Năm 2024: Số vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người nghèo, người yếu thế, đối tượng chính sách đạt mốc cao nhất từ trước đến nay

17/01/2025
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2024, có số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người nghèo, người yếu thế, người chính sách đạt mốc cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành trong năm 2024 là 30.538 vụ việc (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023)

Số vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng đạt mốc cao nhất từ trước đến nay
 
Số lượng vụ việc tham gia tố tụng trong năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 và đạt mốc cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể: số vụ việc tham gia tố tụng hoàn thành trong năm 2024 là 30.538 vụ việc (tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023). Đây là kết quả nỗ lực của cả hệ thống trợ giúp pháp lý ở Trung ương và địa phương, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý và công bằng trong xét xử. Tất cả các vụ việc tham gia tố tụng được thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng trở lên, không có vụ việc nào không đạt chất lượng. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng được đánh giá là thành công, hiệu quả như vụ việc được bào chữa giảm hình phạt, được chuyển tội danh nhẹ hơn (trong lĩnh vực hình sự) hoặc thắng kiện, bảo vệ được tài sản, đất đai… (trong lĩnh vực dân sự và hành chính). Nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý thành công đã được các phương tiện truyền thông (đài truyền hình, truyền thanh và báo chí) đưa tin. Hàng trăm vụ việc nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội được Cục Trợ giúp pháp lý kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ đạo và các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chủ động tiếp cận người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, xác minh hoặc cử Trợ giúp viên pháp lý để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Có thể nói, đến nay Trợ giúp viên pháp lý trở thành lực lượng chính thực hiện trợ giúp pháp lý và ngày càng trở nên chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Trợ giúp pháp lý đã thể hiện rõ nét chức năng xã hội của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, phòng chống oan sai; góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát triển sinh kế, giảm nghèo bền vững…
 
Nhiều giải pháp để nâng cao số lượng, chất lượng vụ việc tham gia tố tụng đã được triển khai
 
Để đạt được kết quả này, trong thời gian qua hoạt động trợ giúp pháp lý đã kết hợp nhiều giải pháp với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ban ngành, các cơ quan tiến hành tố tụng, sự nỗ lực đồng lòng của cả hệ thống trợ giúp pháp lý đặc biệt là 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, nhất là các Trợ giúp viên pháp lý trên toàn quốc.
- Hằng năm Bộ Tư pháp giao chỉ tiêu thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý. Phải kể đến từ khi triển khai Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý, đặc biệt là từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã xác định rõ trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý trong vụ việc cụ thể, có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý. Trong Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã quy định tham gia tố tụng là hình thức trợ giúp pháp lý đứng ở vị trí đầu tiên, thể hiện yêu cầu cần tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng (điểm a khoản 2 Điều 27 Luật TGPL). Trợ giúp viên pháplý sẽ bị miễn nhiệm, thu hồi thẻ khi không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong 02 năm liên tục (trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan) (điểm d khoản 1 Điều 22 Luật TGPL).
Trong các giải pháp được đưa ra để nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, đó là các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng. Từ năm 2016, sau khi có Đề án, hằng năm Bộ Tư pháp đều ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý với các mức độ cụ thể. Năm 2024, Bộ Tư pháp ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp pháp lý (Công văn số 236/BTP-TGPL ngày 12/01/2024) với các mức cụ thể: (i) Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm dưới 3 năm: 8-13 vụ sẽ đạt chỉ tiêu, 14-17 vụ sẽ đạt chỉ tiêu khá, từ 18 vụ trở lên sẽ đạt chỉ tiêu tốt; (2) Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 3 năm đến dưới 5 năn: 12-16 vụ sẽ đạt chỉ tiêu, 17-22 vụ sẽ đạt chỉ tiêu khá, từ 23 vụ trở lên sẽ đạt chỉ tiêu tốt; (3) Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm 5 năm trở lên: 15-22 vụ sẽ đạt chỉ tiêu, 23-28 vụ sẽ đạt chỉ tiêu khá, từ 29 vụ trở lên sẽ đạt chỉ tiêu tốt. Kết quả thực hiện chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, thi đua khen thưởng đối với Trợ giúp viên pháp lý.
Kết quả năm 2024, có 681 Trợ giúp viên pháp lý đạt chỉ tiêu, chiếm 99,85% (với 77,08% đạt chỉ tiêu tốt, 11,24% đạt chỉ tiêu khá, 11,53% đạt chỉ tiêu); trung bình mỗi Trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện được 38,4 vụ/năm (tăng so với năm 2023: 32,4 vụ/năm). Qua 9 năm triển khai việc giao chỉ tiêu, nhất là từ khi triển khai Luật TGPL 2017, số lượng vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý trên toàn quốc tăng rõ rệt, số vụ việc tham gia tố tụng bình quân trên mỗi Trợ giúp viên pháp lý tăng hơn gấp 3 lần so với năm đầu tiên giao chỉ tiêu (năm 2016: 12,2 vụ/Trợ giúp viên pháp lý; 2024: 38,4 vụ/Trợ giúp viên pháp lý), trong đó nhiều vụ việc được đánh giá là thành công, hiệu quả, từ đó cho thấy năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý ngày càng được nâng cao, góp phần bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người dân nghèo, đối tượng chính sách và người dễ bị tổn thương trong xã hội. Bên cạnh đó, việc giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý đã và đang trở thành công cụ cần thiết, hữu hiệu trong việc quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý; đồng thời góp phần giúp các Sở Tư pháp xác định vị trí việc làm của các người làm việc trong Trung tâm nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu TGPL.
  • Nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện người thực hiện trợ giúp pháp lý và thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tham gia tố tụng cho đội ngũ này. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng vụ việc TGPL thời gian trước khi có Luật TGPL 2017 chưa được đánh giá cao là do trình độ, năng lực của người thực hiện TGPL. Nhận diện được vấn đề đó, Luật TGPL năm 2017 đã quy định tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý đã được nâng cao, quy định ngang bằng với tiêu chuẩn của Luật sư. Điều 19 Luật quy định về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý, theo đó, công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm TGPL nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý: (1) Có phẩm chất đạo đức tốt; (2) Có trình độ cử nhân luật trở lên; (3) Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự TGPL; (4) Có sức khỏe bảo đảm thực hiện TGPL và (5) Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
Luật TGPL năm 2017 tiếp tục thu hút luật sư tham gia TGPL với tư cách luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL nhà nước. Với mục tiêu xuyên suốt toàn bộ các quy định của Luật là nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL hướng đến bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, dịch vụ TGPL phải được thực hiện bởi những chủ thể có đủ năng lực, trình độ và kỹ năng hành nghề. Do đó, Luật TGPL 2017 còn quy định các điều kiện của luật sư để Trung tâm TGPL nhà nước lựa chọn, ký hợp đồng như: (1) không đang trong thời gian thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề luật sư; (2) không bị cấm hành nghề hoặc bị hạn chế hoạt động nghề nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; (3) không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự và (4) được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đang làm việc hoặc cơ quan, tổ chức mà luật sư ký kết hợp đồng lao động.
Thời gian qua, các địa phương đều thực hiện rà soát đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và chuyên viên để đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý nhằm cung cấp dịch vụ TGPL có chất lượng, Luật TGPL năm 2017 quy định người thực hiện TGPL được bồi dưỡng, tập huấn kỹ nnăg chuyên môn, nghiệp vụ TGPL, bên cạnh đó Trợ giúp viên pháp lý tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ TGPL tối thiểu 08 giờ/năm (điểm b khoản 2 Điều 18 Luật TGPL và Điều 4 Thông tư số 12/2018/TT-BTP).
Từ khi triển khai Đề án đổi mới đến nay, đặc biệt là Luật TGPL 2017 hằng năm ở Trung ương và địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng TGPL trong các lĩnh vực tố tụng hình sự, dân sự, hành chính; kỹ năng TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính; kỹ năng TGPL cho nạn nhân bạo lực phụ nữ, trẻ em gái... cho đội ngũ người thực hiện TGPL để trang bị cho các trợ giúp viên pháp lý nói riêng và người thực hiện TGPL nói chung kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực người thực hiện TGPL. Với các nội dung tập huấn thiết thực, bổ ích do đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm giảng dạy các lớp tập huấn đã được các học viên đánh giá cao về chất lượng và hằng năm các Trung tâm TGPL đều kiến nghị Cục TGPL thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thực này cho người thực hiện TGPL trên toàn quốc.
Cùng với việc giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng hằng năm, việc nâng cao tiêu chuẩn trình độ ngang Luật sư và thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức TGPL trong tố tụng đã giúp các Trợ giúp viên pháp lý tự tin hơn về kiến thức, kỹ năng tranh tụng và qua thời gian hành nghề tiếp tục được bồi dưỡng, rèn dũa trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và đặc biệt là bản lĩnh, tự tin, sắc sảo trong tranh tụng tại phiên tòa.
- Bảo đảm chế độ, chính sách cho người thực hiện TGPL thực  hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Cùng với việc đưa ra những yêu cầu, điều kiện và chỉ tiêu bắt buộc Trợ giúp viên pháp lý phải thực hiện thì Bộ Tư pháp cũng đã tham mưu Chính phủ có chế độ, chính sách cho người thực hiện TGPL nói chung và Trợ giúp viên pháp lý nói riêng khi thực hiện vụ việc TGPL. Đó cũng là một trong những nguồn động lực thúc đẩy, khuyến khích họ tích cực, chủ động tiếp cận nhu cầu TGPL và trong quá trình thực hiện vụ việc TGPL.
Triển khai chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng hằng năm do Bộ Tư pháp ban hành cùng với việc tăng mức bồi dưỡng vụ việc tố tụng, các trợ giúp viên pháp lý đều hăng say thực hiện các vụ việc được phân công, có nhiều trợ giúp viên pháp lý đã chủ động tiếp cận nhu cầu TGPL của người dân. Từ chỗ hoạt động tham gia tố tụng chủ yếu dựa vào đội ngũ luật sư thì nay các Trợ giúp viên pháp lý đã là trở thành lực lượng chính trong hoạt động tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý. Tại Nghị định số 80/2015/NĐ-CP ngày 17/9/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TGPL đã có chính sách khuyến khích người thực hiện TGPL. Tiếp tục kế thừa những nội dung này, tại Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL 2017 đã quy định các chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý và thù lao, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người thực hiện TGPL. Trợ giúp viên pháp lý có đầy đủ các chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật, bao gồm: Trợ giúp viên pháp lý hạng I, Trợ giúp viên pháp lý hạng II và Trợ giúp viên pháp lý hạng III. Hiện nay trợ giúp viên pháp lý là chức danh duy nhất thuộc ngành tư pháp ở địa phương có chức danh nghề nghiệp hạng I. Trợ giúp viên pháp lý được cấp trang phục riêng theo tiêu chuẩn, niên hạn, tạo được đặc trưng riêng cho công việc, tạo thuận lợi cho họ khi thực hiện TGPL, nhất là khi tham gia tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có). Đặc biệt, để góp phần tạo động lực cho việc tập trung thực hiện vụ việc, nhất là vụ việc tham gia tố tụng, Nghị định đã tiếp tục quy định Trợ giúp viên pháp lý khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng được hưởng mức bồi dưỡng bằng 40% mức thù lao áp dụng đối với luật sư, được hưởng mức bồi dưỡng bằng 20% mức thù lao áp dụng đối với luật sư khi thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng theo quy định.
- Huy động các cơ quan tư pháp, tố tụng, lực lượng công an, tòa án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác vào công tác TGPL để giải thích, giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến với Trung tâm TGPL nhà nước.
Để triển khai Luật TGPL năm 2017 và quy định của các bộ luật, luật tố tụng liên quan, ngày 29/6/2018, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng. Việc triển khai các nội dung phối hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC được thực hiện nghiêm túc, đạt được hiệu quả khá tích cực, nhất là trong việc giải thích, thông tin, thông báo TGPL đến tổ chức thực hiện TGPL. Bên cạnh đó, hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng đạt được kết quả nổi bật với việc lần đầu tiên ký kết 02 Chương trình phối hợp người thực hiện TGPL trực tại Tòa án (năm 2022) và trực TGPL trong điều tra hình sự (năm 2023) trên phạm vi toàn quốc như đã nêu ở trên. Hai sự kiện này đều được vinh danh là sự kiện nổi bật của ngành Tư pháp năm 2022 và năm 2023. Việc ký kết và triển khai các Chương trình phối hợp này đã huy động cả hệ thống tòa án (gồm khoảng hơn 700 tòa các cấp) và công an (khoảng hơn 10.000 cơ quan công an cấp xã, 700 cơ quan công an cấp huyện, cấp tỉnh, cơ quan điều tra cấp Bộ....) cung cấp, giới thiệu nguồn đối tượng được TGPL. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vai trò, chất lượng của TGPL trong tố tụng tư pháp, tăng cường khả năng tiếp cận TGPL của người bị buộc tội, đương sự, bị hại tại Tòa án và người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ hoặc quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BTP thì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến Trung tâm. Trường hợp người thuộc diện được TGPL là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì Ủy ban nhân dân cấp xã giới thiệu đến Trung tâm TGPL. Đến nay, tại nhiều địa phương đang triển khai nội dung phối hợp về trách nhiệm thông tin, giới thiệu về TGPL.
- Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về trợ giúp pháp lý để người dân biết và tiếp cận kịp thời khi có vướng mắc, tranh chấp pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng (như người nghèo, người thuộc diện chính sách, người yếu thế...), từng vùng, miền.
Để nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội đối với người yếu thế, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của Nhà nước “không một ai bị bỏ lại phía sau”, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý tiếp tục quan tâm chú trọng, các hình thức truyền thông đã đa dạng hơn với các phương thức khác nhau. Đặc biệt trong những năm gần đây, ở Trung ương và địa phương đã  đổi mới cách thức và tăng cường hiệu quả truyền thông về TGPL để người dân dễ tiếp cận dịch vụ TGPL; kết hợp các cách thức truyền thông truyền thống với các cách thức truyền thông hiện đại trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... bằng tiếng Việt hoặc dịch sang các tiếng dân tộc phổ biến, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền; nâng cao kiến thức, hiểu biết về TGPL của đội ngũ cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ TGPL. Trong đó, khai thác các vụ việc trợ giúp pháp lý thành công, điển hình được dư luận xã hội quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu về quyền được trợ giúp pháp lý và lợi ích, hiệu quả mang lại của công tác trợ giúp pháp lý; cung cấp địa chỉ, số điện thoại của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cho người dân, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý để họ biết và liên hệ khi có nhu cầu.
 
Như vậy, có thể thấy rằng, để có được kết quả năm 2024 có số vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho người nghèo, người yếu thế, đối tượng chính sách đạt mốc cao nhất từ trước đến nay, đó là sự cố gắng, quyết tâm, nỗ lực hết mình của cả hệ thống trợ giúp pháp lý với việc triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp cụ thể. Với kết quả đó, vai trò và hiệu quả của hoạt động TGPL đã được Nhà nước và xã hội ghi nhận trong bảo đảm quyền con người khi tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, đồng thời góp phần bảo đảm chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam./. 
 
Ngân Giang

Xem thêm »