Điện Biên: Hội thảo định hướng xác định rào cản tiếp cận trợ giúp pháp lý

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-BTP ngày 19/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Dự án "Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế" do Ngân hàng thế giới tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản.


Ngày 02/11/2023, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên đã tổ chức Hội thảo định hướng xác định rào cản tiếp cận trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhằm nâng cao nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý và tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ trợ giúp pháp lý; tăng cường sự tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức xã hội phù hợp theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Đình Quế - Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu khai mạc

Chủ trì hội thảo là ông Phạm Đình Quế - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên. Tham dự hội thảo có Bà Vũ Thị Hường - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Quản đốc dự án và cán bộ đại diện Ban quản lý dự án Bộ Tư pháp; đại diện Ngân hàng Thế giới, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên; Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, Phòng Tư pháp 10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh; Lãnh đạo phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp, đại diện lãnh đạo, công chức tư pháp hộ tịch; người có uy tín trong cộng đồng tại 05 xã Ẳng Cang, Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Mường Đăng và thị trấn Mường Ẳng thuộc huyện Mường Ẳng; đại điện người được trợ giúp pháp lý tại Điện Biên…
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã được theo dõi phóng sự về các hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong những năm qua. Trong phóng sự đã nêu về quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý trong các vụ việc cụ thể, nổi bật lên những rào cản, e ngại khi tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân. Phóng sự đã gợi mở, định hướng đại biểu tham luận tập trung vào việc xác định rào cản tiếp cận trợ giúp pháp lý trên nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh để đưa ra giải pháp khắc phục khả thi trong thời gian tới.

 
Bà Vũ Thị Hường – Quản đốc Dự án phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo đã được nghe bà Vũ Thị Hường, thay mặt Ban quản lý dự án Bộ tư pháp, giới thiệu về mục đích, kế hoạch và các hoạt động của Dự án "Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế". Tại hội thảo, bà Vũ Thị Hường nêu bật mục tiêu tổng thể của dự án, đó là cải thiện việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và thúc đầy trao quyền pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý, tập trung vào các tỉnh được lựa chọn tại khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên. Trong đó, mục tiêu cụ thể của Dự án là nâng cao nhận thức của người dân về trợ giúp pháp lý và tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ trợ giúp pháp lý; tăng cường sự tham gia trợ giúp pháp lý của tổ chức xã hội phù hợp với quy định của pháp luật.
Hội thảo là hoạt động đầu tiên được thực hiện trong Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Dự án nhằm xác định những rào cản trong tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân. Trên cơ sở xác định những rào cản về văn hoá, giới tính, quyền riêng tư, ngôn ngữ và những hạn chế khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ ở các khu vực vùng sâu, vùng xa…, phân tích nguyên nhân của các rào cản này để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc để nâng cao khả năng tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân ở cơ sở, đặc biệt là nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số và những người dễ bị tổn thương khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

 
Đ/c Trần Thị Sáu – Phó Giám đốc Trung tâm tham luận tại Hội thảo

Hội thảo đã được nghe 17 tham luận và ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu tham dự. Cụ thể: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đại diện của Ngân hàng thế giới, đại diện Biên phòng tỉnh, Đoàn Luật sư tỉnh, đại biểu phòng Tư pháp huyện Mường Nhé,… Các ý kiến phát biểu tại hội thảo tập trung vào các rào cản trong quá trình người dân tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý. Cụ thể: nhấn mạnh về công tác phối hợp trong thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý; những khó khăn, vướng mắc của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong đời sống hàng ngày khi bị xâm phạm quyền lợi hay có hành vi vi phạm pháp luật; đặc biệt, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn khi tiếp cận pháp luật của các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, nạn nhân bị xâm hại, nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình,… Qua đó, các đại biểu tham dự hội nghị đã nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức ở cơ sở đối với công tác trợ giúp pháp lý và đề xuất giải pháp để bảo đảm quyền được tiếp cận công lý, được trợ giúp pháp lý cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
 
Một số hình ảnh tại Hội thảo

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự tại Hội thảo, tiếp thu những ý kiến của đại biểu, Ông Phạm Đình Quế - Giám đốc Sở Tư pháp kết luận: Hội thảo được tổ chức đã góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người dân thông qua giải quyết các rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý liên quan đến các yếu tố khác nhau như rào cản về văn hoá, giới tính, quyền riêng tư, ngôn ngữ, những hạn chế trong cung cấp dịch vụ ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Hội thảo đã trao đổi các nhóm vấn đề khó khăn, vướng mắc chính trong việc tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân, cụ thể là: Rào cản do bất đồng ngôn ngữ giữa những người làm công tác TGPL và người được TGPL là người dân tộc thiểu số; Rào cản về trình độ nhận thức hạn chế của người dân tộc thiểu số và nhóm người yếu thế; Rào cản về trạng thái tâm lý tự ti, mặc cảm, e ngại của những người nghèo, người yếu thế; Rào cản do khó khăn, thiếu thôn về kinh tế của người nghèo và nhóm yếu thế; Rào cản do khoảng cách địa lý giữa người dân vùng cao và tổ chức thực hiện TGPL. Rào cản từ sự quan tâm chưa đúng mức của một số cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác TGPL. Rào cản từ nguồn nhân lực và tài chính còn hạn chế của Trung tâm TGPL.
Trước những khó khăn, vướng mắc đã nêu, Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp để khắc phục khó khăn như: Tiếp tục thực hiện đa dạng các hoạt động truyền thông về TGPL để nâng cao nhận thức pháp luật về TGPL để người dân biết đến quyền được TGPL của mình và thực hiện yêu cầu TGPL khi có vướng mắc về pháp luật; Thực hiện tập huấn kiến thức và kỹ năng về TGPL cho đội ngũ làm công tác TGPL; cán bộ cơ sở, người có uy tín trong cộng đồng để kết nối, hướng dẫn người dân biết, tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí của Nhà nước; Tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm Trợ giúp pháp lý với các cơ quan tiến hành tố tụng, với chính quyền cấp xã; Xây dựng mạng lưới hỗ trợ công tác trợ giúp pháp lý tại cơ sở.. thông qua họ hướng dẫn người dân về trợ giúp pháp lý.; Tăng cường năng lực cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý như: bổ sung nguồn nhân lực, kinh phí nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý; đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc. Đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho những người làm công tác TGPL; Nâng cao hơn nữa nhận thức về trách nhiệm của cấp ủy đảng chính quyền trong công tác trợ giúp pháp lý, Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý và tổ chức thực hiện TGPL. Qua đó, góp phần đảm bảo quyền được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý của người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế trong xã hội.

 
Một số hình ảnh tại Hội thảo
                                        
           Lê An

Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Điện Biên