Cấp dưỡng cho bào thai

25/11/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Cấp dưỡng là quyền nhưng đồng thời cũng là nghĩa vụ. Pháp luật nước ta không quy định cụ thể mức cấp dưỡng mà cho phép người được cấp dưỡng hay người đại diện hợp pháp của họ thỏa thuận với người phải cấp dưỡng trên cơ sở khả năng tài chính của người phải cấp dưỡng hoặc do tòa án quyết định nhưng phải đảm bảo nhu cầu thiết yếu người được cấp dưỡng và trong khả năng tài chính người phải cấp dưỡng.

Đó là quy định của pháp luật, thế nhưng để hiểu, thực hiện cho đúng lại là một vấn đề không đơn giản và cũng dễ bị lợi dụng khi một trong các bên trong vụ việc cấp dưỡng kém hiểu biết pháp luật. Câu chuyện cấp dưỡng nuôi con do Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tiếp nhận là một minh chứng điển hình cho sự thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật.

Chiều muộn một ngày tháng 4 năm 2021, có một thanh niên thập thò trước cửa Chi nhánh TGPL số 5, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Thấy người thanh niên thậm thụt nhiều lần, tôi ra hỏi và người thanh niên rụt rè cho biết mục đích đến Chi nhánh để xin tư vấn pháp luật. Trước thái độ nhút nhát của người thanh niên, tôi chủ động hỏi thăm sức khỏe, gia đình và nguyên nhân sự việc muốn được tư vấn. Sau khi được chia sẻ, động viên người thanh niên đã mạnh dạn giới thiệu mình là Hàng A Thanh sinh năm 2002, người xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Thanh cho biết sau khi học xong văn hóa 12 thì ở nhà làm nương giúp cha mẹ. Tháng 11 năm 2020, Thanh cùng bạn bè xuống Hà Nội làm thuê, quen biết chị Sùng Thị Nu sinh năm 1995, người huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Do cuộc sống khó khăn nơi xứ người, Sùng Thị Nu gợi ý hai người dọn về sống chung cùng phòng trọ để đỡ tốn kém, sau khi sống chung hai người nẩy sinh tình cảm yêu đương và sinh hoạt như vợ chồng. Được khoảng hai tháng sống chung, Nu bảo đã mang thai và yêu cầu Thanh phải cưới mình làm vợ nhưng Thanh từ chối. Lý do từ chối của Thanh là Nu nhiều tuổi hơn Thanh và quan trọng là Nu đã có một đứa con trai 3 tuổi. 
Nu thấy Thanh từ chối kết hôn nên yêu cầu hai người về nhà, Thanh phải dẫn cha mẹ đến nhà Nu thương lượng và Thanh dẫn theo anh trai đến nhà cha mẹ Nu. Tại buổi thương lượng, Nu cùng bố mẹ kiên quyết yêu cầu Thanh phải chịu trách nhiệm cái thai trong bụng Nu và kết hôn với Nu. Thanh không đồng ý kết hôn với Nu nên Nu cùng bố mẹ yêu cầu Thanh phải cấp dưỡng nuôi con (cái thai trong bụng Nu) đến khi con đủ 18 tuổi với mức 600.000đ/tháng nhưng phải thực hiện cấp dưỡng ngay và một lần cho đủ 18 năm. Do kém hiểu biết pháp luật và trước sức ép của nhiều người nên hai anh em Thanh đã đồng ý cấp dưỡng một lần với số tiền là 100.000.000đ (Một trăm triệu đồng) theo yêu cầu của Nu. Anh trai Thanh gọi bố mẹ vay tiền mang đến nhà Nu bàn giao và ký nhận vào biên bản.
Và mục đích Thanh đến Chi nhánh là muốn biết quy định của pháp luật về cấp dưỡng nuôi con. Trong vụ việc này, Thanh là người cha có trách nhiệm với con mình nhưng việc thực hiện cấp dưỡng cho con khi đang là bào thai, thì có lẽ đây là trường hợp hiếm gặp và khá hài hước.
Như chúng ta đã biết quan hệ pháp luật cấp dưỡng chỉ phát sinh khi người được cấp dưỡng yêu cầu hoặc người đại diện theo pháp luật của người được cấp dưỡng yêu cầu. Hay nói một cách khác rằng, phải có một người được sinh ra và còn sống, thì mới có thể phát sinh quyền yêu cầu được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Nhưng việc Thanh cấp dưỡng một trăm triệu cho con mình đang hình thành bào thai mấy tuần tuổi là sự kém hiểu biết các quy định của pháp luật hiện hành. Vậy đấy, hiểu chưa đúng quy định của pháp luật về cấp dưỡng, hạn chế về nhận thức dẫn đến những tai hại khôn lường trong cuộc sống.
Sau nhiều năm công tác trong trợ giúp pháp lý, tôi nhận thấy điểm chung của người dân tộc thiểu số sống ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là người dân không có “thói quen” xin tư vấn người khác trước khi quyết định một vấn đề quan trọng mà bản thân đang mơ hồ về nó và hậu quả để lại luôn trong tình trạng khó khắc phục. Điều đọng lại trong tôi sau vụ việc cấp dưỡng này là sự tiếc nuối và tôi tự hỏi rằng: sao Thanh không đến với trợ giúp pháp lý xin tư vấn trước khi đến nhà Nu! Và sự trăn trở làm thế nào thay đổi được “thói quen” không tham khảo ý kiến người khác trước khi quyết định một vấn đề quan trọng của người dân tộc thiểu số.
Thông qua bài viết, tôi muốn nhắn nhủ rằng bất kỳ ai đang đứng trước một sự lựa chọn khi chúng ta đang khá mơ hồ về sự việc, thì lựa chọn đầu tiên là chúng ta phải xin ý kiến tham khảo của những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu rộng liên quan đến vấn đề của chúng ta, trước khi đưa ra quyết định hành động hoặc không hành động. Làm như vậy, nghĩa là chúng ta đã tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của mình, của những người thân trong gia đình khi tham gia các giao dịch dân sự hoặc xử lý các tình huống phát sinh trong cuộc sống thường nhật và tránh được những rủi ro pháp lý không đáng có./.

 
           Lý A Chía - Chi nhánh TGPL số 5 - Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên.

Xem thêm »