Luật người cao tuổi năm 2009 quy định, người cao tuổi là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số, Theo dự báo đến năm 2036 nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số.
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm tới người cao tuổi, đã ban hành nhiều chính sách chăm lo đời sống người cao tuổi. Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp 2013 khẳng định “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”; “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngày 20/6/2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì "Người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn về tài chính" thuộc diện người được trợ giúp pháp lý (Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý). Theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Như vậy, người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý. Giấy tờ để người cao tuổi trong trường hợp này được hưởng trợ giúp pháp lý gồm:
- Quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội;
- Giấy chứng nhận hộ cận nghèo kèm theo giấy tờ hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp xác định người có tên trong giấy là người cao tuổi.
Ngoài ra, người cao tuổi cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý, ví dụ như: Người cao tuổi là người có công với cách mạng, người cao tuổi là người thuộc hộ nghèo, người cao tuổi là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Từ khi triển khai Luật Trợ giúp pháp lý đến nay, trong giai đoạn 2018 đến hết năm 2023 khoảng hơn 8 nghìn lượt người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý. Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng được chú trọng. Qua báo cáo của các địa phương và qua theo dõi việc thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý, hầu hết, các vụ việc trợ giúp pháp lý (trong đó có vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi thuộc đối tượng được TGPL) được đánh giá là đạt chất lượng trở lên, không có vụ việc nào bị khiếu kiện về chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, có những vụ việc người cao tuổi thuộc diện được trợ giúp pháp lý được bào chữa vô tội, được giảm hình phạt, được chuyển tội danh nhẹ hơn trong vụ việc hình sự hoặc thắng kiện, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong vụ việc dân sự và hành chính.
Sau đây xin giới thiệu một số vụ việc trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính đã thực hiện trong thời gian qua:
1. Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính là bị đơn trong vụ việc tranh chấp hợp đồng đặt cọc
Ông bà Q có thỏa thuận chuyển nhượng diện tích 340m2 đất với giá 175 triệu đồng cho ông H. Hai bên đã xác lập, ký kết hợp đồng đặt cọc và ông H đã đặt cọc cho vợ chồng ông bà Q 30 triệu đồng, hẹn 45 ngày sẽ trả hết tiền sau khi làm xong thủ tục chuyển nhượng, tách thửa quyền sử dụng đất. Theo hợp đồng, nếu vi phạm ông H sẽ mất tiền đặt cọc; ngược lại nếu vi phạm ông bà Q chịu phạt cọc gấp 03 lần số tiền đặt cọc. Quá thời hạn 45 ngày ông H vẫn chưa thực hiện tách thửa, làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đấy đất, lại còn chuyển nhượng qua tay 02 người khác. Thấy ông H vi phạm hợp đồng, nên ông bà Q đã không tiếp tục thực hiện chuyển nhượng và không trả tiền cọc. Ông H đã khởi kiện ra TAND huyện yêu cầu ông bà Q trả tiền cọc và chịu phạt cọc.
Ông bà Q là người cao tuổi có khó khăn về tài chính, là bị đơn trong vụ việc đã yêu cầu Trung tâm TGPL nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Trong vụ việc này, trợ giúp viên pháp lý đã hướng dẫn người được TGPL – bị đơn chuẩn bị hồ sơ và làm đơn phản tố độc lập. Thu thập chứng cứ, tài liệu, liên hệ với người có liên quan nhằm chứng minh nguồn gốc sử dụng đất để bảo vệ quyền sử dụng đất cho người được trợ giúp pháp lý… Tại phiên tòa, trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị Hội đồng xét xử, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn trả lại tiền cọc và phạt tiền cọc gấp 03 lần như theo hợp đồng đặt cọc các bên giao kết. Buộc phía nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho vợ chồng bị đơn theo quy định của pháp luật. Đồng thời buộc nguyên đơn chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản để hoàn trả lại cho bị đơn số tiền 3.000.000 đồng đã nộp tạm ứng.
Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân huyện trong vụ việc này như sau: Đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bị đơn H, yêu cầu nguyên đơn trả lại tiền đặt cọc cho bị đơn; chấp nhận ½ số tiền 5.589.000 đồng yêu cầu phản tố của bị đơn đòi nguyên đơn bồi thường thiệt hại tài sản trên đất; buộc bị đơn hoàn trả ½ số tiền (3 triệu ) chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản cho bị đơn.
Kết quả, hội đồng xét xử đã quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bị đơn H, yêu cầu nguyên đơn trả lại tiền đặt cọc cho bị đơn; không chấp nhận yêu cầu phạt cọc với bị đơn.Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc nguyên đơn phải bồi thường thiệt hại cho bị đơn số tiền 5.589.000 đồng. Buộc nguyên đơn hoàn trả cho bị đơn số tiền 3.000.000 đồng tiền về chi phí thẩm định, định giá tài sản tại chỗ mà bị đơn đã nộp tạm ứng.
Như vậy, tính thành công của vụ việc này là trợ giúp viên pháp lý giúp bị đơn, đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn và đã được Tòa án chấp nhận, buộc nguyên đơn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại tài sản trên đất và buộc nguyên đơn phải chịu toàn bộ chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản.
2. Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính là nguyên đơn trong vụ việc yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chia di sản thừa kế
Bố mẹ bà V, bà H sinh được 8 người con (02 người con là liệt sỹ). Khi còn sống, bố mẹ 02 bà tạo lập được khối tài sản là quyền sử dụng đất ở, đất vườn với diện tích 1.384 m2 đất. Khi mất đi bố mẹ 02 bà không để lại di chúc, không làm các thủ tục tách nhập, thửa đất hay tặng cho bất kỳ người con nào. Tuy nhiên, theo các bà không hiểu lý do tại sao vào năm 2017 người con út là ông T lại được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ bà với diện tích 1.379.1m2 (318 m2 đất ở; 1.061.1 đất cây lâu năm) mà không có sự đồng ý các thành viên trong gia đình, trong đó có 02 bà. Không đồng ý việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T nên bà V, bà H và 3 người con khác làm đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông T; chia di sản thừa kế về đất và tài sản trên đất bố mẹ để lại theo đúng pháp luật.
Bà V và bà H là người cao tuổi có khó khăn về tài chính, là nguyên đơn trong vụ việc đã yêu cầu Trung tâm TGPL nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Trong vụ việc này, Trợ giúp viên pháp lý đã hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý là nguyên đơn làm hồ sơ khởi kiện, thu thập Hồ sơ giấy tờ về nguồn gốc đất và các Giấy tờ có liên quan khác. Tại phiên tòa, trợ giúp viên pháp lý đã đề nghị Hội đồng xét xử hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình ông T vì việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này không được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình là vi phạm các quy định của pháp luật đất đai và pháp luật dân sự. Chia đều di sản thừa kế diện tích 1.379.1m2 đất đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông T thành 06 phần bằng nhau cho 06 người con, do đó đề nghị chia bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho 05 người khởi kiện trong đó có bà V, bà H.
Kết quả, Hội đồng xét xử quyết định hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình ông T; chia di sản thừa kế ½ QSD đất (689.5m2) trên Giấy chứng nhận QSD đất đã cấp cho gia đình ông Tám thành 06 phần bằng nhau cho 06 người con và 01 phần thêm cho công sức tôn tạo thửa đất của gia đình ông T (tức diện tích đất 689.5 m2 được chia thành 07 phần là 98.5 m2/phần) và một phần căn nhà bố mẹ để lại nhưng bằng tiền chứ không bằng giá trị quyền sử dụng đất theo yêu cầu của người khởi kiện.
3. Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính là nguyên đơn trong vụ việc tranh chấp đất đai
Bà T khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà và bà Q đối với phần diện tích đất 85 m, tờ bản đồ số 16, thửa 1025 và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà T và anh N đối với phần diện tích đất 69,8 m, tờ bản đồ số 16, thửa 1026 vô hiệu với lý do bà Q, anh N đã vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, vì hợp đồng tặng cho nêu trên có điều kiện. Bị đơn bà Q, anh N cho rằng hợp đồng tặng cho được lập hợp pháp, hợp đồng không có ghi điều kiện. Bà Q và anh N đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà T. TAND thị xã xét xử sơ thẩm và tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn của bà T. Bà T kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thị xã.
Bà T là người cao tuổi có khó khăn về tài chính, đã yêu cầu Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cử Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Kết quả, mặc dù Tòa án nhân dân tỉnh không chấp nhận yêu cầu hủy 02 hợp đồng tặng cho giữa bà T và bà Q, anh N như bản án sơ thẩm, nhưng đã nhận định rằng, hợp đồng tặng cho có điều kiện là bà T được quyền ở trên nhà đất và được quản lý, sử dụng tiền cho thuê nhà hàng tháng. Việc này cũng được phía bị đơn xác nhận và đồng ý để bà T tiếp tục nhận tiền cho thuê nhà để chi tiêu, sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe đến cuối đời, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không ghi nhận nội dung này vào phần quyết định của bản án là không đảm bảo quyền lợi của bà T.
4. Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính là bị đơn trong vụ việc tranh chấp quyền về lối đi qua; xác định lối đi chung
Nguyên đơn trong vụ việc là anh T trình bày, nguồn gốc đất có lối đi đang tranh chấp này do cha mẹ anh nhận chuyển nhượng từ lâu, từ khi anh sinh ra và lớn lên thì đã thấy có lối đi này. Tuy nhiên, thực chất, phần lối đi này thuộc quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của anh, gia đình anh để cho hộ nhà bà P, anh D đi từ trước đến nay. Do phía nhà bà P, anh D sử dụng phần diện tích đất của anh làm lối đi nhưng anh D lại có thái độ không tốt, gây sự với gia đình anh và cho rằng đây là lối đi chung khiến anh bức xúc. Vì thế, nay anh khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà P không được sử dụng phần diện tích đất đang tranh chấp làm lối đi chung vì đây là diện tích đất thuộc quyền sử dụng của anh. Anh T xác định hộ nhà bà P, anh D không còn lối đi nào khác nhưng phải tự thỏa thuận mở lối đi khác chứ không được đi qua phần diện tích đất đang tranh chấp.
Bà P là bị đơn trong vụ việc này, là người cao tuổi có khó khăn về tài chính nên đã được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà.
Tại phiên tòa, đại diện viện kiểm sát đề nghị chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T về việc xác định phần đất tranh chấp 20m2 thuộc quyền sử dụng đất của anh T; Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bà P. Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà P, đề nghị hội đồng xét xử tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T; xem xét chấp nhận yêu cầu phản tố của bà P về xác định lối đi chung, xác nhận phần lối đi chung diện tích 20m2.
Kết quả, căn cứ Điều 26, 157, 165, 200, 201, 228 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Điều 254 Bộ luật dân sự; Điều 106, 171 Luật Đất đai và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T; chấp nhận yêu cầu phản tố của bà P về xác định lối đi chung, xác nhận phần lối đi chung diện tích 20m2, giữ nguyên hiện trạng, điều chỉnh phần diện tích đất tranh chấp 20 m2 (trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh T) thành đường đi công cộng.
5. Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính trong vụ chia tài sản thừa kế
Bà D và chồng là ông P có tài sản chung gồm nhà và đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Ngày 10/12/1999, ông P lập Di chúc có xác nhận UBND phường. Năm 2016 ông P chết, thời điểm đó không có thêm một bản di chúc nào khác. Nội dung chính di chúc ông P để lại như sau: "Nếu tôi qua đời trước bà D thì tôi đề nghị chính quyền và các ban ngành cùng gia tộc cho bà D có quyền sử dụng và quản lý toàn bộ nhà đất và tài sản mà tôi với bà D và các con xây đắp. Sau khi tôi qua đời bất cứ ai hoặc con tôi giữ đạo làm con đền đáp mẹ kế nuôi thì bà cho đó là quyền của bà. Bà D và ông P không có con chung. Sau khi ông P chết, bà D nhiều lần đề nghị các con của ông P thực hiện đúng di nguyện của ông P để lại nhưng không ai tôn trọng bản di chúc và gây khó dễ cho bà D. Vì vậy bà D đã khởi kiện tại Tòa án yêu cầu chia thừa kế theo Di chúc.
Bà D là người cao tuổi có khó khăn về tài chính, đã yêu cầu Trung tâm TGPL nhà nước cử người bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp cho mình. Người thực hiện TGPL cho bà D đã nghiên cứu, sao chụp hồ sơ tài liệu liên quan đến vụ án, gặp gỡ bà D để trao đổi, tư vấn cho bà D những vấn đề có lợi cho bà để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho bà. Sau các buổi làm việc và hòa giải, ngày 18/8/2020 các bên đương sự đã thống nhất thỏa thuận giải quyết vụ án, theo đó bà D được toàn quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc của ông P, tuy nhiên bà đồng ý để lại cho ông H toàn quyền sử dụng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất và ông H chấp nhận thanh toán giá trị của di sản cho bà D với số tiền 250 triệu đồng.
6. Trợ giúp pháp lý cho người cao tuổi có khó khăn về tài chính là người khởi kiện trong vụ án hành chính khiếu nại hành vi hành chính về quản lý đất đai
Bà L gửi hồ sơ xin xác định diện tích đất ở của thửa đất số 399, tờ bản đồ số 12, với diện tích 1.542.m2 (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được UBND huyện cấp), tuy nhiên Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Q trả lời bà L rằng hồ sơ của bà L không đảm bảo quy định theo khoản 5 Điều 24 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Nhận thấy việc giải quyết của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q như vậy là gây thiệt hại đến quyền lợi ích của gia đình bà. Do đó. Bà L đã khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh buộc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Q thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tiếp nhận lại hồ sơ xác định lại diện tích đất ở và trình UBND huyện công nhận diện tích đất ở đối với thửa đất số 399, tờ bản đồ số 12, diện tích 1.542.m2 cho hộ bà theo đúng quy định của pháp luật. Tòa án nhân dân tỉnh ban hành Bản án hành chính sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của bà L. Không đồng ý với kết quả đó bà L có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Bà L là người cao tuổi có khó khăn về tài chính, đã yêu cầu Trung tâm TGPL nhà nước cử người bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp cho mình. Người thực hiện trợ giúp pháp lý đưa ra các chứng cứ và các quy định của pháp luật có liên quan đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là bà L và sửa toàn bộ Bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của bà L.
Kết quả, hội đồng xét xử tòa án nhân dân cấp cao đã chấp nhận đề nghị của người thực hiện TGPL, tuyên chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện bà L, sửa Bản án hành chính sơ thẩm của TAND tỉnh buộc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Q thuộc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh tiếp nhận lại hồ sơ để xác định lại diện tích đất ở và trình UBND huyện Q công nhận diện tích đất ở đối với thửa đất số 399, tờ bản đồ số 12, diện tích 1.542.m2 cho hộ bà theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Với những kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý trong từng vụ việc cụ thể có thể khẳng định hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện các chính sách an sinh của Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế, trong đó có người cao tuổi có khó khăn về tài chính; hoạt động trợ giúp pháp lý đã kịp thời bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi có khó khăn về tài chính nói riêng và người cao tuổi thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý nói chung khi họ có vướng mắc về pháp luật, tạo niềm tin vào công lý của người dân với Đảng và Nhà nước./.
Ngân Giang