Tiền Giang: Tăng cường tuyên truyền, trợ giúp pháp lý về thừa kế cho Câu lạc bộ người điếc

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là một trong những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong thời gian qua

Ngày 13/11/2022, tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, đường Nguyễn Thị Thập, tổ 11, khu phố 8, phường 5, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Chi hội Luật gia Sở Tư pháp đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước(TTTGPLNN) tỉnh Tiền Giang  tổ chức tập huấn, phổ biến pháp luật về thừa kế cho 49 thành viên (trong đó có 20 nữ) của Câu lạc bộ người điếc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Long An.
 1. Sự khó khăn hòa nhập cộng đồng của người khiếm thính
So với những người khuyết tật khác, người khiếm thính gặp rất nhiều khó khăn để hòa nhập với xã hội. Bởi vì người khiếm thị có sách nói, được học chữ nổi, người bị khuyết tật tay, chân có nhiều cách để giao tiếp với cộng đồng. Nhưng người khiếm thính (dân gian thường gọi chung là người điếc), họ bị giới hạn khả năng giao tiếp, không nghe được, dẫn đến khả năng nói bị ảnh hưởng nên bên cạnh bị điếc, họ còn bị ngọng hoặc câm. Môi trường giao tiếp của họ rất nhỏ hẹp và chỉ có thể giao tiếp ở mức tối thiểu với người xung quanh thông qua ngôn ngữ cơ thể mà rất ít người có thể hiểu được. Do vậy, họ là đối tượng yếu thế thường dễ bị người xung quanh kỳ thị, xa lánh hoặc bị lợi dụng, bị lừa đảo... Chính vì vậy, việc tuyên tuyền pháp luật, trợ giúp pháp lý đối với người điếc là rất cần thiết.
 2. Sự nhiệt tình tận tâm của báo cáo viên, phiên dịch viên
Trong một gian phòng nhỏ của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Tiền Giang, không khí học tập rất nghiêm túc, khẩn trương mà cũng không kém phần hào hứng, hấp dẫn.
Với sự hướng dẫn chi tiết, cặn kẽ, nhiệt tình, tận tâm của Báo cáo viên - Trợ giúp viên pháp lý Trần Xuân Hòa, cùng với sự nỗ lực không ngừng của 02 phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu Trần Thị Ngọc Lan, Trần Trung Hiệp (thuộc Dịch vụ phiên dịch Ngôn ngữ ký hiệu Nắng Mới, TP. Hồ Chí Minh), cuộc tập huấn pháp luật thừa kế không chỉ đơn thuần là việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nữa, mà giống như một cuộc giao lưu, học hỏi, trao đổi kiến thức, tư vấn pháp luật. Vì sự hạn chế trong ngôn ngữ ký hiệu của các bạn học viên, báo cáo viên phải nhanh chóng chuyển tải ngôn ngữ pháp lý khô khan thành những từ ngữ, sơ đồ đơn giản, dễ diễn tả, hoặc lồng ghép thành những câu chuyện pháp lý xảy ra trong cuộc sống hàng ngày để truyền tải kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cho các bạn học viên. Mặc dù là những người được đào tạo ngôn ngữ của người khiếm thính, nhưng các phiên dịch viên cũng không kém phần vất vả vì kiến thức pháp luật của các bạn có phần hạn chế. Mặt khác, khả năng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của các học viên là không đồng đều, nên rất khó thể hiện nội dung mà các bạn muốn biết hoặc muốn được giải đáp. Vì vậy, các báo cáo viên và phiên dịch viên phải thường xuyên trao đổi hai chiều, lựa chọn sử dụng ngôn ngữ, ký hiệu hoặc chữ viết sao cho đơn giản nhất để các bạn học viên hiểu đúng, chính xác các quy định pháp luật.
Ở chiều ngược lại, các bạn học viên không chỉ tập trung nghiêm túc nhìn xem cử chỉ của người phiên dịch, còn mạnh dạn thảo luận với nhau, trao đổi với báo cáo viên để có thể hiểu rõ sâu sắc hơn về những khái niệm, thuật ngữ pháp lý khá mới mẻ, phức tạp mà còn đưa ra những tình huống phát sinh từ đời sống thường ngày của gia đình hoặc trong cuộc sống để nhờ báo cáo viên tư vấn, giải đáp tình huống hoặc đưa ra biện pháp ứng xử phù hợp quy định pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, gia đình hoặc thậm chí tư vấn cho bạn bè, người cùng hoàn cảnh với mình.

Từ trái qua: Phiên dịch viên Ngọc Lan, anh Văn Thanh - PGĐ Trung tâm HTPTGD hòa nhập, Báo cáo viên Xuân Hòa, phiên dịch viên Hiệp; chị Lê Huỳnh Trang - PGĐ Trung tâm TGPLNN tỉnh Tiền Giang (thứ hai từ phải qua) cùng đại diện CLB người điếc tỉnh Tiền Giang, hội viên Chi hội Luật gia Sở Tư pháp
Chia sẻ với các báo cáo viên, bạn Nguyễn Thị Thùy Dương tâm sự: "Em có cảm nhận trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề khác nhau nhưng nhờ tham gia tập huấn hôm nay, em được học và biết thế nào là tài sản, di sản, người thừa kế, hàng thừa kế... Em hy vọng là mình sẽ được học nhiều hơn nữa về pháp luật để mở mang kiến thức, giúp em giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong gia đình, trong đời sống hằng ngày mà bình thường em không biết hỏi ai, không biết nhờ ai để tư vấn, hỗ trợ cho mình. Em rất hạnh phúc vì cảm nhận mình biết được nhiều kiến thức hơn so với ngày hôm qua".
Trải qua 01 ngày tham gia tập huấn, bạn Trần Nguyễn Ngọc Đức cũng chia sẻ: Đối với người điếc chúng em rất khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng so với những người nói khác, chúng em cần tìm hiểu rất nhiều kiến thức pháp luật để tốt hơn cho cuộc sống sau này. Báo cáo viên và 2 phiên dịch viên rất nhiệt tình, tận tâm. Nội dung tập huấn rất hay, bên trong còn rất nhiều vấn đề mà em sẽ cần tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn nữa. Em nghĩ, mình phải học tập không ngừng, phải tập trung vào từng đối tượng, sự việc, để biết đúng, sai, để làm đúng theo pháp luật".
Chị Lê Huỳnh Trang, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Sở Tư pháp, Phó Giám đốc TTTGPLNN tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: Người yếu thế nói chung, người khuyết tật nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Khi có vấn đề liên quan đến pháp luật, người khuyết tật hãy liên hệ Trung tâm TGPLNN - Sở Tư pháp (375 Hùng Vương, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, ĐT: 02733.989.494 hoặc Trung tâm TGPLNN tỉnh nơi đang cư trú) để được tư vấn pháp luật, cử người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí. Đặc biệt chú ý nên tư vấn trước khi giải quyết vấn đề, để sự việc xảy ra rồi giải quyết sẽ khó khăn, phức tạp hơn nhiều.

Thùy Trang