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông, bà với con gái và hủy đăng ký biến động chuyển quyền sử dụng đất diện tích 19.730m2 tại xã K, huyện U Minh từ ông B sang con gái.
Nay mảnh đất này thuộc quyền quản lý của anh N, anh N cho rằng con gái ông B chuyển nhượng cho anh quyền sử dụng đất diện tích chung bằng 19.730m2, tọa lạc tại xã K, huyện U với giá trị bằng 650.000.000 đồng. Hai bên thoả thuận làm hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có công chứng tại Văn phòng công chứng đất. Anh thanh toán cho con gái ông B 500.000.000 đồng vào ngày ký hợp đồng. Do trước đó vợ chồng con gái ông B đã cầm cố phần đất này cho vợ chồng anh X và chị T với giá 150.000.000 đồng đến ngày hết hạn nhưng không có tiền trả nên thỏa thuận anh trả cho anh X, chị T khi hết hạn hợp đồng cầm cố phần đất nêu trên.
Nay anh yêu cầu con gái ông B thực hiện theo thỏa thuận giao phần đất diện tích 19.730m cho anh N và  anh tiếp tục trả cho con gái ông B giá trị còn lại của hợp đồng bằng 150.000.000 đồng. Khi đó tòa án nhân dân huyện U đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh N.
Thấy quá bất công cho người được trợ giúp pháp lý là ông B cũng như vụ việc tranh chấp này có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều người nên Trợ giúp viên pháp  Ngô Đức Bính đã giúp ông B kháng cáo bản án sơ thẩm để giành lại quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho mình.
Bằng những kiến thức chuyên sâu và lòng tận tâm lòng yêu nghề hết mình vì đối tượng yếu thế trong xã hội, Trợ giúp viên pháp lý Ngô Đức Bính đã tìm tòi, nghiên cứu những quy định của pháp luật để đưa ra quan điểm tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng việc chuyển nhượng đất giữa con gái ông B và anh N là giao dịch giả tạo do đất ở thời điểm chuyển nhượng vẫn còn là phần đất của ông B cho anh chị canh tác để được đăng ký thường trú. Anh N thừa nhận biết việc con gái và con rể ông B có cầm cố cho người khác mảnh đất nêu trên, do đó đất đang tranh chấp không có quyền chuyển nhượng. Quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ và phúc thẩm, anh N trình bày có nhiều mâu thuẫn, thể hiện việc anh N xác định thanh toán 500.000.000 đồng không nhất quán, không có chứng cứ chứng minh việc thanh toán này. Ngoài ra, trong khoảng thời gian dài từ khi nhận chuyển nhượng anh N không quản lý sử dụng phần đất còn lại ngoài diện tích đất cầm cố. Do đó, không có căn cứ xác định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa con gái ông B và anh N. Đề nghị chấp nhận kháng cáo của ông B, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh N. Cuối cùng Tòa án phúc thẩm đã quyết định chấp nhận kháng cáo của ông B và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh N.
Sau nhiều nỗ lực của trợ giúp viên pháp lý cuối cùng ông B cũng đã được trả lại phần đất của mình. Ông B và gia đình rất vui mừng và cảm ơn sự giúp đỡ của trợ giúp viên pháp lý.
Trường hợp của ông B là một ví dụ điển hình cho thấy hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý, trong đó có người có công với cách mạng.
Với sự nỗ lực, tận tâm của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý đã ngày càng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý ./.
Huỳnh Đức

 

Xem thêm »