Quản lý và đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (Kỳ 2)

18/03/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Kỳ trước, bài viết đã đề cập một số nội dung như: Dịch vụ pháp lý và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng trợ giúp pháp lý. Phần này, bài viết sẽ tập trung đề cập sâu đến việc đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

2. Đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

2.1. Khái niệm đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

Một vụ việc trợ giúp pháp lý hoàn thành được coi là sản phẩm của quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, không phải lúc nào tự thân vụ việc cũng khẳng định được chất lượng của nó; không phải lúc nào chất lượng vụ việc cũng được mặc nhiên thừa nhận. Chính vì vậy, muốn biết được chất lượng vụ việc ở mức độ nào, cần có các tiêu chuẩn chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý dùng làm công cụ để đánh giá và hình thành cơ chế đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Vì vậy “đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý” được xem là hoạt động nghiên cứu, xem xét, đánh giá của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền nhằm đánh giá quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý để đưa ra những kết luận khách quan, chính xác về  mức độ chất lượng của vụ việc trợ giúp pháp lý đã hoàn thành làm cơ sở để đề ra và thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người thực hiện TGPL, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý của của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.

*  Đặc điểm của hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc TGPL

- Là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

- Đối tượng của hoạt động đánh giá là những vụ việc TGPL đã hoàn thành.

- Hoạt động đánh giá phải tuân thủ những trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

- Hoạt động đánh giá phải căn cứ vào những tiêu chí đánh giá nhất định theo quy định của pháp luật.

Việc đánh giá chất lượng vụ việc có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động TGPL:

Thứ nhất, giúp các tổ chức thực hiện TGPL quản lý được chất lượng vụ việc TGPL của người thực hiện TGPL thuộc tổ chức mình thực hiện, kịp thời phát hiện những thiếu sót, yếu kém trong quá trình thực hiện TGPL, trên cơ sở đó có giải pháp khắc phục, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng TGPL cho người thực hiện TGPL;

Thứ hai, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về TGPL kịp thời đề ra các giải pháp, cơ chế, chính sách để bảo đảm chất lượng vụ việc TGPL;

Thứ ba, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhất là những người đã được TGPL có thể tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về TGPL, tạo dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào hoạt động TGPL.

2.2. Chủ thể đánh giá chất lượng vụ việc TGPL

- Cơ quan đánh giá chất lượng: Theo quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BTP thì cơ quan có thẩm quyền đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý gồm:

+ Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp;

+ Sở Tư pháp tỉnh thành phố thuộc Trung ương.

So với quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc Trợ giúp pháp lý được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì hiện nay chỉ có 2 cơ quan có thẩm quyền đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Thông tư số 12/2018/TT-BTP không quy định tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý là một trong những chủ thể đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, đồng thời hướng đến bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Người thực hiện đánh giá chất lượng: Thông tư số 12/2018/TT-BTP không quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện của người thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc mà giao quyền lựa chọn người đánh giá chất lượng vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền đánh giá chất lượng vụ việc quyết định.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khách quan, độc lập trong quá trình đánh giá và xác định thực chất chất lượng vụ việc, Thông tư cũng đưa ra cơ chế để cơ quan có thẩm quyền đánh giá có thể huy động Trợ giúp viên pháp lý, luật sư có kinh nghiệm, chuyên gia pháp luật hoặc có thể mời đại điện cơ quan tiến hành tố tụng,... tham gia đánh giá hoặc tư vấn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp.

2.3. Phạm vi đánh giá

- Cục Trợ giúp pháp lý thuộc Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền đánh giá chất lượng vụ việc của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý) trong phạm vi toàn quốc.

- Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước ở  địa phương có thẩm quyền đánh giá chất lượng vụ việc của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý) thuộc địa phương mình.

Khi tiến hành đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, phạm vi đánh giá cần phải được xác định rõ trong Kế hoạch đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về TGPL ở Trung ương và địa phương.

2.4. Loại vụ việc và lựa chọn vụ việc để đánh giá chất lượng

- Loại vụ việc đánh giá chất lượng

So với quy định của Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc Trợ giúp pháp lý được ban hành kèm theo Thông tư số 02/1013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì quy định về loại vụ việc thuộc đối tượng đánh giá chất lượng của Thông tư số 12/2018/TT-BTP hẹp hơn. Theo đó, chỉ có 02 loại vụ việc thuộc đối tượng đánh giá chất lượng:

+ Vụ việc tham gia tố tụng;

+ Vụ việc đại diện ngoài tố tụng.

- Lựa chọn vụ việc để đánh giá chất lượng

+ Đánh giá thường xuyên: Lựa chọn xác xuất các vụ việc để đánh giá nhưng phải bảo đảm tiêu chí về người thực hiện TGPL theo quy định. Có thể xem xét các yếu tố sau để lựa chọn vụ việc:Vụ việc phức tạp, điển hình theo quy định của pháp luật; Các vụ việc khác theo yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương.

+ Đánh giá đột xuất: Có thể xem xét các yếu tố sau để lựa chọn vụ việc:Vụ việc có kiến nghị, khiếu nại của người được trợ giúp pháp lý hoặc phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân, phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc có căn cứ khác cho rằng việc thực hiện trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luậtt; Vụ việc có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người được trợ giúp pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp của họ liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;

2.5. Cách thức đánh giá chất lượng

- Trực tiếp kiểm tra, nghiên cứu, xem xét hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Nghiên cứu, xem xét các ý kiến phản hồi, kiến nghị hoặc lấy ý kiến của người được trợ giúp pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp của họ (nếu có).

- Nghiên cứu, xem xét ý kiến phản hồi, kiến nghị hoặc phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc các phương tiện thông tin đại chúng (nếu có).

- Tiếp xúc, làm việc để nghe ý kiến đánh giá, phản hồi của người được trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Xem xét báo cáo kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý, báo cáo kết quả thẩm định chất lượng. Việc đánh giá chất lượng độc lập và không phụ thuộc vào kết quả thẩm định chất lượng do tổ chức thực hiện TGPL thực hiện;

- Tham khảo ý kiến các chuyên gia pháp luật, người tiến hành tố tụng,…;

- Trong quá trình đánh giá có thể đề nghị người có trách nhiệm, người có liên quan cung cấp thêm một số trong tin về những vấn đề chưa rõ.

- Trong trường hợp cần thiết, có thể kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu hoặc làm rõ những vấn đề có liên quan đến nội dung dung vụ việc, yêu cầu trợ giúp pháp lý hay việc tuân thủ các quy định của pháp luật tại các cơ quan tiến hành tố tụng, đạo đức, kỹ năng, kiến thức của người thực hiện trợ giúp pháp lý

2.6. Cách thức xác định các Tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý

2.6.1. Tiêu chí về trách nhiệm nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý

a) Tuân thủ pháp luật, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan

- Căn cứ Hồ sơ vụ việc, người đánh giá cần xem xét việc tuân thủ pháp luật của người thực hiện trên các khía cạnh: Tuân thủ các quy định của pháp luật về tố tụng và các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người thực hiện TGPL; Tuân thủ nguyên tắc và các quy định khác của về TGPL, việc tuân thủ này có được thể hiện trong hồ sơ không? Và thể hiện ở tài liệu nào?

- Trường hợp việc tuân thủ pháp luật không được thể hiện trong hồ sơ, người đánh giá cần tham khảo ý kiến người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc hoặc cơ quan tổ chức khác có liên quan để xác minh, đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người thực hiện TGPL;

- Đánh giá các thông tin do người được TGPL cung cấp, do người thực hiện TGPL thu thập có chính xác, khách quan không? Có sửa chữa, làm sai lệch thông tin không? Thể hiện ở tài liệu nào trong hồ sơ?

- Trường hợp cần thiết thì người đánh giá có thể xác minh tại nơi cung cấp thông tin?

b) Giải thích, hướng dẫn, cung cấp thông tin kịp thời về vụ việc cho người được trợ giúp pháp lý

Trong quá trình thực hiện TGPL, việc người được TGPL tiếp xúc, trình bày và cung cấp thông tin về vụ việc thường diễn ra giữa người được TGPL và người thực hiện TGPL; địa điểm có thể là tại trụ sở Trung tâm, Chi nhánh của Trung tâm, …; Vì vậy, để đánh giá được tiêu chí này thì cần:

- Căn cứ vào hồ sơ vụ việc để xác định các thông tin cần được giải thích, hướng dẫn, cung cấp cho người được TGPL

- Xem xét các giấy tờ thể hiện sự làm việc giữa người thực hiện TGPL với người được TGPL hoặc với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đánh giá người thực hiện TGPL có chủ động gặp gỡ, làm việc với người được TGPL hoặc người thân thích của họ để thu thập các thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc TGPL không.

- Xem xét các mốc thời gian của các biên bản để đánh giá có tính kịp thời hay không?

- Trường hợp cần thiết có thể lấy ý kiến của người được TGPL hoặc thân thích của họ về việc giải thích, cung cấp thông tin của người thực hiện TGPL trong trường hợp cần thiết.

c) Bảo đảm thời gian, tiến độ thực hiện vụ việc

- Kiểm tra về thời hạn ra các quyết định trong hoạt động TGPL xem có phù hợp không?

- Xem xét xem hoạt động sớm nhất mà người thực hiện TGPL đã triển khai thực hiện để thực hiện công việc của mình (như tiếp xúc với đối tượng thể hiện qua biên bản tiếp xúc với đối tượng; thời gian mà người thực hiện TGPL được cấp giấy chứng nhận người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, biên bản làm việc với tổ chức, cá nhân, người có quyền lợi liên quan đến vụ việc…)

- Xem xét các mốc thời gian thực hiện các công việc.

- Đối chiếu với thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc xem xét bảo đảm tính kịp thời cũng cần phải tính đến nguyên nhân của việc chậm trễ. Nếu nguyên nhân từ phía tổ chức thực hiện TGPL thì cần đề xuất ý kiến với tổ chức thực hiện TGPL đó; còn nếu nguyên nhân từ phía người thực hiện TGPL thì cần phải đưa ra đánh giá về vấn đề này trong toàn bộ tiến trình giải quyết vụ việc. Trong trường hợp có chậm trễ nhưng không gây hậu quả ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL thì việc chậm trễ đó không được xem là gây ảnh hưởng nhiều (tuy nhiên không thể đạt điểm tối đa). Nếu việc chậm trễ của người thực hiện TGPL làm xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL như làm cho họ mất quyền khởi kiện hoặc quyền khiếu nại thì điểm của tiêu chuẩn này là bằng không.

2.6.2. Tiêu chí về thực hiện trợ giúp pháp lý

a) Thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp với yêu cầu trợ giúp pháp lý và phạm vi được phân công

- Kiểm tra các yêu cầu của người được TGPL thể hiện trong đơn yêu cầu TGPL; xác định rõ những yêu cầu thuộc phạm vi TGPL đã được TGPL; những yêu cầu thuộc phạm vi TGPL nhưng chưa được TGPL; những yêu cầu đã thực hiện không thuộc phạm vi vụ việc.

- Xem xét nội dung các văn bản thực hiện TGPL của người thực hiện TGPL:

+ Người đánh giá phải xác định được chính xác yêu cầu của người được TGPL thuộc quan hệ pháp luật nào, lĩnh vực pháp luật nào;

+ Nội dung thực hiện TGPL thể hiện trong các văn bản của người thực hiện TGPL (biên bản làm việc với người được TGPL, các cơ quan, tổ chức, các nhân có liên quan; bản bào chữa, bản luận cứ bảo vệ quyền lợi, biên bản hòa giải...) có phù hợp với quy định của pháp luật về nội dung không, đã thực sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL hay chưa; đã đáp ứng yêu cầu TGPL của người được TGPL hay chưa;

b) Thu thập các thông tin, tài liệu, chứng cứcó liên quan đến vụ việc

- Người đánh giá cần xác định được các loại thông tin, tài liệu, chứng cứ nào mà người thực hiện TGPL cần thu thập?

- So sánh, đối chiếu với kết quả thực hiện của người thực hiện tại Hồ sơ vụ việc xem những thông tin, tài liệu, chứng cứ đó có được lưu hoặc thể hiện tại hồ sơ không? Có đủ không? Việc thu thập các thông tin, chứng cứ đó diễn ra khi nào, có kịp thời không?

- Trường hợp cần thiết người đánh giá có thể lấy ý kiến, làm việc với các cơ quan liên quan để xác định xem có thu thập được các thông tin, tài liệu, chứng cứ đó không?

c) Nghiên cứu và áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan để bảo đảm nội dung trợ giúp pháp lý đúng và phù hợp với pháp luật

- Người đánh giá cần xác định được các quy định pháp luật nào sẽ được áp dụng? Quy định trực tiếp, quy định gián tiếp,…;

- So sánh, đối chiếu với kết quả thực hiện của người thực hiện TGPL tại Hồ sơ vụ việc để xem xét các quy định của pháp luật đó có được áp dụng đầy đủ không? Thể hiện ở tài liệu nào? Áp dụng có đúng không?

d) Tham gia các hoạt động tố tụng hoặc tham gia các hoạt động đại diện ngoài tố tụng để kịp thời có giải pháp bảo vệ bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý;

- Người đánh giá cần căn cứ nội dung vụ việc, quá trình giải quyết vụ việc của các cơ quan để xác định được kể từ thời điểm người thực hiện TGPL được phân công thì có các hoạt động tố tụng nào/hoạt động đại diện ngoài tố tụng nào được diễn ra? Diễn ra ở thời điểm nào?

- So sánh, đối chiếu với kết quả thực hiện của người thực hiện TGPL tại Hồ sơ vụ việc để xem xét xem người thực hiện TGPL tham gia các hoạt động nào? Có đủ không? Vì sao có hoạt động không tham gia? Việc tham gia/không tham gia thể hiện ở tài liệu nào trong hồ sơ vụ việc? Kết quả tham gia của họ như thế nào? Được thể hiện ở tài liệu, giấy tờ nào trong hồ sơ?

- Trường hợp cần thiết thì xác minh, lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ việc; cơ quan, tổ chức có liên quan hay người được TGPL hoặc người thân thích của họ để kiểm chứng;

đ) Quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý

- Kiểm tra hồ sơ vụ việc xem có đủ các loại giấy tờ, tài liệu cần thiết phù hợp với thủ tục TGPL theo quy định của pháp luật.

- Kểm tra tính hợp pháp và giá trị pháp lý của các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ. Việc kiểm tra này được thực hiện trên cơ sở hồ sơ đã được sắp xếp theo một trật tự nhất định.

2.6.3. Tiêu chí về sự hài lòng của người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích.

- Xem xét trực tiếp thông qua Phiếu lấy ý kiến được lưu tại hồ sơ và đối chiếu với toàn bộ quá trình thực hiện TGPL để đánh giá.

- Người đánh giá có thể tiến hành xác minh hoặc trực tiếp lấy ý kiến của người được TGPL hoặc người thân thích của họ để xác định sự hài lòng của họ;

- Nếu trong phiếu lấy ý kiến, người được TGPL không hài lòng với nội dung và kết quả TGPL nhưng vụ việc vẫn được coi là đáp ứng được tiêu chí này nếu yêu cầu TGPL không phù hợp với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội hoặc vượt quá phạm vi, khả năng giúp đỡ của tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL hoặc người được TGPL hoặc người đại diện hợp pháp của họ cung cấp không đầy đủ hoặc không trung thực về các thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc TGPL.

3. Tiến hành đánh giá chất lượng

3.1. Nghiên cứu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý

Kết quả thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý của người thực hiện Trợ giúp pháp lý phải được thể hiện ở hồ sơ vụ việc. Do đó, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL phải bắt đầu từ việc nghiên cứu hồ sơ vụ việc. Có thể nói, đây là bước vô cùng quan trọng, quyết định đến kết quả đánh giá và xếp loại chất lượng vụ việc TGPL.

Khi tiến hành đánh giá, người đánh giá cần tiến hành kiểm tra hồ sơ vụ việc xem có đủ các loại giấy tờ, tài liệu cần thiết phù hợp với yêu cầu thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và của Thông tư số 12/2018/TT-BTP, Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý gồm các nhóm tài liệu sau:

* Đối với Hồ sơ vụ việc tham gia tố tụng:

+ Nhóm các giấy tờ người được TGPL cung cấp khi yêu cầu TGPL: Đơn yêu cầu, Giấy tờ chứng minh, các giấy tờ tài liệu có liên quan đến vụ việc;

+ Nhóm các giấy tờ nghiệp vụ liên quan đến người thực hiện TGPL: Quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyết định thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (nếu có); Văn bản thông báo không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có);

+ Nhóm các tài liệu, văn bản tố tụng do cơ quan tố tụng cấp cho người thực hiện TGPL:Bản chính hoặc bản sao kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án, quyết định; văn bản tố tụng khác liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan tiến hành tố tụng cấp;

+ Nhóm các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quá trình thực hiện TGPL do người thực hiện TGPL thực hiện:Bản bào chữa hoặc bản bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý; Giấy tờ, tài liệu khác thể hiện quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Nếu Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý không thể hiện các giấy tờ này, thì sẽ không đáp ứng các tiêu chí liên quan khi đánh giá chất lượng;

+ Phiếu lấy ý kiến người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ

* Hồ sơ vụ việc đại diện ngoài tố tụng gồm 05 nhóm tài liệu

+ Nhóm các giấy tờ người được TGPL cung cấp khi yêu cầu TGPL: Đơn yêu cầu, Giấy tờ chứng minh, các giấy tờ tài liệu có liên quan đến vụ việc;

+ Nhóm các giấy tờ nghiệp vụ liên quan đến người thực hiện TGPL: Quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý; quyết định thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý (nếu có); Văn bản thông báo không tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý (nếu có);

+ Nhóm các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quá trình thực hiện TGPL do người thực hiện TGPL thực hiện:Giấy tờ, tài liệu thể hiện quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý; Bản báo cáo về những công việc đã thực hiện và kết quả đạt được trong phạm vi đại diện ngoài tố tụng có chữ ký, ghi rõ họ tên của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Nếu Hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý không thể hiện các giấy tờ này, thì phải yêu cầu người thực hiện TGPL bổ sung ngay để có thể thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL;

+ Văn bản giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thể hiện kết quả việc đại diện ngoài tố tụng;

+ Phiếu lấy ý kiến người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích của họ.

3.2. Đánh giá yêu cầu trợ giúp pháp lý

Việc nghiên cứu, xem xét yêu cầu trợ giúp pháp lý là một khâu quan trọng nhằm xác định việc thực hiện trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý có đúng đối tượng được trợ giúp pháp lý hay không hoặc yêu cầu trợ giúp pháp lý có đúng pháp luật hay, có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý hay không theo đúng quy định của pháp luật TGPL.

- Xác định người yêu cầu có thuộc diện được trợ giúp pháp lý hay không:  việc này cần phải căn cứ vào giấy tờ chứng minh người thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý.

- Cần xem xét đó có phải là vụ việc cụ thể liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và không thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

- Phù hợp với phạm vi, hình thức cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý.

* Để đánh giá được các yếu tố trên đòi hỏi người đánh giá chất lượng cần phải nắm chắc quy định về trợ giúp pháp lý và pháp luật nội dung liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.

3.3. Nghiên cứu, đánh giá quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý

Yêu cầu chung 

Các tài liệu cần nghiên cứu

Mục tiêu/Yêu cầu

Câu hỏi cần phải trả lời

- Các quyết định/văn bản nghiệp vụ TGPL

- Hồ sơ yêu cầu TGPL (Đơn yêu cầu, giấy tờ chứng minh, các tài liệu liên quan chứng mình yêu cầu,..)

 

Bảo đảm tính kịp thời

- Thời hạn ra các quyết định trong hoạt động TGPL:

+ Thụ lý khi nào?

+ Phân công người thực hiện khi nào?

+ Quyền lựa chọn người thực hiện TGPL có được bảo đảm? Thể hiện ở tài liệu nào?

- Việc hướng dẫn, giải thích, trả lời của người tiếp nhận về quyền được TGPL?....;

- Thời gian mà người thực hiện Trợ giúp pháp lý được cấp giấy chứng nhận người bào chữa, bảo vệ, ....

Xác định đúng yêu cầu TGPL

- Yêu cầu của người được Trợ giúp pháp lý thuộc quan hệ pháp luật nào, lĩnh vực pháp luật nào?

- Người thực hiện TGPL có xác định được đúng phạm vi yêu cầu không? Được thể hiện ở tài liệu nào?

Người thực hiện TGPL có tuân thủ nguyên tắc TGPL không?

- Có đòi hỏi hoặc thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý không?

- Có tôn trọng và bảo mật thông tin về người được TGPL, Vụ việc được TGPL không?

* Đối với vụ việc hình sự:

Mục tiêu chung: Đánh giá được quá trình thực hiện TGPL của người thực hiện TGPL trong tham gia giải quyết vụ án

Các tài liệu cần nghiên cứu

Mục tiêu/Yêu cầu

Câu hỏi cần phải trả lời

- Kết luật điều tra; cáo trạng, các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ việc, hồ sơ vụ án (biên bản ghi lời khai của người làm chứng, biên bản ghi lời khai của người bị hại, biên bản đối chất, các biên bản khám xét, khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, biên bản thực nghiệm điều tra, kết luận giám định…và bản án của Tòa sơ thẩm, phúc thẩm, các cấp xét xử khác (nếu có)

- Trường hợp cần thiết, người đánh giá có thể đề xuất trưởng đoàn đánh giá để làm việc, phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng để tiếp cận Hồ sơ vụ án.

- Hiểu nội dung vụ án, diễn biến, hành vi phạm tội

 

- Người thực hiện TGPL có nắm được nội dung vụ án không?

- Có tài liệu nào thể hiện những điểm mâu thuẫn giữa bản cáo trạng và kết luận điều tra không? TGVPL có nhận biết được điều này không? Giải pháp của họ khi phát hiện ra là gì để bảo đảm có lợi cho người được Trợ giúp pháp lý?

- Diễn biến hành vi phạm tội của bị can, yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có)

- Các chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng dùng để chứng minh tội phạm và quan điểm, ý kiến đề nghị giải quyết vụ án của Cơ quan điều tra

- Mức độ tham gia của người thực hiện TGPL trong các hoạt động tố tụng?

+ Các hoạt động tố tụng đã tham gia? Có được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ không?

+ Số lần gặp người được TGPL hoặc người thân thích? Thể hiện bằng các tài liệu nào trong hồ sơ? Bao lâu sau khi được cử thì người thực hiện TGPL gặp gỡ người được TGPL?

+ Chứng cứ mà người thực hiện TGPL thu thập được? nó được thể hiện ở tài liệu nào trong hồ sơ?

+ Việc sử dụng thời gian người thực hiện TGPL có hợp lý không?

- Có tài liệu nào trong hồ sơ thể hiện việc tư vấn, trao đổi, thống nhất với người được TGPL, bao gồm cả lời bào chữa, chuyển hướng nếu có liên quan, v.v.

Quan điểm, kết quả giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng có tương xứng với hành vi phạm tội hay không.

- Tác động của việc thực hiện Trợ giúp pháp lý đến kết giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo thuận lợi hay bất lợi gì cho người được Trợ giúp pháp lý.

- Bài bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL có được chuẩn bị tốt không? Có phân tích và chỉ ra được quá trình phạm tội, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội; mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội không? Các tình tiết giảm nhẹ/tăng nặng? mức hình phạt đề nghị, mức bồi thường?

- Có tranh luận tại phiên tòa không? Được thể hiện bởi tài liệu nào?

- Các yếu tố khách quan nào ảnh hưởng đến kết quả làm việc của người thực hiện TGPL?

* Đối với vụ án dân sự

Mục tiêu chung: Đánh giá được quá trình thực hiện TGPL của người thực hiện TGPL trong tham gia giải quyết vụ án

Các tài liệu cần nghiên cứu

Mục tiêu/Yêu cầu

Câu hỏi cần phải trả lời

- Đơn khởi kiện, Yêu cầu phản tố;

- Hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn

- Chứng cứ, vật chứng, kết luận giám định…

- Các tài liệu, văn bản thể hiện kết quả các hoạt động tố tụng,…

- Biên bản hòa giải (Nếu có);

- Các tài liệu, chứng cứ do bị đơn cung cấp;

- Lời khai của những người tham gia tố tụng khác,

- Bản án có trong hồ sơ;

* Trường hợp cần thiết, người đánh giá có thể đề xuất trưởng đoàn đánh giá để làm việc, phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng để tiếp cận Hồ sơ vụ án.

- Hiểu đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để nắm bắt được điểm mấu chốt của vụ án;

- Người thực hiện TGPL có nghiên cứu nắm bắt được bản chất khách quan của vấn đề không?

- Có tài liệu nào thể hiện những điểm mâu thuẫn giữa yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị đơn không? TGVPL có nhận biết được điều này không? Giải pháp của họ khi phát hiện ra là gì để bảo đảm có lợi cho người được Trợ giúp pháp lý?

- Nguyên nhân, diễn biến của sự việc dẫn đến việc khởi kiện

- Yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có)

- Các chứng cứ chứng minh của các bên; quan điểm giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng

- Mức độ tham gia của người thực hiện TGPL trong các hoạt động tố tụng?

+ Các hoạt động tố tụng đã tham gia? Có được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ không?

+ Số lần gặp người được TGPL hoặc người thân thích? Thể hiện bằng các tài liệu nào trong hồ sơ? Bao lâu sau khi được cử thì người thực hiện TGPL gặp gỡ người được TGPL?

+ Chứng cứ mà người thực hiện TGPL thu thập được?

+ Việc sử dụng thời gian người thực hiện TGPL có hợp lý không?

- Người thực hiện TGPL có tư vấn về yêu cầu, đề nghị giám định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có) không? Các yêu cầu đó có được Toà án chấp nhận trong quá trình tố tụng không?  

- Tài liệu nào trong hồ sơ liên quan thể hiện sự tư vấn, trao đổi, thống nhất với người được TGPL, bao gồm cả việc định hướng bảo vệ, những vấn đề xẩy có thể xảy ra tại phiên tòa,…

Quan điểm, kết quả giải quyết của Tòa án có đúng không?

- Tác động của việc thực hiện Trợ giúp pháp lý đến kết giải quyết của Tòa đã tạo thuận lợi hay bất lợi gì cho người được Trợ giúp pháp lý?

- Có tham gia hòa giải trong vụ việc bắt buộc hòa giải không?

- Có tham khảo ý kiến chuyên môn, kinh nghiệm của đồng nghiệp, chuyên gia không? Thể hiện ở tài iệu nào?

- Bài bảo vệ của người thực hiện TGPL có được chuẩn bị tốt không?

- Có phân tích và chỉ ra được nguyên nhân, điều kiện phát sinh việc khởi kiện?

- Có tranh luận tại phiên tòa không? Được thể hiện bởi tài liệu nào?

- Có kế hoạch hỏi, đối đáp không? Được thể hiện ở tài liệu nào trong hồ sơ?

- Các yếu tố khách quan nào ảnh hưởng đến kết quả làm việc của người thực hiện TGPL?

* Đối với vụ việc hành chính

Mục tiêu chung: Đánh giá được quá trình thực hiện TGPL của người thực hiện TGPL trong tham gia giải quyết vụ án

Các tài liệu cần nghiên cứu

Mục tiêu/Yêu cầu

Câu hỏi cần phải trả lời

- Đơn khởi kiện;

- Hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn;

- Quyết định hành chính bị khởi kiện

- Chứng cứ, vật chứng, kết luận giám định…

- Các tài liệu, văn bản thể hiện kết quả các hoạt động tố tụng,…

- Các tài liệu, chứng cứ do bị đơn cung cấp;

- Lời khai của những người tham gia tố tụng khác,

- Biên bản đối thoại; Bản án có trong hồ sơ;

- Các tài liệu khác: các quyết định, công văn, tài liệu liên quan tới việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, bản án của Tòa án hành chính (nếu có)

* Trường hợp cần thiết, người đánh giá có thể đề xuất trưởng đoàn đánh giá để làm việc, phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng để tiếp cận Hồ sơ vụ án.

- Hiểu đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn để nắm bắt được điểm mấu chốt của vụ án;

- Người thực hiện TGPL có đánh giá đượcđơn có đủ các điều kiện do luật định không, chủ thể khởi kiện có năng lực hành vi đầy đủ không, động cơ khởi kiện của người khởi kiện, thời hiệu khởi kiện có phù hợp hay không?...

- Người thực hiện TGPL có nghiên cứu nắm bắt được bản chất khách quan của vấn đề không?

- Có tài liệu nào thể hiện những điểm mâu thuẫn giữa yêu cầu của nguyên đơn, phản tố của bị đơn không? TGVPL có nhận biết được điều này không? Giải pháp của họ khi phát hiện ra là gì để bảo đảm có lợi cho người được Trợ giúp pháp lý?

- Nguyên nhân, diễn biến của sự việc dẫn đến việc khởi kiện

- Yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có)

- Các chứng cứ chứng minh của các bên; quan điểm giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng.

- Mức độ tham gia của người thực hiện TGPL trong các hoạt động tố tụng?

+ Các hoạt động tố tụng đã tham gia? Có được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ không?

+ Số lần gặp người được TGPL hoặc người thân thích? Thể hiện bằng các tài liệu nào trong hồ sơ? Bao lâu sau khi được cử thì người thực hiện TGPL gặp gỡ người được TGPL?

+ Chứng cứ mà người thực hiện TGPL thu thập được?

+ Việc sử dụng thời gian người thực hiện TGPL có hợp lý không?

- Người thực hiện TGPL có tư vấn về yêu cầu, đề nghị giám định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có) không? Các yêu cầu đó có được Toà án chấp nhận trong quá trình tố tụng không?  

- Tài liệu nào trong hồ sơ liên quan thể hiện sự tư vấn, trao đổi, thống nhất với người được TGPL, bao gồm cả việc định hướng bảo vệ, những vấn đề xẩy có thể xảy ra tại phiên tòa,…

Quan điểm, kết quả giải quyết của Tòa án có đúng không?

- Tác động của việc thực hiện Trợ giúp pháp lý đến kết giải quyết của Tòa đã tạo thuận lợi hay bất lợi gì cho người được Trợ giúp pháp lý?

- Có tham gia đối thoại không?

- Có tham khảo ý kiến chuyên môn, kinh nghiệm của đồng nghiệp, chuyên gia không? Thể hiện ở tài iệu nào?

- Bài bảo vệ của người thực hiện TGPL có được chuẩn bị tốt không?

- Có phân tích và chỉ ra được nguyên nhân, điều kiện phát sinh việc khởi kiện?

- Có tranh luận tại phiên tòa không? Được thể hiện bởi tài liệu nào?

- Có kế hoạch hỏi, đối đáp không? Được thể hiện ở tài liệu nào trong hồ sơ?

- Các yếu tố khách quan nào ảnh hưởng đến kết quả làm việc của người thực hiện TGPL?

 

3.4. Xử lý các thông tin, ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc nghiên cứu, xử lý các ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về chất lượng vụ việc; các khiếu nại, đề xuất, kiến nghị hoặc thông tin, báo chí phản ánh (nếu có) được người đánh giá thực hiện cụ thể như sau:

- Đối với phản hồi về thái độ làm việc: Cần xem xét mối quan hệ giữa người thực hiện trợ giúp pháp lý với người được trợ giúp pháp lý hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và thái độ của họ trước khi đưa ra nhận định; đồng thời cần xem xét thái độ của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong nhiều vụ việc do họ thực hiện và trong suốt quá trình họ là người thực hiện trợ giúp pháp lý. Để từ đó, có thể xác định: nếu là sự quan liêu, hời hợt, thiếu nhiệt tình của người thực hiện trợ giúp pháp lý thì số điểm của tiêu chuẩn tương ứng sẽ được xác định bằng không; nếu là phản xạ bột phát, tức thời của họ phát sinh trong một tình huống cụ thể thì cân nhắc mức điểm phù hợp.

- Đối với phản hồi về nội dung: Phản hồi này thường là từ phía người được trợ giúp pháp lý. Cần xem xét việc thực hiện trợ giúp pháp lý đã phù hợp với quy định của pháp luật chưa vì trong nhiều trường hợp do không đạt được mong muốn của mình mà người được trợ giúp pháp lý có thái độ không hài lòng đối với người thực hiện trợ giúp pháp lý, nếu chỉ xem xét trên cơ sở thông tin, ý kiến của họ thì không đưa ra được nhận xét, đánh giá chính xác về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý mà cần xem xét kỹ nội dung trợ giúp pháp lý có phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội hay không, có bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người được Trợ giúp pháp lý hay không để đánh giá khách quan và chính xác chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý./.

Trần Nguyên Tú

Phó trưởng phòng – Phòng Tài chính và quản lý chất lượng TGPL

 

 

Xem thêm »