Chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025: Số người thuộc diện trợ giúp pháp lý dự kiến sẽ tăng

09/03/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 27/1/2021 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2021.

Theo nội dung Nghị định, chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 được chia làm 02 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021, tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ để làm căn cứ đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác năm 2021.

Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2022 đến 31/12/2025, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới với các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều gồm tiêu chí thu nhập (khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng) và tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (sáu dịch vụ: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin; 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin).


Bên cạnh đó, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 – 2025 cũng được Nghị định xác định rõ là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022 - 2025. Cụ thể:

  Nông thôn Thành thị
Chuẩn hộ nghèo - Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống
- Thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống;
- Thiếu hụt từ ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên
Chuẩn hộ cận nghèo - Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống;
- Thiếu hụt dưới ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống
- Thiếu hụt dưới ba chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản
Chuẩn hộ có mức sống trung bình - Có thu nhập bình quân đầu người/tháng hơn 1,5 triệu đồng đến 2,25 triệu đồng. - Có thu nhập bình quân đầu người/tháng hơn 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, so với chuẩn nghèo giai đoạn 2015-2020, tiêu chí về thu nhập sẽ tương ứng với chuẩn mức sống tối thiểu là 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/người/tháng, tăng 114,2%) và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị (hiện nay là 900.000 đồng/người/tháng, tăng 122,2%). Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với chuẩn nghèo mới thì cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo (gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người. Trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 10,83% (bao gồm 2% hộ nghèo "kinh niên" thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) và 5,77% là hộ cận nghèo[1]. Kết quả Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2015 cho thấy, cả nước có 2.338.569 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,88% và 1.235.784 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,22%[2]. Như vậy, so với chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn giai đoạn 2015 – 2020, việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới dự kiến sẽ tăng khoảng 1,1 triệu hộ (tính cả hộ nghèo, cận nghèo).
Đối với lĩnh vực trợ giúp pháp lý, với việc ghi nhận 03 nhóm đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý: Người thuộc hộ nghèo; Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo và nhóm đối tượng có khó khăn về tài chính (thuộc hộ cận nghèo) thì việc áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định số 27/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, dự báo từ năm 2022, lượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý sẽ tăng lên tương ứng với mức tăng hộ nghèo/cận nghèo theo dự báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Điều này đòi hỏi các tổ chức trợ giúp pháp lý cần phải chuẩn bị tốt hơn các điều kiện cần thiết (cơ sở vật chất, kinh phí, con người,…) để bảo đảm đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu trợ giúp pháp lý cỉa của người dân./.
 
[1] http://www.molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=223073
[2]http://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=48207


                                                                                                                                                                       Trần Nguyên Tú
                                                                                                              Phó trưởng phòng - Phòng Tài chính và Quản lý chất lượng, Cục Trợ giúp pháp lý




 

Xem thêm »