Trợ giúp pháp lý Điện Biên: Câu chuyện tảo hôn và những hệ lụy

01/06/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Tình trạng tảo hôn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn khá phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do sự nhờn luật, một phần là do chưa xử lý nghiêm các cặp đôi tảo hôn để răn đe và phòng ngừa chung. Hậu quả của việc tảo hôn để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự đói nghèo tại vùng nông thôn hiện nay và đồng thời họ phải gánh chịu những rủi ro pháp lý không đáng có.

Sau đây là câu chuyện mà Đoàn công tác trợ giúp pháp lý tiếp nhận và tư vấn năm 2018 là một minh chứng. Mặc dù sự việc đã qua lâu nhưng mỗi khi nhớ lại, tôi không khỏi băn khoăn và trăn trở về nạn tảo hôn.
Cuối năm 2018, Đoàn công tác của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên tổ chức buổi truyền thông pháp luật trợ giúp pháp lý và nói chuyện chuyên đề theo yêu cầu đông đảo của những người tham dự tại một xã của huyện Mường Chà. Kết thúc buổi truyền thông, Đoàn tiếp nhận câu chuyện khá hài hước liên quan đến tảo hôn. Câu chuyện do người đàn ông có nước da ngăm đen khoảng chừng 35 tuổi tên Hờ A Tan thuật lại và yêu cầu Đoàn tư vấn hướng giải quyết. Ông kể câu chuyện trong tâm trạng khá bức xúc rằng: “Cuối năm 2017, con gái Hờ Thị Dính kết hôn với Sùng A Tú xã bên do đã có thai và khi đó con tôi mới 16 tuổi 5 tháng. Theo yêu cầu  nhà chồng, tháng 3 năm 2018 tôi cắt khẩu cho con gái về nhà chồng nhưng con gái chưa đủ tuổi kết hôn nên công an xã từ chối làm thủ tục nhập khẩu. Đến tháng 8 năm 2018, con gái sinh một bé trai và ra UBND xã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con, thì bị từ chối với lý do con gái không có khẩu tại nhà chồng. Tư pháp- Hộ tịch xã hướng dẫn về xã tôi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu ngoại. Thế nhưng tư pháp xã tôi cũng từ chối đăng ký khai sinh cho cháu, vì con gái đã cắt khẩu chuyển về nhà chồng từ tháng 3 năm 2018. Hiện nay, cháu ngoại đang nằm viện, bệnh viện yêu cầu gia đình xuất trình giấy khai sinh của cháu nhưng thực tế cháu chưa có giấy khai sinh. Vậy, gia đình phải làm thế nào mới làm được giấy khai sinh cho cháu và mẹ cháu cũng không có khẩu nơi nào trong hai xã?” như để chứng minh lời nói của mình, ông Tan cung cấp toàn bộ giấy tờ liên quan câu chuyện cho đoàn. Sau khi đối chiếu với Luật Hộ tịch, Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành. Đoàn công tác tư vấn con rể ông Tan (tức cha đứa trẻ) đến UBND xã làm thủ tục cha nhận con và sau đó làm thủ tục đăng ký khai sinh bình thường cho cháu ngoại ông. Riêng khẩu con gái ông thuộc Luật Cư trú điều chỉnh và do Công an cấp xã giải quyết. Trường hợp công an xã bên nhà chồng cương quyết không làm thủ tục nhập khẩu, thì ông có thể đề nghị công an xã ông nhập lại khẩu cho con gái về gia đình. Sau khi kết thúc chuyến công tác vài ngày, ông Tan gọi điện cho tôi thông báo rằng cháu ngoại ông đã được cấp giấy khai sinh, con gái nhập khẩu về với gia đình và cảm ơn đoàn công tác trợ giúp pháp lý. Như vậy, Hờ Thị Dính có thai ở tuổi 17 cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” làm sao chăm lo được cho con cái cuộc sống ấm no và lo được cho con học hành tử tế.
Thiết nghĩ, muốn giảm tỷ lệ tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những nơi có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phải xử lý nghiêm minh các cặp đôi tảo hôn để răn đe và phòng ngừa chung; chỉ đạo Công chức cấp xã xây dựng Quy ước, Hương ước chuyên đề về lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Đề cao vị trí, vai trò của Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Ban công tác Mặt trận bản, trưởng bản và huy động già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để giúp ngăn chặn nạn tảo hôn; đồng thời mở các lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cũng như đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nhằm nâng cao kỹ năng xử lý tình huống phát sinh trong nhân dân./.
Lý A Chía- Chi nhánh TGPL số 5- Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên
 

Xem thêm »